Thứ Hai, 06/01/2025 Mới nhất
Zalo

Đồng tiền bóng đá!

Thứ Ba 01/05/2012 20:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Vụ tranh chấp thương quyền bóng đá Việt Nam tưởng nóng đến là thế bỗng khép lại bằng cái kết “êm” tới mức chẳng ai có thể ngờ. Mức cam kết tối thiểu 50 tỷ đồng/mùa của VPF, nếu thành hiện thực, sẽ là khoản thu lớn nhất trong lịch sử làng bóng đá Việt.

Từ bao cấp đến CLB 10 tỷ

Có lịch sử hơn 100 năm (theo những tài liệu cũ, bóng đá được người Pháp du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1896), nhưng có lẽ sự phát triển một cách đầy đủ nhất của bóng đá Việt Nam chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1980 bằng sự ra đời của giải vô địch quốc gia.

Thập niên 1980, thời bao cấp, bóng đá lúc ấy cũng là thứ bóng đá bao cấp hoàn toàn. Dựa hẳn vào ngân sách nhà nước, các đội bóng thời kỳ này đều là đại diện của tỉnh, thành hoặc ngành nghề quan trọng như: Quân đội, Công an, Đường sắt, Hải Quan, Công nghiệp, Lương thực thực phẩm, Điện, Cảng... , nhiều cầu thủ đi đá bóng chỉ để mong được vào... biên chế nhà nước! Điều này cũng lý giải tại sao, thời ấy, chức vô địch luôn thuộc về các đội bóng có truyền thống hơn.

Vụ tranh chấp thương quyền bóng đá Việt Nam tưởng nóng đến là thế bỗng khép lại bằng cái kết êm tới mức chẳng ai có thể ngờ
Vụ tranh chấp thương quyền bóng đá Việt Nam tưởng nóng đến là thế bỗng khép lại bằng cái kết êm tới mức chẳng ai có thể ngờ

Thời mở cửa cùng sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường, đời sống bóng đá cũng chuyển biến đến chóng mặt. Những tượng đài cũ lần lượt sụp đổ, sau cùng là việc Thể Công tan rã năm 2009, ở tuổi 55. Chỗ dựa mang tên ngân sách dần được thay bằng nguồn kinh phí mang tên tài trợ, quảng cáo. Nay người ta nói nhiều đến cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp, nhưng ít ai còn nhớ rằng, chính nhờ 2 triệu USD tiền tài trợ mỗi năm từ Công ty Strata, bóng đá Việt mới bắt đầu bước sang lộ trình mới. Bên cạnh tiền nhà nước, nay có thêm tiền tài trợ.

Ít năm sau, doanh nghiệp bắt đầu nhảy vào làm bóng đá đỉnh cao, để thêm lần nữa “cáo chung” cho thứ bóng đá nghiệp dư vốn thoái trào và chìm trong cơn lốc tiêu cực. Bắt đầu là “gỗ”, “gạch”, sau đó là hàng loạt doanh nghiệp để mở ra trào lưu mới nhanh chóng thắng thế trên sân cỏ nội - trào lưu bóng đá doanh nghiệp. Thời ban đầu chuyên nghiệp ấy, còn tồn tại một khái niệm VIP - CLB 10 tỷ đồng - tức là đội bóng có kinh phí từng đó để nuôi quân mỗi mùa.

Và tới lúc bóng đá đẻ ra tiền?

Nói 10 tỷ với dân làm bóng đá chuyên nghiệp lúc này có lẽ chỉ nhận được cái... bĩu môi! Đơn giản, số tiền ấy chưa đủ để “lót” tay cho một ngôi sao nội, nói gì đến việc nuôi quân cả mùa. Tất nhiên, khi bóng đá nằm trong tay các doanh nghiệp, phí nuôi quân luôn là điều tuyệt mật, nhưng ước tính cũng phải vượt đến cả chục lần. Nhưng dù chuyển từ tiền bao cấp sang tiền tài trợ và nay là tiền túi của các ông bầu, thì có một thực tế không thể phủ nhận bóng đá Việt chưa bao giờ là chính chuyên, theo cái nghĩa tự làm ra tiền để nuôi sống chính mình.

Tất nhiên, các ông bầu đầu tư vào bóng đá đều có những mục tiêu kinh doanh mà không ít người thu được thành công lớn. Chỉ có điều, với họ, bóng đá luôn là thứ phương tiện, chứ không là mục tiêu kinh doanh. Bóng đá Việt Nam, bản thân chưa bao giờ sinh lợi kể cả khi sân đầy ắp khán giả như Lạch Tray hay bản hợp đồng bản truyền hình dài đến 20 năm giữa AVG và VFF... Bởi vậy việc “có không” được bản quyền truyền hình cùng cam kết mang lại lợi nhuận tối thiểu 50 tỷ đồng/năm từ VPF đáng được xem là cú sinh lợi lớn đầu tiên của bóng đá nước nhà.

Bóng đá Việt Nam đã tới lúc đẻ ra tiền! Đúng, nếu nhìn vào cú “đảo chân, lấy bóng” ngoạn mục vừa qua của VPF và theo tuyên bố của nhóm các ông bầu lãnh đạo tổ chức này thì số tiền không dừng ở mức đó, có thể lên tới... 500 tỷ đồng! Chỉ có điều, đằng sau những con số to tát trên, ai cũng dễ nhận thấy, đó không hề là số tiền mà tự bóng đá Việt Nam “đẻ ra”, khi thực chất là thêm một lần nữa, các ông bầu lại cùng dốc hầu bao đổ vào bóng đá. VPF mang lại nhiều tiền hơn là điều đáng quý, nhưng quan trọng hơn với bóng đá nước nhà vẫn phải là sự phát triển tương xứng về chuyên môn.

Đâu xa, nửa mùa giải 2012 này, dưới sự quản lý, điều hành của VPF, bộ mặt sân chơi nội vẫn chưa hề được cải thiện và... chưa biết bao giờ mới thực sự cải thiện. Vậy kiếm tiền có quá quan trọng không?

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X