Thứ Hai, 06/01/2025 Mới nhất
Zalo

Chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam: "Chợ chiều đừng mong bom tấn"

Chủ Nhật 23/06/2013 21:04(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Sẽ là vội vã khi kết luận, bóng đá nội với cơn bão tài chính quét qua kể từ cuối năm 2012, khiến các bản hợp đồng bom tấn không còn xuất hiện. Vẫn có những ngoại lệ với các ngôi sao ngoại và tất nhiên, nó chỉ diễn ra ở các đội bóng giàu tham vọng, cũng như tiềm lực tài chính.

Xi măng Vicem Hải Phòng (XM V.HP) hay Becamex Bình Dương (B.BD) là những điển hình giàu cả tham vọng lẫn tài chính đó. Chỉ có điều, nó quá ít và quá yếu so với hai năm về trước, khi nội binh dù không phải sao số cũng có thể “cất cao tiếng hát”. Việc XMV.HP sẵn sàng bỏ ra 1,5 tỷ đồng để mua lại một năm hợp đồng của cựu trung vệ đội trưởng câu lạc bộ Vissai Ninh Bình, Như Thành, là động thái khá hiếm hoi trong thị trường chuyển nhượng buổi chợ chiều.

Việt Thắng (8) là cầu thủ nội có tổng số tiền chuyển nhượng thuộc hàng khủng
Việt Thắng (8) là cầu thủ nội có tổng số tiền chuyển nhượng thuộc hàng khủng

Đã có thời hoàng kim

Thị trường chuyển nhượng là một trong những nút thắt quan trọng với hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp. Nếu hoạt động đúng quy củ, nó còn là gói kích cầu thúc đẩy sự phát triển cho không chỉ giải đấu, nền bóng đá và cả làng túc cầu thế giới. Giải bóng đá Ngoại hạng Anh vẫn được biết đến như thiên đường trước đây, thì trong khoảng ba năm đổ lại, không một ngôi sao hàng đầu thế giới nào tìm đến xứ sương mù, ngược lại, vài ngôi sao thành danh có ý đào tẩu. Nhìn vào thị trường chuyển nhượng, người ta có thể đoán ra phần nào năng lực tài chính và năng lực chinh phục của giải đấu.

Sau ít nhất 10 năm trở lại đây, khi bóng đá Việt Nam bước lên chuyên nghiệp, với thương vụ Minh Phương chuyển về Đồng Tâm Long An (giá 400 triệu đồng, mùa bóng 2003) và Công Vinh (được cho là 12 tỷ đồng khi rời Hà Nội T&T đầu quân cho Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội đầu mùa giải 2012), giá cầu thủ tăng hơn 3.000%, quá khủng khiếp ! Cả Minh Phương và Công Vinh đều thuộc hàng sao số, với giá trị sử dụng cao, nên so sánh là không hề khập khiễng. Khác biệt lớn nhất nằm ở thời điểm và sự “điên loạn” của thị trường cầu thủ Việt Nam thời kỳ bóng đá doanh nghiệp.

Cao trào của V-League thực sự bắt đầu từ cột mốc 7 tỷ đồng cho thương vụ Công Vinh gia nhập Hà Nội T&T ở kỳ chuyển nhượng mùa hè năm 2008. Đến năm 2011, Quang Hải, Phước Tứ, Minh Đức… có giá trên dưới chục tỷ đồng cho những hợp đồng ba năm. Nhưng đỉnh cao vẫn là Công Vinh, bằng bản hợp đồng ký mới với Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội (2012) có điều khoản giải phóng hợp đồng lên đến 20 tỷ đồng (tức gấp đôi giá trị bản hợp đồng). Chúng ta đang chỉ bàn đến thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội và một trong những cái tên đình đám khác chưa được nhắc tới, đó là Như Thành…

Đến khi cung vượt cầu

Có câu: “Chỉ có người đẻ ra người, chứ đất không thể sinh ra đất”. Khi V-League 2013 bất ngờ tự bóp lại chỉ còn 12 đội (sau sự rút lui của Navibank Sài Gòn và Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội) và hạng Nhất cũng chỉ còn 8 câu lạc bộ, dễ tưởng tượng tới một cuộc khủng hoảng thừa trên thị trường chuyển nhượng bóng đá nội địa. Thực tế cho thấy, những Goia Cosmin, Milorad (SHB Đà Nẵng) hay Nastja Ceh, Mạc Hồng Quân (Thanh Hóa) và Gilberto (XMV.HP) là những tân binh hiếm hoi tìm được việc ở V-League mùa này. Rất đông các cầu thủ loại hai bị đào thải và thất nghiệp, vì thiếu đất diễn.

Sự ảm đạm của thị trường là một thực tế, mà cơn bão tài chính chạm vào địa hạt bóng đá kể từ mùa giải 2012 đến nay, bị xem là tác nhân chính. Ngoài ra, cung cách làm bóng đá theo kiểu ăn xổi, cũng là một lý do khách quan khác. Dân trong nghề vẫn quả quyết rằng, ngay lúc này vẫn không thiếu những ông chủ sẵn sàng đầu tư trở lại bóng đá?! Nhưng như con chim sợ cành cong, họ đã không động thủ. Bóng đá Việt Nam cấp câu lạc bộ chưa phải ngành công nghiệp giải trí, hái ra tiền hay ít nhất có thể tự nuôi sống mình, trong quá khứ và cả thì tương lai.

Trong năm 2013, với V-League và giải hạng Nhất chỉ có những bản hợp đồng ký ngắn hạn, mà đếm nhanh không hết các đầu ngón tay của hai bàn tay. Như Thành sau khi đã thuyết phục được lãnh đạo XMV.HP bỏ ra 1,5 tỷ đồng để mua lại một năm hợp đồng của anh với đội bóng cũ Vissai Ninh Bình, chỉ nhận thêm chút ít, gọi là tiền “chè thuốc” hay “lót tay” đến hết mùa giải năm nay. Các trường hợp của Tài Em, Việt Cường, Long Giang, Minh Triết… (từ Navibank Sài Gòn chuyền về Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn) thậm chí còn không có “phí bôi trơn”.

Có hay không viễn cảnh “thời kỳ đồ đá”?

Từ khoảng ba năm trước, vài người có trí tưởng tượng phong phú đã vẽ ra cảnh chợ chiều của bóng đá Việt Nam cấp câu lạc bộ, khi các ông chủ lần lượt rửa tay gác kiếm, “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Nhưng không ngờ là nó lại đến sớm và để lại vết thương quá lớn như thế cho cả nền bóng đá. Phần lớn các ông bầu đều bắt đầu đến với bóng đá bằng tình yêu, nên khi hết đam mê rồi, chia tay cũng là điều dễ hiểu. Đòi hỏi một văn bản pháp lý, ràng buộc là điều xa xỉ. Bóng đá Việt Nam vẫn chỉ như tằm ăn rỗi, thậm chí là ăn bám bầu sữa doanh nghiệp, thế nên...

Kể ra cũng chưa đến độ bi đát thế, bởi ít nhất so với những năm đầu bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, với một trong những bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên được ký (trường hợp của Minh Phương như đã nhắc ở trên), ngay lúc này, ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa vừa qua, vẫn có những cầu thủ nội đạt cột mốc xấp xỉ 1 tỷ đồng cho nửa mùa giải. Ví như Mai Tiến Thành (chuyển từ Vissai Ninh Bình về Thanh Hóa với giá 700 triệu, chưa “lót tay”), Mạc Hồng Quân hay các phi vụ khác như Đức Cường, Đặng Văn Robert (B.BD)…
 

Trong một bài trả lời phỏng vấn trên Thể thao và Văn hóa Cuối tuần mới đây, chuyên gia Phan Anh Tú cho rằng, việc thị trường chuyển nhượng bi đát như hiện tại, có khi lại hay?! Bởi đó là khi bóng đá Việt Nam trở về với đúng giá trị thực của nó (chứ không phải giá ảo) và các trận đấu, giải đấu cũng bớt bị chi phối bởi tiền, nên có thể sẽ sạch hơn. Đấy cũng là một quan điểm.

Cuộc khủng hoảng thừa và trượt giá trên thị trường chuyển nhượng thời gian qua chắc chắn không bắt đầu bằng việc Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội (của ông bầu Nguyễn Đức Kiên) và Navibank Sài Gòn đồng loạt biến mất, không tham dự mùa giải 2013. Chỉ số ít những người thuộc hàng ngôi sao mới nhanh chân chọn cho mình bến đỗ mới, với các cái tên như Quang Hải, Tài Em, Việt Cường, Được Em, Long Giang… (Navibank Sài Gòn) hay Công Vinh, Thành Lương (Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội), tất nhiên, khó thể bảo lưu được giá trị cũ. Hệ lụy của cung cách làm bóng đá kiểu đi tắt đón đầu, chơi ngông và việc tự “thổi giá” (không qua quy luật chuyển nhượng). Các ông bầu công cũng lớn, mà tội cũng nhiều.

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X