Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt Nam: Chờ đợi gì từ "luồng gió mới"?

Thứ Năm 21/12/2017 10:21(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bầu Thắng và bầu Đức đều tuyên bố rời cương vị để tìm những luồng gió mới cho bóng đá Việt Nam. Trong thời điểm chuyển giao, người hâm mộ chờ đợi gì từ những "luồng gió mới"?

 
"Tôi khẳng định không bao giờ bỏ bóng đá, bầu Đức cũng nói với tôi như vậy" - Ông Võ Quốc Thắng, hay người ta vẫn gọi là bầu Thắng khẳng định chắc nịch như thế sau khi rời chức danh Chủ tịch HĐQT CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). 

Một cái tên khác có tầm ảnh hưởng lớn đến bóng đá Việt Nam những năm qua, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cũng đệ đơn xin thôi chức Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF sau thất bại ở SEA Games 29. Dù chưa được Ban chấp hành VFF đồng ý nhưng gần như chắc chắn bầu Đức sẽ không tiếp tục cương vị sau Đại hội VIII diễn ra vào đầu năm sau. Như lời cả hai ông bầu có ảnh hưởng rất lớn đến bóng đá Việt Nam những năm qua tiết lộ, mục tiêu của cả hai đều chưa thành nên nghỉ để cho người khác làm nhằm tạo ra sự thay đổi.

Bong da Viet Nam Cho doi gi tu luong gio moi hinh anh
Bầu Tú (phải) xác định hai vấn đề cần làm ngay sau khi đắc cử Chủ tịch VPF.
Trong ngày tiếp quản chiếc ghế bầu Thắng để lại, ông Trần Anh Tú hay bầu Tú, người góp công lớn trong sự phát triển của futsal Việt Nam xác định hai mục tiêu chính là kiếm tiền cho V-League cũng như giải quyết vấn đề tiếng nói của VPF. Đây đều được coi là những nhiệm vụ cấp thiết phải tạo ra sự thay đổi nếu muốn V-League tích cực hơn cả về chuyên môn lẫn hình ảnh trong con mắt người hâm mộ.
 
Tại Hội thảo "Tương lai bóng đá Việt" do báo Người Lao Động tổ chức ngày 27/11, ông Phạm Trường Hổ đại diện cho đơn vị tài trợ Phạm Gia Auto cho rằng Ban tổ chức V-League nên tìm cách để các đội bóng có động lực thi đấu hơn. Một trong những vấn đề ông đặt ra là tiền bản quyền truyền hình. Khi được chia tiền bản quyền truyền hình dựa theo thứ bậc ở V-League tương tự cách làm ở Premier League, câu chuyện xin cho điểm sẽ giảm dần khi các đội bóng phải chiến đấu để giành thứ bậc cao hơn, đồng thời được chia phần nhiều hơn trong miếng bánh bản quyền truyền hình.
 
Việc Toyota không tiếp tục hợp đồng tài trợ sau 3 năm đặt ra nhiệm vụ khó khăn mà như lời bầu Tú là phải "chạy đua với thời gian". Liệu bầu Tú có giải quyết vấn đề "đầu tiên" nhằm tạo động lực cho các đội bóng ở V-League chiến đấu?
 
Ngoài chuyện "đau đầu vì tiền", một trong những vấn đề gây bức xúc lớn nhất tại V-League là chuyện trọng tài. Những tiếng còi "méo", những lần bẻ còi, câu chuyện phản ứng của các đội bóng sau những quyết định của "vua áo đen" khiến lòng tin của người hâm mộ xói mòn. VPF từng có những động thái như tạo ra tổ phản biện trong việc phân công trọng tài, hay thuê trọng tài ngoại cho những trận cầu quan trọng,... đều chưa tạo ra niềm tin nơi người hâm mộ khi vẫn còn đó những sai sót, hay việc thuê phải trọng tài bị bắt về nghi vấn dàn xếp tỉ số.
 
Ngay sau khi nhậm chức, bầu Tú tuyên bố VPF sẽ không chấp nhận đứng ngoài nhìn, không kiểm soát được nhiều vấn đề vô lý cũng như chấn chỉnh công tác trọng tài. Đây thực chất là vấn đề được đặt ra rất nhiều lần nhưng VPF vẫn chưa giải quyết được. Nếu VPF có thể thành công như tuyên bố mạnh mẽ của bầu Tú, V-League sẽ lấy lại lòng tin vốn ngày càng nguội lạnh từ người hâm mộ.
 
Bong da Viet Nam Cho doi gi tu luong gio moi hinh anh 2
Người hâm mộ chờ đợi "gạch và gỗ" trở lại khi bầu Thắng cũng như bầu Đức đầu tư hơn.

Sự chia tay của bầu Đức cũng như bầu Thắng cũng sẽ mang lại tác động tích cực hơn cho V-League, nếu xét trên phương diện cạnh tranh. Câu chuyện một ông chủ nhiều đội bóng khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm cho rằng đường đến ngôi vô địch V-League như một màn kịch, thay vì đường đua. Với lời hứa sẽ đầu tư vào Long An của bầu Thắng cũng như động thái nâng cấp Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức, người hâm mộ kỳ vọng sẽ có thêm những đội bóng thực sự mạnh mẽ để cạnh tranh ngôi vô địch.
 
Nếu "gạch" và "gỗ" trở lại, V-League sẽ đáng xem hơn khi người ta chờ đợi vào một cuộc lật đổ, những trận đại chiến thực sự thay vì tiếp diễn sự thống trị của các đội bóng trực tiếp hay gián tiếp nằm trong tay một ông chủ.

Bầu Đức và bầu Thắng liệu có bỏ bóng đá Việt Nam?
Bầu Đức và bầu Thắng khẳng định sẽ không bỏ bóng đá mà chỉ chú tâm hơn vào việc đầu tư phát triển ở cấp câu lạc bộ.
Như Đạt (TTVN)
 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X