Thứ Tư, 08/01/2025 Mới nhất
Zalo

Bóng đá thời… thổ tả

Thứ Bảy 13/07/2013 05:14(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trước khi cơn bão tài chính quét trên diện rộng nhằm vào các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam vào đầu năm 2012, thị trường chuyển nhượng trong nước đã có lúc trở nên điên loạn. Tất cả đều được mua bằng tiền, bao gồm cả việc mua lại chính những sản phẩm do mình tạo ra. Cung không đủ cầu, khi hệ thống đào tạo trẻ bị bỏ rơi. Một vòng luẩn quẩn, để rồi, bóng đá Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ và giấc mơ nâng tầm nền bóng đá, mãi chỉ là giấc mơ…

10 năm chỉ sinh ra… 1 tuyển thủ

Đồng Tâm Long An (ĐT.LA) của ông bầu Võ Quốc Thắng, một người nổi tiếng với phong cách chỉn chu và cái tâm với nền bóng đá xứ sở, bắt đầu góp mặt ở giải đấu đỉnh cao V-League từ năm 2003, sau khi họ giành chức vô địch giải hạng Nhất ở mùa giải trước đó. Cùng với bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai, ông Thắng được cho là đi tiên phong trong việc kết hợp bóng đá với doanh nghiệp, mở ra trào lưu thời thượng sau này.

Với tâm huyết và các bước đi bài bản, cùng sự đảo bảo về năng lực tài chính, ĐT.LA dễ dàng thuyết phục được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), cũng như Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) để đưa chương trình Tầm nhìn châu Á (phát triển bóng đá học đường và bóng đá trẻ) về với Long An (bên cạnh một địa phương khác là Nghệ An, nơi đã có sẵn một hệ thống đào tạo trẻ quy mô bậc nhất cả nước). Đó là thời điểm năm 2005, 2006, sau khi “Gạch” đã có những chức vô địch V-League.

HLV Nguyễn Hồng Sơn gắn bó với công tác đào tạo cầu thủ trẻ
HLV Nguyễn Hồng Sơn gắn bó với công tác đào tạo cầu thủ trẻ

Nhưng 10 năm qua, ĐT.LA đã cho ra lò bao nhiêu sản phẩm trẻ, đủ sức đá V-League và khoác áo các đội tuyển quốc gia?! Không ai cả, ngoài cái tên rất cũ Phan Văn Tài Em, vốn là sản phẩm thứ cấp ở đội bóng này, từ trước khi bóng đá Long An chuyển mình lên chuyên nghiệp. Vậy có thể hỏi ngược lại, rằng ông Thắng tâm huyết với bóng đá là thế, nhưng đã có những đóng góp gì cho nền bóng đá Việt Nam? Hỏi mà như đã trả lời!

Cũng như phần lớn các câu lạc bộ chuyên nghiệp khác, nguồn cầu thủ ĐT.LA tất cả đều được mua bằng tiền. Từ nội đến ngoại binh. Và khi cơn bão tài chính chạm tới mảnh đất này, “Gạch non” nhanh chóng thấm nước. Chiếc vé xuôi về giải hạng Nhất 2012 là một viện dẫn rõ ràng nhất. V-League 2013 họ trở lại, nhưng gần như ngay lập tức, ĐT.LA bị quy hoạch vào hạng mục rớt hạng. Họ đang xếp đội sổ sau 15 lượt trận ở mùa giải năm nay và vừa thay tướng.

ĐT.LA chỉ là một trong những ví dụ tiêu biểu cho cung cách làm bóng đá kiểu ăn xổi, đi tắt đón đầu hay nói như cựu chủ tịch Khatoco Khánh Hòa, ông Lê Tiến Anh, bản chất đó là cuộc chiến “tiền đấu tiền”. Căn bệnh này lây lan rất nhanh và có thể thấy nhan nhản trong làng bóng đá nội địa, từ Xi măng Xuân Thành Sài Gòn, một đội bóng thậm chí còn không có nơi ăn chốn ở ổn định, đến Bình Dương, lan ra cả Ninh Bình và Hải Phòng…

“Chúng tôi biết là hàng năm, một số các đội bóng trực thuộc địa phương hoặc doanh nghiệp, vẫn rót tiền cho đào tạo trẻ. Nhưng bằng cách nào đó, phần lớn số tiền đều bị hút lên tuyến đầu, tức là đội một câu lạc bộ đá các giải chuyên nghiệp. Bóng đá chuyên nghiệp ngốn tiền quá khủng, khiến bóng đá trẻ chịu thiệt thòi, cho đến trước khi có nguy cơ bức tử”, ông Nguyễn Xuân Nam, giám đốc Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) phát biểu.

Tương lai nào cho nền bóng đá?

Cần nhắc lại rằng, không phải câu lạc bộ nào cũng như ĐT.LA hay Becamex Bình Dương, nơi có cả ông giám đốc kỹ thuật phụ trách các tuyến trẻ nhưng không phát huy vai trò, thực tế tại Việt Nam, những đội bóng giàu truyền thống như Sông Lam Nghệ An hay SHB Đà Nẵng, vẫn đang được gửi gắm rất nhiều kỳ vọng, với hệ thống đào tạo trẻ rất căn cơ. Tuy nhiên, ngay vào thời điểm này, SLNA và Đà Nẵng cũng đã cho thấy sự thất thế ở hầu hết các sân chơi bóng đá trẻ, sau thời gian dài thống trị.

Mọi ánh mắt đổ dồn về các Học viện bóng đá, ở đây là PVF, Viettel và HA.GL - Arsenal - JMG. Với sản phẩm đầu vào được chọn lọc rất kỹ càng, cùng đội ngũ các huấn luyện viên được ăn học bài bản, chủ trương của phần lớn các học viện này là đào tạo sản phẩm đầu ra để bán. Tuy nhiên, ngay cả năng lực đào tạo và chinh phục của bóng đá trẻ Việt Nam cũng bị nghi ngờ, khi chúng ta đã thất bại ở hầu hết các giải đấu tầm quốc tế suốt thời gian qua.

Bên cạnh việc phát triển các giải đấu chuyên nghiệp đúng với lộ trình, thì nền bóng đá trẻ chính là tương lai của nền bóng đá. Không ai nghi ngờ điều này, nhưng vấn đề đặt ra là, VFF, tổ chức quản lý bóng đá Việt Nam, đã làm gì để nền bóng đá xứ sở có thể vươn ra biển lớn?! Gần như không gì cả, khi bóng đá chuyên nghiệp và cả bóng đá trẻ được khoán trắng cho các câu lạc bộ. Bản thân cái Trung tâm đào tạo trẻ VFF (do FIFA tài trợ) đã đắp mền suốt ba, bốn năm qua.

Việc chuyển hướng hợp tác với các câu lạc bộ lừng danh trên thế giới trong việc phát triển bóng đá trẻ là một nhu cầu cấp bách, tuy nhiên, ngay cả điều này các đội bóng phải tự lực cánh sinh. HA.GL của ông bầu Đoàn Nguyên Đức là một viện dẫn rất tiêu biểu, sau khi họ đạt được thỏa thuận mở Học viện bóng đá HA.GL. Và quan điểm của bầu Đức cũng khá rõ ràng, ông đào tạo những sản phẩm để hướng tới trời Âu hoặc ít nhất cũng ngoài biên giới Việt Nam.

Trong rất nhiều các chương trình thuộc về tầm nhìn chiến lược, người ta đã nói về việc phát triển bóng đá học đường là lộ trình bắt buộc. Song, giữa nói và làm là những phàm trù khác nhau, không phải lúc nào cũng đồng bộ. Một khi việc đào tạo đội ngũ huấn luyện viên có tâm huyết và có nghề để gửi vào các trường học vẫn chưa được tính tới, cũng đừng mong mỏi bóng đá học đường Việt Nam sẽ phát triển như Mỹ hay gần hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bóng đá Việt Nam cấp độ các đội tuyển quốc gia từ bao năm qua, chức vô địch Đông Nam Á (AFF Cup 2008) đã được cho là đỉnh cao chói lọi. Thậm chí, những người có cái nhìn không mấy lạc quan còn cho rằng, nó là “kịch trần” rồi. Bằng chứng là đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam đã liên tục thất bại tại các giải đấu cấp khu vực, kể từ sau năm 2008. Với sự ì ạch của nền đào tạo trẻ như hiện tại, kể cũng khó để hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X