- Toyota là nhà tài trợ chính V-League 2015
- Văn Quyến bất ngờ trở lại thi đấu tại V-League 2015
- Nhà sử học Dương Trung Quốc: “BĐVN phải chấp nhận thất bại để vươn tới những ước mơ xa”
Năm 2014, bóng đá Việt Nam xuất hiện những luồng gió trong lành mang tên U19 và HLV Miura, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những vết gợn buồn, đặc biệt là vấn đề tiêu cực. Hãy cùng Diemsovi.com nhìn lại 10 sự kiện bóng đá tiêu biểu nhất của Việt Nam năm vừa rồi.
Bức tranh muôn màu về BĐVN trong năm 2014 |
1. ĐT Việt Nam thất bại tại bán kết AFF Cup 2014
AFF Cup 2014 chính là giải đấu lớn nhất trong năm của bóng đá Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của HLV Miura, ĐT Việt Nam đã có một diện mạo mới đầy sức sống. Cho tới trước trận bán kết lượt về, đoàn quân áo đỏ vẫn thi đấu hừng hực khí thế vào tạo được niềm tin rất lớn từ NHM. Nhưng khi tất cả đều nghĩ về trận chung kết AFF Cup 2014 trong mơ với Thái Lan thì người Mã đã đưa chúng ta trở lại mặt đất. Thất bại khó hiểu 2-4 trước Malaysia ngay tại Mỹ Đình đã khiến trận thắng 2-1 ở lượt đi hoàn toàn vô nghĩa. Tuy nhiên nói chung chúng ta đã có một AFF Cup 2014 không tới mức quá bi đát giống như giải đấu năm 2012 bị loại ở vòng bảng. Đặc biệt, sự xuất hiện của HLV người Nhật Toshiya Miura và dàn cầu thủ trẻ đã giúp cho NHM có một niềm tin không nhỏ vào ĐT Việt Nam và BĐVN trong tương lai.
2. U19 Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng mạnh trong năm 2014
Sau những thành công trong năm 2013, lứa cầu thủ tài năng của U19 Việt Nam tiếp tục tạo nên những ấn tượng tốt đẹp trong năm 2014. Thầy trò HLV Graechen đã liên tục được thử lửa với các giải đấu chính thức vào giao hữu trong suốt năm vừa qua. Dù không hoàn thành mục tiêu tham dự VCK U20 thế giới năm 2015 nhưng Công Phượng và các đồng đội vẫn chứng tỏ họ là niềm hy vọng số 1 của NHM bóng đá Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên dù những cầu thủ của lứa U19 được coi là có nền tảng kỹ thuật, ý thức chiến thuật và văn hóa ứng xử được xem là tốt nhất của bóng đá nước nhà từ trước đến nay nhưng không khó để nhận ra những học trò của ông “Giôm” vẫn bộc lộ điểm yếu cỗ hữu của BĐVN là thể lực yếu và phòng ngự lơi lỏng.
Công Phương là nhân vật gây nhiều tranh luận nhất của BĐVN trong năm 2014 |
3. Nghi án gian lận tuổi của Công Phượng
Có thể nói Công Phượng chính là cầu thủ được nói đến nhiều nhất trong năm 2014 của BĐVN cả về chuyện trên sân cỏ lẫn ngoài đời. Thậm chí sau siêu phẩm vào lưới của U19 Australia tại giải U19 Đông Nam Á, tên tuổi của Công Phượng đã vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên chính vì nổi tiếng quá nhanh mà đời tư của tiền đạo xứ Nghệ bị soi mói tới từng chân tơ kẽ tóc. Hồi tháng 11, dư luận cả nước đột nhiên sôi sục với nghi án Công Phượng sinh năm 1993 chứ không phải 1995 như giấy khai sinh. Câu chuyện này được đẩy lên cao trào khi nhiều cơ quan lớn, nhiều hãng truyền thông lớn đều đồng loạt nhảy vào cuộc để tìm ra sự thật. Thậm chí Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Tổng cục TDTT đã phải lần lượt phải về làm việc với chính quyền xã Mỹ Phương, huyện Đô Lương, Nghệ An (nơi Công Phượng sinh sống) để xác minh tuổi thật của tiền đạo HAGL. Sau nhiều tranh cãi thì cuối cùng Sở Tư Pháp tỉnh Nghệ An cũng lấy lại công bằng cho tiền đạo của HAGL với kết luận Công Phượng sinh ngày 21 tháng 1 năm 1995.
4. Bán độ… bùng nổ
Sau một thời gian chìm xuống thì bất ngờ tiêu cực cho bóng đá Việt Nam có dịp “bùng nổ” trong năm 2014 này với 2 vụ án lớn ở Ninh Bình và Đồng Nai. Hồi tháng 3, dư luận cả nước bàng hoàng với thông tin 9 cầu thủ CLB Vissai Ninh Bình bán độ dưới hình thức tài-xỉu tại đấu trường AFC Cup. Càng bất ngờ hơn khi đây là giải đấu mà thầy trò HLV Nguyễn Văn Sỹ đã chơi rất hay và vào tới vòng tứ kết. Tuy nhiên trước những chứng cớ rõ ràng của cơ quan điều tra, 9 cầu thủ Ninh Bình đã cúi đầu nhận tội đã “làm độ” trận đấu giữa Ninh Bình và Kelantan với giá 1 tỷ đồng. Chỉ sau đó 4 tháng, NHM cả nước tiếp tục phải chứng kiến một trận đấu được dàn dựng sẵn nữa giữa Đồng Nai và Than Quảng Ninh tại V-League 2014. 6 cầu thủ Đồng Nai đã móc nối với dân làm độ bên ngoài để làm độ trận đấu này dưới hình thức tài-xỉu, tuy nhiên đã bị cơ quan điều tra kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Ngoài án phạt hình sự, tất cả những cầu thủ liên quan đến 2 vụ bán độ trên đều sẽ bị VFF cấm tham gia vĩnh viễn tất cả các hoạt động bóng đá do Liên đoàn bóng đá Việt Nam quản lý và tổ chức.
5. ĐT Nữ trượt vé dự World Cup
Cùng với AFF Cup và VCK U19 châu Á thì giải vô địch bóng đã nữ châu Á là những mục tiêu hàng đầu của BĐVN trong năm 2014. Đặc biệt đây là giải đấu mà các cô gái của chúng ta sẽ có cơ hội lớn để lần đầu tiên trong lịch sử đoạt vé tham dự World Cup nữ 2015. Thuận lợi càng trở nên lớn hơn cho thầy trò HLV Trần Văn Phát khi AFC tín nhiệm giao cho Việt Nam làm chủ nhà của giải vô địch nữ châu Á 2014. Ngoài 4 đội bóng quá mạnh là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Australia thì ĐT Việt Nam sẽ chỉ phải cạnh tranh tấm vé còn lại dự World Cup với 2 đối thủ trong khu vực là Thái Lan và Myanmar. Thế nhưng trong trận đấu quyết định với người Thái, các cô gái của chúng ta lại bị căng cứng tâm lý và rồi để thua với tỷ số 1-2 trên sân Thống Nhất, bỏ lỡ cơ hội vàng tham dự đấu trường World Cup danh giá một cách đáng tiếc.
6. Bình Dương lần thứ 3 vô địch V-League
Sau 6 năm chờ đợi, chi ra hàng trăm tỷ trên TTCN thì đội bóng nhà giàu B. Bình Dương đã trở lại ngôi vị số 1 tại V-League 2014. Đây là mùa giải mà đội bóng đất Thủ đã mạnh dạn thanh lọc gần như toàn bộ đội hình và mang lại hiệu quả bất ngờ. Hàng loạt công thần như Kesley, Philani, Hữu Thắng, Chí Công, Vũ Phong, Quang Thanh đều đã phải khăn gói ra đi vào đầu mùa giải. Thay vào đó hàng loạt nhân tố mới như Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn, Tấn Tài, Abass kết hợp với những cựu binh như Anh Đức, Tiến Thành, Phước Tứ, Đình Luật, Tấn Trường đã giúp Bình Dương có một đội hình “Dream team” tại V-League. Cùng với một HLV Lê Thụy Hải đầy cá tính trên băng ghế huấn luyện thì đội bóng đất Thủ đã lên ngôi vô địch V-League 2014 đầy thuyết phục. Mùa tới, đội bóng miền Đông Nam Bộ hứa hẹn tiếp tục sẽ thống trị bóng đá nội với những sự bổ sung chất lượng như Công Vinh, Xuân Thành và Michael Nguyễn.
7. Đại hội VFF khóa VII
Vào cuối tháng 3/2014, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã tổ chức đại hội VFF khóa VII nhiệm kỳ 2014 – 2018. Đại hội đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng của bóng đá Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt đại hội đã bầu ra ban lãnh đạo mới của LĐBĐVN, trong đó ông Lê Hùng Dũng sẽ giữ chức danh Chủ tịch VFF, ông Đoàn Nguyên Đức, Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Xuân Gụ sẽ là 3 phó chủ tịch. Đây là kỳ đại hội mà VFF khẳng định sẽ làm lại BĐVN từ những vấn đề căn bản nhất như chú trọng đào tạo trẻ, xây dựng nền bóng đá sạch, loại trừ lối đá bạo lực và nhất là vấn đề tiêu cực.
HLV Miura là một luồng gió mới tích cực trong năm 2014 |
8. Làn sóng Nhật Bản ở BĐVN
Năm 2014 cũng đánh dấu bước ngoặt trong cuộc cách mạng hướng BĐVN theo bóng đá Nhật Bản của VFF. Lần lượt ông Tanabe và ông Tanaka được mời làm trưởng giải V-League. Tuy nhiên sự thay đổi rõ ràng nhất chỉ đến sau sự xuất hiện của HLV Toshiya Miura. Ký hợp đồng với VFF từ tháng 5 và chỉ thực sự bắt tay vào huấn luyện ĐTQG và đội Olympic từ tháng 7, thế nhưng chiến lược gia 51 tuổi đã để lại dấu ấn đậm nét khi “lột xác” các đội bóng của chúng ta thành những tập thể hoàn toàn khác. Ông Miura đã sớm nhìn ra điểm yếu về thể lực và lối chơi rườm rà của cầu thủ Việt, vì vậy ông đã rất nhanh chóng khắc phục được những khiếm khuyết này. Chỉ trong 1 thời gian ngắn, HLV có bề ngoài thư sinh đã giúp đội Olympic và ĐTQG đã thi đấu “như lên đồng” tại Asiad 17 và AFF Cup 2014.
9. Olympic Việt Nam gây chấn động tại Asiad 17
Như thường lệ, BĐVN bước ra đấu trường châu lục với tâm lý tự ti, e dè và có phần run sợ. Trước khi lên đường tham dự Asiad 17 tại Incheon, Hàn Quốc, tất cả đều không quá hy vọng vào đội Olympic Việt Nam có thể làm nên một điều gì đó. Tuy nhiên ngay trong trận đấu mở màn với gã khổng lồ Olympic Iran, thầy trò HLV Miura đã gây “địa chấn” khi đánh bại đội bóng 4 lần vô địch Asiad với tỷ số đậm 4-1. Chưa dừng lại ở đó, Olympic Việt Nam tiếp tục đánh bại Kyrgyzstan ở trận tiếp theo để lần đầu tiên giúp một đội bóng Việt Nam giành ngôi nhất bảng ở giải đấu cấp châu lục. Tuy nhiên trong trận đấu ở vòng 1/8 với UAE, vì thiếu kinh nghiệm nên chúng ta đã thua đội bóng lọt vào bán kết Olympic London 2012 với tỷ số 1-3. Dẫu vậy, Asiad 17 vẫn là một thành công lớn của BĐVN tại đấu trường châu lục sau nhiều năm chỉ đóng vai “kẻ lót đường”.
10. HAGL đôn lứa U19 lên đá V-League
Ngay sau khi V-League 2014 kết thúc, HAGL đã gây bất ngờ khi thanh lý 28 cầu thủ trong đội 1 và HLV Choi Yun Kyum. Tiếp đó bầu Đức tuyên bố sẽ đặt trọn niềm tin vào lứa U19 của HAGL JMG và HLV Graechen tại V-League 2015. Ban đầu ai cũng tưởng đây là ý định của ông chủ nổi tiếng thích gây sốc của đội bóng phố Núi, tuy nhiên đây lại chính là nguyện vọng mà Công Phượng và các đồng đội đã đề bạt với bầu Đức. Không chỉ táo bạo đưa dàn cầu thủ trẻ lên đá V-League mà HAGL cũng tạo ra bước đột phá trong cách làm bóng đá của mình. Theo đó từ mùa tới, đội chủ sân Pleiku sẽ bán vé cả mùa dưới hình thức quẹt thẻ điện tử cho các CĐV, ngoài ra HAGL sẽ mở các cửa hàng bán áo, bán đồ lưu niệm để phục vụ niềm đam mê của các CĐV. Dù mùa giải chưa chính thức khởi tranh nhưng với những cách làm mới của mình thì HAGL đã thu được những thành quả nhất định về mặt hình ảnh và tài chính.
Doãn Công