Thứ Ba, 24/12/2024 Mới nhất
Zalo

Nguyễn Hải Huy: Nếu đã đánh mất chính mình thì làm gì còn cơ hội lên tuyển!

Thứ Tư 17/03/2021 11:54(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Trở lại sau chấn thương kinh hoàng, Nguyễn Hải Huy khẳng định không từ bỏ khát khao khoác áo ĐT Việt Nam.
Đó là tình huống Mạc Hồng Quân chuyền bóng, đằng sau một cầu thủ của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đang áp sát. Khoảnh khắc ấy diễn ra rất nhanh, sau đường chuyền, tôi quyết định gạt bóng rồi sút. Hoàng Lâm băng vào truy cản, trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ chân mình sẽ chạm được vào quả bóng trước khi chân Lâm phá bóng đi. Rồi tôi vung chân sút…

Thấy nhói đau, tôi mới biết mình chấn thương!

Khoảnh khắc nằm trên sân, tôi lờ mờ cảm nhận được khả năng gãy chân rồi. Thú thực lúc ấy rất đau, lần đầu tiên va chạm trong thi đấu khiến tôi thấy đau như vậy. Nhưng tôi cũng chỉ nghĩ đến bị chấn thương thôi chứ không biết gãy nặng đến như vậy.

Câu lạc bộ liên hệ ngay với các bác sĩ của bệnh viện Việt Đức, tôi được chuyển vào bệnh viện Bãi Cháy khoảng 20h00 tối đó thì đến 1h00 sáng, ca phẫu thuật bắt đầu. Các bác sĩ lên đường từ Hà Nội vào Quảng Ninh ngay trong tối đó rồi thực hiện ca mổ xuyên đêm.

Hải Huy Nếu đánh mất chính mình thì làm gì còn cơ hội lên tuyển hình ảnh
 
 
Sau này rồi mới biết, khoảnh khắc tôi ngã xuống sân, vợ tôi rất hoảng hốt do chưa chứng kiến chấn thương như vậy bao giờ. Bóng đá Việt Nam hiếm có tình huống như vậy. Vợ tôi là phụ nữ chẳng nghĩ chấn thương ấy lại rơi vào chồng mình, cô ấy hoang mang tột độ. Xe cứu thương hú còi rời sân, cô ấy cùng tôi vào bệnh viện.

Hôm ấy, hai con tôi cũng ở trên khán đài, cũng chứng kiến và biết bố chấn thương, nhưng các cháu chẳng hề biết tôi bị gãy chân. Bà ngoại phải đưa hai cháu về nhà trong đêm bố mẹ ở trên viện. Vài hôm sau, các con mới được dẫn lên bệnh viện.

Ban đầu chưa biết nhưng dần dần, các con biết thì cũng sợ. Khoảng 10 ngày đầu từ viện về tôi chưa đi lại được, chỉ có thể nằm yên một chỗ. Các con thương, hỏi thăm bố có đau không, đêm đi ngủ chẳng dám nằm gần sợ chạm vào chân bố. Thấy con cố nằm xa, bất giác tôi thấy thương các cháu. 

Về sau khi lên mạng xem bức ảnh va chạm với Hoàng Lâm dẫn đến chấn thương, khoảnh khắc phóng viên chụp bức ảnh nhìn rất đáng sợ nhưng thực tế, tôi va chạm rồi giật chân ra ngay nên không hẳn nguy hiểm như những gì người ta vẫn nghĩ.

Hoàng Lâm ngay sau trận đấu cũng tới bệnh viện hỏi thăm, cậu ấy nói rằng “em cũng bị anh sút vào, cũng bị đau”. Thực ra một vài ngày sau xem lại clip tình huống va chạm, chân tôi chỉ va vào chân Lâm thôi, chứ bảo đinh giày tôi chạm vào chân Lâm thì không hẳn. Thực ra, tôi thấy Lâm cũng bị chấn thương tương đối nặng, hai anh em đều động viên nhau cố gắng vượt qua.

Tôi cũng nhận được nhiều lời hỏi thăm, có cả câu hỏi rằng nếu biết sẽ đau như vậy có rụt chân lại hay không? Thực ra quyết định của cầu thủ sẽ tuỳ vào hoàn cảnh của từng trận đấu.

Ví dụ như trong trận đấu đội mình đang có lợi, hoặc hai đội đang giằng co thì khi thấy Hoàng Lâm lao vào truy cản, có thể tôi sẽ rụt chân lại hoặc làm động tác gì đấy để né. Nhưng ở thời điểm va chạm, đội tôi đang bị dẫn bàn, đó là cơ hội đứng trước cầu môn, tôi rất muốn ghi bàn, muốn thể hiện mình nên mới vung chân sút.

Chấn thương là điều không may, chứ khoảnh khắc ấy chẳng thể nghĩ được là mình sút có vào hay không, hoặc xấu hơn là dính chấn thương nặng. 

Thực ra, bóng đá không tránh được chuyện bị chấn thương. Nếu may mắn không gặp chấn thương nặng thì tốt, còn đã ra sân thi đấu thì chấn thương là một phần của bóng đá.

Đây cũng là lần chấn thương nặng nhất trong sự nghiệp thi đấu, lần gần nhất bị rạn xương mác tôi cũng chỉ nghỉ hơn 1 tháng thôi. Đã là cầu thủ chuyên nghiệp phải chấp nhận điều đó!

Hải Huy Nếu đánh mất chính mình thì làm gì còn cơ hội lên tuyển hình ảnh
 

Chấn thương này khiến tôi mất cả năm để tập hồi phục. Bác sĩ thực hiện ca mổ nói rằng để can xương lại cần khoảng 3 tháng, rồi mất thêm từ 3-4 tháng để tập hồi phục rồi mới có thể quay trở lại với bóng đá. 

Ở tuổi 29, lại dính chấn thương nặng nhưng từ lúc bị đau, tôi chưa bao giờ nhen lên ý nghĩ sẽ nghỉ bóng đá. Tôi vẫn cảm thấy bản thân có thể ra sân thi đấu được, dù chấn thương nặng nhưng chưa bao giờ dù chỉ trong khoảnh khắc nào đó nhen lên ý rằng mình sẽ dừng sự nghiệp cầu thủ ở đây.

Đối với tôi, chấn thương là một phần của bóng đá nên đón nhận với tâm lý bình tĩnh, điều duy nhất khiến tôi phải bận tâm là việc nghỉ dài quá sẽ mất phong độ, chứ chẳng bao giờ nghĩ đến việc thôi không còn đá bóng nữa.
***
 
Có nhiều thời gian, tôi lại nhớ đến hồi bắt đầu đi đá bóng, đi tập trong đội trẻ của tỉnh Quảng Ninh, lứa đó có khoảng 6-7 người thuộc thành phần chính thức của tỉnh thôi.

Các bạn khác tham gia những giải do tỉnh tổ chức như Hội khỏe Phù Đổng, hay giải của trường THCS, của thành phố tổ chức, dần dần họ tiến bộ rồi được đưa vào đội, tạo thành một lứa có khoảng 20 người ăn tập cùng nhau.

Năm 2004 sau khi vô địch giải U13 quốc gia, tôi cùng 4-5 bạn nữa trong đội may mắn được gọi lên lớp đào tạo VĐV của LĐBĐ Việt Nam tổ chức, ngày ấy là đội dự tuyển U15 do bác Phạm Quang dẫn dắt và tập trên Từ Sơn (Bắc Ninh). Lứa cầu thủ ấy tổng cộng có 25 cầu thủ từ các nơi trên cả nước về thì riêng Quảng Ninh đóng góp 5 cái tên.

Thực ra, một số đồng đội ở CLB Quảng Ninh về sau như Vũ Minh Tuấn không cùng lứa đó, anh ấy hơn tôi 1 tuổi. Về sau này khi tham dự giải U17 và U19 quốc gia, cả hai mới sát cánh cùng nhau.

Lứa ban đầu của tôi có Tiến Duy, cùng 1 số cầu thủ nữa sinh năm 90 nhưng thời điểm đó, Tuấn còn chưa vào bóng đá, đến năm 2005 mới bắt đầu con đường quần đùi áo số. Tôi và Vũ Minh Tuấn cùng nhau giành huy chương đồng (HCĐ) ở giải U17 quốc gia.

Một đồng đội khác ở Than Quảng Ninh cũng bắt đầu sự nghiệp cầu thủ khá muộn là thủ môn Huỳnh Tuấn Linh. Cậu ấy là một cầu thủ tay ngang đến năm lớp 11, nghĩa là tầm 17 tuổi, Linh mới bắt đầu đi đá bóng. Tuấn Linh có tố chất nên tiến bộ rất nhanh, đến năm 17 tuổi mới xin vào đội tham gia bắt giải U17 Phù Đổng.

Hải Huy Nếu đánh mất chính mình thì làm gì còn cơ hội lên tuyển hình ảnh
 


Điều may mắn là Tuấn Linh được một đàn anh trước kia là cựu thủ môn của Quảng Ninh thi đấu ở hạng nhì, sau này nghỉ làm HLV ở đội trẻ. Anh ấy huấn luyện cho Linh từng chút một, sau đó thấy cậu ấy có tố chất mới đưa lên đội một làm thủ môn thứ 3 dự bị cho các đàn anh.

Sau đấy, các thủ môn chính hết hợp đồng không ký nữa, đội chiêu mộ thêm một thủ môn từ Nam Định nhưng chấn thương, Tuấn Linh có cơ hội được ra sân.

Màn trình diễn của Tuấn Linh rất tốt, thể hiện được bản thân rồi giữ luôn vị trí số một trong khung gỗ đến bây giờ. Kể cũng thú vị, cậu ấy được đôn lên một năm thì được bắt chính luôn, từ đó đội cũng không phải tính đến chuyện mua thủ môn nữa.

Hồi Tuấn Linh bắt đầu đi đá bóng, tôi vẫn còn đá ở Từ Sơn cho đội Bắc Ninh. Sau đấy năm 2008, tôi ở Từ Sơn về rồi cuối năm đấy lên đội một cùng Vũ Minh Tuấn, còn Linh khi ấy vẫn ở lại đội trẻ.

Lứa của tôi, Minh Tuấn, Tiến Duy, Tuấn Linh,… sau đó giành HCĐ tại giải U19 quốc gia tổ chức ở Gia Lai năm 2009, một năm sau giành HCĐ ở giải U21 quốc gia tại Bình Dương. Chúng tôi sau đấy cùng nhau đá giải U19 quốc tế một năm vô địch, một năm giành ngôi á quân.

Tôi từng ghi bàn vào lưới đội U21 Trung Quốc và U21 Thái Lan, trong hai năm tham dự giải U21 quốc tế. Năm thi đấu ở Bình Dương, tôi ghi bàn vào lưới U21 Trung Quốc nhưng đội thua với tỉ số 2-4, cuối giải giành huy chương bạc. Năm sau khi giải tổ chức ở sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), tôi ghi bàn vào lưới U21 Thái Lan, còn ĐT U21 Việt Nam giành ngôi vô địch.

Để có được những ký ức đẹp đó, tôi thầm nghĩ thật may vì được lên Từ Sơn tham gia đội dự tuyển, được các thầy cho cọ xát nhiều, rồi cho đi thi đấu thường xuyên.

Một năm, đội chúng tôi đá từ 20-25 trận, bao gồm cả giao hữu, lứa đó chúng tôi được cọ xát với lứa Thể Công có Nguyễn Văn Quyết, Đỗ Văn Thuận,…. rồi cả các đội hạng 3 của các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái,… Chúng tôi cũng được đưa đi đá sân khách. Đó là nền tảng góp phần tạo nên tôi của sau này.

Thực tế, công tác đào tạo bóng đá trẻ của Quảng Ninh thời điểm đó chưa phải là quá tốt, một phần bởi kinh phí hoạt động eo hẹp. Thời điểm khi vẫn còn ăn tập theo diện cầu thủ trẻ, chúng tôi thường 7-8 người ở một phòng, nếu ai có nhà gần đây thì không phải lên đội, có thể đi tập rồi về nhà ăn cơm, đỡ được phần nào.

Các cầu thủ trẻ bây giờ được ăn uống kết hợp tập luyện khoa học thì phát triển nhiều hơn, còn lứa chúng tôi vấn đề dinh dưỡng kém hơn hẳn. Thực ra là cầu thủ trẻ, ai cũng xác định đi tập là khó khăn, phải cố gắng vượt qua. Bây giờ nhìn lại, đó là thời điểm khó khăn thực sự bởi việc ăn uống chưa đủ chất dinh dưỡng, không bù đắp được cho khối lượng tập luyện trên sân.

Trung tâm thể thao của tỉnh Quảng Ninh thời đó nằm bên hông SVĐ, đào tạo tất cả các môn như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh,… Đều là dân thể thao với nhau cả, chẳng ai bắt nạt ai nhưng trong sinh hoạt tập thể lại phát sinh khối chuyện.

Đơn cử như việc có người sạch sẽ, có người luộm thuộm, đi tập về cứ vứt đồ ở đó rồi ra ngoài, không chịu dọn dẹp, các thầy thường xuyên phải đi nhắc giặt quần áo. Ai sạch sẽ thì mua xà phòng về tự giặt, cá biệt còn có ông… giũ giũ qua với nước rồi phơi lên, sáng hôm sau mặc tập tiếp.

Chuyện ăn uống cũng tập thể, các cô, các bác nấu ăn đến giờ thì về thôi. Đám cầu thủ trẻ bọn tôi muốn tập muộn hơn, khoảng 6-7 giờ tối về tắm rửa xong thì cơm canh cũng nguội rồi.

Bây giờ các cầu thủ trẻ được đảm bảo cơm canh nóng, chứ trước kia, mâm cơm của các cầu thủ cứ nấu xong là úp lồng bàn lại thôi, cầu thủ đến ăn tự chuẩn bị nhưng trẻ phải chấp nhận.

Điều đó cũng là động lực để chúng tôi phấn đấu hơn, đặc biệt khi nhìn vào các anh ở đội một có tiền lương cao hơn, mua được xe máy đi, trước đám bọn tôi chỉ đi xe đạp thôi.

Hải Huy Nếu đánh mất chính mình thì làm gì còn cơ hội lên tuyển hình ảnh
 


Nhưng rồi thời gian qua đi, chẳng phải ai cũng tiếp tục theo còn đường này. Lứa đó của chúng tôi giờ cũng chỉ còn vài người trụ lại chơi bóng chuyên nghiệp, cũng nhiều cầu thủ tốt đấy nhưng họ không đủ kiên nhẫn.

Đến năm 2010, một loạt cầu thủ trẻ lứa chúng tôi xin nghỉ, trong đó cũng có nhiều cầu thủ giỏi đấy. Sau khi Quảng Ninh lên hạng, chỉ có một số cầu thủ ở lứa chúng tôi được lên đội một, còn các bạn không được lên nhiều người xin nghỉ. Tính đến nay còn chơi bóng chuyên nghiệp chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như tôi, Vũ Minh Tuấn, Tiến Duy, Tuấn Linh và Nhật Minh nữa.

Với 4-5 cầu thủ cùng lứa trẻ lên đá cùng nhau, cộng thêm một số đàn anh gạo cội đá từ trước, Quảng Ninh từ hồi lên hạng cứ đá cùng nhau. Đến khi các đàn anh nghỉ dần thì lứa chúng tôi cũng đạt đến điểm chín về phong độ, bởi trước đó đám chúng tôi cũng được rèn giũa khi đá ở giải hạng Nhất rồi.

Sở dĩ chúng tôi ăn ý bởi được ăn tập cùng nhau, đá bên cạnh nhau rất lâu nên cứ ra sân là đá tự nhiên như hơi thở, chẳng chịu nhiều áp lực như các cầu thủ trẻ được đôn lên đội một bây giờ.

Một điều đáng tiếc là sau này, công tác đào tạo trẻ của Quảng Ninh cũng không quá khởi sắc. Sau lứa chúng tôi, cũng không còn lứa nào gây được ấn tượng mạnh nữa, các thầy ngày trước giờ cũng chuyển dần sang các việc khác, không còn trực tiếp tham gia công tác huấn luyện.
 
***

Đến bây giờ, điều tôi cảm thấy đáng tiếc là lứa U23 tham dự SEA Games 2013 rất đều, có rất nhiều cầu thủ giỏi nhưng đội lại thất bại (U23 Việt Nam bị loại ở vòng bảng SEA Games 2013 – PV). Có thể đợt đó, chúng tôi chơi với nhau chưa nhuyễn, thời gian tập với nhau ít.

Những cầu thủ ở đội hình chính được tập nhiều với nhau, nhưng nhóm cầu thủ dự bị ít tập cùng nên khi vào sân chưa thích nghi với lối đá, dẫn tới việc năm đấy bị loại.

Lý do khiến tôi tiếc nuối mãi bởi đội U23 Việt Nam hồi ấy lực lượng rất đều, mỗi vị trí có 2-3 người chơi được, đảm đương được.

Khi thầy Hoàng Văn Phúc gọi tôi lên thì vị trí tiền vệ trụ có cả những Huy Hùng, Hoàng Thịnh, còn Hùng Dũng sinh năm 1993 khi ấy vẫn trẻ, lứa chúng tôi có thêm một số cầu thủ sinh năm 1992 thôi. Việc Huy Hùng chấn thương thật sự tiếc bởi cậu ấy đang thi đấu tốt, vị trí đó được Thanh Hiền đảm nhiệm.

Đội khi ấy triển khai sơ đồ 4-1-4-1, Thanh Hiền đá càn quét tốt nhưng lại chia bài không tốt bằng. Thanh Hiền vào có cả lợi và hại, phòng ngự chắc hơn nhưng điều tiết nhịp độ lại không bằng Huy Hùng.

Tại SEA Games 2013, tôi dự bị, chỉ vào sân đúng trận đầu tiên gặp ĐT U23 Brunei. Các trận về sau, vị trí tiền vệ cánh chủ yếu được luân phiên thay ra.

Đội hình năm ấy nếu chia ra, cả đội chính và dự bị đều đá ổn, đội dự bị có tôi, Phi Sơn, Danh Ngọc, Hoàng Thiên, Đinh Tiến Thành, Nguyên Mạnh, Bửu Ngọc,… Tôi nghĩ đội hình chính và dự bị trình độ ngang nhau. 

Còn đội hình vô địch SEA Games 2019 vừa rồi đá hiện đại hơn, HLV Park Hang Seo cũng làm chặt chẽ hơn. Các em cũng đá với nhau nhiều giải rồi, chỉ cần ra sân là đá thôi.

Lối đá cũng được xây dựng quá hiện đại, nhìn không có điểm thua. Giải ấy trong Đông Nam Á đúng là chỉ ngại U22 Thái Lan thôi, chứ các đội khác tôi nghĩ cực khó để thắng được U22 Việt Nam.

Việc đội thất bại ở SEA Games cũng khiến anh em cầu thủ khi ấy bị CĐV nói rất nhiều, cũng bị đem ra so sánh với lứa U19 Việt Nam (lứa của Công Phượng, Xuân Trường, Bùi Tiến Dũng,… - PV).

Nhưng thật ra anh em trong đội thấy chuyện đó bình thường bởi đúng là các em lứa U19 khi ấy chơi quá tốt. Anh em đội U23 khi ấy cũng động viên nhau rằng đến lúc mình thi đấu tốt, CĐV sẽ quay lại cổ vũ mình thôi. 

Trước SEA Games, đội cũng trải qua một biến cố. Sau trận hoà mà CĐV nghi ngờ đội bán độ, dàn xếp tỉ số (hoà 3-3 trước Bangu Athletico Clube tại giải giao hữu BTV Cup 2013 – PV), chúng tôi giành chiến thắng trước đội Sinh viên Hàn Quốc trên loạt luân lưu.

Anh em cầu thủ lên khán đài chia vui với thầy Hoàng Văn Phúc khi ấy bị kỷ luật, động viên thầy thì ai cũng hiểu là không có chuyện gì cả. Người hâm mộ sau đó cũng động viên U23 Việt Nam. 

Còn về tin đồn bán độ, thực ra chẳng có chuyện đó đâu. Anh em lúc ấy khi ấy xác định vào vòng trong rồi nên vừa đá vừa giữ chân, chứ đã lên đội tuyển chẳng ai muốn làm chuyện đó. Chúng tôi không bao giờ dám làm những chuyện như thế!

Về từ thất bại ở SEA Games 2013, tôi cũng vướng vào một sự cố trên mạng xã hội. Đó là khi theo dõi trận đấu của U19 Việt Nam tại giải giao hữu trên SVĐ Thống Nhất, đội khi ấy để thua 1-2 trước U19 AS Roma.

Tôi với vợ trêu nhau về kết quả trận đấu, rồi sau đấy đăng lên mạng xã hội để trêu nhau thôi, anh em cầu thủ hay trêu nhau như vậy chứ có ai nghĩ đã ăn tập là đá phải thắng đâu, cũng chẳng nghĩ là cổ động viên lại để ý như vậy.

Hải Huy Nếu đánh mất chính mình thì làm gì còn cơ hội lên tuyển hình ảnh
 


Đó cũng chỉ là một câu nói vui, ai nghĩ ra sao thì nghĩ bởi thực tế là anh em cầu thủ trên nhau thôi chứ chẳng hề có ý xấu. Có điều là tôi đùa vào đúng thời điểm lứa U19 đang được quan tâm, còn đội U23 vừa bị loại ở SEA Games. Cũng có người nói tổ chức đá U23 với U19 nhưng tôi nghĩ ở thời điểm đấy, đội U19 khó để thắng đội U23 bởi kinh nghiệm thi đấu của các bạn ấy ít hơn.

Nhưng cổ động viên không hiểu, rồi truyền thông cũng có nói chúng tôi ghen tị với lứa U19 Việt Nam. Thực ra tôi đón nhận với thái độ bình thản, bởi chỉ là anh em cầu thủ trêu nhau, huấn luyện viên sau đó cũng nhắc nhở chuyện phát ngôn.

Nhưng tôi cũng không để tâm đến chuyện đó lắm, đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn vào đọc lại, thấy cũng vui vui. Tôi cũng nghĩ sau vụ lùm xùm trên mạng xã hội đó thì cơ hội lên tuyển cũng khó hơn do bị ảnh hưởng hình ảnh. 

***

Mấy năm trước, một người bạn của tôi là Vũ Minh Tuấn rời Than Quảng Ninh. Tâm sự với tôi, cậu ấy nói muốn đi tìm những thử thách mới, muốn có cơ hội được thể hiện mình nhiều hơn, muốn tìm đến một đội bóng giàu tham vọng hơn.

Thực ra, Than Quảng Ninh đua vô địch rất khó, như mùa trước chơi tốt nhưng mục tiêu cũng chỉ là top 3. Tôi nghĩ đó cũng là đỉnh cao của đội rồi. Còn Vũ Minh Tuấn muốn tìm đến 1 CLB nhiều tham vọng để vô địch V-League. Cậu ấy đến Thanh Hoá lại khó hòa nhập, thật may khi về Viettel thì niềm mong ước này đã trở thành sự thực.

Hải Huy Nếu đánh mất chính mình thì làm gì còn cơ hội lên tuyển hình ảnh
 


Than Quảng Ninh cũng không dư dả có kinh phí để chiêu mộ những ngoại binh đẳng cấp. Nếu có được điều đó, tôi nghĩ mục tiêu của đội sẽ khác ngay. Các ngoại binh từ đội khác về Quảng Ninh được thể hiện hết khả năng do chúng tôi hỗ trợ tốt.

Như cầu thủ Uche về đây thi đấu quá thoải mái, ra sân chỉ việc đứng trên chờ cơ hội, anh em có bóng cứ chuyền cho anh ấy ghi bàn. Hay như Dyachenko đi đội khác không đá được nhưng về Quảng Ninh, một năm ghi được hơn chục bàn, mùa giải 2019 còn suýt giành danh hiệu vua phá lưới. 

Một yếu tố khác khiến Than Quảng Ninh khó đua vô địch là lực lượng cũng không quá dày, đội chính chỉ tầm 14-15 cầu thủ thôi, nhóm các cầu thủ trẻ ít có cơ hội ra sân.

HLV Phan Thanh Hùng (cựu HLV trưởng Than Quảng Ninh – PV) muốn ghép một đội thật quen để ra sân với nhau chơi thật ăn ý nhưng điều đó lại khiến nhóm cầu thủ trẻ ít được trui rèn. 

Như Nghiêm Xuân Tú năm nay cũng đã 33 tuổi, cần một người trẻ hơn để thay thế về lâu dài chứ chẳng thể chạy cả 90 phút mãi được.

Một vài mùa trước khi vẫn còn sức lực không vấn đề gì nhưng năm nay phong độ cũng suy giảm, thể lực xuống thì vũ khí chính là tốc độ để qua người cũng không còn được như trước. Thực ra các mùa trước, đội cũng hướng cho các cầu thủ trẻ vào thi đấu nhưng HLV trưởng vẫn thận trọng, chưa dám sử dụng quá nhiều. 

Đó cũng là một vấn đề bởi lỡ một số cầu thủ đá chính không thể ra sân, các cầu thủ trẻ ít kinh nghiệm sẽ không biết phải chơi thế nào. Ít thi đấu cùng các đàn anh, họ sẽ không phải phải chạy chỗ ra sao, không biết đứng ở vị trí thích hợp để nhận bóng.

Thầy Phan Thanh Hùng tình cảm, hay chia sẻ với cầu thủ nhưng cũng… hay ham công việc. Nhiều khi ra sân làm từng chút một, nhiều khi làm cả việc của trợ lý, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của thầy. 

Từ khi thầy về, Quảng Ninh bắt đầu hình thành đc lối chơi, biết kiểm soát bóng, biết phát triển tấn công, bắt đầu có chiến thuật rõ ràng hơn. Quảng Ninh của thời trước kia hay một số đội đến bây giờ cũng vậy thôi, chỉ chuyền dài dựa vào ngoại binh.

Nhưng thầy về làm chiến thuật rõ ràng, phân tích từng cầu thủ, cả đội được xem băng hình để hiểu mình cần làm gì trong những tình huống như vậy, dần dần hình thành 1 thói quen về chiến thuật.

Hồi thầy Hùng mới về, tôi có lúc hụt hơi giữa mùa giải, như đợt năm 2017 có trận chỉ đá được 60-70 phút là phải ra, mùa đó cũng phải dự bị nhiều. Trước đó, tôi không phải tham gia phòng ngự nhiều, tuyến giữa một cầu thủ ngoại có nhiệm vụ phòng ngự, thu hồi rồi chuyền bóng lên.

Tôi chỉ việc thoải mái thi đấu, nhận bóng rồi tổ chức trận đấu, tấn công nhiều hơn. Nhưng chuyển sang chiến thuật của thầy Hùng, tôi phải làm quen với việc di chuyển thường xuyên, hỗ trợ tấn công rồi lùi về phòng ngự, hoạt động liên tục nên ban đầu chưa bắt nhịp được thì thể lực xuống. Nhưng sau đó, thầy cho các bài tập năng cao thể lực, sức mạnh thì tôi dần cải thiện được để bắt nhịp với lối chơi.

Đây cũng mùa giải V-League thứ 8 tôi gắn bó với Than Quảng Ninh. Trước đấy cũng có 1 vài lần trục trặc về lương thưởng nhưng cũng vì cuộc sống thôi, mình cũng cần chăm lo cho gia đình mà.

Trước kia, đội vẫn thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn than, Công ty Cửa Ông trực tiếp quản lý thì cơ chế của cầu thủ cũng giống công nhân. Điều đó rất bất lợi bởi lương, thưởng như vậy rất hạn chế.
 
Đến khi đội chuyển giao năm 2014, chú Phạm Thanh Hùng nắm giữa cương vị Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh thì lương, thưởng của các cầu thủ bắt đầu tăng lên. Càng ngày bóng đá càng phát triển thì đãi ngộ với cầu thủ cũng phải tăng lên, cầu thủ đá tốt thì cũng phải nhận được đãi ngộ xứng đáng.

Cũng có một số lần trục trặc về đãi ngộ, tôi có ý định ra đi nhưng chú Phạm Thanh Hùng về, nhắn nhủ cứ ở lại và yên tâm thì tôi cũng như một số anh em tiếp tục gắn bó. Từ đó đến nay ở lại luôn, tôi cũng chẳng nghĩ đến chuyện ra đi nữa. 

Trong những năm qua cũng có một số đội ngỏ ý muốn có tôi. Cũng chẳng có gì mà phải giấu,Thanh Hoá, Bình Dương hay TP Hồ Chí Minh cũng có đặt vấn đề.

Nhưng dù bên kia trả cao hơn hay có như thế nào, tôi vẫn quyết định lại. Thực ra ở trong đội bây giờ, đã ngộ của tôi cũng nằm ở nhóm trên rồi, chẳng đến nỗi kém mà phải suy nghĩ ra đi.

Bởi lẽ tôi hiểu rất nhiều CĐV muốn có tính chất địa phương hơn là cầu thủ ở nơi khác đến thi đấu, rất muốn cầu thủ của tỉnh mình được ra sân thi đấu.

Than Quảng Ninh có nhiều cầu thủ cầu thủ đã thi đấu ở đây 6-7 năm nên mỗi khi ra sân rất quyết tâm, có nhiều cầu thủ Quảng Ninh trong đội thì CĐV cũng hào hứng hơn. Trước kia khi mới lên V-League, trừ 3 ngoại binh đi, có đến 6 người gốc Quảng Ninh ra sân trong đội hình xuất phát nên CĐV rất vui khi đến xem.

Dần dần tính chất địa phương cũng mất dần đi, người hâm mộ nhiều khi cảm thấy chạnh lòng khi nhìn vào đội hình xuất phát có lúc chỉ còn 1-2 cầu thủ địa phương thôi. CĐV cũng cảm thấy tiếc nuối. 

Hải Huy Nếu đánh mất chính mình thì làm gì còn cơ hội lên tuyển hình ảnh
 


Ngày trước, CĐV tuy ít nhưng nhiệt tình hơn, giờ hội CĐV chỉ còn 1 vài anh chị lớn đã đi theo đội từ rất lâu rồi. Một số người trẻ có trận đấu mới đến sân, không còn trò chuyện với cầu thủ chúng tôi như trước. Trước kia, cầu thủ và cổ động viên nói chuyện với nhau thân thiết, rất vui, đồng viên tinh thần anh em nhưng giờ không còn được như thế nữa.

Có chuyện vui là trước kia, có nhiều CĐV nữ trẻ trẻ đến sân thích yêu cầu thủ của đội lắm. Bây giờ làm gì còn chuyện ấy nữa, các bạn ấy đến sân rồi về thôi, các bạn ấy yêu mấy cậu ở tuyển U23 rồi (cười). 

Tôi với vợ nên duyên cũng là từ trang fanpage của CLB than Quảng Ninh. Từ hồi đội còn chơi ở giải hạng Nhất quốc gia 2010, các cầu thủ và CĐV tạo tài khoản, các cầu thủ tự lấy tên mình vào nói chuyện vui vẻ với CĐV. Cứ nói chuyện qua lại, làm quen nhau rồi dần dần mới yêu.

Yêu nhau được khoảng 2 năm, tôi ngỏ lời cầu hôn, làm đám cưới rồi rồi năm sau đi SEA Games. Tôi thấy cầu thủ lập gia đình sẽ ổn định được cuộc sống.

Những kỷ niệm đó cứ theo tôi đến tận bây giờ. Còn chuyện hợp đồng, tôi nghĩ CLB sẽ ký tiếp với mình thôi chứ không cần hứa hẹn gì, vấn đề là bao nhiêu năm thôi. Dù sao tôi cũng là một cầu thủ mang tính địa phương, đã cống hiến nhiều năm rồi. Dù chấn thương nhưng tôi cũng chẳng lo lắng đến điều đó.

Bây giờ quay lại với bóng đá, tôi mong ký hợp đồng rồi ở lại đây thôi chứ không đi đâu nữa. Hết năm nay cũng là thời điểm hết hạn hợp đồng, CLB cho ký bao nhiêu năm thì tôi ký bấy nhiêu. Còn khi nào không đá được nữa, tôi dự tính sẽ cố gắng đi học để làm HLV đội trẻ.

Lứa chúng tôi đặt mục tiêu ai không thi đấu được nữa thì về cùng nhau làm công tác đào tạo trẻ, cố gắng đào tạo ra 1 lứa tốt. Khoảng 15-20 năm nữa, hy vọng có thể góp phần đào tạo cho Quảng Ninh một lứa cầu thủ giống như chính lứa chúng tôi.
***

Từ khi được đi đá bóng lúc nhỏ, tôi đã là một cổ động viên của đội tuyển, rồi được xem các anh, các chú thi đấu trên TV khiến tôi rất thích được khoác áo đội tuyển. Khao khát đó càng mãnh liệt hơn kể từ khi được lên Từ Sơn ăn tập, bởi đó là nơi tập trung các cầu thủ sau này sẽ được lên tuyển, đội dự tuyển mà. Chúng tôi được ăn tập ở đó để chọn những cầu thủ tốt sẽ được lên đội U, mà từ đó phấn đấu lên ĐTQG. 

Đấy là từ năm 15 tuổi khi đã lên đội dự tuyển, tôi chắc chắn mình có mơ ước lên đội tuyển, nếu chỉ lên rồi đá cho đội tuyển trẻ, hay về đá cho CLB thì bình thường quá. Đã lên đó, tôi xác định mai sau mình phải có cơ hội lên tuyển. 

So với các bạn đồng trang lứa, tôi không phải là cầu thủ tồi, cũng là 1 cầu thủ khá nổi bật nên mình phải phấn đấu lên tuyển. Đó là mục tiêu đặt ra cho bản thân từ những ngày đầu chập chững chơi bóng, cũng như mục tiêu chung của các cầu thủ đội dự tuyển. 

Nhưng có lẽ sự nghiệp lên tuyển của tôi cũng không… may mắn cho lắm. Thời của HLV Toshiya Miura, lối đá của đội tuyển là phát triển bóng ra hai biên nên cần 2 cầu thủ ở trung tâm hàng tiền vệ vừa khoẻ, phòng ngự tốt, biết phân phối ra 2 biên cho Thành Lương và Vũ Minh Tuấn.

Thời ông Miura thì Vũ Minh Tuấn là số 1, ông ấy đánh giá rất cao Minh Tuấn, bóng được tập trung xẻ sang 2 biên cho Tuấn với Thành Lương. Vai trò của 2 tiền vệ trung tâm và 4 hậu vệ tập trung cho phòng ngự. 

Lối đá của HLV Miura chủ yếu là bóng dài, chuyền lên cho tiền đạo tì đè đánh đầu hoặc đưa bóng ra 2 biên. Tôi thì không thể nào phù hợp với lối đá đấy được, có thể HLV  Miura thấy không hợp nên cũng chẳng gọi. Sau đấy đến thời chú Thắng (HLV Nguyễn Hữu Thắng – PV) thì dùng những cầu thủ có kinh nghiệm như anh Tấn Tài, Hoàng Thịnh,…

Rồi đến thời thầy Park (HLV Park Hang Seo – PV) lại dùng nguyên 1 lứa trẻ lên đá quá tốt rồi thì cơ hội của tôi chỉ có một cách duy nhất là thi đấu ổn định ở V-League, được để ý thì gọi lên thôi vì lứa trẻ hiện tại đang đá tốt quá rồi.

Hải Huy Nếu đánh mất chính mình thì làm gì còn cơ hội lên tuyển hình ảnh
Nguyễn Hải Huy


Một lần nữa, tôi cảm thấy thiếu may mắn khi đang trong lúc phong độ rất cao, đang có cơ hội lên đội tuyển thì lại chấn thương. Sự khao khát là rất lớn bởi từ khi được dự SEA Games 2013 với tư cách tuyển thủ U23, thì tôi chưa có cơ hội lên ĐTQG.

Tôi rất muốn được lên tuyển để chứng minh thực lực bản thân nhưng một lần nữa sự may mắn lại ngoảnh mặt. Nhưng một khi trở lại, tôi sẽ lại tiếp tục cố gắng, không bao giờ từ bỏ! 

Thời còn làm HLV trưởng Than Quảng Ninh, thầy Phan Thanh Hùng cũng nhiều lần chia sẻ hy vọng tôi được lên tuyển. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn trên con đường thực hiện mong muốn của thầy.

Tôi cảm thấy chưa thực sự may mắn nên mùa này, khi đã quay trở lại với bóng đá, tôi sẽ tiếp tục cố gắng thi đấu và lấy lại phong độ của để một lần được được chạm vào cơ hội lên tuyển.

Thú thực là sau chấn thương, tôi cũng chưa nghĩ đến những mục tiêu quá xa bởi nhiều cầu thủ sau thời gian nghỉ dài vì chấn thương đã đánh mất phong độ. Mong muốn lớn nhất lúc này của tôi là thi đấu ổn định, lấy lại phong độ thì cơ hội lên tuyển sẽ rộng mở hơn, nếu không giữ được phong độ thì mục tiêu đấy cũng chẳng còn nữa.

NẾU ĐÃ ĐÁNH MẤT CHÍNH MÌNH THÌ LÀM GÌ CÒN CƠ HỘI LÊN TUYỂN.


Bởi hiện tại có nhiều cầu thủ trẻ rất hay, rất tiến bộ, tôi nghĩ mình phải lấy lại được phong độ trước. Mục tiêu lên tuyển là mục tiêu tiếp theo. Nhưng dù có thế nào đi nữa, còn chơi bóng, tôi còn giữ ước mơ. Tôi sẽ không từ bỏ!

Video bàn thắng của Hải Huy tại vòng 3 V-League 2021

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X