Nói rằng QPR có khả năng gây sốc cho khán giả bằng cách đả bại Man Utd vào thời điểm này e rằng hơi hoang đường, nhưng trong bóng đá tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra. QPR mới thắng có 2 trận cho tới lúc này của mùa giải, nhưng 1 trong số đó là chiến thắng trước Chelsea. Man Utd mới thua 3 trận, nhưng 1 trong số đó là trận thua Norwich. Vậy thì, đặt ra câu hỏi "Tại sao QPR không thể thắng Man Utd?" thì chắc rằng không nhiều người trả lời được. Thực vậy, tự tin thì có, nhưng tự tin 100% thì không. Người Manchester tự tin sẽ thắng gã thiếu gia mới nổi hiện đang xếp bét bảng, nhưng thử hỏi có ai dám khẳng định 100% rằng MU sẽ thắng, trước khi bóng lăn?
17 điểm sau 26 trận có vẻ là con số quá khiêm tốn dành cho đội hình có những cái tên như Julio Cesar, Jose Bosingwa, Esteban Granero hay Adel Taarabt. Cùng với số trận là 26, Man Utd có 65 điểm, thắng 21/26 trận đã đấu. Đội quân của Sir Alex có được tinh thần tốt sau khi gặp những thuận lợi hết sức đáng kể ở cả 2 đấu trường Premier League và Champions League (cầm chân Real Madrid 1-1 ngay tại Santiago Bernabeu), có một Robin Van Persie không ghi bàn thì biết kiến tạo, một Hernandez đánh hơi cơ hội thính như Ruud Van Nistelrooy ngày nào, có một hàng thủ vững chắc như bàn thạch, có một De Gea chơi lên tay từng ngày, có kinh nghiệm của Giggs, Carrick hay sự bùng nổ từ Nani, Ashley Young... Nhưng nếu những ai tin vào một phép màu thì có thể nhớ rằng đây là Loftus Road của QPR, sân nhà của họ. Họ có Julio Cesar chơi tỏa sáng, việc QPR có hiệu số bàn thắng bại -22 là vì ở giai đoạn lượt đi, hàng thủ của họ quá yếu kém. Giờ đây QPR đã được bổ sung Christopher Samba, chữ kí mà Man Utd 1 thời thèm khát. Jamie Mackie và Adel Taarabt là ước mơ của nhiều đại gia. Bobby Zamora biết đâu trong một ngày đẹp trời sẽ tìm thấy hình ảnh của chính mình khi còn chơi cho Fulham. Bosingwa đầy kinh nghiệm khi trước đây từng chơi cho Chelsea, hay những cái tên đáng tin cậy khác như Armand Traore, Clint Hill, Esteban Granero hay chữ kí mới Mbia. Tất cả đều có thể xảy ra, khẳng định rằng Man Utd sẽ thắng là điều khó cho bất kì ai, khi trái bóng tại Loftus Road chưa chính thức lăn.
Man Utd giành thêm một chiến thắng tại Premier League |
Hãy nhớ lại xem bao nhiêu lần trong mùa giải này QPR thua trên thế thắng, hòa trên thế thắng. Chẳng có đội bét bảng nào hòa đến 11 trận, và số lần đánh rơi điểm của đội bóng nhà giàu "nửa mùa" này chắc chắn là nhiều hơn 1 nửa của con số 11 nói trên. Kể từ khi Harry Redknapp chính thức đặt chân đến đây, QPR đã mạnh mẽ và giàu sức sống hơn nhiều dưới thời của Mark Hughes. Trong một trận đấu mà danh dự còn nhiều ý nghĩa hơn cả điểm số, khi chiếc phao cứu sinh mang tên trụ hạng đã dần trôi ra ngoài tầm với, chắc chắn đội chủ nhà sẽ không cho Man Utd lội ngược dòng dễ dàng. Mà hãy nhớ lại, một lần nữa xem, đã bao nhiêu lần rồi Man Utd may mắn mà có được 3 điểm. 21 trận thắng của họ có bao nhiêu trận là có những bàn thắng ở phút cuối cùng? Người bảo đó là bản lĩnh, người bảo đó là may mắn. Dù bản lĩnh hay may mắn đóng vai trò chủ yếu, thì cũng có chút gì đó mong manh trong cách chơi chuyên ngược dòng ấy của MU. Họ đã vất vả thế nào trước Reading, đội xếp thứ 18? Họ đã bị Southampton dọa cho xanh mặt như thế nào, dù vẫn có 3 điểm? Quá tam ba bận, hi vọng QPR chiến thắng vẫn còn sống trong những người yêu bóng đá bất ngờ. Họ muốn Premier League hấp dẫn hơn, chứ không phải chứng kiến MU về đích một mình một ngựa trong tư thế oai phong lẫm liệt. Vòng này, Man City sẽ gặp Chelsea tại Etihad, và dù kết quả có ra sao, chắc chắn rằng MU vẫn sẽ càng thêm thênh thang trên con đường giành lại ngôi vương đã để mất năm ngoái. Chẳng cổ động viên trung lập nào muốn khoảng cách giữa 2 đội bóng thành Man lên thành 15 điểm. Như thế thì Premier League còn đáng để theo dõi?
Những phút đầu tiên của trận đấu chứng kiến một thế trận không quá lấn lướt của Man Utd. Tất nhiên, Quỷ Đỏ thành Man vẫn thể hiện được đẳng cấp vượt trội trong từng pha tranh chấp, nhưng rõ ràng dưới bàn tay nhào nặn của Harry Redknapp, mọi thứ với QPR có vẻ đang đi đúng theo chiều mà họ mong muốn. Được tổ chức tốt với lối chơi để nhiều quân số bên phần sân nhà, nhưng không lùi quá sâu mà tập trung vào phòng ngự từ xa, ngay từ khu vực giữa sân, QPR cho thấy 10 phút đầu khá sòng phẳng với đội xếp đầu bảng. Thậm chí, họ làm chủ khu trung tuyến rất tốt với việc cầm bóng vượt trội (68% so với 32% của đội khách). Những Van Persie, Nani hay Young vẫn chưa thể vây hãm được khung thành được bịt kín mọi nẻo đường vào của Julio Cesar. Thậm chí, với những pha tranh chấp tự tin và thể hiện được trình độ, tất cả mọi tuyến của QPR cho Man Utd thấy đây chẳng hề là một trận đấu dễ dàng. Hàng hậu vệ chủ nhà phong tỏa tốt ngòi nổ Van Persie với sự tích cực của Samba. Trên hàng công, Taarabt và Zamora khát khao tìm kiếm sự đột biến. Vidic và Ferdinand hứa hẹn sẽ không có một ngày làm việc nhàn nhã, dễ dàng. Những phút tiếp theo đó, Quỷ Đỏ vẫn rất khó khăn trong việc dồn ép những chiến binh phòng thủ dũng cảm của đội chủ nhà, trong khi luôn phải "canh mắt dè chừng" những quả sút xa từ phía Taarabt. Tốc độ trận đấu không cao không phải vì Man Utd không muốn chơi nhanh, mà là do chiến thuật phòng thủ khu vực mà Harry Redknapp bày ra cho QPR tỏ ra hết sức hiệu quả. Man Utd từ đầu trận chỉ có 2 nguồn duy nhất để tạo ra cơ hội là những đường tạt thường là không đi đúng địa chỉ của Ashley Young và Nani, hoặc những tình huống cố định. Lần lượt ở những phút 12, 16 và 18, những quả tạt này cũng đã đem đến những cơ hội cho đội khách, nhưng hầu hết những pha dứt điểm của họ đều không tạo nên đột biến: Nani cần tỏ ra cẩn thân với cơ hội mà mình có được từ đầu trận, còn Chicharito thì chỉ biết lắc đầu ngao ngán với sự xuất sắc của Cesar khi đồng hồ vừa chỉ qua phút 15. Tình huống sau đó xuất phát từ một sai lầm của Samba trong khâu khống chế quả bóng đến từ đường chuyền của Cesar, nhưng rồi đột biến cũng không tới.
Hiệp 1 trôi qua được một nửa thời gian, và MU dần dần gia tăng sức ép. Không có phép màu rồi. Phút 23, cái tên chẳng ai ngờ đến đã tỏa sáng và nổ súng. Anh là Rafael. Trong khi QPR vẫn rất nỗ lực với những nỗ lực cá nhân của mình và chú trọng trong phòng ngự thì MU đã có bàn thắng, và nó chẳng đến từ một tình huống khôn khéo xuyên phá hàng thủ đối phương hay là một pha phối hợp tinh tế. Lại một lần nữa, MU có được lợi thế nhờ sự tỏa sáng của một cá nhân. Sau một tình huống lộn xộn trước khung thành QPR, bóng bật ra tới vị trí của Rafael. Tưởng chừng chẳng có gì nguy hiểm với khung thành Julio Cesar, bởi lúc đó khoảng cách của hậu vệ người Brazil so với cầu môn của QPR phải lên tới 25 mét, không ai nghĩ một hậu vệ như anh lại dám tung chân dứt điểm táo bạo như vậy. Một cú sút xa thẳng như kẻ chỉ được tung ra, bóng găm thẳng vào góc bánh chưng bên phải của khung thành Cesar. Thủ thành mang áo số 33 nhặt bóng trong khung thành với khuôn mặt đầy bất lực, vì 2 lí do. Thứ nhất, đó quả là một cú sút không thể cản phá, khá khó tin khi nó đến từ một hậu vệ. Và thứ hai, anh hiểu rằng nếu QPR muốn gỡ hòa, thì họ đang đứng trước một quả núi sừng sững thực sự. QPR chỉ có thể tạo nên phép màu khi có được lợi thế trước, còn đến giờ này, khả năng lật ngược thế cờ của họ tỏ ra rất mong manh. Ghi bàn sao đây khi phát triển tấn công theo hướng cá nhân đơn lẻ? Trước một hàng thủ vững vàng? Trước một gã khổng lồ đang gầm vang trên đỉnh của nước Anh, và có lợi thế về tâm lý?
Trận đấu lại diễn ra chậm rãi như những gì nó đã diễn ra từ trước khi Rafael có bàn thắng, nhưng gió đã đổi chiều. Bị ghi bàn dẫn trước, QPR dồn lên tấn công, với cơ sở chủ yếu dựa vào là cầm bóng nhiều và từng bước dùng bóng bổng xâm nhập vòng 16m50 đội khách, nhưng họ không đủ mạnh để đe dọa Quỷ Đỏ. Ngược lại, từ lúc có bàn thắng, Man Utd chơi chậm hẳn lại, không có ý đồ áp đặt thế trận với việc triển khai thế công như trước. Họ phòng ngự cũng theo khu vực, nhưng nhàn nhã hơn QPR hồi đầu trận nhiều, đơn giản vì đội chủ nhà không có nhiều nhân tố có thể bùng nổ đúng lúc. Nhìn cú sút của Adel Taarabt ở phút 33 đi vô vọng, nhẹ nhàng ra khỏi khu vực cầu môn mà thương cho QPR. Chí lớn nhưng chẳng có điều kiện để làm nên. Ở phần sân bên kia, MU lại không hề tốn quá nhiều mồ hôi để tiếp tục tạo nên những cơ hội khi đã có lợi thế dẫn bàn. Không có sự xuất sắc của Cesar thì có lẽ lưới của đội chủ nhà đã lại rung lên lần nữa sau cú sút của Van Persie ở phút 36, với đường kiến tạo quá đẹp của người đã khai thông thế bế tắc, Rafael. Hiệp 1 trôi dần về những phút cuối, và hình ảnh quen thuộc có lẽ sẽ khép lại hiệp đấu này: Man Utd dù có thêm bàn thắng hay không, vẫn có cơ sở giành trọn 3 điểm vững như bàn thạch, QPR tấn công với quyết tâm lớn nhưng không thể xoay chuyển tình hình.
Đến những phút cuối của hiệp 1, QPR vẫn cầm nhiều bóng hơn (56% thời lượng bóng lăn), nhưng những người tạo ra được cơ hội, trớ trêu thay, vẫn là Man Utd. Lần này là Vidic sau cú đá phạt của Ryan Giggs, nhưng tỉ số vẫn là 1-0 sau khi bóng bay không đúng đích đến. Rồi sau đó 5 phút, tiếng còi kết thúc hiệp 1 của trọng tài chính vang lên, khép lại nửa đầu trận đấu cứ tưởng là tươi sáng nhưng rồi lại đầy thất vọng của thầy trò ông Harry Redknapp.
Trên thực tế, các fan trung lập theo dõi trận đấu này có thể thấy rất nhàm chán. Những phút đầu tiên của hiệp 2, QPR dường như không có bất kì biến chuyển nào về mặt lối chơi theo chiều hướng tích cực. Họ vẫn tiếp tục dồn quân số sang phía phần sân đối phương, cố gắng tạo ra áp lực lên khung thành MU, nhưng kết quả thì vẫn không có gì đáng kể: Vidic và Ferdinand chơi quá tốt với nhiệm vụ kiềm tỏa Zamora và Taarabt của mình. QPR vẫn còn một hi vọng đã từng khoác áo cho MU ngày trước, đang ngồi trên ghế dự bị, Park Ji-sung, nhưng Harry Redknapp quyết định đưa Jenas vào sân thay thế cho Granero, người đã chơi tương đối thất vọng ở hiệp 1. Dù QPR đẩy cao đội hình, nhưng MU vẫn chứng tỏ mình mới là đội nguy hiểm hơn với chiến thuật phản công nhanh. Không cần quá vội vã, họ vẫn có được một thời cơ của Chicharito ở phút 52, nhưng nỗ lực của tiền đạo người Mexico dễ dàng bị Cesar cản phá. Chỉ 4 phút sau, đến lượt Vidic lần thứ 2 phối hợp với Giggs từ những quả phạt trực tiếp, tiếc là quả phạt của tiền vệ kỳ cựu người xứ Wales lại đi hơi sâu. Dù chưa có thêm bàn thắng, nhưng MU lại tỏ ra rất trên chân. Mất bình tĩnh, QPR bắt đầu tự bắn vào chân mình bằng những sai lầm không đáng có: phút 55, Clint Hill chơi cao chân với Rafael và rõ ràng anh xứng đáng nhận thẻ đỏ. Tuy nhiên với tình thế này, quả thực chẳng trọng tài nào muốn đuổi người của QPR: đã nghèo còn mắc cái eo, e rằng đội bóng của Redknapp hết đường thoát. Cả 2 HLV đều tỏ rõ sự không hài lòng với màn trình diễn của đội bóng dưới quyền mình, tính cho tới lúc này. Vì vậy một loạt sự thay đổi được đưa ra. Có lẽ ánh sáng nơi cuối con đường sẽ xuất hiện chăng khi Remy vào thay Zamora ở phút 61, và người vô hình Chicharito được thay bởi ngòi nổ Wayne Rooney cùng lúc đó. Ngay lập tức, Remy lên tiếng.
Chỉ 2 phút sau khi được thay vào sân, tiền đạo sát thủ của QPR đã tung ra lời cảnh cáo với khung thành của David De Gea. Di chuyển cực khéo và dẻo, anh tự đặt mình vòa một thời cơ rất tốt để thực hiện một cú nã đạn tầm xa. Cú sút bay thẳng vào phía góc gần cầu môn của thủ thành người Tây Ban Nha, và một lần nữa De Gea cho thấy vì sao người ta lại phải ca ngợi anh trong thời gian gần đây bằng việc đổ người đúng hướng và hết sức kịp thời. Phải chăng trận đấu vẫn chưa kết thúc? Junior Hoilett được tung vào sân thay Andros Townsend, cựu tiền vệ của Tottenham, người cũng khá mờ nhạt trong thời gian góp mặt trên sân. Với những cầu thủ nguy hiểm nhất trong đội hình về phương diện tấn công như Hoilett, Mackie, Taarabt và Remy, QPR có vẻ đã sẵn sàng cho một cuộc lật đổ. Tuy nhiên điều đó cũng không hề dễ dàng khi ông già gân rất thông thái, tung Valencia vào sân thay Ashley Young dù rằng số 18 chơi khá tốt từ đầu trận. Đưa Valencia vào, Sir Alex có một chiến binh biết phòng thủ ở tuyến giữa hơn Young rất nhiều, anh có thể không ham tấn công mà hỗ trợ tốt cho tuyến dưới. Ở phía cánh trái đối diện, Nani sẽ tiếp quản thay cho Ashley Young đã rời sân. Cánh phải của Man Utd giờ đây khá giàu tính toàn diện công thủ với sự góp mặt của Rafael và Valencia. Thực sự hôm nay hậu vệ người Brazil đã có một trận đấu trên cả tuyệt vời trong cả phòng ngự và tấn công. Phút 71, một lần nữa anh làm các CĐV QPR thót tim với pha phối hợp cùng Valencia rồi chuyền vào hóc hiểm, tiếc là cả Rooney và Welbeck đều lỡ trớn. Tính đến lúc này nếu không kể những sai lầm vụn vặt, thì Samba là người chơi hay nhất bên phía hàng thủ QPR trong trận này.
Tải chương trình xem tại đây để xem nội dung tệp này. |
Phút 77, đáng ra tỉ số có thể là 2-0 cho đội khách khi Nani tung ra đường chuyền dọc biên để Evra băng lên đầy tốc độ bên phía cánh trái rồi căng ngang vào cho Rooney, đáng tiếc rằng cú sút của R10 lại quá hiền. QPR hú vía và tiếp tục dồn lên, mà không ngờ rằng bàn thắng thứ 2 của MU đến chỉ 3 phút sau đó. Có lẽ rằng sau bàn thắng này, khoảng cách của MU và MC sẽ là 15 điểm, trận đấu đã an bài. Nani chuyền một đường quá tốt cho Ryan Giggs với đà băng lên hoàn toàn thuận lợi, tung ra cú sút làm tung góc lưới Julio Cesar. Còn 10 phút, QPR vẫn quá bế tắc, trận đấu kết thúc sớm? Bàn thắng này làm QPR thất vọng thực sự, bởi chỉ 1 phút trước đó thôi họ vẫn còn đầy nhiệt huyết và khí thế tiến công.
Chưa dừng lại ở đó, Man Utd tiếp tục làm mưa làm gió trước khung thành Cesar. Liên tục ở các phút 83, 85 và 88, họ có cơ hội để gia tăng cách biệt lên thành 3 bàn trong cơn hưng phấn hủy diệt gã thiếu gia đáng thương QPR. Phút 83, Giggs lại là điểm đến của đường chuyền đến từ Valencia, tiền vệ người xứ Wales lốp bóng đầy khéo léo, bóng đập xà ngang bật ra, đến đúng tầm chân dứt điểm của Nani nhưng cầu thủ Bồ Đào Nha lại dứt điểm ra ngoài đầy đáng tiếc. Chỉ sau đó 2 phút, là cú nã đạn của Rooney sau tình huống phối hợp nhịp nhàng của Welbeck và Nani. Nani chơi quá tốt, đúng như sự kì vọng của người ta trước trận đấu.
Khi thời gian thi đấu của trận đấu còn 2 phút, lại một cơ hội nữa, và lần này là dành cho Welbeck. Pha khống chế bóng vụng về của tiền đạo người Anh sau đường chuyền như đặt của Giggs lý giải vì sao đến giờ này Welbeck mới chỉ có 1 bàn thắng trong khuôn khổ Premier League. Cơ hội ghi bàn thứ 3 cho MU bị Welbeck bỏ lỡ chính vì pha chạm bóng vô duyên ấy, đáng ra anh phải dứt điểm ngay. Ở phần sân bên kia, QPR chưa bỏ cuộc khi Samba dứt điểm bằng đầu khéo léo, làm De Gea hoạt động vất vả sau cú chuyền của Taarabt ở phút 90. Tuy nhiên, 2-0 là kết quả cuối cùng của trận đấu này.
15 điểm rồi. Man Utd còn 11 trận trước mắt. Số trận thì cứ giảm xuống, số điểm khoảng cách với Man City thì cứ tăng lên. Chạm một tay vào chiếc cúp vô địch, MU hân hoan rời Loftus Road, ở bên cạnh ấy là những cái bóng áo sọc xanh trắng lầm lũi cúi đầu di chuyển vào phòng thay đồ. Tập thể của những ngôi sao thất sủng đã kém đội xếp thứ 19 tới 4 điểm, khoảng cách của hơn 1 trận thắng, mà một trận thắng quả thực là điều xa xỉ với họ vào lúc này. Thua rồi, sắp xuống hạng rồi, liệu Redknapp có cứu nổi con tàu đắm QPR? Còn Sir Alex, bao giờ thì ông mới chính thức đuộc hưởng niềm vui hân hoan vô địch? Khi mà các trận đấu còn lại chỉ còn mang tính thủ tục mà thôi?
Đội hình thi đấu:
QPR: Cesar - Bosingwa, Samba, Hill, Traore - Townsend (Hoilett 73'), Granero (Jenas 46'), Mbia, Mackie, Taarabt - Zamora (Remy 61').
Man Utd: De Gea - Rafael, Evra, Ferdinand, Vidic - Giggs, Carrick, Nani, Young (Valencia 68') - Van Persie, Hernandez (Rooney 62').
Bàn thắng: Man Utd: Rafael (23'), Giggs (80')
- Thành Nguyễn - Diemsovi.com