Thứ Năm, 09/01/2025 Mới nhất
Zalo

Người hâm mộ bị “liên quân” VFF - Eximbank - HAGL cho ăn “trái đắng”

Thứ Năm 20/06/2013 07:37(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

 Từ Ban Tổ chức (BTC) trận đấu đến các nhà tài trợ đều khẳng định đây là một trận đấu “phục vụ nhân dân”, nhằm giải tỏa “cơn khát” của người hâm mộ. Thế nhưng, mọi diễn biến cho thấy nó không hẳn là như vậy.

Trả lời báo chí, một quan chức ngành thể thao phải thốt lên rằng người hâm mộ sẽ bị BTC cho ăn “trái đắng”. “Giá vé xem trận đấu sẽ cao ngất ngưởng… và Arsenal sẽ chỉ đá với đội tuyển ngôi sao (nhặt từ các CLB) chứ không phải đội tuyển Việt Nam”, mục đích cuối cùng của trận đấu là phục vụ cho thương vụ kinh doanh của VFF, Eximbank và HAGL.

Dư luận mấy ngày qua ồn ào việc sân Mỹ Đình đòi tăng giá thuê sân mà quên mất rằng, người đóng vai trò quyết định sự thành công của trận đấu này không phải BTC, không phải sân Mỹ Đình mà chính là người hâm mộ, những người sẽ phải bỏ ra 1,5 triệu đồng/vé và sẽ cao hơn thế từ chợ đen, để được có mặt ở sân.

Giấy mời xem trận đấu với rất nhiều logo nhà tài trợ
Giấy mời xem trận đấu với rất nhiều logo nhà tài trợ

Thương vụ kinh doanh “người hâm mộ”… lãi tiền tỷ

Bản dự toán trận giao hữu đội Việt Nam - Arsenal ngày 17-7 mà VFF gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đi ngược lại tất cả những gì mà ông Nguyễn Trọng Hỷ và Ban Tổ chức trận đấu tuyên bố trên báo chí gần đây. Tổng nguồn thu Ban Tổ chức (BTC) thu về 30,6 tỷ đồng từ việc kinh doanh “người hâm mộ” thông qua việc bán vé; tiền thu 4 nhà tài trợ, tài trợ chính, bản quyền truyền hình trận đấu BTC ghi là 0 đồng. Vậy nguồn thu từ Eximbank, HAGL và những nhà tài trợ khác được BTC giấu nhẹm đi đâu?

Eximbank và HAGL là 2 đơn vị ký hợp đồng với Arsenal chứ không phải là VFF và việc tổ chức trận đấu đang được triển khai theo hướng lấy thu bù chi để số tiền phải bỏ ra bù lỗ ít nhất. Thể hiện là giá vé được đưa ra với các mệnh giá: loại vé chiếm đa số bán ra là 1,5 triệu đồng/vé và 1 triệu đồng/vé, chỉ có số ít loại 700.000 đồng/vé, loại 400.000 đồng/vé. Việc này được lý giải là để cân đối thu/chi và đúng là nếu BTC thu được càng nhiều từ việc bán vé thì gánh nặng từ nguồn chi sẽ giảm đi. Có điều gánh nặng đó lại được “đổ” lên vai người hâm mộ. Với mức giá là 1,5 triệu đồng/vé trong khi mức lương cơ bản hiện nay là 1.050 ngàn đồng/tháng!

Còn nhớ 4 năm trước, trong trận đấu giữa tuyển VN - Olympic Brazil, cũng có 4 mệnh giá vé là 200.000 đồng/vé; 300.000 đồng/vé, 500.000 đồng/vé và 700.000 đồng/vé nhưng cũng đã giúp cho VFF lãi ít nhất là 4 tỷ đồng. Bởi vậy vấn đề đặt ra là với mức vé cao như lần này, BTC liệu có lỗ nặng như họ dự tính và loan báo? Trên thực tế, phí ra sân của CLB này không ai biết chính xác ngoài các nhà tổ chức, vậy nên nếu phí này không cao tới 2-3 triệu USD như một số đồn đoán, thì chắc gì đã lỗ và “người lỗ” trông thấy ở đây lại chính là người hâm mộ vì phải trả cái vé quá đắt cho một trận đấu được các nhà tổ chức đặt mục tiêu kinh doanh nhiều hơn là phục vụ.

Vì người hâm mộ hay vì Eximbank, HAGL?

Theo ước tính của BTC, tổng chi phí cho toàn bộ trận đấu này là gần 45 tỷ đồng. Cũng theo ước toán này, tiền thu được từ bán vé dự kiến là hơn 30 tỷ, tiền quảng cáo trên sân, tiền quảng cáo truyền hình trước, trong và sau trận đấu thì BTC chưa tính vào, theo giấy mời BTC phát ra thì ngoài logo Eximbank và HAGL còn rất nhiều nhà tài trợ khác nữa. Như thế, trừ tiền bán vé, theo ước tính của BTC sẽ lỗ khoảng 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo một tính toán khác thì sân Mỹ Đình có 4,2 vạn ghế, với giá vé trung bình là 900.000 đồng/vé, trừ 3.000 vé mời thì BTC thu về khoảng 35 tỷ từ tiền bán vé, tức là sẽ lỗ khoảng 10 tỷ đồng cho chi phí tổ chức.

Trên thực tế, nếu bán bảng quảng cáo, kêu gọi tài trợ thì chắc rằng BTC cũng sẽ thu về được số tiền từ 10-14 tỷ và như thế Eximbank và HAGL sẽ không mất một đồng nào ở “thương vụ” được cả tên tuổi lẫn tiếng tăm này. Còn nếu hai nhà tài trợ này độc quyền đặt biển quảng cáo của mình trên sân thì mỗi đơn vị cũng chỉ mất từ 5-7 tỷ đồng, như thế cũng không phải là quá nhiều cho việc mua biển bảng quảng cáo trên sân ở một trận đấu được chú ý như thế này cộng với việc thương hiệu của họ xuất hiện liên tục trên các trang báo trong nước và quốc tế mà không mất một đồng cho phí quảng cáo.

Tuy nhiên theo một nguồn tin thì Eximbank và HAGL sẽ bỏ ra toàn bộ số tiền hơn 40 tỷ đồng để đưa Arsenal vào Việt Nam. Nếu thông tin này là xác thực thì chuyện “lấy thu bù chi” để đẩy giá vé lên cao gây khó khăn cho người hâm mộ (chứ không phải vì người hâm mộ) là khó hiểu vì lúc đó BTC sẽ có hơn 40 tỷ của nhà tài trợ cộng với hơn 30 tỷ bán vé, tổng cộng là hơn 70 tỷ đồng. Hưởng lợi số tiền chênh lệch rất lớn từ phương án này không nói thì ai cũng biết chắc chắn không phải là người hâm mộ.

Nhà tài trợ cần miễn phí vé vào sân như Tôn Hoa Sen

Sự kiện này lại khiến người ta nghĩ đến một sự kiện văn hóa mới diễn ra cách đây không lâu khi Tập đoàn Tôn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ bỏ ra 36 tỷ đồng để mời Nick Vujicic sang Việt Nam. Tôn Hoa Sen là nhà tài trợ duy nhất cho sự kiện này, mọi chi phí đều do Tập đoàn này chi trả và số tiền chi cho sự kiện Nick Vujicic có mặt tại Việt Nam được Tập đoàn này công bố công khai, còn người dân được vào sân miễn phí ở cả 7 điểm tổ chức sự kiện. Điều này khác hẳn với “thương vụ” do HAGL và Eximbank khởi xướng, khi người hâm mộ vào sân sẽ phải trả phí khá cao để gánh bớt (hoặc mang lại lãi cao) cho… nhà tài trợ và BTC.

Tuy nhiên sau sự kiện Nick Vujicic sang Việt Nam, Tôn Hoa Sen và ông Lê Phước Vũ nhận được những gì? Với gần 43 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán là HSG) đang nắm giữ, tài sản của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tôn Hoa Sen - tăng hơn 180 tỷ đồng trong vòng một tuần Nick Vujicic có mặt tại Việt Nam. Và với Tập đoàn Tôn Hoa Sen của ông Vũ thì thương hiệu Tôn Hoa Sen cũng được người dân cả nước biết đến sau sự kiện này. Như thế bỏ ra 36 tỷ đồng nhưng cái mà ông Vũ thu về lớn hơn thế rất nhiều, từ việc cổ phiếu tăng cao cho đến thương hiệu được đánh bóng một cách rất tự nhiên.

Thế nên tuy HAGL, Eximbank không công khai minh bạch việc mình có bỏ toàn bộ chi phí đón Arsenal và không “miễn phí” cho người tham gia sự kiện như ông Vũ nhưng cái mà hai doanh nghiệp này thu lại sau sự kiện này cũng rất lớn, là thương hiệu được bay xa, là cổ phiếu có thể sẽ tăng cao. Vì thế cũng dễ nhận thấy đây là một thương vụ mà phần lãi đã cầm chắc trong tay nhà tổ chức.

 

NGƯỜI HÂM MỘ NÓI GÌ?

“Làm thế khác nào đi buôn bóng đá!”

Mấy ngày nay anh em trong Hội CĐV Việt Nam và Hội CĐV HN T&T của tôi bàn tán xôn xao vì không hiểu BTC nghĩ thế nào mà lại đưa ra mức giá vé cao quá sức tưởng tượng như thế.

Đây đơn thuần chỉ là một trận giao hữu của đội tuyển Việt Nam chứ không phải là trận đấu mà đội tuyển lọt vào bán kết World Cup, để người hâm mộ phải chấp nhận mức giá đó. Tổ chức một trận đấu, đưa ra mức giá vé quá phi lý này chẳng khác nào BTC đi... buôn bóng đá. Khi đưa ra giá vé, BTC phải căn cứ vào mức sống, mức thu nhập của người dân để đưa ra giá phù hợp chứ. Bán vé kiểu này chỉ phục vụ mấy anh nhà giàu, chứ như chúng tôi thì chịu.

Tôi đoán hôm đó sân sẽ vắng vì chắc phải có đến 70% khán giả có chung suy nghĩ như tôi, thà ngồi nhà xem tivi còn hơn phải bỏ ra một đống tiền như thế. Tôi thấy dân tình kêu ghê lắm mà không biết mấy ông BTC có thay đổi hay không? (CĐV CLB HN T&T và ĐT Việt Nam Đỗ Văn Mạnh, tức Mạnh béo).

“Nếu là chính trị, là phục vụ nhân dân thì tài trợ tất cả đi”

Nói thật người hâm mộ bóng đá như chúng tôi đa số là nghèo mà đưa ra giá vé như thế thì ai vào sân được. Chúng tôi bức xúc cũng không biết thổ lộ cùng ai. Giá vé như thế thì là kinh doanh chứ không phải mời Arsenal sang đá để phục vụ cho người hâm mộ. Tôi nghĩ nếu cứ giữ nguyên mức giá như thế này thì người hâm mộ sẽ không đến sân, các ông tự tổ chức thì các ông tự xem với nhau đi!

Mà Arsenal sang thi đấu thực chất là để giao lưu chứ bảo là sự kiện chính trị thì không nên. Mà nếu đã coi là sự kiện chính trị, là phục vụ nhân dân thì đừng có tính toán lỗ, lãi mà hãy bỏ tiền tài trợ tất cả đi. (CĐV đội tuyển VN Hoàng Văn Thụy, tức Thụy gày).

“Xin lỗi, thế không phải “chặt chém” thì là gì?”

Háo hức chờ đợi, giờ thì thật tẽn tò. 3 triệu đồng một cặp vé khán đài A, 800 ngàn một cặp vé sau gôn thì thật chẳng khác nào thách đố người hâm mộ như chúng tôi. Háo hức và chờ đợi vì được nghe quá nhiều tin tức, rằng Eximbank và Hoàng Anh Gia Lai tài trợ, lo chi phí mời Arsenal về Hà Nội thi đấu, thế mà vé đắt vậy chẳng khác nào đánh đố người hâm mộ. Đây cũng là một cách đánh quả thôi. Xin lỗi mấy ông nhà báo, cho nói thẳng: Thế chẳng phải là “chặt chém” thì là cái gì? (Ông Hoàng Tố, Chủ nhiệm CLB câu cá Sông Hồng, nhà cạnh SVĐQG Mỹ Đình).

“Xem ti vi thôi!”

Biết tôi thần tượng bóng đá Anh, yêu mến Arsenal, các con tôi cũng muốn tìm nhờ người đăng ký mua vé chiều lòng cha. Nhưng khi biết mỗi cặp vé cũng gần bằng tháng lương hưu của một cựu chiến binh, tôi từ bỏ ngay ý định ra sân, mặc dù rất tiếc cơ hội hiếm hoi này.

Dù có yêu mến Arsenal, có muốn cổ xúy cho màu cờ sắc áo đội tuyển nước nhà thì cũng ở nhà xem tivi thôi! Không thể chịu được giá vé quá cao dưới cái danh vì người hâm mộ thế này được! (Ông Nguyễn Văn Ái, CCB phường Phương Liệt, Thanh Xuân).

 
(Theo Công Lý)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X