Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Công Phượng biết đá bóng khi lên 5 tuổi

Thứ Năm 11/09/2014 16:34(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 "Bố chỉ gọi một bát phở cho Phượng ăn còn mình thì nhịn. Vì trong túi chỉ còn mỗi 5.000 đồng nên không đủ tiền để gọi 2 bát”...

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó, từ bé Công Phượng cũng như bao đứa trẻ khác ở vùng quê Mỹ Sơn – Đô Lương (Nghệ An) đã phải đi chăn trâu, phụ giúp bố mẹ nhiều công việc mà lẽ ra tuổi thơ đó phải được ăn, chơi, ngủ, nghỉ.

Biết đá bóng khi lên 5 tuổi

Nhà Công Phượng - cầu thủ được mệnh danh là "Messi Việt Nam" - có 6 anh chị em, bố mẹ làm nông nên gia đình rất khó khăn. Tuổi thơ của Công Phượng gắn liền với con trâu, cái cày, và những trận đá bóng bằng quả bóng tự làm. 

Ông Nguyễn Công Bảy, bố của Công Phượng cho hay: “Khi nhỏ nó cứ mỗi lần đi chăn trâu là nó và bạn bè trong làng lại mang một vài quả bóng được làm từ lá chuối khô cuộn tròn lại thành quả bóng, vừa đi chăn trâu vừa đá bóng. Không những thế những lúc về nhà mặc kệ bố mẹ làm việc còn nó vẫn đá bóng cùng anh trai”.
“Bọn trẻ ở làng khi đó ai cũng khen thằng Phượng đá hay nhất làng, khi đó nó mới 5 tuổi. Suốt ngày chỉ đá bóng và đá bóng, nó ham lắm”, ông Bảy bồi hồi nhớ lại.

Trong một lần giải bóng đá thiếu niên nhi đồng huyện Đô Lương tổ chức, Phượng đã thể hiện được tài năng của mình, ngay lập tức lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển trạch và được mời về trung tâm huyện để đào tạo.

Nhận thấy con trai ham mê bóng đá và cũng có năng khiếu hơn hẳn so với những bạn trong làng, ông Bảy quyết định cho con lên tập ở trung tâm huyện.

Ký ức bát phở 5.000 đồng
Khi Công Phượng được lên trung tâm huyện Đô Lương tập luyện và thi đấu, đồng nghĩa với việc bố mẹ Phượng phải thường xuyên đưa đi đón về. Bởi khi đó Phượng đang theo học ở trường tiểu học Mỹ Sơn, và theo lịch trình thì sáng học văn hóa, chiều lên huyện tập luyện.

Trưa nào bố mẹ Phượng cũng phải đạp xe chở anh lên trung tâm huyện tập luyện, đến chiều lại chở con về. Từ nhà Phượng lên trung tâm huyện cách xa khoảng 20km, trong khi đó ngày nào bố Phượng cũng đội nắng, lội mưa đưa con đi, đón con về.

Ông Bảy ngồi kể lại mà nước mắt tuôn rơi, ông cho biết: “Có một lần bán được một yến lúa chỉ được 10.000 đồng, sau đó mượn được chiếc xe máy của hàng xóm chở cháu đi cho đỡ mệt. Vì là đi mượn nên phải đổ xăng cho họ, trong túi có 10.000 đồng đổ xăng mất 5.000 đồng, còn lại 5.000. Lên đến huyện 2 bố con vào quán phở, nhưng bố chỉ gọi một bát phở cho Phượng ăn còn mình thì nhịn. Vì trong túi chỉ còn mỗi 5.000 đồng nên không đủ tiền để gọi 2 bát”.

Ông cho biết thêm: “Lúc đó vì con ham mê bóng đá quá, nên chúng tôi cũng chịu khó hi sinh, vất vả để con được thỏa nguyện ước mơ”.
Kết thúc câu chuyện ông Bảy chia sẻ: “Giờ chỉ mong nó đá tốt, tránh vết xe đổ của những người đi trước để mong sao người hâm mộ yêu mến và tin tưởng, đặc biệt là không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, họ hàng người thân trong gia đình”.

 
Công Phượng và bố ngày đầu khi được tuyển vào Học viện HAGL Arsenal JMG. 

Công Phượng đang là cái tên “hot” nhất của bóng đá Việt Nam trong những ngày qua khi U19 Việt Nam thi đấu thành công tại giải U19 Đông Nam Á - Cúp NutiFood 2014. Để đưa Phượng đến với ngày hôm nay là nhờ một phần lớn công lao và sự hi sinh từ bậc sinh thành của anh. 

Theo Kienthuc.net.vn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X