Thứ Sáu, 10/01/2025 Mới nhất
Zalo

Bản quyền Ngoại hạng Anh: VTV phải dùng quyền phủ quyết

Thứ Sáu 24/05/2013 06:21(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ban Điều hành đàm phán mua bản quyền Giải bóng đá Ngoại hạng Anh (2013- 2016) mới đây đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, đề nghị Bộ yêu cầu Đài THVN, sử dụng quyền phủ quyết.

VTV thiếu tinh thần hợp tác

Thực hiện công văn chỉ đạo số 130/BTTTT/PTTH&TTĐT ngày 10/1/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam (“Đài THVN”) đã ban hành quyết định số 279/QĐ-THVN về việc thành lập Ban Điều hành đàm phán mua bản quyền Giải bóng đá Ngoại hạng Anh giai đoạn 2013 đến 2016 (“Ban Điều hành đàm phán”) do ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám Đốc Đài THVN làm Trưởng Ban.

Ban Điều hành đàm phán Bản quyền Ngoại hạng Anh
Ban Điều hành đàm phán Bản quyền Ngoại hạng Anh

Trong cuộc họp đầu tiên của Ban Điều hành đàm phán ngày 27/2/2013, các thành viên đều nêu rõ quan điểm:

1. Chỉ mua bản quyền phát sóng bóng đá Anh với mức giá hợp lý, không cao hơn giá 3 mùa giải trước quá 20%, để tránh bị nước ngoài lợi dụng và tránh thất thoát tiền của các đài truyền hình cũng là tiền của Nhà nước và Nhân dân.

2. Các đài truyền hình và các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền tại Việt nam không chấp nhận việc một đơn vị độc quyền phát sóng bóng đá Anh tại Việt nam và đề nghị Đài THVN sử dụng quyền phủ quyết của đơn vị góp vốn 51% trong Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (“VSTV”), đơn vịcung cấp Dịch vụ truyền hình trả tiền K+, nếu cần thiết, để tránh việc độc quyền này.

Tuy nhiên, sau đó, ngày 15/4/2013, VSTV đã chính thức công bố độc quyền các trận đấu hay nhất của Giải bóng đá Ngoại hạng Anh giai đoạn 2013 đến 2016 với mức giá lên đến gần 40 triệu USD. Việc này đã xâm phạm quyền được thưởng thức các trận thi đấu bóng đá của khán giả truyền hình vì khó tiếp cận do giá thành dịch vụ của VSTV quá cao (gấp khoảng ba lần so với các dịch vụ tương ứng) và diện phủ sóng của VSTV còn thấp (chỉ khoảng hơn 300.000 thuê bao).

Ngoài ra, nó có thể làm thất thoát tài sản nhà nước khi mua bản quyền với giá quá cao để độc quyền (tăng 300% so với mùa giải trước) và đi ngược lại chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông trong vấn đề bản quyền.

Trước đó, khi được hỏi, Đài THVN đã trả lời: “Đài THVN đã yêu cầu IMG cần xem xét lại hợp đồng độc quyền đã ký với Canal Plus để cho phép Canal Plus được chia sẻ gói bản quyền mà họ đã mua cho các đơn vị khác có nhu cầu ở Việt Nam (kể cả việc IMG phải làm việc lại với Ban Tổ Chức Giải EPL), đồng thời đề nghị có buổi họp chính thức giữa Ban Điều hành đàm phán của Việt Nam và IMG để hai bên bàn về vấn đề nói trên cũng như thương thảo về bản quyền truyền hình gói 3 Giải bóng đá Ngoại hạng Anh giai đoạn 2013 đến 2016 vào trung tuần tháng 5/2013”.

Qua đây, Ban Điều hành đàm phán nhận thấy Đài THVN chưa thể hiện tinh thần rõ ràng và dứt khoát đã được xác định ngay từ cuộc họp đầu tiên của Ban này.

Cần phải học Singapore và Trung Quốc

Cũng liên quan đến Giải bóng đá Ngoại hạng Anh, mới đây, cơ quan quản lý truyền thông của Singapore là Media Development Authority (“MDA”) đã ban hành quy định Cross Carriage Measure (“CCM”) nhằm khắc phục tình trạng truyền hình trả tiền bị xé lẻ do mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền độc quyền một số nội dung (kênh truyền hình, bản quyền phát sóng các sự kiện thể thao lớn: Bóng đá Anh, Giải bóng đá vô địch Châu Âu, Giải bóng đá vô địch thế giới…).

Ngoại ra, Quy định CCM cũng hạn chế tình trạng người xem liên tục phải thay đổi nhà cung cấp dịch vụ và phải trả phí thuê bao cao hơn. Đồng thời khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chuyển từ chiến lược độc quyền nội dung (đặc biệt là nội dung thể thao) sang tạo sự khác biệt bằng chất lượng dịch vụ và đóng gói nội dung.

Sự kiện thể thao lớn đầu tiên mà Quy định CCM điều chỉnh tại Singapore là Giải bóng đá vô địch Châu Âu 2012 (EURO 2012). Tháng 4/2013, MDA tuyên bố bản quyền phát sóng Giải bóng đá Ngoại hạng Anh giai đoạn 2013 đến 2016 tại Singapore cũng được điều chỉnh bởi Quy định CCM.

Ở Trung Quốc không có sự cạnh tranh để giành quyền phát sóng bóng đá Anh, chính phủ Trung Quốc đã giao cho Đài truyền trung ương Trung Quốc (CCTV) tập hợp các đài trong cả nước và công khai nêu quan điểm: Nếu họ (Ban Tổ Chức Giải Ngoại Hạng Anh) muốn tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc, hãy đàm phán với chúng tôi. Kết quả, giá bản quyền phát sóng bóng đá Anh, tại đất nước có dân số 1,3 tỷ người, giai đoạn 2010 đến 2013 không thay đổi so với giai đoạn 2007 đến 2010, vào khoảng trên 40 triệu USD.

Như vậy, có thể thấy, quan điểm cho rằng, nhà nước không nên can thiệp vào hoạt động kinh doanh bản quyền phát sóng và không can thiệp vào thị trường truyền hình trả tiền là không đúng. Trái lại, cần có sự can thiệp của Nhà nước, ít nhất để tránh tình trạng chảy máu ngoại tệ, tiếp đó để hài hòa lợi ích của người tiêu dùng với lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước một cách hợp pháp.

Bộ TT&TT cần yêu cầu VTV dùng quyền phủ quyết

Với những diễn biến đã nêu, mới đây, 4 trong số 5 thành viên của Ban Điều hành đàm phán, đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Đài THVN, sử dụng quyền phủ quyết để buộc VSTV không được nhận chuyển nhượng bản quyền Giải bóng đá ngoại hạng Anh từ Canal Plus. Thay vào đó để Ban điều hành đàm phán đại diện cho các Đài Truyền hình, đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền đàm phán lại việc mua bản quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Việt Nam.

Hoặc VTV có thể dùng quyền phủ quyết, buộc VSTV phải chia sẻ bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh với các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền trong cả nước theo hướng học hỏi Quy định CCM của Singapore. Cụ thể, Đài THVN và VSTV cần tận dụng hạ tầng của các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền khác để truyền dẫn bóng đá Anh tại Việt Nam.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X