Trước khi Arsenal đối đầu Real Madrid ở lượt đi tứ kết Champions League tại Emirates, phóng viên Amy Lawrence đã nhìn lại một trong những trận đấu đáng nhớ nhất giữa hai đội vào mùa giải 2005-06. Đó là màn trình diễn đỉnh cao của Thierry Henry và đồng đội ngay tại Bernabeu, sau đó là một trận hòa 0-0 kinh điển tại Highbury...
Lang thang bên ngoài sân Bernabeu khoảng một giờ trước khi trận đấu bắt đầu, không ai có thể ngờ được rằng điều phi thường sắp xảy ra. Cổ động viên Real Madrid đến sân với đầy sự tự tin, họ chẳng mảy may lo lắng. Trong khi đó, những CĐV Arsenal theo chân đội bóng tới đây thì có vẻ đã chuẩn bị tinh thần để thua.
![]() |
Thời điểm đó là tháng 2 năm 2006. Dù thời kỳ Galactico của Real Madrid đã đi qua đỉnh cao, họ vẫn sở hữu những cái tên mang trọng lượng của các nhà vô địch: Zinedine Zidane tài hoa, Ronaldo "người ngoài hành tinh", Roberto Carlos, David Beckham, Raul. Dù không còn ở đỉnh cao, họ vẫn thừa đẳng cấp để tạo nên khác biệt. Trong đội hình kỳ lạ ấy còn có Jonathan Woodgate và Thomas Gravesen — hai cái tên hơi "lệch tông" trong dàn sao. Nhưng nói chung, Madrid vẫn bước ra sân với thần thái của một ông lớn. Các khán đài đang rất ồn ào và đầy chờ đợi.
![]() |
Arsenal thì ngược lại. Họ tới Madrid trong trạng thái tổn thương nặng nề.
Một tháng trước trận đấu này là một cơn ác mộng. Arsenal bị loại khỏi ba đấu trường quốc nội chỉ trong vài ngày. Đó là chuỗi ngày mà HLV Arsène Wenger gọi là "tuần tồi tệ nhất" của ông. Họ thua đau trước những đội như Wigan và Bolton. Sol Campbell - trụ cột hàng thủ, đột nhiên rời sân giữa trận thua West Ham và đi thẳng khỏi sân vận động.
Danh sách chấn thương nhiều đến mức họ đã dùng tới tám cầu thủ khác nhau ở vị trí hậu vệ trái, người gần nhất là Mathieu Flamini, vốn là tiền vệ trung tâm. Việc Campbell biến mất khiến họ buộc phải đôn lên một cầu thủ trẻ khác: Philippe Senderos.
Hàng thủ Arsenal lúc này là một tập thể đầy kỳ lạ. Bên phải là Emmanuel Eboue - gương mặt trẻ đầy tiềm năng nhưng thiếu kinh nghiệm, vừa mới có trận đá chính đầu tiên ở Premier League. Senderos mới 21 tuổi, đầy suy tư và non nớt. Chỉ có Kolo Touré, 24 tuổi, là người "có tuổi" nhất đã phải làm đầu tàu. Hàng thủ đáng lẽ phải là Lauren-Campbell-Touré-Ashley Cole (những người tạo nên mùa giải "bất bại" 2 năm trước) nay lại trở thành "ban nhạc jazz ứng biến" mang tên Eboue-Touré-Senderos-Flamini. Thật điên rồ.
![]() |
Khỏi phải nói, Arsenal không ở trạng thái tốt nhất để đối đầu Real Madrid. Chưa kể chưa có đội bóng Anh nào từng thắng trên sân Bernabeu. Wenger và các cộng sự chẳng còn cách nào khác ngoài việc "bơm tinh thần", dội một xô nước lạnh vào mặt các cầu thủ và đẩy họ vào sàn đấu.
Nhưng...
Arsenal cũng có vài điểm sáng. Wenger từ bỏ sơ đồ quen thuộc để chuyển sang 4-5-1, nhồi chặt tuyến giữa với những cái tên chất lượng như Gilberto Silva, Freddie Ljungberg và cậu thiếu niên Cesc Fabregas,người trở về quê hương với quyết tâm chứng minh bản thân.
Phía trên là một tiền đạo có thể không ổn định trong mùa giải đầy sóng gió, nhưng luôn mang trong mình khả năng tạo ra điều phi thường: Thierry Henry. Với băng đội trưởng đỏ quấn quanh bắp tay trái, Henry sẽ mang tới điều gì đây, giữa một tập thể chắp vá, thiếu niềm tin? Liệu anh có biến nghịch cảnh thành động lực?
“Thierry Henry, về cơ bản, là một phần lịch sử sống của CLB,” Wenger từng nói.
Tới năm 2006, Henry được coi là một thần tượng ở Arsenal. Vua phá lưới, nghệ sĩ sân cỏ, chủ nhân của hàng loạt danh hiệu cá nhân lẫn tập thể từ Premier League tới World Cup và Euro. Anh đáng ra đã phải có một Quả bóng Vàng.
Henry không chỉ giỏi, mà còn là biểu tượng. Anh có sự tự tin lạnh lùng, vẻ ngoài cuốn hút và kỹ năng thượng thừa. Arsenal trở nên toàn cầu hơn cũng phần lớn nhờ vào anh.
![]() |
Tháng trước, Cecilio Waterman ghi bàn vào lưới Mỹ, rồi chạy đến sát đường biên để ăn mừng với... thần tượng từ thuở nhỏ: Thierry Henry, khi ấy đang làm bình luận viên cho CBS. “Anh là thần tượng của em!” Waterman hét lên, mắt mở to không tin được vào khoảnh khắc gặp lại “ánh sáng dẫn đường” thuở thiếu thời ở Panama.
Năm 2006, Henry chẳng lạ gì những trận cầu đỉnh cao. Nhưng trận này lại là một màn trình diễn đậm chất "Henry" nhất. Dẫn dắt đội bóng giữa một mùa giải đầy khó khăn, mang theo niềm kiêu hãnh tiến vào Bernabeu, Henry như được nạp đầy năng lượng.
Mùa giải 2005-06 cho đến lúc ấy là một nỗi thất vọng đối với Arsenal. Henry cũng thất vọng thấy rõ. Những trụ cột từng cùng anh làm nên lịch sử (như Vieira) đã ra đi, những người còn lại như Bergkamp hay Pires thì không còn giữ vai trò lớn. Chấn thương gân gót cũng khiến anh không còn nhanh nhẹn như xưa. Mỗi lần thất vọng, hình ảnh Henry chống hông, nhìn xa xăm gần như trở thành thương hiệu.
Tình yêu giữa anh và Arsenal cũng đang trải qua trục trặc. Trong khi đó, Barcelona không còn giữ khoảng cách nữa, mà công khai ve vãn anh.
Nhưng Henry bước ra Bernabeu như thể gạt bỏ tất cả. Họ sẵn sàng để tạo nên một bước ngoặt. Và đúng là như vậy.
Arsenal dồn ép Madrid ngay từ đầu. Trong 10 phút đầu tiên, Henry đã góp mặt trong ba cơ hội : kiến tạo cho Reyes, Ljungberg rồi tự mình dứt điểm.
Đỉnh cao của trận đấu đến ngay đầu hiệp hai. Henry cầm bóng từ giữa sân, bắt đầu bứt tốc. Anh vượt qua 5 cầu thủ: Ronaldo bị đẩy ngã, Guti lăn ra sân, Sergio Ramos bị bỏ lại phía sau. Một cú sút chân trái đưa bóng vượt qua tay Casillas, găm thẳng vào góc lưới. Henry chạy dài, dang tay ăn mừng – khoảnh khắc thương hiệu của anh.
![]() |
Điều đáng nói là Arsenal không lui về sau bàn thắng đó. Họ vẫn tấn công. Madrid chỉ có vài cơ hội, nhưng Lehmann xử lý ổn thỏa. Từ trước ra sau, Arsenal chơi tuyệt hay. Fabregas thậm chí được khán giả Madrid vỗ tay khi rời sân. Hàng thủ chắp vá giữ vững tinh thần. Hàng tiền vệ năng nổ, sáng tạo. Wenger nói: “Không có cầu thủ nào chơi dưới mức xuất sắc.”
Galacticos ư? Đêm đó, Bernabeu là sân khấu riêng của Henry. Anh bước đi kiêu hãnh, tự tin, và chiếm trọn mọi ánh nhìn.
-------------------------------------------
Tới Highbury ở lượt về. Một số cầu thủ Arsenal cho rằng mặt sân rộng tại Bernabeu là yếu tố giúp họ thắng 1-0. Trở về sân nhà hẹp hơn, họ phải kiểm soát mọi thứ tốt hơn nữa.
“Nguy hiểm là mọi người nghĩ mọi chuyện đã xong,” Wenger nói trước trận. “Nhưng đừng tưởng Real sẽ trải thảm đỏ để đưa bạn vào tứ kết.”
Trận lượt về là một trong những trận hòa 0-0 hấp dẫn nhất từng diễn ra tại Highbury. Ngay phút thứ hai, Zidane tạt bóng cho Ronaldo, không ai kèm, nhưng Lehmann kịp lao ra cản phá. Cả hai đội thay nhau tấn công. Reyes sút trúng xà. Raul cũng vậy. Lehmann sau đó có một pha cứu thua xuất sắc. Sự căng thẳng cân bằng đến nghẹt thở.
Tiếng còi mãn cuộc vang lê, cảm xúc như vỡ òa. “Cảm giác thật mãnh liệt,” Lehmann nói với UEFA.com. “Kết quả này có ý nghĩa quá lớn. Các cầu thủ trẻ đã chơi cực kỳ bản lĩnh trong hai trận.”
Henry thì viết trong chương trình trận đấu gặp Juventus rằng: “Chúng tôi chơi tốt vì đã chơi như một tập thể thực sự.”
-------------------------------------------
Đó là khoảng thời gian đầy cảm xúc. Arsenal chuẩn bị chia tay Highbury. Những chiếc ghế đầu tiên tại Emirates vừa được lắp chỉ vài ngày sau trận thắng Madrid. Và họ đã tạo ra một ký ức kéo dài suốt gần 20 năm.
Arsenal sau đó thắng Juventus, rồi Villarreal để vào chung kết Champions League.
Dù thua chung kết trước Barcelona nhưng trải nghiệm ấy quá mãnh liệt; đến mức Henry quyết định ở lại Arsenal, dẫn dắt đội bóng bước vào kỷ nguyên Emirates. Anh từ chối lời mời gọi từ Barcelona (ít nhất là trong một mùa).
Nếu Mikel Arteta cảm thấy lo lắng trước trận gặp Real Madrid sắp tới, hẳn ông sẽ thấy được an ủi rằng: Arsenal từng vượt qua hoàn cảnh khó khăn hơn rất nhiều.
![]() |
Một cuộc trò chuyện với ông thầy cũ Wenger hẳn sẽ giúp Arteta hiểu rõ hơn. Dù mất Gabriel người đang là linh hồn hàng thủ, và phải dùng tiền vệ Mikel Merino đá tiền đạo bất đắc dĩ, nhưng như Wenger từng chứng minh: đôi khi, bóng đá vượt qua mọi giới hạn.
“Đó chắc chắn là nguồn cảm hứng,” Arteta nói về đội Arsenal năm 2006.
“Chúng tôi cũng muốn viết nên câu chuyện của riêng mình. Để làm được điều đó, bạn phải vượt qua thử thách. Chúng tôi đã làm được điều đó để vào tứ kết lần đầu tiên sau nhiều năm, và bây giờ là hai mùa liên tiếp. Giờ chúng tôi muốn nhiều hơn. Tôi tin đội bóng có thể làm được. Tất cả mọi người có mặt ở trên sân cũng sẽ tin như vậy. Tâm lý là yếu tố then chốt.”
Đôi khi, bạn chỉ cần mọi thứ vận hành hoàn hảo: mỗi cầu thủ đạt đỉnh phong độ và một chút phép màu, kiểu Henry, để tạo nên kỳ tích.
![]() |
Người từng theo dõi Arsenal thi đấu năm ấy, HLV vô địch World Cup Aimé Jacquet, nhận xét: “Điều khiến tôi ấn tượng nhất là sự cởi mở trong cách họ thi đấu. Mọi người đều hỗ trợ nhau, chạy chỗ vì đồng đội, phòng ngự thay nhau. Một màn trình diễn đầy tính đồng đội, tuyệt vời từ góc nhìn của một HLV.”
Hãy nhìn lại hàng thủ ấy một lần cuối. Eboue, Touré, Senderos, Flamini (trung bình 22 tuổi) và chỉ một người trong số họ được đưa về với vai trò hậu vệ. Dàn tấn công trị giá 150 triệu bảng của Real Madrid đã không thể làm gì nổi hàng thủ chắp vá trị giá... 2,5 triệu bảng, trong suốt 180 phút.
Mong rằng tinh thần của Eboue-Touré-Senderos-Flamini, Henry và phần còn lại, sẽ đồng hành cùng Arsenal đêm nay.
Theo The Athletic

Nhận định Arsenal vs Real Madrid nghiêng một chút về phía đội chủ nhà, nhưng để đánh bại Los Blancos là chuyện không hề đơn giản.

Dù phải đối diện thử thách mang tên Real Madrid ở tứ kết Champions League nhưng HLV Mikel Arteta vẫn tự tin Arsenal có thể viết nên câu chuyện của riêng mình.

Theo chia sẻ từ Bukayo Saka, Arsenal có cơ hội gây bất ngờ trước Real Madrid trong trận đấu tới và Pháo thủ không nên quá tập trung vào năng lực của đối thủ.