Bóng đá và chính trị: World Cup 2018 là dấu mốc
Thứ Hai 16/07/2018 15:16(GMT+7)
Từ kỳ World Cup 2018, khẩu hiệu bóng đá không song hành với chính trị sẽ chỉ còn là... khẩu hiệu, bởi chính FIFA cũng cảm thấy khó tách bạch hai lĩnh vực nữa.
World Cup 2018 đậm màu chính trị
Từ khi giải đấu chưa khởi tranh, giới truyền thông phương Tây nhiều lần khẳng định Tổng thống Nga, Vladimir Putin muốn dùng World Cup 2018 như một nước bài chính trị. Truyền thông phương Tây liên tiếp đăng tải thông tin gây bất lợi cho Nga để CĐV trên khắp thế giới cân nhắc không đến dự giải đấu như bạo lực, phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính,...
|
Tổng thống Nga Putin bị giới truyền thông phương Tây cáo buộc sử dụng World Cup 2018 cho mục đích chính trị. |
Ngay trước thềm giải đấu, nhiều quốc gia phương Tây bị Nga cáo buộc là cố ý phá hoại World Cup 2018. Vụ điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc khiến Anh và một loạt quốc gia phương Tây tuyên bố tẩy chay giải đấu, đồng thời kêu gọi thế giới tránh xa giải đấu diễn ra ở Nga.
Đến ngày khai mạc, người ta bắt gặp hình ảnh Tổng thống Putin xuất hiện trên khán đài sân Luzhniki. Bên cạnh ông là Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, kế đó là Mohammad bin Salman - thái tử Saudi Arabia. Hình ảnh này mang đậm sắc thái chính trị, khi Chủ tịch Infantino là cầu nối cho đại diện hai quốc gia, hay nói cách khác là hai cực của thế giới bởi Saudi Arabia là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. .
Thái tử Mohammad bin Salman đến Nga với mục đích chính để bàn bạc với Tổng thống Putin về giá dầu mỏ thế giới trước thềm cuộc họp của OPEC diễn ra vào 22/6. Nga và Saudi Arabia là hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Điều đó khiến nhiều người đưa ra thuyết âm mưu rằng Saudi Arabia cố tình thua đậm Nga để... lấy lòng Tổng thống Putin. Và người ta cũng cho rằng chẳng phải ngẫu nhiên Nga gặp Saudi Arabia trong trận mở màn World Cup 2018.
|
Tổng thống Putin xuất hiện cùng thái tử Mohammad bin Salman là một phần minh chứng cho bóng đá và chính trị ở World Cup 2018. |
World Cup 2018 cũng là cách giới chính trường Nga phá vỡ thế cô lập của phương Tây, cũng như thay đổi cái nhìn của người nước ngoài với Nga. Trái với những cảnh báo an ninh, World Cup 2018 đến giờ vẫn diễn ra an toàn, không cổ động viên nước ngoài nào gặp rắc rối với người bản địa khi giải đấu diễn ra.
Trước thềm giải đấu khi được hỏi về đội chiến thắng, Tổng thống Putin nói đầy ẩn ý rằng: "Người tổ chức là người chiến thắng".
Mở ra tiền lệ
Khi bóng đá ngày càng trở thành một phần quan trọng của thế giới, FIFA không còn đủ khả năng để tách khỏi chính trị nữa. World Cup 2018 có thể trở thành dấu mốc cho sự xen lẫn của chính trị vào bóng đá. Trước đó vì những rắc rối chính trị, FIFA và UEFA đều quyết định không phân Nga và Ukraine vào cùng bảng ở những giải đấu quốc tế.
|
Tổng thống Donald Trump kêu gọi các đồng minh ủng hộ Hoa Kỳ đăng cai World Cup 2026. |
Trong quá trình giành quyền đăng cai World Cup 2026, Liên minh Mỹ, Canada và Mexico phải cạnh tranh với Ma-rốc. Trước đợt bỏ phiếu, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết lên Twitter cá nhân với đại ý: 'Tại sao chúng ta phải giúp đỡ những kẻ không giúp đỡ chúng ta?"
Đó là lời cảnh báo của Tổng thống Trump với các đồng minh liên quan đến việc bỏ phiếu giành quyền đăng cai World Cup 2026. Rốt cuộc, liên minh Bắc Mỹ đã giành chiến thắng với số phiếu áp đảo.
Sau trận đấu giữa Đức vs Hàn Quốc tại vòng bảng World Cup 2018, tờ Tân Hoa Xã (Trung Quốc) có đăng tải một bài viết về việc Hàn Quốc sử dụng bóng đá để phát triển "quyền lực mềm". Tờ này cũng chỉ ra rằng bóng đá có thể là cách để Trung Quốc tăng cường quyền lực mềm cho tương xứng với sự phát triển mạnh mẽ của quyền lực cứng những năm gần đây.
Lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình xây dựng kế hoạch phát triển bóng đá nước này với tầm nhìn đến năm 2050. Mục đích cốt lõi của việc phát triển bóng đá là tăng cường quyền lực mềm cho Trung Quốc, tương đương các Viện Khổng Tử được xây dựng trên khắp thế giới, hay những bộ phim,...
|
Shaqiri và Xhaka ăn mừng mang thông điệp đậm màu chính trị. |
Ngay ở World Cup 2018, những thông điệp chính trị đã được gửi đến từ trong hay sau các trận đấu. Trong trận đấu với Serbia, Granit Xhaka và Shaqiri có màn ăn mừng đậm chất chính trị với biểu tượng "đại bàng hai đầu" của Albania, như một cách để phản đối Serbia.
Domagoj Vida cũng suýt bị phạt vì "vạ miệng" trong một đoạn clip nhắc đến Ukraine sau trận thắng Nga. Trợ lý HLV ĐT Croatia, Ognjen Vukojevic sau đó bị đuổi về nước vì cùng xuất hiện trong đoạn clip với Vida.
Với việc độ phủ sóng của bóng đá ngày càng lớn như hiện nay, các chính trị gia chắc chắn ngày càng sử dụng bóng đá như một công cụ. Tất nhiên, khẩu hiệu 'bóng đá tách bạch khỏi chính trị' của FIFA nói dễ hơn là làm.
Xem thêm những bài viết khác trên Diemsovi.com về bóng đá với chính trị:
Như Đạt (TTVN)