Nói đội bóng ngân hàng “chết” vì tiền có vẻ là điều vô lý, nhưng thực tế lại đang diễn ra đúng như vậy. Có rất nhiều nguyên nhân thấy rõ dẫn tới sự sa sút của Hà Nội ACB, nhưng sự thờ ơ của “bầu” Kiên đã khiến cho các mâu thuẫn tích tụ ngày một dày và đang bùng phát thành “bão”.
Một trong những điều kiện giúp cho Hà Nội ACB trụ hạng được những mùa trước là bộ khung ngoại. Nhưng điều này đã không được chú trọng ở chu kỳ chuẩn bị trước mùa giải. Giữ lại được Mbabazi và Hanssan, tưởng như kế hoạch tìm kiếm bộ khung ngoại của đội bóng ngân hàng sẽ có được thuận lợi.
Lực lượng của Hà Nội ACB không có “sao”, nhưng xét trên mặt bằng chung của V - League nội binh của đội bóng này cũng chẳng phải quá mỏng. Đội bóng ngân hàng vẫn sở hữu trong tay nhiều cầu thủ chất lượng tốt như Đức Tuấn, Anh Dũng, Mạnh Dũng, Thành Lương…nhưng chỉ với một nhóm cầu thủ có phong độ ổn định chẳng đủ để bù đắp lại tất cả những điểm yếu cho cả đội hình.
Tuy nhiên, chỉ vì quá chậm và khắt khe trong chuyên tài chính, tới phút cuối Hà Nội ACB chỉ có được đúng 4 ngoại binh. Không có nhiều sựh lựa chọn, đội bóng của bầu Kiên còn dính phải dớp đen khi Mbabazi bị chấn thương và dần sa sút phong độ, kéo theo thành tích của đội bóng thụt lùi. Hà Nội ACB luôn dẫn đầu về số lượng cầu thủ ngoại tới thử việc ở các mùa giải, nhưng chất lượng chỉ thuộc hàng nhàng nhàng trung bình, việc chỉ chọn ra được hàng kém chất lượng cũng không quá bất ngờ.
Lực lượng không trội hơn các đội ở V - League, Hà Nội ACB còn yếu nốt về tinh thần. Nhiều trận, những CĐV trung thành ít ỏi còn sót lại luôn tự hỏi vì sao cầu thủ thi đấu như đi bộ, các cầu thủ chỉ thi đấu cho hết trách nhiệm?
Đó chính là sự mất đoàn kết đã gặm nhấm suốt một thời gian dài, nhiều cầu thủ thi đấu với nhau trong đội hình xuất phát, nhưng họ đâu có ý tưởng bọc lót hỗ trợ nhau và các tử huyện vẫn lộ từ trận này sang trong sự bất lực của BHL. Đi kèm với mất đoàn kết là chểnh mảng trong tập luyện, hiếm có khi nào Hà Nội ACB có đầy đủ quân số trong các buổi tập, phần thì lười, số khác không được thi đấu lại chẳng thèm tập để chống đối BHL. Đếm đi đếm lại, suốt từ đầu mùa giải Hà Nội ACB chỉ có hơn 10 cầu thủ nội luân phiên trong đội hình chính.
Ở những vòng đấu trước khi bị “trảm” HLV Hoàng Văn Phúc đã tạo ra một lối đá riêng cho Hà Nội ACB, phát triển dựa trên tinh thần đoàn kết của những cầu thủ Hà Nội. Mọi việc đang diễn ra tốt đẹp, nhưng thành tích của đội bóng sa sút khiến cho bầu Kiên không đủ kiên nhẫn chờ tới ngày hái quả.
Trong thế đường cùng, Hà Nội ACB phải cầu viện đến HLV Hoàng Gia, vừa lên thay ông đã đưa trở lại vào đội hình những cầu thủ vốn không đủ thể lực dưới thời tướng Phúc để mong tính đường thoát. Nhưng chỉ sau vài phút lóe sáng trong trận hòa với XM Hải Phòng, Hà Nội ACB tiếp tục rơi vào bế tắc, đội hình lại rời rạc như xưa.
Bây giờ ở Hà Nội ACB, việc thất bại đã là một điều rất bình thường, sau trận chính là quãng thời gian cho cầu thủ bắt lỗi nhau chứ không được tận dụng để rút ra những bài học kinh nghiệm. Tiền không phải bao giờ cũng mua được thành công, nhưng bóng đá cũng không thể sống nếu không có tiền, đây là quy luật mà tất cả những người bước chân vào làm bóng đá đều hiểu rõ.
Bầu kiên là một nhà đại tài về kinh doanh có lẽ cũng hiểu quá rõ điều này, nhưng chẳng hiểu sao đã 3 năm liên tiếp Hà Nội ACB vẫn giữ nguyên mức thưởng 30 triệu/trận hòa trên sân nhà, mặc cho vật giá leo thang. Nhìn các đối thủ xung quanh điều chỉnh lương, thưởng liên tục, các cầu thủ Hà Nội ACB không thể tránh khỏi những suy nghĩ so sánh, để rồi cứ thụt lùi dẫn và tiến đến sát miệng vực như hôm nay.
Hà Nội ACB đang chôn chân dưới đáy bảng xếp hạng, nhưng cơ hội thoát vẫn còn tồn tại ở 14 chặng đua đường lại. Nhưng cửa thoát thân chỉ rộng mở khi lãnh đạo tìm ra được sự gắn kết, thống nhất trong CLB, tạo ra những cú hích tinh thần cho cầu thủ. Bằng không, chiếc vé xuống hạng khó có thể thoát khỏi tay Hà Nội ACB vào cuối mùa giải.
(Theo Dân Trí)