Thứ Tư, 25/12/2024 Mới nhất
Zalo

"Samurai Nhật" bó tay toàn tập trước 10 "vị thần Hy Lạp"

Thứ Sáu 20/06/2014 04:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Dù được chơi hơn người trong gần 2/3 thời gian thi đấu nhưng Nhật Bản vẫn không làm sao hạ gục nổi đối thủ Hy Lạp, thậm chí số cơ hội ăn bàn được tạo ra cũng vô cùng ít ỏi, không tương xứng với tỷ lệ kiểm soát bóng (trên 70%) cũng như số pha tấn công được triển khai và đành chấp nhận kết quả hoà không bàn thắng. Như vậy, Colombia đã chính thức trở thành đội tuyển thứ 3 sau Hà Lan và Chile ghi tên vào vòng 1/8 trong khi 3 đội còn lại vẫn còn cửa giành tấm vé thứ hai.

Thất bại trước Bờ Biển Ngà ở ngày ra quân khiến tham vọng to lớn .... lọt vào tận vòng tứ kết World Cup 2014 của người Nhật chưa gì đã phải đối diện với nguy cơ vỡ tan tành. Kể cả có thắng được Hy Lạp ở trận đấu này thì cơ hội đi tiếp của đại diện hùng mạnh nhất khu vực châu Á cũng chẳng sáng sủa hơn bao nhiêu vì tại trận cuối, họ phải chạm trán Colombia cực mạnh, cũng chưa chắc giành quyền đi tiếp nên khó có chuyện "thả" cho Nhật Bản. Không những vậy, Nhật Bản còn buộc phải thắng Hy Lạp càng đậm càng tốt nhằm giành lợi thế về mặt chỉ số phụ (hiệu số bàn thắng - bại), tiêu chí đầu tiên dùng để phân thứ hạng trong trường hợp có từ hai đội trở lên bằng điểm nhau ở vòng bảng, để còn mang ra so độ khi cần thiết. Tất nhiên, nếu đả bại được Nhật Bản, đội tuyển đến từ xứ sở các vị thần vẫn còn cơ hội đi tiếp nhưng với những gì đã trình diễn trước Colombia, thì Hy Lạp được cho khó thoát khỏi vị trí cuối bảng C. Thày trò HLV Santos đã chơi một trận đấu hoàn toàn bạc nhược, gần như không có sức phản kháng trước đối thủ. Quan trọng hơn chiến thuật mà Hy Lạp đang theo đuổi chẳng khác gì so với người tiền nhiệm Otto Rehhagel từng cùng Hy Lạp viết nên câu chuyện thần thoại ở Euro 2004 . Vẫn là một phong cách vô cùng đơn giản, Hy Lạp chủ động phòng ngự chặt chẽ, đồng thời sử dụng những đường bóng dài, bổng hướng thẳng tới cầu môn của đối phương. Ở khía cạnh nào đó, lối chơi này của Hy Lạp lại chính là điều kiện thuận lợi để Nhật Bản phát huy sức mạnh của mình bởi đội tuyển xứ sở Mặt trời mọc thiên nhiều về kiểm soát bóng và pressing trên toàn mặt sân mà sẽ dễ dàng khắc chế cách đá quá đơn giản của Hy Lạp.

nhật bản hy lạp
 Hai đội bất phân thắng bại

Do tiền vệ đang khoác áo Man Utd, Shinji Kagawa thể hiện quá mờ nhạt ở trận thua Bờ Biển Ngà mà trận này, anh đã bị đẩy lên băng ghế dự bị, mất suất đá chính vào tay Okubo, cầu thủ đang chơi bóng ở trong nước. Ngoài ra, ở hàng thủ Yasuyuki Konno thay thế Morishige (cả hai cũng thi đấu ở nội địa). Tuy nhiên vẫn còn đó các chiến binh đang thi đấu ở nước ngoài như

Okazaki, Hasebe, Osako (tại Đức), Nagatomo (tại Italia) và đặc biệt Keisuke Honda, cầu thủ hiện khoác áo AC Milan. Chính Honda là người đã ghi bàn cho Nhật Bản ở trận thua Bờ Biển Ngà. Thật trùng hợp khi HLV gốc Bồ Đào Nha, Santos cũng có hai sự điều chỉnh trong danh sách xuất phát: Fetfatzidis, cầu thủ đang thuộc biên chế Genoa (Serie A), chiếm suất tiền vệ phải của Salpingidis trong khi
Mitroglou, tiền đạo của Fulham, "đá đít" Gekas lên băng ghế dự bị.

Đúng với tinh thần "võ sĩ đạo" vốn ngấm vào trong máu của từng người dân và trở thành nét văn hoá đặc trưng của quốc gia này, ĐTQG Nhật Bản dũng cãm ào lên ngay sau tiếng còi khai cuộc hòng sớm vùi dập đối phương nhưng đâu dễ khuất phục Hy Lạp đến thế (Colombia đã mở tỷ số ở phút 5 nhưng phải hơn 60 phút sau, mới tìm nổi bàn thứ hai). Ngoài việc tổ chức phòng ngự chặt, Hy Lạp cũng không quên tung ra các đòn đánh trả theo cung cách quen thuộc và nhờ thế, chẳng thể làm gì nổi hàng thủ không quá đông người của đối thủ, nhất là khi giữa các vị trí trên hàng công chưa có được mối liên hệ tốt và chơi khá rời rạc, đơn lẻ. Thực ra, Nhật Bản mà sắc sảo hơn thì không đến nỗi không công phá nổi bức tường che chắn trước cầu môn. Các "Samurai xanh" (Blue Samurai là biệt danh của ĐTQG Nhật Bản nhằm ám chỉ màu áo xanh truyền thống) tuy hoàn toàn lấn lướt về thời gian kiểm soát bóng và tạo được áp lực khá mạnh nhưng quá thiếu những đường chuyền sát thủ, những màn phối hợp ăn ý để có thể gây rối loạn cho hàng thủ Hy Lạp.

Do không thể tiếp cận nổi khu vực 16m50, Nhật đành quay sang phương án sút xa và không dưới hai lần, Osako trổ tài bắn phá từ ngoài vòng cấm nhưng hoặc bị thủ thành Karnezis dễ dàng tóm gọn hoặc chệch cầu môn trong gang tấc. Đến phút 29, Nhật Bản được hưởng cú sút phạt ở khoảng cách hơn 20m và góc nhìn thẳng tới cầu môn. Honda là người thực hiện, đưa được trái bóng vòng qua hàng rào chắn, chỉ có điều vẫn vừa thiếu lực vừa thiếu hiểm để có thể đánh bại nổi thủ thành Karnezis. Về cuối hiệp 1, Nhật Bản vẫn chưa có được giải pháp sáng suốt để phá bỏ sự kháng cự của đối thủ và tiếp cận gần khung thành. Trong khi, ý đồ thay đổi nhân sự của HLV Santos trên hàng công chưa gì đã bị phá sản khi mà Mitroglou phải rời sân do đau lưng và Gekas vào thay.

Katsouranis bị đuổi khỏi sân
Dù Katsouranis bị đuổi khỏi sân nhưng Hy Lạp vẫn kiên cường chống đỡ thành công trước áp lực tấn công của người Nhật

Khi mà Nhật Bản ngày một đâm đầu vào bế tắc thì niềm vui đã đến với họ. Phút 37, Katsouranis đã phải nhận thẻ vàng thứ hai từ trọng tài Aguilar sau pha truy cản thô bạo từ phía sau với Hasebe. Nhưng bất ngờ trong thế thiếu người, suýt chút nữa Hy Lạp làm nên chuyện nếu như Kawashima không xuất sắc đổ người chặn đứng thành công cú dứt điểm căng của Fetfatzidis. Ngay sau đó, tiền vệ này phải rời sân nhường chỗ cho thủ quân đã 37 tuổi Karagounis, nhân vật từng có mặt trong thành phần ĐT Hy Lạp vô địch Euro 2004 và Hy Lạp lại có một nhà điều phóng trên sân, lấp vào khoảng trống do Katsouranis. Đáng nói hơn, từ lúc phải chơi thiếu người, Hy Lạp bất ngờ không còn chịu lép vế như trước mà tỏ ra ngang ngửa. Song bàn thắng vẵn là thứ quá xa xỉ.

Đầu hiệp 2, HLV Alberto Zaccheroni đưa đội phó Endo vào sân thế chỗ của đội trưởng Hasebe. Endo chính là thành viên nhiều tuổi nhất ĐTQG Nhật tham dự VCK World Cup 2014 (34) và cũng là cầu thủ đang giữ kỷ lục về số lần khoác áo ĐTQG (145) nhưng trong sự nghiệp của mình, chưa bao giờ anh ra nước ngoài thi đấu. Tuy sự điều chỉnh này có giúp Nhật giành lại trung tuyến sau khi có phần rơi vào tay Hy Lạp vào cuối hiệp 1 nhưng lại không tạo ra sự tươi mới, đột biến cho mặt trận tấn công. Quanh đi quẩn lại, sự nguy hiểm của Nhật chỉ đến từ các cú sút ngoài vòng cấm nhưng vẫn chưa lần nào thực sự gây khó cho thủ thành đối phương. Không thể kiên nhẫn lâu hơn, nhà cầm quân từng nhiều năm làm việc ở Serie A cho AC Milan, Inter Milan, Juventus, Lazio,...đành phải trông cậy vào Shinji Kagawa mà đã bị ông gạch tên khỏi danh sách xuất phát.

Song hiệu ứng Kagawa chưa kịp phát tác thì cầu môn Nhật Bản lại chao đảo sau pha tấn công sở trường (tạt cánh đánh đầu) của đối thủ Hy Lạp mà nếu Kawashima không phản xạ xuất thần thì tin chắc cú đánh đầu của Gekas đã trở thành bàn thắng. Dẫu vậy, tiền vệ đang rục rịch rời khỏi sân Old Trafford cũng bắt đầu chứng tỏ được vai trò của mình ở khu vực giữa sân. Anh hoạt động rất tích cực, chơi lăn xả, tranh chấp nhiệt tình đồng thời nỗ lực sử dụng bộ óc của mình để tổ chức, điều phối các đợt tấn công. Phút 69, anh phất đường chuyền dài miễn chê qua đầu toàn bộ hàng thủ đối phương vào trong vòng cấm để hậu vệ đang khoác áo Southampton, Yoshida băng vào đón bóng rồi căng ngang vào trong cho Okubo nhưng thật không ngờ, ở cự ly gần, cầu thủ này lại dứt điểm lên trời. Vài phút sau, Sokratis xử ly quá mạo hiểm trong vòng cấm (thay vì phá ra, hậu vệ này lại trổ tài rê dắt không đúng lúc), tạo điều kiện cho Uchida, đối thủ mà hẳn Sokratis đã đụng đầu vài lần tại Bundesliga (Sokratis khoác áo Dortmund còn Uchida đầu quân cho Schalke), lao vao dứt điểm ngay trong chân và trái bóng đã làm mành lưới rung lên từ ... phía sau.

Rõ ràng, Hy Lạp chẳng hề tạo ra cảm giác chơi thiếu người khi vẫn hoàn toàn làm chủ được tình hình và đứng vững trước mọi áp lực. Khoảng thời gian cuối trận, Nhật càng dồn dập gia tăng sức ép và toàn lực tấn công nhưng không làm sao giải quyết nổi bài toán ghi bàn. Cơ hội đáng kể cuối cùng mà họ tạo ra được là cú sút phạt của Endo, bị Karnezis đổ người từ chối. Không thể hạ gục nổi Hy Lạp dù nắm trong điều kiện rất thuận lợi (chơi hơn người), Nhật Bản bắt buôc phải hạ gục Colombia đã hết mục tiêu phấn đấu (thực ra, vị trí nhất hay nhì với Colombia đều không có gì khác biệt bởi họ phải chạm trán nhất hoặc nhì bảng D vốn quy tụ toàn tên tuổi sừng sỏ được đánh giá cao hơn họ như Italia, Uruguay, Anh nên gặp đối thủ nào cũng thế. Bởi vậy, thà cho các trụ cột nghỉ ngơi dưỡng sức còn hơn là chiến đấu để giành ngôi đầu) nhưng phải với cách biệt từ hai bàn trở lên (do hiện hiệu số của Nhật là -1, Bờ Biển Ngà là 0 còn Hy Lạp là -3) đồng thời phải trông mong hoặc Hy Lạp hoà Bờ Biển Ngà hoặc Hy Lạp thắng Bờ Biển Ngà với cách biệt tối thiểu. Khi ấy, Nhật sẽ đi tiếp nhờ hơn chỉ số phụ. Thậm chí, trường hợp này mà xảy ra thì Colombia vẫn giữ được ngôi đầu. Thực ra, kể cả có thua Nhật Bản và ở trận còn lại, Bờ Biển Ngà chỉ thắng tối thiểu Hy Lạp thì thứ hạng của Colombia sẽ chẳng thay đổi vì họ có hiệu số bàn thắng bại cao nhất (+4).

Đội hình thi đấu
Nhật:
Kawashima; Uchida, Yoshida, Konno, Nagatomo; Yamaguchi, Hasebe (Endo 46'); Okazaki, Honda, Okubo; Osako (Kagawa 57')
Hy Lạp: Karnezis; Torosidis, Manolas, Sokratis, Holebas; Maniatis, Katsouranis, Kone (Salpingidis 81'); Fetfatzidis (Karagounis 41'), Mitroglou (Gekas 35'), Samaras.

Bảo Phương

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X