Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

Costa Rica 1-1 Hy Lạp (Luân lưu: 5-3): 10 chiến binh Ticos làm nên lịch sử

Thứ Hai 30/06/2014 02:52(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bất chấp phải thi đấu thiếu người từ phút 66 sau tấm thẻ vàng thứ hai dành cho Duarte và kế đó, phải căng mình chịu đựng màn tra tấn thể lực khủng khiếp từ phía đối thủ Hy Lạp song bằng nỗ lực vượt khó tuyệt vời và tài năng của thủ thành Navas, Costa Rica đã vượt qua tất cả để lần đầu tiên trong lịch sử World Cup lọt vào vòng tứ kết nhờ trình độ đỉnh cao trong loạt đấu súng cân não trên chấm 11m. Trước đó, họ từng rơi vào trạng thái thất vọng tràn trề khi bị Hy Lạp gỡ hoà vào những phút bù giờ của thời gian thi đấu chính thức và gần như kiệt sức cả đội sau 30 phút hiệp phụ. Tại loạt đá luân lưu, cả 5 cầu thủ Costa Rica đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong khi Gekas không thắng nổi Navas, khiến Hy Lạp phải ngậm ngùi về nước nhưng Costa Rica đã thắng quá xứng đáng.

Costa Rica chắc chắn là bất ngờ lớn nhất giải tính đến thời điểm này khi xuất sắc đứng đầu bảng Tử thần với sự tham gia của 3 tên tuổi lớn (Anh, Italia, Uruguay), thậm chí còn bất khả chiến bại. Trước giải, Costa Rica chỉ được xem là viên gạch lót đường không hơn không kém nhưng nào ai ngờ, họ đã chơi hai trận xuất thần để xuất sắc hạ gục Uruguay, Italia, qua đó sớm giành quyền tham dự vòng 1/8 World Cup lần đầu tiên trong lịch sử và đến trận cuối gặp Anh, dù không quá quyết cũng như vừa đá vừa đi dạo hòng dưỡng sức cho trận này, họ vẫn chẳng hề thất bại. Công đầu trong chiến công vĩ đại này thuộc về Jorge Luis Pinto, nhà cầm quân đã 61 tuổi người Colombia song hoàn toàn vô danh ở tầm quốc tế. Pinto là mẫu HLV giàu cảm xúc, như chính biệt danh của ông: El Explosivo (theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là con người bùng nổ) nên thường gây xích mích với đối thủ, trọng tài. Như chính Pinto thừa nhận và theo nhận xét của nhiều chuyên gia thì nhà cầm quân này mang hơi hướng Jose Mourinho, không chỉ ở tính cách mà ở phương pháp huấn luyện. Pinto quan tâm đến từng tiểu tiết như chiến lược gia của Chelsea và luôn hướng đến sự toàn mỹ, hài hoà của nhiều yếu tố.

Costa Rica đã phải trải qua trận đấu quá nhiều cảm xúc lẫn lộn
Costa Rica đã phải trải qua trận đấu quá nhiều cảm xúc lẫn lộn

Trong khi đó, Hy Lạp đã lách qua khe cửa rất hẹp để cũng lần đầu làm nên lịch sử như Costa Rica (vượt qua vòng bảng). Nói một cách khác, Hy Lạp đã "may hơn khôn" khi được hưởng quả phạt đền vào những phút cuối ở trận "chung kết" với Bờ Biển Ngà mà nhờ đó, Samaras đa trở thành người hùng dân tộc. Tuy nhiên, đừng vì thế mà xem thường nhà vô địch Euro 2004. Hy Lạp là tập hợp của dàn cầu thủ dày dạn kinh nghiệm trận mạc, lại sở hữu lối chơi thực dụng khá khó chịu nên dàn cầu thủ Costa Rica vốn gồm nhiều gương mặt trẻ chắc chắn sẽ vấp phải không ít khó khăn. Tất nhiên cả hai đều tung ra sân lực lượng mạnh nhất có thể gồm toàn các gương mặt chơi tốt từ đầu World Cup và tất nhiên không gặp phải vấn đề nào do chấn thương. Hai cái tên đáng chú ý nhất của Costa Rica vẫn là cặp tiền đạo Bryan Ruiz (từng khoác áo Fulham và hiện thi đấu ở PSV Eindhoven) và Joel Campbell (thuộc biên chế Arsenal nhưng chưa 1 lần được khoác áo "Pháo thủ" bởi ngay khi đầu quân, anh bị đẩy sang Olympiakos của ... Hy Lạp theo diện cho mượn). Còn nhắc đên Hy Lạp thì cần phải kể tới chân sút Samaras, nhạc trưởng Karagounis (từng khoác áo Inter Milan), hậu vệ Sokratis Papastathopoulos của Dortmund hay Torosidis của AS Roma.

Hai đội cùng chọn cách khởi đầu trận đấu đầy thận trọng và chậm rãi nên dù thời gian mới trôi qua chưa đầy 20 phút mà nhiều người đã rơi vào trạng thái buồn ngủ. Tốc độ triển khai bóng rất lề mề và cả hai cùng chú tâm nhiều vào công tác phòng ngự, khiến con đường tiếp cận cầu môn càng trở nên tối mịt. Costa Rica có vẻ khoái tổ chức tấn công hơn nhưng rất khó chọc thủng trận địa phòng thủ nhiều lớp dựng ra trước khung thành nên sau quá nửa hiệp 1, họ vẫn không có nổi bất cứ một cơ hội ăn bàn nào rõ rệt. Còn như mọi khi Hy Lạp vẫn chỉ xài bài "lật biên đánh đầu" mà lại khá thô sơ, đơn giản chứ không kiểu cách, lắm màu sắc (ngay cả những thủ thuật chồng cánh cũng hiếm khi được thực hiện) nên hệ quả tất yếu, họ chẳng có nổi một pha uy hiếp nào đáng tiền nào trong hiệp đầu.

Nhìn chung, cả hai đã "bắt tay" nhau cống hiến 45 phút đầu sặc mùi toan tính chiến thuật, không bên nào dám mạo hiểm và diễn biến quá nhạt khi thiếu cả tình huống có thể thành bàn, chưa nói gì đến có được tận dụng tốt hay không. Pha bóng nổi bật nhất thuộc về Hy Lạp khi Holebas chuyền sâu vào vòng cấm từ cánh trái và Salpingidis băng vào dứt điểm cận thành mà thủ môn Navas đã phải dùng chân cản phá. Ngay sau giờ nghỉ giải lao, người gác đền của Costa Rica lại phải ra tay tóm gọn cú đánh đầu của Samaras từ quả đá phạt chếch bên cánh trái. Navas đã giữ sạch mành lưới kể từ trận thắng Italia 1-0 cho tới nay còn nếu tính từ thời điểm bị Cavani chọc thủng lưới từ chấm 11m ở trận ra quân (phút 24) đến hết hiệp 1 trận này, thì Navas đã trải qua gần 300 phút không bị chọc thủng lưới lần nào.

Bryan Ruiz ghi bàn duy nhất cho Costa Rica
Bryan Ruiz ghi bàn mở tỷ số cho Costa Rica

Tưởng như sự tẻ nhạt sẽ còn kéo dài khi mà cả hai chưa có gì biến chuyển từ cách chơi cho đến nhân sự thì phút 53, Costa Rica đã bất ngờ mở tỷ số. Từ cánh trái, Bolanos, tiền vệ đang khoác áo đội bóng Đan Mạch FC Copenhagen, đã đưa bóng vào phía trong đến vị trí của Bryan Ruiz ở gần vòng cấm và tiền đạo 28 tuổi thực hiện ngay cú đá sệt bằng má trong nhằm vào góc xa. Trái bóng di chuyển rất nhẹ nhàng, từ tốn nhưng thừa hiểm hóc để làm Karnezis phải bó tay. Không lâu sau đó, lẽ ra Costa Rica đã có thể gia tăng cách biệt nếu như tổ trọng tài nhìn thấy được pha để bóng chạm tay khá lộ liễu của Torosidis trong khu vực 16m50 của Hy Lạp. Tuy hành động của hậu vệ này hoàn toàn vô tình nhưng chắc chắn Costa Rica xứng đáng được hưởng 11m.

Bị dẫn bàn, không còn lựa chọn nào khác, Hy Lạp buộc phải chơi cởi mở hơn trái với sở trường hòng đưa trận đấu trở về vạch xuất phát nhưng Costa Rica đâu dễ khuất phục. Họ càng kéo đội hình xuống rất thấp và hệ thống phòng ngự càng trở nên dày đặc, kiên cố. Ngoài ra, đại diện khó chịu của CONCAFAF còn chẳng ngại chớp ngay cơ hội tổ chức phản công nếu có dịp. Tuy nhiên, khi mà cục diện hoàn toàn trong tầm kiểm soát của Costa Rica thì họ lại phải đối mặt với bài toán nan giải về mặt nhân sự. Phút 67 Duarte, hậu vệ đang chơi bóng tại Bỉ, đã phải nhận thẻ vàng thứ hai từ trọng tài sau pha vào bóng quyết liệt với Holebas. Vậy là, Hy Lạp càng có lý do để tăng nhịp độ và cường độ tấn công về phía cầu môn Costa Rica song mọi nỗ lực của họ đều trở nên công cốc. Chẳng phải tuyến phòng ngự của đối thủ quá xuất sắc mà bản thân Hy Lạp cũng tấn công không khá tầm thường, vẫn chỉ loanh quanh các màn nhồi bóng vào vòng cấm đến địa chỉ Samaras nên Costa Rica cản phá không quá mệt nhọc.

Khoảng thời gian cuối trận, Hy Lạp thi đấu vô cùng khẩn trương và dốc hết vốn vào canh bạc cuối hòng níu giữ lại hy vọng mong manh. Cuối cùng, khi trận đấu bước sang phút bù giờ thứ nhất, "các vị thần" đã có được điều mình cần trong nỗi thất vọng khốn cùng của Costa Rica. Thủ thành Keylor Navas chỉ đủ sức đổ người chặn đứng cú dứt điểm của Gekas và trung vệ Sokratis Papastathopoulos có mặt đúng chỗ, sút bồi đập đất đưa bóng vào lưới. Vậy là, trận thứ hai liên tiếp, Hy Lạp chứng tỏ được sức chiến đấu bền bỉ và tinh thần thi đấu đến cùng khi đều có được bàn thắng vào thời điểm cuối trận nhạy cảm. Đó là pha lập công đầu tiên của Sokratis trong màu áo ĐTQG. Chưa dừng lại ở đây, trận đấu lẽ ra đã không phải diễn ra thêm 30 phút hiệp phụ nếu thủ thành khoác áo Levante (TBN) không xuất sắc tung người cản phá cú đánh đầu khó của Mitroglou.

Sokratis Papastathopoulos (số 19) cứu rỗi Hy Lạp vào phút chót
Sokratis Papastathopoulos (số 19) cứu rỗi Hy Lạp vào phút chót
 

Dù thể lực đã gần cạn kiệt song có vẻ Hy Lạp không muốn kéo dài trận đấu sang loạt luân lưu 11m đầy may rủi nên vẫn không ngừng nghỉ triển khai tấn công bằng các bài đánh biên thân quen song do sức khoẻ của binh đoàn áo trắng cũng bị bào mòn nghiêm trọng mà khung thành Navas bị đặt vào trạng thái báo động nhiều hơn. Trái bóng hầu như chỉ còn lăn bên phần sân Costa Rica nhưng Hy Lạp chưa làm sao kiếm nổi bàn thứ hai mang tính chất quyết định trong thế chơi hơn người. Phía ngoài đường piste, HLV Santos không ngừng thúc giục các học trò ào lên và không được phép dừng lại dù không ít người gần như đi bộ trên sân bởi quá mệt. Dẫu vậy, tất cả những gì Hy Lạp làm được cho đến hết 30 phút hiệp phụ chỉ là một pha dứt điểm của Christodoulopoulos bị Navas, một ứng cử viên sáng giá khác cho danh hiệu "Thủ môn hay nhất giải" cùng Ochoa của Mexico, từ chối. Còn lại, các đợt tấn công của họ hoặc bị đập tan từ trong trứng nước hoặc được chấm dứt bằng pha kết thúc không đâu.

Mục tiêu giải quyết trận đấu trong thời gian thi đấu chính thức không được hoàn tất và Hy Lạp đành phải bước vào loạt đá luân lưu không mong muốn trong tình trạng nhiều người đã hoàn toàn kiệt sức. Song tình hình thể lực của Costa Rica còn thê thảm hơn nhiều bởi họ đã phải chiến đấu với 10 người trên sân trong hơn gần 60 phút thi đấu. Chẳng rõ vì nguyên nhân gì mà sau khi trận đấu dừng lại và hai đội chuẩn bị cho màn đấu súng cân não thì vị HLV trưởng Hy Lạp, Fernando Santos đã ra sức "lèm bèm" với trọng tài chính người Australia để rồi bị đuổi khỏi sân. Cũng may, vai trò của người thuyền trưởng trong loạt luân lưu là không quá lớn mà sức ép hoàn toàn thuộc về người thực hiện và người cản phá.

Costa Rica là đội thực hiện đầu tiên và Celso Borges lãnh ấn tiên phong trong cảm xúc tột bậc của nhiều CĐV nước nhà (không ít người đã bật khóc). Tiền vệ đang chơi bóng tại Thuỵ Điển đã bình tĩnh làm tung nóc lưới. Mitroglou cũng tỏ ra xuất sắc không kém khi đánh lừa được Navas. Đến lượt đá thứ hai, lần lượt Bryan Ruiz và Christodoulopoulos đều nhẹ nhàng vượt qua thử thách. Lượt thứ 3 cũng diễn ra tương tự với hai cú đá chuẩn xác của hai hậu vệ Gonzalez bên phía Costa Rica và Holebas bên phía Hy Lạp. Tuy nhiên, sự cân bằng đã không còn tồn tại ở lượt thứ 4 khi "siêu thủ môn" Navas đã đoán trúng hướng và đổ người chặn đứng thành công cú đá luân lưu của Gekas còn trung phong Joel Campbell không mắc phải sai sót nào. Chỉ cần Umana, hậu vệ dày dạn kinh nghiệm đang chơi bóng ở trong nước, sút thành công quả luân lưu cuói cùng thì Costa Rica sẽ giành thắng lợi chung cuộc và anh đã không làm CĐV nào phải thất vọng với cú đá tự tin đốt cháy góc cao.

Người hùng Navas của Costa Rica
Người hùng Navas của Costa Rica

Vậy là, Costa Rica đã oai phong lẫm liệt điền tên mình vào vòng tứ kết sau một trận đấu mà họ phải trải qua không ít cung bậc cảm xúc đối lập từ vui mừng, buồn bã, mệt mỏi rồi lại sung sướng vô bờ còn Hy Lạp có chăng chỉ tự trách mình khi không tận dụng được 30 phút hiệp phụ để giải quyết trận đấu, tránh bị đẩy vào loạt bắn súng mà rốt cục, đã được chuyển hoá từ nỗi sợ hãi ban đầu thành kết cục đau đớn. Tại tứ kết, Costa Rica sẽ phải gặp Hà Lan hùng mạnh, một ứng cử viên cho danh hiệu vô địch nhưng với những gì đã trình diễn, đội tuyển này chẳng có lý do gì phải sợ hãi Oranje, thậm chí chưa biết chừng sẽ có động đất xảy ra.

Đội hình thi đấu
Costa Rica (5-3-1-1): Navas; Gamboa (Ascota 77'), Duarte, Gonzalez, Umana, Diaz; Bolanos (Brenes 83'), Tejeda (Loria 66'), Borges; Ruiz; Campbell.
Greece(4-3-3): Karnezis; Torosidis, Manolas, Sokratis, Holebas; Maniatis (Katsouranis 78'), Karagounis, Samaris (
Mitroglou 58'); Salpingidis (Gekas 69'), Samaras, Christodoulopoulos.

Bảo Phương

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X