Thứ Tư, 08/01/2025 Mới nhất
Zalo

Anh gục ngã trước Hà Lan trong trận cầu "siêu hấp dẫn" trên Wembley

Thứ Năm 01/03/2012 02:43(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Hai ông lớn của bóng đá châu Âu đã cống hiến cho khán giả một trận cầu mãn nhãn, sôi động từ đầu đến cuối và no nê bàn thắng. Chung cuộc, ĐT Anh phiên bản mới đã phải đón nhận thất bại trước một Hà Lan "già dơ", mặc cho đã xuất sắc lội ngược dòng sau khi bị dẫn 0-2. Arjen Robben đã toả sáng trong lần trở lại "chốn xưa" với một cú đúp, trong đó có bàn "kết liễu" đội chủ nhà.

Đúng với tính chất "cao đẹp" nhất của những trận giao hữu (thử nghiệm đội hình, trao cơ hội cho các nhân tố mới,...) cộng thêm yếu tố ĐT Anh vừa trải qua cơn biến động trên băng ghế huấn luyện, chiến lược gia tạm quyền Stuart Pearce đã tung ra sân danh sách xuất phát mà có lẽ mới lạ nhất trong vòng nhiều năm qua. Vinh dự "cầm đầu ĐT" (thủ quân) bất ngờ thuộc về Scott Parker. Vẫn biết mùa này, tiền vệ 31 tuổi của Tottenham thi đấu khá tốt và anh cũng có tố chất của một thủ lĩnh tuy nhiên nếu xét về thâm niên ở ĐTQG thì Parker quá khiêm tốn với vẻn vẹn 10 lần được ra sân thi đấu, kém xa so với một đồng đội khác. Tuy nhiên, Stuart Pearce đã có lựa chọn của riêng mình và trong bối cảnh, Anh chưa chọn được HLV trưởng "chính thức" thì có lẽ người ta cũng không nhất thiết phải bàn thảo nhiều về quyết định này. Đội trưởng Parker sẽ án ngữ ở khu trung tâm cùng Gareth Barry của Man City trong khi "thủ quân hụt" Steven Gerrard sẽ nhô cao, thi đấu như một nhạc trưởng. Cặp cầu thủ của hai CLB đối địch đang dẫn dầu Premier League, Adam Johnson và Ashley Young sẽ hoạt động chủ yếu ở hai biên, kết hợp với Gerrard tạo thành "kìm 3 cạnh" hỗ trợ cho Danny Welbeck, chân sút mới nổi của Manchester United mùa giải năm nay. Do cả Rooney và Bent đều vắng mặt vì chấn thương nên Welbeck rõ ràng là sự lựa chọn khá hợp lý. Tại hàng phòng ngự, hai gương mặt giàu kinh nghiệm nhất: Ashley Cole và Joleon Lescott đều chỉ xuất phát trên băng ghế dự bị. Smalling và Cahill sẽ đảm nhận vai trò trung vệ còn Micah Richards và Baines là bộ đôi hậu vệ cánh. Nhìn chung, cả 4 cầu thủ này tuy "số má" ở ĐT còn thấp nhưng lại dồi dào triển vọng và đủ xứng đáng được góp mặt ở Euro 2012 sắp tới.

Với lực lượng mạnh hơn, giàu kinh nghiệm hơn, Hà Lan chiến thắng là tất yếu

Nếu xét về độ "hoành tráng" trong đội hình ra sân thì chắc chắn các vị khách Hà Lan trội hơn hẳn. HLV Bert Van Marwijk hầu như không bỏ sót bất cứ một chủ lực nào của ĐT mà ông triệu tập cho trận đấu này như Robben, Snejder, Kuyt, Van Persie, De Jong, Heitinga hay Van Bommel. Trong số này, có 4 cầu thủ đang chơi bóng tại Anh và 2 người khác từng thi đấu tại đây (Robben và Boulahrouz có thời gian sát cánh bên nhau ở Chelsea). Với một lực lượng như thế này, xem ra nhà đương kim á quân thế giới dư sức giữ vững thành tích đối đầu tốt trước người Anh. Trong 11 lần gặp nhau (tính cả giao hữu), Anh chỉ thắng được duy nhất một trận diễn ra tại Euro 1996 với tỷ số 4-1 cũng được diễn ra trên sân Wembley (bởi Anh là nước chủ nhà của giải đấu). Điểm đáng lưu ý, HLV Stuart Pearce đã có mặt ở trận đấu đó.

Lợi thế sân nhà đã giúp Anh khởi đầu tự tin tuy nhiên không thể xem thường Hà Lan. Dưới quyền của Van Marwijk, "Cơn lốc màu Da cam" ngày một ổn định và đã định hình được phong cách của riêng mình, kế thừa những giá trị tốt đẹp của bản sắc truyền thống "tấn công tổng lực". Chính vì thế, dù cầm bóng ít hơn nhưng số cơ hội nguy hiểm mà Hà Lan tạo ra lại nhiều hơn. Trong 15 phút đầu, Hart đã một lần phải trổ tài trước cú dứt điểm ở góc hẹp của Robben và mấy lần khác, các trung vệ áo trắng phải lăn xả để ngăn chặn đối phương. Bên phía đối diện, Stekelenburg chưa hề phải "động thủ" và tình huống đáng kể nhất chỉ là cú đánh đầu suýt trúng đích của Cahill sau pha phạt góc của Gerrard. Nhìn tổng thể, hàng công của ĐT Anh chơi không tốt. Gerrard chưa thể hiện được tốt vai trò của mình, Adam Johnson và Ashley Young hoàn toàn vô hiệu còn Danny Welbeck thì đói bóng, thường xuyên phải lui về. Cũng còn may, cặp Barry - Parker đã tỏ ra vô cùng vững chãi, khiến Hà Lan không thể giành quyền áp đảo.

Phút 25, Kuyt chuyền về hết sức bất cẩn và Wellbeck lập lức thoát xuống chớp lấy thời cơ nhưng Stekelenburg rất nhanh băng ra cản phá đúng lúc. Không lâu sau đó, Adam Johnson lần đầu chứng tỏ được sự nguy hiểm của mình với cú đột phá xâm nhập vòng cấm từ hành lang cánh phải, khéo léo loại bỏ Mathijsen rồi dứt điểm sượt qua người Heitinga và bóng đi hết đường biên ngang. Sau hai tình huống đó, "Tam sư" chơi hay hơn hẳn và khung thành Stekelenburg bị đặt vào trạng thái cảnh báo nhiều hơn. Nhưng phút 33, đội chủ nhà phải gánh chịu tổn thất khi Gerrard không thể tiếp tục thi đấu và tiền đạo sinh năm 1989, Daniel Sturridge vào thay. Đây mới là trận đấu thứ 2 của Sturridge trong màu áo Tam sư. Mùa này, Sturridge cũng đang trình diễn khá ấn tượng tại Chelsea và được biết đến như là một "Mr Đa năng" trên hàng công.

Cho đến hết hiệp 1, Anh vẫn duy trì được sự tiến bộ và bắt đầu giành được thế trận nhưng chưa thể có được bàn thắng. Sau giờ nghỉ giải lao, hai đội đều có sự điều chỉnh về mặt nhân sự. Do chơi khá mờ nhạt nên Van Persie phải rời khỏi sân, nhường chỗ cho "Thợ săn" Huntelaar còn Barry được cho ra nghỉ và người vào thay chính là một đồng đội của anh ở Man City, James Milner. Phút 49, xuất phát từ một tình huống phạt góc, Sturridge quăng chân sút chìm ở sát vạch 16m50 và Stekelenburg kịp thời phản xạ cứu thua cho Hà Lan. Quả thực, Stuart Pearce đang làm quá tốt nhiệm vụ "đóng thế" của mình khi ĐT Anh chứng tỏ được sức mạnh, mặc cho bị xáo trộn rất nhiều.

Tuy nhiên, thật bất ngờ, Hà Lan mới là đội vươn lên dẫn trước sau nỗ lực cá nhân của Arjen Robben. Phút 57, chàng tiền vệ hào hoa khoác áo Bayern Munich đã dẫn bóng tốc độ từ phần sân nhà và dễ dàng xâm nhập vòng cấm mà không gặp phải bất cứ một sự truy cản nào. Cặp trung vệ Cahill - Smalling phối hợp không tốt và thế là, đến cả cú dứt điểm, Robben cũng được thực hiện trong tư thế thoải mái, khiến Joe Hart không thể làm gì hơn ngoài việc vào lưới nhặt bóng. Chưa dừng lại ở đó, phút 58, tỷ số được nâng lên 2-0. Lần này, Dirk Kuyt tạt bóng chuẩn xác từ cánh phải và Huntelaar bật cao đánh đầu dũng mãnh hạ gục Hart. Nhưng "Thợ săn" không thể ăn mừng bàn thắng bởi anh đã bị choáng nặng do va chạm với Smalling ở pha không chiến. Thậm chí, phải đến vài chục giây đồng hồ, anh mới có thể tỉnh táo để phun đám cỏ đang ngậm trong mồm ra ngoài. Song cả Huntelaar và Smalling đều phải rời sân, trong đó cầu thủ trẻ của Man Utd còn được khiêng bằng cáng.

Đồng đội của Smalling tại "Quỷ đỏ" thành Manchester, Phil Jones sẽ trám vào vị trí trung vệ. Chẳng còn gì để mất, Anh vùng lên mạnh mẽ để ít ra thể hiện được tinh thần chiến đấu hết mình trên sân nhà, trước con mắt của hàng chục nghìn CĐV đã bỏ công tới sân Wembley xem họ thi đấu. Stewart Downing vừa vào thay Adam Johnson đã có pha bắt volley chệch cột dọc trong gang tấc. Hà Lan lập tức đáp trả với một pha dẫn bóng khó chịu khác của Robben và kết thúc bằng cú sút vọt xà ngang, một phần vì chạm vào người Richards. Phút 73, Sturridge bỏ lỡ "thời cơ vàng" gỡ gạc lại danh dự cho đội nhà. Baines câu bóng vào vòng cấm địa và cầu thủ của Chelsea lao vào đệm lòng ở cự ly gần nhưng pha kết thúc này quá "mẫu mực", tới mức không gây chút khó khăn nào cho Stekelenburg.

Còn nước còn tát, Stuart Pearce sử dụng quân bài cuối cùng cho mặt trận tấn công: "cánh chim lạ" Fraizer Campbell có màn ra mắt màu áo ĐTQG ở ngay lần đầu tiên bất ngờ được triệu tập. Campbell trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của Man Utd song do không thể kiếm được chỗ đứng, chân sút 24 tuổi này đã gia nhập Sunderland vào năm 2009. Phút 79, đội trưởng Parker để mất bóng khá nguy hiểm, mở ra cơ hội cho Robben nhưng rất may, Jones đã làm tốt nhiệm vụ của mình, khiến "Người thuỷ tinh" không thể tung ra pha kết thúc.

Tuy nhiên vẫn cần phải dành lời khen ngợi cho ĐT Anh

Rốt cục, nỗ lực của đội chủ nhà đã được đền đáp xứng đáng. Trong một dâng lên tham gia tấn công đầy bất ngờ, trung vệ Gary Cahill đã băng xuống đón đường chọc khe của Baines, ngoặt bóng loại bỏ một hậu vệ đối phương rồi tung ra cú dứt điểm sệt, đánh bại Stekelenburg. Cầu thủ gia nhập Chelsea trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông đã có pha xử lý đẳng cấp như một tiền đạo thực thụ, chỉ có điều anh đã rơi vào thế việt vị rõ ràng song chẳng hiểu sao, tổ trọng tài lại bỏ qua. Dẫu sao, ở những trận giao hữu thì sự "ưu đãi", đặc biệt dành cho đội chủ nhà âu cũng là chuyện hết sức "bình thường".

Bàn thắng đã mang lại sự hưng phấn mạnh mẽ cho ĐT Anh và hệ quả tất yếu, đúng vào phút bù giờ thứ nhất, họ san bằng được tỷ số. Xuất phát từ đường căng ngang của Downing bên cánh trái, đội bóng áo trắng đã tổ chức phối hợp rất uyển chuyển loanh quang khu vực cấm địa. Chốt lại, Phil Jones có đường chuyền miễn chê cho Ashley Young và tìền vệ số 7 đã không phụ công "Quỷ đỏ đồng môn" khi khéo léo gẩy bóng qua người Stekelenburg ở góc hẹp. Những tưởng 2-2 đã là kết quả chung cuộc thì chưa đầy một phút sau, Hà Lan đã giành lại được chiến thắng vừa mới tuột khỏi tay. Trong một pha tấn công chẳng có gì đặc biệt, Van Bommel vung chân mớm bóng cho Robben và tiền vệ này cứa lòng điệu nghệ vào góc xa trong sự bất lực của Joe Hart.

Dẫu có đôi chút tiếc nuối nhưng rõ ràng 2-3 là tỷ số hợp lý hơn cho cặp đấu này bởi xét cho cùng, người Hà Lan sẽ không khỏi ấm ức nếu không thể giành được chiến thắng còn các CĐV Anh hoàn toàn có quyền tự hào và vui mừng trước những gì các tuyển thủ thân yêu thể hiện. Trong bối cảnh, tình hình của "Tam sư" thời hậu Fabio Capello vẫn còn rất bề bộn thì màn trình diễn vừa rồi quá đáng khen và không thể mong đợi gì hơn.

Đội hình thi đấu
Anh (4-2-3-1):
Hart; Richards, Smalling (Jones 64'), Cahill, Baines; Parker, Barry (Milner 46'), A Johnson (Downing 64'), Young, Gerarrd (Sturridge 33', Walcott 88'); Wellbeck (Campbell 80')
Hà Lan (4-2-3-1): Stekelenburg; Boulahrouz (Vlaar 82'), Heitinga, Mathijsen, Pieters (Schaars 46'); Van Bommel, De Jong; Robben, Sneijder (Emanuelson 76'), Kuyt; Van Persie (Huntelaar 46'; De Jong 64')

Kết quả các trận giao hữu đáng chú ý

Israel 2-3 Ukraine
Hemad pen 55'; Sahar 63' - Gusev pen 18'; Konoplyanka 45'; Yarmolenko 61'

Romania 1-1 Uruguay
Stancu 50' - Cavani 3'

Đan Mạch 0-2 Nga
Shirokov 4'; Arshavin 45'

Croatia 1-3 Thuỵ Điển
Olsson og 44' - Ibrahimovic pen 13'; Larsson 46', 69'

Hy Lạp 1-1 Bỉ
Salpingidis 9' - Chadli 33'

Thuỵ Sĩ 1-3 Argentina
Shaqiri 50' - Messi 20', 88', pen 90'

Italia 0-1 Mỹ
Dempsey 55'

Ba Lan 0-0 Bồ Đào Nha

Ai Len 1-1 CH Séc
Cox 86' - Baros 50'

Đức 1-2 Pháp
Cacau 90' - Giroud 21'; Malouda 69'

Anh 2-3 Hà Lan
Cahill 85'; A.Young 90'+1 - Robben 57', 90'+2; Huntelaar 59'

Tây Ban Nha 5-0 Venezuela
Iniesta 37'; David Silva 40'; Soldado 50', 53', 84'


  • Bảo Phương

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Mổ băng Liverpool 2-2 Man Utd: Vai trò khác thường của Bruno Fernandes và sự vất vả của Trent Alexander-Arnold

Mổ băng Liverpool 2-2 Man Utd: Vai trò khác thường của Bruno Fernandes và sự vất vả của Trent Alexander-Arnold

Mổ băng Liverpool 2-2 Man Utd: Vai trò khác thường của Bruno Fernandes và sự vất vả của Trent Alexander-Arnold

Khi các cuộc thảo luận sau một trận đấu tập trung vào một cầu thủ vốn đã “chiếm sóng” hàng loạt dòng tít trong những ngày trước đó, sẽ rất đáng để đặt câu hỏi rằng liệu việc dư luận chăm chăm “mổ xẻ” màn trình diễn của anh ta có hợp lý hay không, hay chỉ đơn thuần do anh ta là một chủ đề “thuận mồm” hơn để bàn tán.

Xem thêm
top-arrow
X