Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

Top 10 bản hợp đồng thất vọng nhất Premier League mùa giải 2011-2012

Thứ Ba 08/05/2012 15:08(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Dù giải Ngoại hạng Anh vẫn còn một vòng đấu nữa hứa hẹn sẽ rất sôi nổi và tiềm ẩn nhiều kịch tính khi mà mọi cuộc chiến từ giành chức vô địch, tranh suất tham dự Champions Leagua hay trụ hạng chưa hề ngã ngũ nhưng ngay từ thời điểm này, đã có thể xác định rõ những cầu thủ nào (đội nào) đã chơi thành công (hoặc thất bại) trong mùa bóng. Dưới đây là 10 bản hợp đồng tệ nhất mùa giải theo đánh giá của tờ Daily Mail

1. Stewart Downing (Liverpool)

Phải chi ra đến 20 triệu bảng, đội bóng vùng Merseyside mới có thể đem về sân Anfield một trong những tiền vệ cánh sáng giá bậc nhất đảo quốc sương mù. Thế nhưng, nào ai ngờ, Downing lại sa sút quá nhanh. Mùa trước, trong màu áo Aston Villa, anh đã đạt đến phong độ đỉnh cao, thậm chí còn trội hơn cả người đồng đội Ashley Young (cùng rời khỏi Villa cùng thời điểm với Downing và phần nào tạo được dấu ấn trong màu áo mới Manchester United) song tại Liverpool, anh chỉ toàn mang đến nỗi thất vọng. Downing thi đấu dưới mức trung bình và giờ chỉ còn là một cầu thủ dự bị đúng nghĩa. Cho đến giờ, Downing chưa ghi nổi bất cứ một bàn nào ở Premier League. Người ta cũng không còn thấy ở anh các pha dốc bóng tốc độ bên cánh trái, các tình huống xâm nhập vòng cấm địa dũng mãnh hay đơn giản hơn, chỉ là những đường chuyền đạt độ chính xác và hiệu quả cao, một nhiệm vụ tối thiểu của tiền vệ cánh. Không những vậy, Downing còn thể hiện rõ sự uể oải, chậm chạp, nặng nề. Phải chăng, Downing không không phù hợp với môi trường bóng đá tại Liverpool.

Stewart Downing: Bản hợp đồng thất vọng nhất của Liverpool mùa này
Stewart Downing: Bản hợp đồng thất vọng nhất của Liverpool mùa này

2. Roger Johnson (Wolverhampton)

Wolverhampton chính là đội bóng đầu tiên phải xuống hạng, thậm chí còn chắc chắn chiếm vị trí cuối bảng và Roger Johnson là một trong những cầu thủ chơi kém nhất Wolves mùa này. Đầu quân cho Wolves với tư cách chủ lực nơi hàng thủ Birmingham (Wolves phải tốn đến 7 triệu bảng) nhưng hoá ra Johnson chỉ mang lại cho đội bóng cái dớp "tụt hạng" (mùa trước, Birmingham là một trong 3 đại diện phải xuống chơi ở giải hạng Nhất) chứ chẳng đóng góp chút nào về năng lực chuyên môn dù rằng, Johnson từng được HLV bị sa thải cách đây vài tháng, Mick McCarthy trao cho chiếc băng đội trưởng danh giá. Kể cả khi đảm nhận chức vụ thủ quân, Johnson đích thị là mắt xích yếu nhất trong hàng phòng ngự Wolves, biến đội bóng này trở thành cái rổ đựng bóng đúng nghĩa (79 bàn thua, nhiều nhất Premier League). Sau khi McCarthy "ra đường", hậu vệ 28 tuổi này còn thể hiện tồi tệ hơn nữa và dính thêm vài rắc rối bên ngoài sân cỏ. Xem ra, Johnson nhiều khả năng sẽ là người đầu tiên phải cuốn gói khỏi Wolves vào cuối mùa.

3. Charles N'Zogbia (Aston Villa)

Tiền vệ người Pháp được đưa về Villa Park nhằm trám vào lỗ hổng do Young và Downing để lại nhưng thật đáng buồn, N'Zogbia đã đánh mất mình quá nhanh. Mùa truớc, cựu cầu thủ của Newcastle còn là trụ cột quan trọng hàng đầu Wigan, giúp đội bóng trụ hạng thành công thì nay, N'Zogbia đã biến thành một anh chàng vô dụng tại Aston Villa. Phần lớn trong các trận được ra sân, N'Zogbia đều tỏ ra cực kỳ nhạt nhoà và mới vẻn vẹn đóng góp cho đội bóng đúng 2 bàn thắng ít ỏi (thành tích của mùa trước là 9). Cực chẳng đã, HLV Alex McLeish đã phải loại N'Zogbia khỏi đội hình trong mấy vòng gần đây. Cũng may, Aston Villa đã chính thức giành quyền trụ hạng sau vòng 37 vừa rồi nên sự ân hận của N'Zogbia về phong độ đáng buồn của bản thân xem ra cũng vơi bớt phần nào.

4. Connor Wickham (Sunderland)

"Mèo đen" đã cực kỳ hả hê khi giành được quyền sở hữu Connor Wickham ngay trước mũi hàng loạt tên tuổi lớn (Arsenal, Chelsea, Liverpool, Manchester United,...) dù đã phải chi ra tới 13 triệu bảng, một khoản tiền không nhỏ với một cầu thủ trẻ mới nổi tuy nhiên cần nhớ rằng, Wickham từng được coi là một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất nước Anh với phong độ rực sáng trong màu áo đội bóng hạng Nhất Ipswich. Song áp lực của bản hợp đồng đắt giá cùng sự thay đổi HLV trưởng vào tháng 11 năm 2011 (Steve Bruce ra đi nhường chỗ cho Martin O'Neil) đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp của Wickham tại Sunderland. Nhằm củng cố chiếc ghế của mình, O'Neil không dám mạo hiểm tin tưởng vào những sao trẻ như Wickham để rồi kết cục, kể từ tháng 12, chưa một lần Wickham được điền tiền vào danh sách xuất phát của Sunderland trong mọi trận đấu tại Premier League. Nhưng bản thân Wickham cũng cần phải tự trách mình khi đã trình diễn quá tệ. Dẫu sao, anh mới 19 tuổi và tương lai vẫn đang rộng mở ở phía trước.

5. Wilson Palacios (Stoke)

Chỉ vì không chấp nhận chia sẻ vị trí tại Tottenham mà Palacios đã rời khỏi White Hart Lane để đầu quân cho Stoke, đội bóng chắc chắn sẽ đảm bảo cho anh chỗ đứng chắc chắn trong đội hình. Lúc đó đó, ai cũng bảo Stoke đã quá khôn ngoan và tỉnh táo trên TTCN khi chỉ mất có 8 triệu bảng mà mua được một tiền vệ trung tâm đẳng cấp. Nhưng cuối cùng, 8 triệu bảng lại là một cái giá quá đắt nếu xét theo những gì tuyển thủ quốc gia người Honduras đã đóng góp. Palacios chỉ cón là cái bóng của chính mình, mặc cho vẫn luôn nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ HLV Toni Pulis. Trên sân, Palacios tỏ ra rất "nguy hiểm": chẳng thi đấu ra sao song lại rất thích "chém" hay tranh cãi với đối thủ. Giờ đây, chẳng ai còn nhớ Palacios từng được đánh giá là bản hợp đồng chất lượng cao của Stoke.

6. Jordan Henderson (Liverpool)

Thêm một thất bại của Kenny Dalglish trên TTCN. Hai năm rèn giũa ở Sunderland đã đưa Henderson vào nhóm những tiền vệ trung tâm giàu triển vọng của Premier League và từng được triệu tập vào ĐTQG Anh. Những tưởng, việc chuyển sang đội bóng lớn hơn Liverpool sẽ là cơ hội quá tốt để Henderson thăng tiến nhưng anh không thể chuyển mình để thoát khỏi cái vỏ bọc "viên ngọc thô". Henderson được ra sân thi đấu rất nhiều trong vai trò tiền vệ trung tâm (một phần do Lucas Leiva dính chấn thương nghỉ đến hết mùa) song những màn trình diễn của cầu thủ này chẳng thuyết phục được ai và không thể phủ nhận chiếc áo đấu của The Kop vẫn còn quá rộng với Henderson. Dẫu sao, giống như Wickham, Henderson còn trẻ và chỉ cần chịu khó học hỏi, tiếp thu thêm kinh nghiệm từ những bậc đàn anh như Gerrard, anh sẽ dần chứng tỏ được giá trị 16 triệu bảng của mình.

7. Jay Bothroyd (Queens Park Rangers)

Còn nhớ hồi tháng 11 năm ngoái, Fabio Capello từng gây sốc khi quyết định triệu tập một chân sút đang chơi bóng tại giải hạng Nhất vào ĐTQG (thực ra, hồi ấy, Tam sư lâm vào cảnh thiếu hụt tiền đạo trầm trọng do nạn chấn thương nên Capello cũng chẳng thể làm gì hơn) và anh chàng may mắn đó mang tên Jay Bothroyd. Có lẽ cũng chính nhờ sự kiện này cộng thêm phong độ ghi bàn khá ổn mà QPR quyết định thu nạp Bothroyd theo diện CNTD như một phần trong tham vọng trụ hạng. Tuy nhiên, cuối cùng "của rẻ" đích thực là "của ôi". Trong 23 trận ra sân, chân sút 29 tuổi này chỉ ghi nổi đúng 2 bàn thắng và sau kỳ chuyển nhượng mùa Đông, khi QPR chiêu mộ hai chân sút Djibril Cisse và Bobby Zamora, Bothroyd phải thường xuyên làm bạn với băng ghế dự bị.

Samir Nasri không xứng đáng với kỳ vọng đặt vào anh
Samir Nasri không xứng đáng với kỳ vọng đặt vào anh

8. Samir Nasri (Man City)

Mùa này, đại thiếu gia thành Manchester là đội bóng chơi hay nhất Premier League và quá xứng đáng bước lên bục vinh quang dù vẫn phải nỗ lực trong trận đấu cuối gặp đối thủ đang bị dồn đến chân tường, QPR. Nhìn chung, đa phần các ngôi sao của Man City đều chơi tốt hoặc ít nhất tròn vai nhưng vẫn có một số ít không đáp ứng được yêu cầu và cái tên cần được nhắc đến đầu tiên là Samir Nasri. Thực ra, không hẳn tiền vệ người Pháp thi đấu quá kém cỏi nhưng nếu xét theo số tiền Man City đã bỏ ra (24 triệu bảng) và kỳ vọng của ban huấn luyện thì rõ ràng Nasri cần phải xem lại mình. Khi còn khoác áo Arsenal, Nasri chiếm giữ vai trò và tầm ảnh hưởng không thua gì Cesc Fabregas nhờ vào trình độ chuyền bóng thành bàn, trực tiếp lập công và khả năng tạo đột biến mà tất cả đều gần đạt đến đẳng cấp cao nhất của một tiền vệ công. Quan trọng hơn, Nasri chơi rất ổn định. Song kể từ ngày gia nhập Man City, dù Nasri chưa đánh mất những điểm mạnh của mình nhưng anh tỏ ra phập phù hơn và bị những đồng đội khác mà tiêu biểu là David Silva làm lu mờ. Giờ đây, Nasri chỉ thuộc mẫu chủ lực "nửa vời" (tức là sự hiện của anh ở trên sân không gây tác động quá nhiều đến thành tích chung cuộc của Man City). Hãy nhớ rằng, Mancini đã phải bỏ rất nhiều công sức mới sở hữu được Nasri nên làm sao ông có thể hài lòng trước sự đóng góp nhỏ nhoi của cậu học trò.

9. Romelu Lukaku (Chelsea)

Trước khi gia nhập The Blues, Lukaku đã được coi là thần đồng bóng đá số 1 nước Bỉ. "Danh hiệu" này chẳng quá chút nào bởi khi mới hơn 17 tuổi, Lukaku dã đoạt danh hiệu "Vua phá lưới" giải VĐQG Bỉ. Chelsea đã phải rất nỗ lực và dám mạnh tay (18 triệu bảng) mới có được quyền sở hữu Lukaku trong con mắt thèm thuồng của hàng loạt "fan hâm mộ". Song cuộc sống ở Anh chẳng hề "hồng" như Lukaku mơ ước. Bất chấp cựu HLV Andre Villas-Boas từng mạnh miệng tuyên bố sẽ trẻ hoá mạnh mẽ Chelsea, Lukaku vẫn chẳng thể được trọng dụng và chỉ là một sự lựa chọn thứ yếu cho hàng công. Dẫu vậy, nếu Lukaku vẫn chứng tỏ được mình trong những lần ít ỏi được ra sân thì rất có thể số phận của anh sẽ khác, đằng này, tiền đạo sinh năm 1993 chẳng hề cho tất cả thấy vì sao anh lại được đánh giá cao đến thế. Dường như Lukaku chưa đủ bản lĩnh và tầm vóc để chơi bóng tại Premier League nên dễ dàng bị ngợp rồi chìm nghỉm. Anh không ghi nổi bàn nào, thậm chí ấn tượng để lại gần như bằng không. Sau khi Roberto Di Matteo lên nắm quyền với chính sách "ưu tiên người già" thì Lukaku chính thức biến mất. Chân sút trẻ này đã công khai bày tỏ nguyện vọng được rời khỏi Chelsea một thời gian để tìm lại niềm cảm hứng chơi bóng và ngày một trưởng thành hơn. Đây có lẽ là giải pháp tốt nhất cho cả hai bên, bằng không, Lukaku rất có thể sẽ rơi vào cảnh "sớm nở tối tàn".

10. David NGog (Bolton)

Không thể kiếm được chỗ đứng chắc chắn sau 3 năm khoác áo Liverpool (tổng cộng, NGog đã được ra sân 63 trận nhưng 2/3 số trận là từ băng ghế dự bị), tiền đạo trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của PSG đã quyết định đầu quân cho một đội bóng nhỏ hơn, Bolton nhưng lại có thể đảm bảo cho anh một vị trí thường xuyên. Thế nhưng, dù thực sự được vẫy vùng thoải mái, NGog vẫn chẳng bật lên được. Cho đến nay, NGog chưa ghi nổi một bàn nào trên sân nhà Reebok và mới sút tung lưới đối phương đúng 4 lần trên mọi mặt trận nhưng tịt ngòi suốt từ tháng 1 năm nay.

  • Bảo Phương
     

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X