Thứ Bảy, 04/01/2025 Mới nhất
Zalo

Nghệ thuật nói chuyện trong giờ nghỉ: 15 phút chấn động thế giới

Thứ Hai 22/10/2012 17:30(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

“Cởi áo các anh ra!” – Jose Mourinho quát vang phòng thay đồ. “Cởi nó ra và đưa cho Steve. Các anh không xứng đáng mặc nó nữa”. Các cầu thủ lặng lẽ cởi áo ra, tái mặt vì bị xúc phạm. Để rồi cảm giác ấy làm nên một trong những trận thắng quan trọng nhất lịch sử Chelsea...

15 PHÚT LÀ QUÁ DÀI

Đó là ngày thi đấu cuối cùng của Premier League 2004/05, khi Chelsea cần một chiến thắng trước Bolton để có thể đăng quang chức vô địch. Họ chơi như mất hồn trong hiệp 1, và tỷ số vẫn là 0-0 cho đến giờ nghỉ giữa hiệp. Jose Mourinho bước vào phòng thay đồ, và thay vì thực hiện một bài diễn thuyết, ông bắt các cầu thủ cởi áo ra, trao hết cho trợ lý HLV Steve Clarke và ở trần nói chuyện với mình. Các cầu thủ cực kỳ tự ái.

Nhưng chính sự tự ái ấy đã làm nên một Chelsea khác hẳn ở hiệp 2. Đội hình The Blues chơi hăng hái, dồn ép Bolton quyết liệt. 2 bàn thắng được ghi. Chiếc Cúp vô địch nước Anh về sân Stamford Bridge sau 50 năm chờ đợi. Và hành động bắt cầu thủ cởi áo của Mourinho trở thành một trong những cuộc nói chuyện trong phòng thay đồ nổi tiếng nhất lịch sử bóng đá Vương quốc Anh.

a
Khi “Máy sấy tóc” khởi động, phòng thay đồ của M.U khó có thể yên bình nhưng đó là một chiến thuật của Sir Alex

Phần quan trọng nhất trong công việc của các HLV là nói. Lên chiến thuật không phải là điều khó nhất, mà muốn các cầu thủ thực thi chiến thuật ấy với sự tập trung và hưng phấn cao nhất còn khó hơn bội phần. Những cuộc nói chuyện trong phòng thay đồ là then chốt.

“Đó là văn phòng của chúng tôi” – thủ môn Scott Carson nói. Nhưng cuộc họp chiến thuật đã được thực hiện kỹ lưỡng trong suốt cả tuần trước khi trận đấu diễn ra, một ông HLV còn gì để nói vào giờ nghỉ giữa 2 hiệp? “Đó luôn là 15 phút dài nhất trong cuộc đời” – HLV Sammy McIlroy tâm sự - “Bạn chẳng có gì nhiều để nói. Và nếu cố nói hết thời gian, chắc chắn bạn sẽ lặp lại một vài ý cố định, nào là cố gắng, nào là chiến đấu...”.

Có những người như HLV Miroslav Blazevic (đội tuyển Croatia 1994-2000) đã từng dùng tới 7 tiếng đồng hồ trước ngày thi đấu chỉ để soạn thảo bài “diễn văn” ông sẽ nói trong 15 phút nghỉ nếu mọi chuyện không đi theo ý muốn. Một câu nói hớ sẽ phải trả giá.

Không quá khi nói rằng nghệ thuật đối thoại trong 15 phút ấy làm nên đẳng cấp của một HLV. Nó quyết định thành bại. Đã từng có những giờ nghỉ giữa trận đi vào huyền thoại. Đó là giờ nghỉ của trận chung kết Champions League năm 2005 tại Istanbul. Không ai biết Rafa Benitez đã nói gì với các cầu thủ Liverpool, để rồi họ tạo ra một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục và đăng quang khi đã bị AC Milan dẫn trước 3-0 trong hiệp 1.

Người ta sẽ chỉ có thể chờ một người trong căn phòng ngày hôm ấy ra tự truyện. Nhưng trong lúc ấy, bao nhiêu lời đồn đoán đã được đưa ra như một truyền thuyết. Nó đi vào điện ảnh, khi người Anh làm một bộ phim mang tên “15 phút làm chấn động thế giới”, trong đó miêu tả Rafa Benitez nói với các cầu thủ với một cây đàn guitar. Một hình ảnh đầy chất sử thi.

Tới năm 2009, trong một trận đấu giữa U21 Thụy Điển và U21 Anh, Thụy Điển cũng bị dẫn trước 3-0 sau 45 phút. HLV Jorgen Lennartsson đã nhắc lại huyền thoại Istanbul trong phòng thay đồ: “Nếu Liverpool có thể làm được, Thụy Điển cũng làm được” – ông nói với các học trò. Hết 90 phút, tỷ số lại là 3-3.

ĐỘNG VIÊN HAY SỈ NHỤC?

Sir Alex Ferguson là người nổi tiếng nhất với những cuộc nói chuyện trong phòng thay đồ. Ông có biệt danh “Máy sấy tóc”, đại ý rằng khi ông trút cơn thịnh nộ, thì gió thổi ra sẽ giúp cầu thủ sấy khô tóc. Nhưng không phải lúc nào Sir Alex cũng sử dụng phương pháp ấy. Bởi nó có thể phản tác dụng. Andy Cole tâm sự: “Đúng là có mắng. Nhưng ông không mắng nhiều đâu. Vì chẳng cầu thủ nào đủ sức chịu đựng màn tra tấn ấy nhiều lần”.

Đó thực ra là một phương pháp rất phổ biến: HLV Brian Clough huyền thoại của Nottingham Forest thậm chí còn đứng lên bụng một tiền đạo trong giờ nghỉ vì tội ngã vờ. HLV Gerard Houllier đã từng nhập viện vì đau tim sau một bài chửi quá hăng trong phòng thay đồ...

Việc khiến cho cầu thủ tự ái có thể tạo ra những hiệu ứng tốt, như trong trường hợp của Mourinho. Nhưng nó cũng có thể phản tác dụng. Tháng 12/2008, HLV Phil Brown đã không thể kiềm chế trước màn trình diễn tệ hại của các cầu thủ Hull City trong trận gặp Man City (bị dẫn 0-4 sau hiệp 1).

Ông quyết định tập hợp các cầu thủ ngay trên sân, không cho họ đi vào phòng thay đồ và công khai mắng mỏ học trò trong sự quan sát của các khán đài chật ních CĐV. Sự tấm tức hiện rõ trên khuôn mặt các cầu thủ. Kết trận đó, họ thua 1-5. Trong suốt 5 tháng còn lại của mùa giải, Hull City cũng chỉ thắng được thêm 1 trận nữa.

Đến bây giờ, người ta vẫn không thể tìm được công thức chung cho các cuộc nói chuyện. Cũng có những người rất thành công chỉ với những câu động viên nhẹ nhàng, nhưng có người lại hoàn toàn thất bại khi không gây đủ áp lực lên cầu thủ.

HLV Peter Reid từng có một câu nói đi vào tiềm thức nhiều cầu thủ Sunderland: “Đối thủ không thể trụ được trước các anh, không thể trụ được”. Lời động viên này thậm chí còn đi vào ống kính camera, khi ông mời các phóng viên truyền hình tham dự một cuộc họp giữa trận. Kết quả là Premiership không thể chung sống với Sunderland thật: họ xuống hạng một thời gian ngắn sau đó.

Các HLV luôn phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc nói chuyện giữa trận. Paul Ince thời dẫn dắt Blackburn luôn cầm một quyển sổ tay để ghi lại những điều mình cần nói. Có lần, camera đã bắt được một trang mở của cuốn sổ này, trên đó ông ghi gọn lỏn một chữ: “Dứt điểm” (Shoot).

Họ thậm chí còn phải lên những “vở diễn” để thúc đẩy tính chiến đấu của cầu thủ. HLV Malcolm Allison, người đã giúp Man City thống trị bóng đá Anh quãng sau thập kỷ 60, từng thực hiện “bài diễn văn” giữa trận mà chỉ mặc đúng một chiếc quần thể thao. Sau đó, ông tống cầu thủ vào phòng tập thể hình và bắt họ thực hiện các bài tập trong 10 phút.

Họ vẫn luôn phải sáng tạo trong cách đối thoại với cầu thủ. Mới đây, HLV Martin Allen của CLB Gillingham ở hạng Tư đã khiến các tờ báo thể thao Anh xôn xao khi giao nhiệm vụ nói chuyện với cầu thủ cho một nữ bưu tá. Đó là một CĐV trung thành của Gillingham mà ông bắt gặp ngoài phố.

Ông đưa bà bưu tá vào phòng thay đồ, rồi để bà nói bài diễn văn của mình. Nữ bưu tá tên là Donna bắt đầu nói những điều giản dị, như là các cầu thủ rất tốt, họ sẽ thắng với tỷ số 2-1. Hình ảnh một CĐV bình thường và sự kỳ vọng đã khiến cầu thủ Gillingham chơi hăng hái và thắng Port Vale 2-0.

Lịch sử từng chứng kiến những HLV mất việc vì không biết nói chuyện trong giờ nghỉ. HLV Kevin Cullis chỉ dẫn dắt Swansea được... một trận rưỡi hồi năm 1996. Sau 45 phút của trận gặp Blackpool, cầu thủ tiếm quyền ông này ngay trong phòng thay đồ chỉ sau vài câu nói ngớ ngẩn. Đội trưởng đứng lên chỉ đạo chiến thuật. Cullis từ chức ngay sau đó.

Vũ Linh- Bóng đá & Cuộc sống
 

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X