Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Mesut Oezil đang mở ra một thời đại mới ở Emirates

Thứ Tư 22/01/2014 07:15(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Arsenal đã giành được rất nhiều danh hiệu trong 7 năm đầu tiên của HLV Arsene Wenger ở đó, nhưng danh tiếng của ông không chỉ dựa trên những chiếc cúp, mà cả phong cách của đội bóng áo đỏ-trắng. Arsenal được coi là đại biểu cho bóng đá đẹp không thể tranh cãi của Premier League, cho tới khi tiền dầu mỏ và các HLV Iberia đổ xô tới giải Ngoại hạng.

Thật ra, vào những năm 1990, Arsenal là một đội bóng hoàn toàn khác, rất coi trọng chiến thuật, thực dụng và ưu tiên cho chiến thắng. Kiểu bàn thắng điển hình của họ vào giai đoạn chuyển giao thế kỷ là Thierry Henry phá bẫy việt vị, bắt tốc độ nhận một đường chọc khe và tung ra cú sút lòng trong vào góc xa từ nách bên trái vòng cấm địa.

Tới năm 2010, kiểu bàn thắng điển hình của Arsenal là 20 đường chuyền liên tục kết thúc bằng việc một tiền vệ đi bộ đưa bóng vào lưới. Vì họ vẫn duy trì lối chơi dựa nhiều vào kỹ thuật, ít người cho rằng Arsenal đã thay đổi về phong cách. Một số khác giải thích rằng sự suy sụp của đội bóng về thành tích là do bộ khung Anh mà Wenger từng được thừa hưởng giờ đã ra đi.

Ozil không thể ra sân trận gặp Newcastle vì chấn thương
 

Arsenal từng chỉ là một "tiểu Barca"

Thành công của Arsenal trong những năm đầu của Wenger dựa trên những mẫu cầu thủ điển hình: Henry, Patrick Vieira và bộ tứ vệ huyền thoại do George Graham để lại. Chỉ 4 người trong đội hình xuất phát mùa 2003-04 (Freddie Ljungberg, Ashley Cole, Lauren và Kolo Toure) là có chiều cao dưới 1,85 mét.

Khi đó, phong cách của Arsenal là tốc độ và sức mạnh, họ là vua của những tình huống phản công, giành thắng lợi vang dội ở trong nước, 7 chiếc cúp (3 Premier League, 4 Cúp FA) trong 8 năm đầu dưới thời Wenger. Nhưng chỉ 2 lần trong giai đoạn đó họ vào được tới tứ kết Champions League, và không bao giờ tiến xa hơn thế. Vào giữa thập kỷ trước, Wenger, theo đuổi thành công ở lục địa, đã thay đổi phong cách.

Dấu ấn cho sự thay đổi đó là chiến dịch vào tới chung kết Champions League mùa 2005-06, khi chiến lược gia người Pháp sử dụng đội hình với số đông ở hàng tiền vệ và Henry là tiền đạo duy nhất. Kể từ đó, Arsenal gần như bị ám ảnh bởi các tiền vệ kiến tạo nhỏ bé và khéo léo. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất qua việc trung tâm của lối chơi chuyển từ Vieira sang Cesc Fabregas.

Trong vài năm sau đó, Wenger ưu tiên mua những cầu thủ như Alexander Hleb, Denilson và Samir Nasri để biến Arsenal thành một đội chơi tiki-taka ở Anh. Không phải là ông không thành công. Arsenal đã vào tới tứ kết Champions League 4 trong 5 năm tiếp theo. Chỉ có điều, thành công ở châu Âu lại đồng nghĩa với thất bại trong nước.

Một hệ thống đòi hỏi sự chính xác cao và những đường chuyền ngang liên tục trở nên dễ đoán: mỗi tuần lễ ở Premier League, các đối thủ chèn ép Arsenal bằng thể lực, lối đá rát và phòng ngự chặt chẽ. Một trận hòa sân khách ở Champions League là kết quả tốt, nhưng ở trong nước thì không như thế.

Ví dụ dễ thấy nhất cho sự đối lập về phong cách và mục tiêu của Arsenal là việc cả Nasri lẫn Hleb đều được cho là người thừa kế của Robert Pires. Trong khi cả hai tiền vệ đó giữ bóng tốt hơn, và có lẽ khéo léo hơn, so với Pires, họ không có được sự trực diện, hiệu quả và tốc độ đã khiến Pires từng là một trong những cầu thủ chạy cánh đáng sợ nhất của Premier League. Arsenal quả thật đã trở thành giống như Barcelona, nhưng chỉ là một tiểu Barca.

Đó là hình ảnh của họ cho tới đầu mùa giải này. Họ bị chỉ trích là mềm yếu và thiếu một thủ lĩnh. Không bài phân tích nào về các điểm yếu của Arsenal mà không nhắc tới Vieira và việc Pháo thủ cần một tiền vệ như anh ra sao. Tất nhiên, cũng có cả những lý do không liên quan tới chiến thuật như việc CLB chi tiêu quá tằn tiện, trong khi các đối thủ của họ đổ tiền điên cuồng vào thị trường chuyển nhượng.

Với Oezil, Arsenal đang thay đổi

Arsenal giờ đã thay đổi, dù sự thay đổi đó là từ từ. Trong vài năm qua, nhất là sau khi chia tay Fabregas, họ trở thành một đội bóng chơi trực diện hơn. Tầm quan trọng và thành công ngày càng lớn của Theo Walcott có lẽ là chỉ dấu rõ ràng nhất. Và đó là lý do tại sao việc đưa về Oezil là hoàn toàn logic và rất đáng theo dõi.

Oezil làm nên tên tuổi của anh ở Werder Bremen và ĐT Đức, 2 đội bóng đều chơi tốc độ cao, hiệu quả và trực diện. ĐT Đức với Oezil đã là ĐTQG chơi phản công hay nhất thế giới. Và Real Madrid với anh, dưới thời HLV Jose Mourinho, là CLB chơi phản công hay nhất thế giới. Tất nhiên, Mourinho và Cristiano Ronaldo có vai trò rất lớn, nhưng Oezil có lẽ mới là người quyết định. Những con số thống kê của anh ấn tượng là bởi Oezil là người cung cấp những đường chuyền cuối cùng, đơn giản nhưng chết người, cho Ronaldo, Gonzalo Higuain hay Karim Benzema, cả ba đều là chuyên gia trong những tình huống đối mặt thủ môn.

Đường chuyền của anh dẫn tới bàn thắng cho Olivier Giroud ở trận ra mắt gặp Sunderland là một ví dụ kinh điển về Oezil. Anh là bậc thầy trong việc tung ra những pha kiến tạo đơn giản khi hàng thủ đối phương đang vội vã lùi về và chưa hình thành nên thế trận phòng ngự như mong muốn. Việc Wenger đưa về Mathieu Flamini cũng gợi lại những ngày mà Arsenal còn chơi phản công trực diện cực kỳ sắc sảo. Lúc này đây, có cảm giác như Wenger đang khởi động một phong trào phục hưng và tìm về nguồn cội, với đội bóng chiến thắng mà ông đã xây dựng trước kia.

Phần lớn mùa này, Arsenal đã chơi với đội hình 4-5-1, thường xuyên có 4 tiền vệ kiến tạo. Arsenal có thể sẽ không trở lại giống hệt như đội bóng của những năm 1990. Oezil có thể không phải là Dennis Bergkamp, nhưng những ý tưởng chính đang hình thành theo hướng đó. 22 trận mùa này, Arsenal đang có tỉ lệ cầm bóng trung bình 57%, so với gần 60% ở 3 mùa trước. Wenger có vẻ như đang từ bỏ tiki-taka để có một cách tiếp cận cân bằng hơn.

Arsenal đang trở lại là chính mình, có thể là như thế, nhưng liệu các danh hiệu có trở lại, không ai biết. Câu trả lời sẽ có vào tháng Năm, và điều đó khiến mùa giải đáng chờ đợi hơn bao giờ hết với các CĐV áo đỏ-trắng.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X