Thứ Bảy, 04/01/2025 Mới nhất
Zalo

Bóng đá thời kim tiền: Cầu thủ hay võ sĩ giác đấu?

Thứ Hai 22/10/2012 07:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
(Bongda24h) - Người ta nhìn vào cầu thủ bóng đá, và thấy vầng hào quang xung quanh họ: công việc nhàn rỗi, lại phù hợp với đam mê, rồi được hưởng mức lương cao ngất ngưởng mà ai cũng mơ ước. Ừ thì chẳng ai phủ nhận việc cầu thủ bóng đá là một nghề đầy hấp dẫn với các mức đãi ngộ trên trời, nhưng có phải ai đi đá bóng rồi cũng hạnh phúc như những gì người ta tưởng tượng không?

Bóng đá là một môn thể thao, vì thế có lẽ sẽ lạ lùng khi nhắc đến những khía cạnh ngoài lề sân cỏ như hạnh phúc, thỏa mãn hay hài lòng. Nhưng trên các tựa báo, người ta hàng ngày vẫn nhìn thấy những tin đại loại như "Kagawa không hạnh phúc với màn trình diễn tại Man Utd", "Alex Song chưa hài lòng qua những gì đã thể hiện tại Barca", hay cầu thủ này cầu thủ khác không thỏa mãn với mức lương hiện tại, cuộc sống tại đội bóng, đòi chuyển CLB, đòi có thêm đãi ngộ. Thế mới thấy không phải cứ xỏ giày ra sân khoảng 180 phút mỗi tuần, được ăn tập đầy đủ là hạnh phúc. Cái thứ hạnh phúc của con người nó cao sang hơn thế khá nhiều: khi có được hạnh phúc ở một cấp độ nhất định, chắc chắn sẽ phải đòi hỏi những thứ cao hơn, để thỏa mãn nhiều hơn, đó là bản năng của con người.

Thập niên 90 hay đầu thế kỉ XX của nhân loại chứng kiến một kiểu võ sĩ giác đấu khá phổ biến tại Mỹ và các nước châu Âu. Người ta thuyết phục những thanh niên trai tráng khỏe mạnh với mức lương cao ngất ngưởng so với cuộc sống lang thang vỉa hè của họ, đưa họ đi làm võ sĩ giác đấu trên sàn để thông qua đó kiếm được lợi nhuận từ các cuộc cá cược mà ai cũng biết phần gian lận nhiều hơn phần trung thực. Có những người thấy cơ hội đổi đời, đã chẳng hề nghi ngại bất kì điều gì với vốn kiến thức không được nhiều, ngay lập tức nhận lời lên sàn mà không biết mình chỉ là một con rối trong trò chơi đã được sắp đặt trước. Để rồi đau đớn, tủi nhục, cầm những đồng tiền trong tay mà không thấy xứng đáng với công sức mình bỏ ra, thậm chí có người bỏ mạng trên sàn đấu. Có người nhận thấy mình đang đối mặt với một nguy cơ tiềm ẩn như cái chết, đã muốn thoát ra nhưng không được. Họ bị ép làm việc đến khi nào kiệt sức và ai may mắn thì bị thải loại, ai không may thì chết hoặc tàn tật suốt đời.

Cầu thủ thì không như vậy. Mệt, anh có thể nghỉ. Nhưng như thế thì anh cũng không có cách nào khác để kiếm cơm vì không phải ai cũng đi làm bình luận hay ngồi trên băng ghế chỉ đạo sau khi đã xỏ giày đá bóng được. Mỗi cầu thủ có sợi dây ràng buộc nhất định với những đội bóng và thực sự cũng chỉ như những con rối. Nếu anh còn giá trị sử dụng, anh sẽ không đi đâu được cả. Thích tăng lương, tôi tăng lương cho anh và đôi ba năm nữa, khi anh xuống phong độ, chúng tôi bán anh đi để kiếm lời. Được gọi mĩ miều với cái tên "chuyển nhượng", thực ra các đội bóng đang mua bán con người cho nhau. Và phải nhìn nhận, mua bán con người là một điều hoàn toàn không đúng với lẽ thường. Các cầu thủ thì cho rằng bổn phận của mình là như vậy và họ cũng chẳng buồn để ý là mình đang bị trao gửi từ người này qua tay người khác khi nhận được những khoản lót tay hậu hĩnh.

Hargreaves
Hargreaves - cái tên bị bạc đãi bởi số phận

Vậy đấy, tiền, cái thứ đã làm lu mờ đi tất cả: lí trí, lòng trung thành và danh dự của một cầu thủ. Đừng tưởng họ trả cho anh một mức lương cao có nghĩa là họ coi trọng anh. Họ làm bóng suốt nửa thế kỉ, còn anh chỉ đóng góp cho họ được hơn nửa thập kỉ đã là quá lắm. Những cái tên như Paolo Maldini, Steven Gerrard hay Javier Zanetti cũng chỉ chơi được nhiều nhất là 20 năm cho đội bóng chủ quản. Họ có được lòng trung thành rất đáng tự hào nhưng không phải ai cũng được như vậy. Sống ở thế giới này, thực dụng vẫn hơn, thấy lương cao hơn, cơ hội vô địch nhiều hơn, ai cũng sẽ tìm kiếm cơ hội cho mình thôi, mà không biết rằng cái sự đào thải ở thế giới bóng đá là cực kì kinh hoàng. Chơi tốt ở Bayern, nhưng thất bại ở Man Utd và Man City khiến cho tất cả không ai nhớ đến quãng thời gian hoàng kim của Owen Hagreaves trên đất Đức. Giờ đây người ta nhớ đến anh như một thương vụ hớ của Sir Alex, với việc suốt ngày ngồi ghế dự bị và đóng góp cho đội bóng một con số 0 tròn trĩnh. Người ta có thừa nhận nỗ lực của anh trong suốt mùa giải MU lên ngôi vô địch Champions League không? Họ có thừa nhận nhưng rồi họ cũng chẳng nhớ. Người ta có thừa nhận việc anh quay clip tập thể hình rồi đưa lên trang youtube để có một công việc không? Có, nhưng người ta không trân trọng. Các cầu thủ khác thì được săn đón, Hargreaves thì phải đi tìm việc một cách ê chề... Kể cả anh sống trên một đống tiền, cái sự không được thừa nhận như thế cũng không bao giờ nguôi ngoai. Tiền không mua được niềm vui và sự hạnh phúc. Tiền không làm anh bớt buồn và nhớ về quá khứ huy hoàng tại Allianz Arena.

Và đừng tưởng họ trả tiền chỉ vì phong độ của anh trên sân đấu. Anh gặp chấn thương, tự anh chịu. Sự nghiệp của anh bị đày ải, tự anh chịu. Người ta trả lương cho anh để anh ghi bàn cho người ta, và cũng trả cho anh để anh chấp nhận những rủi ro nghề nghiệp trên sân đấu. Nhớ lại những Marc Vivian-Foe, Miklos Feher hay một vài cái tên ở La Liga như Antonio Puerta và Daniel Jarque mà không khỏi giật mình. Họ cũng trả phí để các cầu thủ này chịu những rủi ro, kể cả là cái chết ngay trên sân bóng. Tiền lương, như lẽ thường được nhìn nhận như sự kết hợp của những màn trình diễn và sự ghi nhận, tri ân của đội bóng tới cầu thủ. Nhưng thực ra không phải vậy, tiền tri ân của đội bóng tới cầu thủ, rất tiếc, đó là... tiền thưởng. Còn tiền lương chỉ là cái mác để che giấu đi việc các đội bóng đang mua sức lao động của cầu thủ với giá rẻ mạt. 200 nghìn bảng một tuần, nghe có vẻ lớn, nhưng nếu so sánh với nỗ lực tập luyện, những giọt mồ hôi, những lần kiệt sức và kể cả cái chết trên sân bóng thì thực sự, quá rẻ...

Tiền, vẫn "bẩn" như những gì nó đã như thế từ xưa đến nay. Ở các sàn đấu, người ta mua các võ sĩ giác đấu để làm trò tiêu khiển, giải trí và chấp nhận cái chết. Còn ở trên các thảm cỏ, người ta mua các cầu thủ cũng để họ chấp nhận những thứ sẽ đến với mình, khi làm tốt thì được cưng chiều như các ông hoàng, còn khi đặt chân đến sự thất bại, mời anh ra đường và chúng tôi sẽ chẳng nhớ đến anh là ai đâu.

Phũ phàng, nhưng là thực tế. Cầu thủ, suy cho cùng, có khác gì võ sĩ giác đấu không?
  • Thành Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X