Vì sao Saudi Arabia liều lĩnh chi nhiều tiền cho bóng đá như vậy?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Năm 21/09/2023 14:28(GMT+7)

Zalo

Trước khi TTCN ở Saudi Arabia đóng cửa vào ngày 7/9, suốt mùa hè vừa qua báo chí luôn tràn ngập tin đồn về ngôi sao này hay ngôi sao kia đến Saudi Arabia với mức phí chuyển nhượng khổng lồ, mức lương hấp dẫn hoặc thường là cả hai. 

378169495_238212995879723_1243282405789911363_n
 

Saudi Pro League (SPL) đã ghi nhận khoản chi ròng lên tới 889 triệu euro vào mùa hè này, chỉ đứng sau con số 1,29 tỷ euro của Premier League. Nó vượt trội so với La Liga, Bundesliga và Serie A, những giải đấu bán nhiều hơn mua ở kỳ chuyển nhượng vừa qua. 

Và đó mới chỉ là phí chuyển nhượng. Các đội bóng đến từ Arab cũng đưa cho những cầu thủ tự do những bản hợp đồng hậu hĩnh, chẳng hạn như Karim Benzema, Roberto Firmino và N'Golo Kanté.

Nhưng khoan đã. Thay vì nói “những ngôi sao chuyển đến SPL”, chính xác hơn phải là “những ngôi sao chuyển đến đội bóng thuộc Quỹ đầu tư công (PIF)”. Bởi vì PIF, một trong những quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia và là chủ sở hữu của Newcastle United, sở hữu 75% cổ phần của 4 CLB nổi tiếng nhất đất nước, đó là Al Nassr, Al Ittihad, Al Ahli và Al Hilal.

Đây là những đội ký hợp đồng với những cầu thủ mà bạn thường nghe nói đến: 93% trong số 889 triệu euro chi tiêu ròng là của các CLB thuộc PIF. Trong 12 đội bóng còn lại, 10 đội có mức chi tiêu ròng dưới 8 triệu euro và trong 10 CLB đó, 4 CLB có mức chi tiêu ròng dưới 2 triệu euro và 4 CLB không chi lấy 1 xu. Họ hòa vốn hoặc thậm chí kiếm được tiền. 

Bỏ qua các thương vụ của PIF, có thể bạn sẽ nhận ra một vài cầu thủ ở Al Ettifaq (chi 36 triệu euro, gần bằng Crystal Palace) như Jordan Henderson, Georginio Wijnaldum hay Moussa Dembele) và Al Shabab (chi 15 triệu euro, bằng 2/3 số tiền Luton Town chi ra) như Habib Diallo và Yannick Carrasco.

Phần còn lại của SPL thì sao? Điều đó phụ thuộc vào việc bạn là người mê bóng đá đến mức nào. Bạn có để ý đến những cái tên như Alex Collado, cựu cầu thủ Barcelona và được cho Al Okhdood mượn? Hay những thương vụ như cựu thủ môn dự bị của Milan, Ciprian Tatrusanu gia nhập Abha và Musa Barrow tới Al Tawoun từ Bologna?

Vì sao Saudi Arabia liều lĩnh chi nhiều tiền cho bóng đá như vậy 1
Top 10 ngôi sao được trả lương cao nhất ở Ả Rập Xê Út

Hầu hết các CLB này đã dành cả mùa hè để ký hợp đồng với những mẫu cầu thủ mà họ luôn nhắm đến: Những người có thể đá được ở SPL (giải đấu được cho là hay nhất Châu Á, nhưng có lẽ vẫn nằm ngoài top 10 ở Châu Âu) và không tốn quá nhiều tiền.

Bản hợp đồng kỷ lục mùa hè năm ngoái của SPL là Aaron Boupendza, người đã gia nhập Al Shabab với giá 7,8 triệu euro. Có rất ít thương vụ chuyển nhượng mất phí. 10 trong số 18 CLB không ký hợp đồng với ai có giá hơn 2,8 triệu euro. Có rất nhiều thương vụ chuyển nhượng tự do; nhiều người trong số họ thậm chí đến từ các giải châu Á.

Các thông số đưa ra ở đây không phải để chế nhạo phần còn lại của giải đấu, mà là để chỉ ra rằng hầu hết các CLB này không nín thở chờ đợi những lợi ích nhỏ giọt nào đó từ cú chi đậm của Big 4. Họ không chịu ảnh hưởng bởi sự hào phóng của PIF - nghĩa là không cuốn vào vòng xoáy đầu tư quá nhiều tiền vào đội bóng.

Điều này cũng chỉ ra rằng kế hoạch của PIF cho Saudi Pro League không vượt ra ngoài Big 4. Có thể họ cho rằng sẽ phù hợp hơn khi có 4 CLB siêu hạng hơn là phân bổ nguồn lực xung quanh. Hoặc có lẽ họ không thể thuyết phục các thế lực giàu có khác ở Saudi Arabia đầu tư vào giải đấu.

Vì sao Saudi Arabia liều lĩnh chi nhiều tiền cho bóng đá như vậy 2
Top 10 ngôi sao được trả lương cao nhất ở Ả Rập Xê Út

Rất nhiều người đã thắc mắc tại sao PIF lại chọn đầu tư vào bóng đá. Họ đề cập đến việc sử dụng thể thao như một phương tiện để đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề của nước này. 

Họ nói rằng làm thể thao ở cấp độ cao nhất có thể tạo ra ảnh hưởng trên trường quốc tế. Và họ cũng cho rằng đó là một cách để đa dạng hóa nền kinh tế vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên như khí đốt và dầu mỏ, những thứ một ngày nào đó sẽ cạn kiệt.

Giáo sư tại trường đại học Princeton, Bernard Haykel, người từng viết cuốn sách về chủ đề này đã bác bỏ hai giả thuyết đầu tiên. Thay vào đó, ông cho rằng đó là sự chuyển đổi trong nước: Đa dạng hóa một nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên mà còn phụ thuộc vào nhà nước (70% dân số trong độ tuổi lao động của Saudi Arabia làm việc cho các công ty công), bằng việc phát triển các hướng đi khác.

Bóng đá có phải là một loại hình kinh tế như vậy không? Gọi bóng đá nói riêng (và thể thao nói chung) là loại hình kinh doanh lớn là một ý tưởng sáo rỗng, dù xét về độ thu hút người xem thì chắc chắn là đúng. Liệu đó có thể là một loại hình kinh doanh bền vững, có lợi nhuận và sử dụng một lượng lớn nhân công, trong bối cảnh phần lớn các CLB hàng đầu đều thua lỗ hoặc hoạt động ở mức hòa vốn?

Liệu canh bạc của Saudi Arabia có thành công? Về cơ bản, những gì chúng ta có hiện tại là 4 CLB hàng đầu đều thuộc sở hữu của cùng một tổ chức, chi tiền như những gã nhà giàu ở châu Âu, 2 CLB chi tiêu như những đội bóng nhỏ thuộc top 5 giải đấu châu Âu và phần còn lại gần như tự cung tự cấp. 

Điều này thực sự không có gì đáng ngạc nhiên, dù chúng ta đang nói về nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới, với GDP bình quân đầu người cao thứ 23. Các con số mới chỉ nói lên bề nổi, bởi một nửa GDP trong số đó phụ thuộc vào dầu mỏ, mà giá dầu thì chưa bao giờ ổn định.

Bóng đá Saudi Arabia sẽ như thế nào nếu không có trợ cấp từ PIF? Hãy trở lại một năm trước, thời điểm Al Nassr - CLB sở hữu Cristiano Ronaldo - có nhiều khoản nợ chuyển nhượng chưa thanh toán đến mức FIFA cấm họ đăng ký cầu thủ mới. Khi đó SPL có trung bình dưới 10.000 khán giả/trận, gần bằng Ba Lan, một quốc gia có dân số và tình yêu bóng đá tương đương.

Bạn có thể biến điều đó thành một hoạt động kinh doanh bằng những khoản chi khổng lồ từ PIF hay không?

“Bạn có thể nói đó là một khoản đầu tư điên rồ, ngu ngốc hoặc tồi tệ, nhưng tôi nghĩ đó là những gì họ đang làm,” Haykel nói. "Bất kỳ quốc gia nào lệ thuộc gần như hoàn toàn vào một nguồn tài nguyên sẽ rất khó tách khỏi nó. Chỉ cần họ phụ thuộc khoảng 20-30% chứ không phải 100% đã là một điều đáng kinh ngạc.”

Có lẽ đó là cách đúng đắn nhất để nghĩ về điều này: Đây là một trong hàng loạt canh bạc lâu dài mà đất nước này đang thực hiện, không chỉ trong thể thao mà còn trong các ngành khác, từ du lịch, bất động sản đến công nghệ. Những canh bạc thường mang đến muôn vàn rủi ro, nhưng sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ nếu thành công.

Hãy hình dung đơn giản bằng một bài toán. Bạn có 10$ để đặt cược cho trò tung đồng xu. Bạn sẽ đặt cược vào khả năng đồng xu sẽ ngửa một lần và thắng gấp đôi tiền cược ($20) cộng với $10 ban đầu, hay bạn đặt cược vào việc đồng xu sẽ ngửa 3 lần liên tiếp và thắng gấp 100 lần tiền cược ($1.000), cộng với tiền cược ban đầu của bạn? 

Vì sao Saudi Arabia liều lĩnh chi nhiều tiền cho bóng đá như vậy 3
 

Toán học sẽ gợi ý vế sau. Bởi cho dù cơ hội chiến thắng của bạn thấp hơn rất nhiều (12,5% thay vì 50%), số tiền bạn có thể giành được của bạn lại cao gấp 50 lần.

Điều gì sẽ xảy ra nếu mức đặt cược tối thiểu là 100.000 USD? Hầu hết chúng ta sẽ không chơi trò này, vì đó là số tiền rất lớn đối với hầu hết chúng ta. Chúng ta sẽ chọn cách đặt cược an toàn hơn, vì tỷ lệ thắng sẽ cao hơn. 

Mấu chốt lại nằm ở chỗ đó: Hiện tại, 100.000 USD không phải là số tiền lớn đối với PIF. Việc họ theo đuổi kèo cao hơn là điều dễ hiểu, vì nếu thành công, họ sẽ giành được 10 triệu USD. Còn nếu thất bại? Họ có đủ khả năng để trả 100.000 USD mà.

Đó là những gì đang diễn ra ở đây. Saudi Arabia cố gắng biến giải quốc nội trở thành bom tấn bằng cách đầu tư vào 4 CLB nổi tiếng nhất, trái ngược với những nỗ lực bất thành ở Trung Quốc và Mỹ khi cố gắng tạo ra sự bình đẳng. 

Đó là một bước đột phá, một nỗ lực có rủi ro cao (hoặc lợi nhuận cao). Bởi nếu bạn có thừa tiền, có lẽ bạn nên tung xúc xắc vì số tiền thu được có thể rất lớn.

Lược dịch bài viết “Are we looking at Saudi Pro League spending, stars all wrong?” của Gabriele Marcotti (ESPN)

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Khi bóng đá ngày càng trở thành công cụ bất chấp để kiếm tiền

Premier League một lần nữa bỏ nghỉ đông, trong khi những giải đấu ở cấp độ CLB khác như Champions League hay FIFA Club World Cup cũng tăng số đội tham dự, đồng nghĩa với việc tăng số trận đấu. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở ĐTQG. Sau tất cả, chỉ những cầu thủ là người chịu thiệt thòi!

Tại sao các đội bóng Premier League không mạnh tay ở phiên chợ hè 2024?

Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2024 tại nước Anh đã chính thức đóng cửa vào thứ Sáu tuần trước theo một cách khá ảm đạm. Ngày hạ màn đã không diễn ra theo đúng kỳ vọng, nhất là khi một vài thương vụ bom tấn từng được đề cập nhiều trước đó đã không trở thành hiện thực. Chúng ta có thể kể đến trường hợp của Marc Guehi chuyển đến Newcastle, hay như câu chuyện tốn nhiều giấy mực nhất về việc Victor Osimhen đầu quân cho Chelsea. Vậy đâu là nguyên nhân?

Xếp hạng chuyển nhượng của các CLB Premier League 2024: Man United làm tốt nhất

Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2024 chứng kiến 20 CLB Premier League chi gần 2 tỷ bảng Anh để mua về hàng trăm con người có kỹ năng dứt điểm, đánh đầu hoặc bắt bóng. Một số đội mua sắm như thể ở Lotte Mall, một số đội đến chợ Phùng Khoang và có một CLB mua cầu thủ như chơi Football Manager ngoài đời thực (Chelsea).

Quả bóng Vàng 2024 sẽ thuộc về ai?

Rạng sáng hôm nay 5/9, tạp chí France Football đã công bố danh sách 30 ứng cử viên cho danh hiệu quả bóng vàng 2024. Lần đầu tiên sau 21 năm, cả Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đều không có tên trong danh sách đề cử. Có thể nói, tuổi tác cộng với việc không còn chơi bóng ở lục địa già, khả năng để hai huyền thoại sống này trở lại danh sách kia gần như không còn nữa.

X
top-arrow