Thứ Tư, 08/01/2025 Mới nhất
Zalo

Vì sao bóng đá Anh không tưởng nhớ Margaret Thatcher?

Thứ Năm 11/04/2013 14:34(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tờ Daily Mail của Anh đã đăng tải bài viết chỉ trích sự “vô ơn” của bóng đá nước nhà đối với “công lao” của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher đối với túc cầu bởi trận derby thành Manchester hôm thứ Hai chẳng dành lấy 60 giây ngắn ngủi để tưởng nhớ sự ra đi của bà.

Là một quốc gia có truyền thông phát triển, tin tức về sự ra đi của bà Thatcher đã xuất hiện liên tục trên tất cả kênh truyền hình, trên trang nhất các tờ báo. Những lá cờ ở Cung điện Buckingham cũng hạ xuống để tưởng niệm một trong những chính trị gia nổi tiếng của thời đại. Nhưng ở khán đài hay sân cỏ bóng đá, không có gì biến chuyển.

Bóng đá không hề vô cảm với sự ra đi của các vĩ nhân, những người đã đóng góp lớn cho sự phát triển của môn thể thao “Vua” như người ta vẫn thường gọi. Vẫn có những phút mặc niệm dành cho họ, thể hiện sự trân trọng, ngưỡng mộ và yêu mến. Tuy nhiên, trước cái chết của Margaret Thatcher, sân cỏ Anh bỗng lạnh lùng.

Bà Thatcher sẽ không được các đội bóng Anh tưởng niệm
Bà Thatcher sẽ không được các đội bóng Anh tưởng niệm

Margaret Thatcher chưa từng yêu bóng đá

Ban tổ chức Premier League đã không yêu cầu các đội bóng phải thực hiện phút mặc niệm tưởng nhớ bà Thatcher. Liên đoàn bóng đá Anh cũng ra báo cáo với nội dung tương tự như vậy trước khi trận bán kết FA Cup diễn ra tại Wembley. Lựa chọn không mặc niệm cái chết của một người được đưa tang với đầy đủ nghi lễ quân đội hẳn nhiên có lý do của nó.

Trong 11 năm giữ cương vị Thủ tướng của nước Anh, bà Thatcher chưa từng để lại những hình ảnh gắn kết chính trị với bóng đá như các đồng nghiệp. John Major là một fan hâm mộ Chelsea. Tony Blair tuyên bố là CĐV trung thành của Newcastle United. David Cameron hầu như chẳng bỏ sót trận cầu nào của Aston Villa cả trên sân cỏ lẫn qua truyền hình. Và không chỉ Villa. Khi Chelsea vượt qua Bayern Munich ở chung kết Champions League, Thủ tướng Anh đã nhảy lên ăn mừng ngay trong cuộc họp thượng đỉnh G8.

Có thể biện bạch rằng Thatcher là phụ nữ và rằng thời kỳ bà làm Thủ tướng, nền bóng đá Anh còn phát triển theo dạng sơ khai. Nhưng những ai từng chứng kiến Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel với vẻ mặt hồi hộp, căng thẳng đến mức nào khi Didier Drogba đánh bại được Manuel Neuer trên sân Allianz Arena, đều không đồng tình với cách phân bua đó. Chúng ta chẳng bao giờ nên nói xấu người chết nhưng những gì thuộc về sự thực thì cần phải làm rõ.

Đồng ý rằng ở kỷ nguyên Thatcher, bóng đá Anh bị che mờ bởi vấn nạn hooligan chứ không bùng nổ như bây giờ. Nhưng, điều cần bàn đến là thái độ khinh khỉnh và đôi khi còn chống lại của Chính phủ mà bà Thatcher đứng đầu đối với bóng đá. Bà Thatcher nhìn nhận một cách cực đoan về fan túc cầu, cho rằng họ đã làm xấu đi ảnh hưởng của nước Anh trên trường quốc tế chứ không nghĩ phần lớn trong đám đông đó là những người yêu bóng đá chân chính và trong những bi kịch tang thương nơi khán đài sân cỏ, họ chỉ là nạn nhân.

Phát triển hay xiềng xích

11 năm làm Thủ tướng của Thatcher, bà liên tục chứng kiến những thảm kịch của bóng đá Anh. Đầu tiên là vụ bạo loạn trong trận Luton và Millwall tại FA Cup vào 13/3/1985 khiến cả xứ sở sương mù ngỡ ngàng. Chưa đầy hai tháng sau, hooligan tạo ra một đám cháy lớn ở Bradford khiến gần 60 người chết và bị thương. Và chỉ 18 ngày sau đám cháy đó, thảm họa Heysel đã lấy đi mạng sống của 39 fan Juventus.

Ngay sau bi kịch Heysel, Thatcher đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp và thúc đẩy FA xin rút khỏi các giải đấu của LĐBĐ châu Âu. Án phạt nghiêm khắc đã được thực thi và bóng đá Anh vắng bóng trên đấu trường châu lục cho tới năm 1990.

Heysel là ví dụ điển hình nhất cho thấy bóng đá Anh gặp phải vấn đề rất lớn về hooligan trong những năm 80. Tuy nhiên, phản ứng của Chính phủ Thatcher dường như đối với sự việc như thể muốn tấn công tất cả những người ủng hộ bóng đá, phỉ báng những người hâm mộ bình thường.

Bà Thatcher đã thực hiện một chương trình thẻ ID bắt buộc đối với fan túc cầu, một quyết định gây ra nhiều tranh cãi, bị cho là “đi ngược lại nhân quyền”. Quy định đó được đưa vào “Luật khán giả bóng đá”, nếu ai không có ID mà vào SVĐ, sẽ bị phạt tù có thời hạn hoặc nhẹ là phạt tiền và nặng hơn là kèm cả hai hình thức. Nó như một vũ khí chính trị để chính phủ kiểm soát CĐV bóng đá.

Ngoài việc dày công vẽ ra và thực hiện quy định này, chính quyền Thatcher đã không làm gì để cho người hâm mộ bóng đá cảm thấy an toàn hơn. Nếu có căng thẳng xảy ra, cảnh sát sẽ vào cuộc.

An toàn cho CĐV ngày càng trở thành mối quan tâm thứ yếu để rồi đến tháng 4/1989, thảm họa Hillsborough xảy đến. 96 cổ động viên Liverpool ra đi mãi mãi. Sơ suất và sai lầm thuộc về cảnh sát nhưng một chiến dịch che đậy và bôi nhọ đã được thực hiện, biến những người hâm mộ vô tội thành những kẻ đáng khiển trách. Phải chờ cho tới năm ngoái, CĐV Liverpool mới được chính phủ Anh nói lời xin lỗi cho sự dối trá kéo dài 23 năm.

Hillsborough phản ánh sự bảo thủ và thái độ quyết liệt quá mức của bà Thatcher đối với bóng đá Anh. “Bà đầm thép” chưa bao giờ có một đánh giá đúng về bóng đá lẫn những điều tích cực mà môn thể thao Vua mang lại cho nước Anh.

Phải chờ tới năm 1990, thời điểm Thatcher thất bại trong cuộc bầu cử và phải rời nhà số 10 phố Downing, bóng đá Anh đã thay đổi. Báo cáo Taylor đã được công bố, thực hiện cải tổ SVĐ không còn hàng rào ngăn cách. Mùa Hè năm đó, giọt nước mắt của Paul Gascoigne tại Italia đã đánh dấu sự thay đổi lớn trong một chặng đường phát triển của nền bóng đá xứ sở sương mù. Hình ảnh bước đi nối tiếp nhau trên sân của Paul Gascoigne, Chris Waddle, Terry Butcher và cuối cùng là Sir Bobby Robson như thể muốn nói lên rằng, sân cỏ Anh không còn bị xiềng xích.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X