Tuổi 31 của Lionel Messi: Một đam mê, một dại khờ, một Si

Tác giả Elflaco - Chủ Nhật 24/06/2018 14:23(GMT+7)

Zalo
Khán đài sân Volvograd Arena, vài chục phút trước khi trận Nigeria gặp Iceland ở lượt đấu thứ 2 bảng D World Cup 2018 chính thức khởi tranh. Hình ảnh đáng chú ý nhất? Những màn cổ động sôi nổi của CĐV Nigeria? “Vũ điệu” đập tay đã trở thành trào lưu trên toàn Thế giới của người Iceland?

messi1
 
Không, hầu như tất thảy tập trung vào một chi tiết khác, hoàn toàn dị biệt trong đám đông sôi động ở Volvograd. Hình ảnh một người đàn ông da trắng, với logo cờ Nigeria in trên má, đôi mặt ầng ậc nước và tâm băng rôn ghi dòng chữ: “Nigeria, làm ơn, hãy thắng vì Messi”.
 
Đấy có thể là một người Argentina đã lặn lội đến xem trận Nigeria – Iceland với hi vọng lớn lao rằng “Siêu đại bàng” sẽ giành thắng lợi trước đại diện Bắc Âu, kết quả sẽ giúp cơ hội giành vé đi tiếp của Argentina sáng trở lại dù lượt trận cuối đối thủ của Albiceleste chính là Nigeria. Đấy cũng có thể là bất kì ai nhưng… yêu Lionel Messi và không muốn chứng kiến kì World Cup rất có thể sẽ là cuối cùng của “số 10” kết thúc trong tột cùng bi kịch. 
 
Hơn chục tiếng trước đó, cách Volvograd gần 1000km chạy xe, tại Nizhny Novgorod, Lionel Messi và Argentina, thực ra đã trải qua 90 phút đầy bi kịch rồi. Thua Croatia tới 0-3 trong một trận đấu không được phép thua, Argentina đã tự bắn vào chân mình trên hành trình tại World Cup 2018, trong 1 trận đấu mà Messi và ma thuật của anh, thêm 1 lần nữa, không xuất hiện. Khi trọng tài thổi hồi còi kết trận, Messi lê bước rời sân. Với cái đầu cúi gằm. Và ánh mắt chất chứa biết bao u sầu. 
 
Messi va Caballero
Messi và Caballero
Nó khác hẳn hình ảnh một Messi trút nốt uất ức bằng cú đá tung trái bóng lên bầu trời Moscow 5 ngày trước, khi mà những nỗ lực cuối cùng của “số 10” trước Iceland bị “ngăn cản” bởi tiếng còi kết thúc trận đấu của trọng tài người Ba Lan Szymon Marciniak. Trận đấu ấy, Messi dứt điểm 11 lần nhưng không thể phá lưới Iceland. Trận đấu ấy, Messi thậm chí còn thất bại trên chấm 11m. Đấy không phải là một Messi mà chúng ta thường thấy, với quá nhiều tình huống tăng tốc dẫn bóng đâm đầu vào bức tường băng Iceland, với những pha xử lý thiếu sự chỉn chu nhưng thừa nỗi nóng vội. Một Messi vô cùng thiếu hiệu quả. Nhưng ít nhất, nỗ lực và khao khát chiến thắng tột cùng ở “số 10” là thứ mà bất kì ai, khi theo dõi trận Argentina hòa Iceland, hoàn toàn có thể cảm nhận.
 
Tại Nizhny Novgorod, tối 21/6, ngay cả một Messi như thế, một Messi dù không thể tạo ra phép màu nhưng vẫn chiến đấu đến những thời khắc cuối cùng, cũng không tồn tại. Trước Croatia, Messi đá lệch biên phải nhiều hơn, đã lững thững dạo bước trên sân nhiều hơn nhưng không phải “đi bộ” theo phong cách rình rập con mồi trước khi “số 10”, với phẩm chất thiên tài của mình chiếm lĩnh được khoảng không gian tốt nhất và tung đòn sát thủ như chúng ta vẫn thường thấy và thường được nghe các chuyên gia bóng đá phân tích về anh. Mà là một Messi đi bộ theo đúng nghĩa đen của nó. Đi bộ trong lối chơi thiếu điểm nhấn của Argentian ở hiệp một. Đi bộ trong 45 phút sau đó, khi Argentina thực sự mất phương hướng để rồi vỡ trận trước một Croatia chủ động, khoa học và cực kì hiệu quả. Thậm chí, đi bộ tới rất… gần pha phối hợp như đá tập trong vòng cấm địa đội nhà ở tình huống Ivan Rakitic, người đồng đội của anh ở Barcelona, phá lưới Caballero lần thứ 3. Đi bộ khi niềm đam mê đã cạn…
 
Rakitic an dinh chien thang 3-0 cho DT Croatia.
Rakitic ấn định chiến thắng 3-0 cho ĐT Croatia.
Những fan ruột của Messi, chắc chắn sẽ bằng mọi cách tìm ra đủ loại lý do để đổ lỗi cho 1 ai đó, như HLV Jorge Sampaoli như các đồng đội không cùng đẳng cấp với “số 10” cho màn trình diễn thảm hại vừa qua của Argentina, để bảo vệ thần tượng lớn của họ. Dù Đúng dù Sai, tình yêu không bao giờ có lỗi! Các nhà chuyên môn bóng đá lành nghề sẽ đưa ra vô vàn những phân tích để lý giải tại sao Messi – Argentina không thể và không bao giờ là Messi tuyệt đỉnh siêu hạng ở Barcelona. 
 
Còn tôi, một tay phóng viên quốc tế quèn, cũng chẳng phải là một fan của Messi nhưng lại có cơ hội dõi theo những bước chân của chàng trai này từ giải U-20 Thế giới 2005; được nhìn thấy nụ cười tươi trẻ và ánh mắt ngập tràn đam mê của Messi khi lần đầu sút tung lưới Real Madrid từ đường chuyền của đàn anh Ronaldinho; được chứng kiến Messi - sát cánh bên cạnh Juan Riquelme trong 1 tập thể Argentina có lẽ là tài năng nhất kể từ đầu thế kỉ 21 - thất bại ở tứ kết World Cup 2006 và thua tiếp trận chung kết Copa America sau đó 1 năm; được thấy sự trưởng thành và khát khao chinh phục mạnh mẽ của Messi từ World Cup 2010 đến World Cup 2014; và cho tới tận bây giờ vẫn còn chưa quên ánh mắt của “số 10” khi anh đi qua Cúp Vàng – thứ đã thuộc về người Đức – tại Maracana 4 năm trước, lại nghĩ rằng: gã cầu thủ thiên tài trăm năm có một này đã phạm… 1 lỗi rất lớn. 
 
Nhưng không phải Messi mắc lỗi với Argentina, mắc lỗi với những người luôn đặt kì vọng rất cao ở anh mà là Messi có lỗi với chính mình. Messi khác với Ronaldo – 1 siêu sao luôn hướng tới việc chinh phục  tất thảy những đỉnh cao nhất trong sự nghiệp bằng sự chuyên nghiệp đáng ngưỡng mộ và nỗ lực tự thân tưởng chừng không có giới hạn. Messi chơi bóng, chiến đấu, chiến thắng và vươn lên đỉnh cao không chỉ với tài năng thiên phú mà còn nhờ niềm đam mê đặc biệt. Nhưng như chính Sampaoli nói trước VCK tại Nga Hè này “áp lực phải vô địch World Cup hệt như một khẩu súng luôn dí sát vào đầu Messi. Nếu cậu ấy thất bại, súng sẽ nổ”. Trong ngàn cân áp lực, trong tột cùng sức ép, đam mê có chỗ để tồn tại hay không?
 
Messi cung DT Argentina
Messi cung DT Argentina
“Tôi còn đâu đam mê. Trời chang chang nắng, tôi về héo khô”. Làm gì có nắng trong buổi tối bi kịch của Argentina tại Nizhny Novgorod. Nhưng một Messi khô héo và cạn kiệt đam mê vì áp lực, vì những đòi hỏi vô lối, vì những chỉ trích cay nghiệt thì đã hiện diện thật rồi. Vô cùng rõ ràng. Thực ra, một chút còn lại của đam mê chơi bóng, chiến đấu và chiến thắng cùng Argentina có lẽ đã trôi theo những giọt nước mắt của Messi, cách đây 2 năm, khi anh cùng các đồng đội thua Chile ở trận tranh Cúp Copa America Centenario. Trận chung kết thất bại thứ 4 của Messi, với Argentina, kể từ khi anh trở thành cầu thủ ghi bàn trẻ nhất lịch sử Albiceleste ở VCK World Cup 2006. 3 năm liền thua 3 trận chung kết, áp lực vốn đã lớn lại càng khủng khiếp hơn gấp bội. Đam mê nào cho đủ. 
 
Lời chia tay đội tuyển cũng đã được Messi nói ra ngay ở thời điểm ấy. Và đó lẽ ra đã là một quyết định sáng suốt của Messi, khi anh nhận chân được giới hạn của bản thân. Giới hạn khi niềm đam mê đã cạn. Nhưng Messi, sau ngàn vạn lời kêu gọi từ quê nhà rốt cuộc đã rút lại quyết định từ giã đội tuyển chỉ sau vài tháng. Với Messi, mà đỉnh cao là cú hat-trick trên sân Ecuador, Argentina đã vượt qua nghịch cảnh để đến với World Cup. Và sau ngần ấy những sự kiện, Messi có lẽ đã tự dối lòng mình rằng, niềm đam mê mà anh từng có trong màu áo xanh-trắng Argentina, sớm muộn rồi cũng sẽ trở lại. Messi khờ quá, bởi lần này anh sai rồi. Messi khi-không-còn-đam-mê, đâu còn là Messi nữa.
 
Messi
Messi trong trận gặp Croatia
Sau trận Argentina hòa Iceland, Diego Maradona nói: “Tôi từng có lần đá hỏng 5 quả phạt đền liên tiếp. Thiên hạ cũng xúm vào chỉ trích, chê bôi. Nhưng Diego Maradona thì trước sau vẫn là Diego Maradona thôi. Vấn đề của Messi là cậu ấy đang… tự làm khổ mình, khi dồn nén quá nhiều áp lực trong đầu”. Nhưng Messi không phải và không bao giờ là Maradona – người đã va vấp và trải nghiệm với đủ loại nghịch cảnh trong đời - người có thể tìm cho mình những thú vui bên ngoài bóng đá, để từ đó khơi dậy đam mê với trái bóng tròn, với Albiceleste. 
 
Messi thì khác, “số 10” siêu hạng nhưng cũng muôn phần đáng thương ấy, chỉ quen làm duy nhất một việc, chỉ có duy nhất 1 niềm vui lớn – là chơi bóng với tất cả sự đam mê. Nhưng ở một nơi, trong 1 tập hợp mà Messi phải dối lòng mình mà ra sân thi đấu thì những thứ còn lại trong anh mãi mãi là ngàn cân áp lực, là muôn vàn sầu bi, là biết bao ẩn ức.
 
4 năm trước, Messi đón sinh nhật tuổi 27 bằng màn trình diễn ngập tràn cảm xúc trong trận Argentina thắng Nigeria 3-2 ở lượt cuối cùng vòng bảng. 4 năm sau – chính là lúc này đây, ở tuổi 31, sẽ là một Messi nào khi Argentina thêm một lần nữa đối đầu với Nigeria với nhiệm vụ phải thắng để tiếp tục níu giữ hi vọng bước tiếp ở World Cup 2018?
 
Là một Messi khờ dại khi tin rằng, anh vẫn có thể chơi thứ bóng đá hay nhất như mình đã từng để cùng Argentina chinh phục đinh cao trong hiểm cảnh, khi không còn đam mê? Là một Messi sẽ chia tay kì World Cup cuối cùng trong đời, với bi kịch bị loại ngay từ vòng bảng, khi niềm đam mê đã cạn?
 
ELFLACO (TTVN)
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow