Khi Erling Haaland chọc thủng lưới Robert Sanchez trong chiến thắng 3-1 của Manchester City trước Chelsea, sự tập trung của dư luận chủ yếu hướng vào sai lầm của thủ môn người Tây Ban Nha.
![]() |
Nhưng đáng lẽ ra thủ môn của The Citizens mới là người nên trở thành tâm điểm chú ý, bởi vì bàn thắng đó của họ đồng nghĩa với việc Ederson – chủ nhân của đường chuyền dài từ vòng cấm Man City đã “dọn cỗ” cho Haaland đưa bóng vào lưới – giờ đây đã có 6 pha kiến tạo ở Premier League, con số cao nhất mà một thủ môn ở giải đấu hàng đầu bóng đá Anh từng đạt được trong thống kê này.
Ederson đang có thành tích kiến tạo hơn cả… Antony ở Premier League. Một phần, điều này có thể phản ánh rất rõ ràng năng lực của tiền đạo cánh đang tạm thời rời Manchester United, nhưng đồng thời nó cũng nêu bật lên khả năng dị thường của thủ môn người Brazil.
“Người gác đền” 31 tuổi có khả năng xử lý bóng tốt đến mức thỉnh thoảng có người bảo rằng anh hoàn toàn có thể rời vị trí này để trở thành một cầu thủ “outfielder” (thuật ngữ chỉ những cầu thủ không phải thủ môn trên sân đấu). Pep Guardiola thậm chí từng nghiêm túc cân nhắc việc để Ederson đảm nhận vai trò chân sút penalty cho Man City. Và ông có lý do chính đáng để làm vậy.
Trình độ của Ederson là một trường hợp dị biệt trong giới thủ môn, nhưng đồng thời anh cũng là một phần của một khuynh hướng đang phát triển mạnh mẽ trong thế giới bóng đá, khi nhiều đội bóng đổ xô đi tìm kiếm những thủ môn có thể dùng chân xử lý bóng một cách thoải mái.
Đây chính là lý do hàng đầu khiến Manchester United ký hợp đồng với Andre Onana. Russell Martin thúc đẩy Southampton chiêu mộ Aaron Ramsdale cũng là vì lý do này. Tottenham Hotspur “kết duyên” với Guglielmo Vicario phần lớn cũng là do khả năng phân phối bóng của anh.
Nhưng không phải thủ môn giỏi xử lý bóng nào cũng có thể mang tới những pha kiến tạo bàn thắng. Đây vẫn là một khả năng cực kỳ hiếm thấy: Tại thời điểm bài phân tích này được thực hiện, Premier League đã chứng kiến 34.043 bàn thắng được ghi, trong số đó những bàn thắng được “dọn cỗ” bởi các thủ môn chỉ chiếm 0,3% (107 bàn). Con số cao nhất trong thống kê “những pha ghi bàn do các thủ môn kiến tạo” từng xuất hiện trong một mùa giải Premier League là 8.
Trong số 3.034 bàn thắng đã được ghi ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu mùa giải này, chỉ có 11 bàn được kiến tạo bởi các thủ môn. Thậm chí cả Manuel Neuer, một “thủ môn quét” khét tiếng và được xem là một trong những thủ môn phất bóng hay nhất thế giới, cũng chưa từng có một pha kiến tạo nào ở Bundesliga cả.
![]() |
Tuy nhiên, xét riêng Premier League thì những bàn thắng như vậy lại đang xuất hiện nhiều một cách bất thường. Jordan Pickford chính là người đã kiến tạo cho bàn mở tỷ số của Everton trong trận đấu gần nhất mà họ chơi ở Premier League, trước đối thủ Leicester City, đó là lần thứ 5 ở giải đấu hàng đầu bóng đá Anh mùa này xuất hiện một bàn thắng được kiến tạo bởi thủ môn – đây chính là con số cao nhất kể từ mùa giải 2010/2011.
Vậy, phải chăng đây là một minh chứng cho thấy việc thủ môn kiến tạo bàn thắng đang phát triển thành một trào lưu, là một kết quả có chủ tâm của những ý tưởng chiến thuật, những kế hoạch rõ rệt mà các đội bóng vạch ra cho việc phát động tấn công từ hàng thủ? Hay Ederson vẫn tiếp tục là một “dị nhân” đơn độc một cõi chứ không phải một phần của một xu hướng đang lên.
Trả lời một cách ngắn gọn thì đáp án là vế sau.
Thật ra chúng ta còn có một câu trả lời dài hơn một chút, tóm lại vẫn thuộc về vế sau, nhưng sẽ mang nhiều sắc thái hơn.
Việc xác định các bàn thắng do thủ môn kiến tạo thành, trong rất nhiều trường hợp, thường được thực hiện không thỏa đáng. Một pha kiến tạo là đường chuyền cuối cùng trước khi bàn thắng được ghi, nhưng định nghĩa này còn đi kèm với hàm ý cầu thủ thực hiện đường chuyền đó phải thực sự có chủ tâm “dọn cỗ” cho đồng đội đưa bóng vào lưới.
Tuy nhiên, phần lớn những pha kiến tạo mà các thủ môn tạo ra lại không phải do “cố tình” – theo đúng nghĩa đen của từ này – giống như khi một cầu thủ chạy cánh tạt bóng tầm thấp cho một tiền đạo đồng đội đệm nó vào lưới trống.
Khi nghiên cứu kỹ 108 pha kiến tạo được ghi nhận cho các thủ môn ở Premier League – về cơ bản, chủ yếu là những cú phát bóng mạnh lên phía trên sân đấu rồi sau đó bóng được đưa vào lưới nhờ những nỗ lực độc lập tác chiến phi thường từ cầu thủ ghi bàn – sẽ không khó để bạn nhận thấy hầu hết các bàn thắng được ghi là kết quả của những sai lầm trong khâu phòng ngự của đội bị thủng lưới, hoặc những yếu tố kỳ quặc bất ngờ xuất hiện khiến thủ môn được ghi nhận 1 pha kiến tạo.
Ví dụ, đã có 2 bàn thắng được xác định là do thủ môn kiến tạo ở mùa giải trước. Một là cú phát bóng dài do Mark Flekken của Brentford thực hiện. Ban đầu có vẻ như Ivan Toney sẽ là người nhận bóng, các đối thủ cũng đổ dồn sự chú ý vào tiền đạo này, nhưng cuối cùng anh lại trượt mục tiêu, đối thủ trực tiếp theo kèm anh cũng vậy, qua đó tạo điều kiện để Neal Maupay trở thành người nhận được đường chuyền dài ấy ở phía sau hàng thủ Man City và ghi bàn.
Tình huống còn lại xảy đến khi Jose Sa của Wolverhampton Wanderers ném bóng lên cho người đồng đội Matheus Cunha đang hiện diện ở bên phần sân nhà, sau đó tiền đạo người Brazil tự mình cầm bóng chạy hết 2/3 chiều dài sân đấu để ghi bàn vào lưới Nottingham Forrest. Cả hai đường chuyền trên đều không hề tự thân mang tới điều kiện thuận lợi cho cầu thủ ghi bàn, mà phải nhờ tới những yếu tố bất ngờ, không thể lường trước.
Hầu hết những pha kiến tạo từ thủ môn còn lại đều diễn ra theo các kịch bản tương tự như trên. Hãy lấy Paul Robinson làm ví dụ - đây là thủ môn duy nhất có 5 pha kiến tạo ở Premier League giống Ederson: Tất cả chúng đều là những cú phát bóng dài rơi xuống một tiền đạo đã tự độc lập tác chiến làm hết phần nhiệm vụ khó khăn còn lại. Khi xem lại các pha kiến tạo đó của Robinson, bạn sẽ thấy thậm chí có khi anh ta còn chẳng chủ tâm đưa quả bóng đến cho cầu thủ ghi bàn trong những tình huống ấy, chứ đừng nói tới chuyện thủ môn này chủ tâm kiến tạo cơ hội ghi bàn.
Mổ xẻ như vậy không có nghĩa là mang ý chỉ trích rằng Robinson chỉ toàn nhắm mắt phất bậy rồi ăn may. Mục tiêu của những cú phát bóng dài đó là đưa quả bóng lên các khu vực nguy hiểm nhanh nhất có thể - một thứ chiến thuật từng thịnh hành rồi lỗi thời, và đã có tuổi thọ cổ xưa như Trái Đất.
![]() |
Để minh họa cho điều đó, trong ảnh trên là những thủ môn tạo ra nhiều cơ hội ghi bàn nhất trong 2 mùa giải gần đây. Pickford là cái tên đứng đầu, với phần lớn là những cú phát bóng dài tuy không nhắm vào một đồng đội cụ thể nhưng, thông qua những biến số bất ngờ và sự hỗn loạn thỉnh thoảng xảy ra với hàng thủ đối phương, vẫn dẫn tới các cơ hội ghi bàn.
Pickford chính là thủ môn “phất dài” nhiều nhất ở mùa giải này (được Opta định nghĩa là những đường chuyền có cự ly trên 40 yard, tức 36,6 mét), với 507 lần sau 23 trận, và theo “luật bình quân” thì sớm muộn gì một số trong chúng cũng sẽ dẫn tới vài cơ hội nào đó.
Thật ra thì thỉnh thoảng cũng có một số trường hợp ngoại lệ trong trường phái này. Peter Schmeichel có 3 pha kiến tạo trong sự nghiệp chinh chiến ở Premier League, hai trong số đó đến từ những cú ném bóng cực mạnh đã mở ra rất nhiều tình huống phản công cho Manchester United vào những năm 1990: Những pha bóng thực sự mang chủ đích mở ra cơ hội ghi bàn, mặc dù phần nhiệm vụ còn lại vẫn sẽ buộc các tiền đạo mà anh ném bóng tới phải dốc ra rất nhiều công sức.
Nhưng Ederson chắc chắn là một trường hợp dị biệt, vì cả 5 pha kiến tạo của thủ môn người Brazil (tính trước vòng 25) đều diễn ra theo cùng một kịch bản: Anh cầm bóng dưới chân, phát hiện ra một tiền đạo đang có khoảng trống hoặc đang chiếm lĩnh một vị trí nguy hiểm trên sân đấu, và sử dụng khả năng chuyền dài để đưa quả bóng đến cho anh ta.
![]() |
Pha kiến tạo cho Haaland trước Chelsea là một ví dụ điển hình. Ederson có bóng trong vòng cấm và phát hiện ra số 9 của Man City đang di chuyển dạt sang phía cánh phải, sẵn sàng đâm xuống khoảng trống rộng lớn phía sau hàng thủ The Blues…
![]() |
…và tung ra một cú phất dài vào khoảng trống mênh mông ấy, hướng ra cánh trái, tại đó Haaland nhận lấy “món quà” từ người đồng đội Brazil và lốp bóng tinh tế qua đầu Sanchez. Đúng là phần nhiệm vụ mà tiền đạo người Na Uy phải xử lý vẫn chẳng mấy nhẹ nhàng, nhưng rõ ràng ít thủ môn nào có thể chuyền dài chính xác như vậy.
![]() |
Hãy xem qua một ví dụ khác cũng xuất hiện ở mùa giải này, trong trận đấu với Brentford, và người hưởng lợi lại một lần nữa là Haaland. Ederson nhận bóng và hai trung vệ đồng đội nhanh chóng xuất hiện ở hai bên anh: Đầu tiên anh nhìn về phía Manuel Akanji ở bên trái mình…
![]() |
…rồi sau đó quay sang John Stones ở bên phải…
![]() |
...sau đó nhìn lên phía trên sân đấu và nhận thấy gã khổng lồ tóc vàng người Na Uy đang có khoảng trống để tận dụng. Thế là thủ môn 31 tuổi tung ra một cú phất bóng chuẩn xác như tia laser lên cho Haaland, người đã kết hợp sức mạnh và sự khéo léo để đánh bại Ethan Pinnock rồi lốp bóng qua đầu Flekken.
“Bất kể chuyền dài hay chuyền ngắn, cậu ấy đều tràn đầy sự tự tin và quyết đoán,” Chuyên gia phân tích thủ môn của The Athletic, Matt Pyzdrowski, chia sẻ.
“Điều độc đáo nhất ở Ederson là sự khó đoán trong những tình huống phát động tấn công: Cậu ấy cầm bóng dưới chân, và nhìn điệu bộ của cậu ấy thì đối thủ đinh ninh rằng sẽ chỉ có một đường chuyền ngắn mà thôi. Sau đó, cậu ấy cúi đầu xuống và chỉ cần một pha vung chân nhẹ nhàng để tạo nên một cú phất bóng 70 yard. Cậu ấy có thể ‘sang số’ từ 0 lên 100 rất nhanh. Tôi không thể nghĩ ra bất kỳ ai khác làm được như thế cả.”
Có lẽ thủ môn duy nhất có thể sánh được với Ederson trong việc này là người đồng hương Alisson. Thủ môn số một của Liverpool đã có 3 pha kiến tạo trong sự nghiệp chinh chiến ở Premier League và tất cả chúng đều y hệt nhau, thậm chí cầu thủ ghi bàn cũng cùng là 1 người. Anh thu hồi bóng sau một đợt tấn công của đối thủ, nhận thấy Mohamed Salah đang lao nhanh về phía trước nên cũng mau chóng phất bóng lên, và tiền đạo người Ai Cập xử lý phần việc còn lại.
![]() |
Hãy cùng nhìn lại tình huống “dọn cỗ” của Alisson trước Manchester City vào năm 2022: Anh vô hiệu hoá thành công một quả tạt của đối thủ rồi quan sát nhanh các phương án mà mình đang có, và phát hiện ra động thái bứt tốc của Salah gần vòng tròn trung tâm sân đấu. Thế là một cú phất dài được thực hiện, sau đó Salah dễ dàng đánh bại đối thủ theo kèm mình và ghi bàn.
Đúng là chất lượng của những đường chuyền mà Ederson và Alisson tạo nên thực sự tuyệt hảo, nhưng họ cũng đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc chúng đã được đón nhận bởi 2 trong số các tiền đạo xuất sắc nhất thế hệ này – những người đã xử lý phần nhiệm vụ còn lại một cách xuất sắc.
Để củng cố cho quan điểm này, hãy lưu ý vị trí của Andre Onana trong biểu đồ minh họa đã đề cập ở phía trên. Thủ môn người Cameroon đã tạo ra 4 cơ hội ghi bàn trong 2 mùa giải gần đây, cùng số lượng với Ederson. Tuy nhiên, anh chẳng thể có được bất kỳ pha kiến tạo thành bàn nào cả, vì những người đón nhận các đường chuyền của anh là Diogo Dalot và Alejandro Garnacho, mỗi người 2 lần. Họ là những cầu thủ không tồi, nhưng kém xa Salah và Haaland.
Chất lượng của những đường chuyền mà Onana tạo nên cũng rất đáng nể. Hãy xem lại tình huống dưới đây, diễn ra trước Brentford ở mùa giải này. Trong khi đang có sẵn trước mặt những sự lựa chọn chuyền bóng rất an toàn…
![]() |
…Onana đã quyết định tung ra một cú phất bóng đầy táo bạo vượt qua đầu hàng thủ đội khách, và quả bóng đã tìm tới đúng mục tiêu một cách hoàn hảo…
![]() |
…tuy nhiên, có một vấn đề lớn: “Mục tiêu” đó là Diogo Dalot, một hậu vệ cánh, và việc anh ta không thể tận dụng được cơ hội này chẳng có gì bất ngờ cả.
Nếu chất lượng đồng đội là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa họ trong chuyện kiến tạo cơ hội, thì điểm chung của Ederson và Onana là yếu tố bất ngờ. Họ nằm trong nhóm những thủ môn ít chuyền dài nhất (những đường chuyền dài chỉ chiếm 29,7% trong tổng số các đường chuyền của Onana ở mùa giải này, con số của Ederson thậm chí còn thấp hơn, 19,8%). Một khi quyết định phất dài, tức là họ đã xác định được một mục tiêu thực sự rõ ràng.
Với việc chúng ta đang được thấy cường độ xuất hiện của các pha kiến tạo từ thủ môn trở nên nhiều hơn bình thường ở mùa giải này, phải chăng về sau chúng sẽ diễn ra ngày càng nhiều hơn? Đây là một câu hỏi rất thú vị về mặt chiến thuật, vì chúng ta đang ở trong một thời đại mà rất nhiều đội bóng đua nhau chơi pressing tầm cao và bỏ lại những khoảng trống mênh mông ở phía sau hàng thủ của họ, qua đó dẫn tới việc một số đối thủ cố phất dài vượt tuyến đưa bóng bay qua phía trên khối pressing ấy để tìm kiếm cơ hội ghi bàn thật nhanh, thay vì triển khai bóng đi xuyên qua nó.
Xem xét các số liệu thống kê trong câu chuyện này là một công việc hơi khó khăn, vì quy mô mẫu của chúng tương đối nhỏ. Ngay cả trong tình trạng “bội thu” hiện tại, thì cũng chỉ có 6 trong số 751 bàn thắng được ghi ở mùa giải này là được kiến tạo bởi các thủ môn.
Nhưng chúng ta sẽ có được một bức tranh rất thú vị khi xem xét xu hướng phân phối bóng của các thủ môn. Bản năng hẳn sẽ ngay lập tức mách bảo bạn rằng hiện nay các đội triển khai bóng chậm rãi từ hàng thủ đang ngày càng nhiều hơn, còn những đội chơi bóng dài thì càng lúc càng ít, và các con số thống kê sẽ chứng minh cho điều đó. Nhìn vào 5 mùa giải Premier League gần nhất, số lượng những cú “phất dài” (không bao gồm các pha phát bóng) mà các thủ môn thực hiện nhìn chung chủ yếu có xu hướng sụt giảm: Ở mùa giải này, chúng chiếm tỷ lệ 35,7% trong tổng số các đường chuyền mà họ thực hiện, tăng đáng kể so với mức 34,37% ở mùa giải trước, nhưng con số ở các mùa giải trước đó là 36,34%, 38,16% và 39,18%.
Tỷ lệ chính xác của những đường chuyền dài ấy cũng liên tục biến động lên xuống khó lường thay vì đi theo một chiều hướng cụ thể: Con số ở mùa này là 33,81%, mùa trước là 33,84% và mùa trước đó là 33,6%, còn 2 mùa giải trước nữa là 35,8% và 35,5%.
Nói tóm lại, tuy những gì diễn ra cho đến thời điểm này của mùa giải mang tới cảm giác rằng các thủ môn đang chuyền dài nhiều hơn một chút so với các mùa giải trước và độ chính xác cũng gia tăng, nhưng nếu vẽ ra một biểu đồ cho 5 mùa giải gần nhất, thì chúng ta sẽ có một đường xu hướng không nhất quán, lên xuống thất thường cho câu chuyện này, vậy nên kết luận cuối cùng là chẳng có một trào lưu nào đang phát triển cả.
Mặc dù khả năng chơi chân của giới thủ môn thời nay đang được đánh giá cao hơn bao giờ hết, nhưng tạo cơ hội và kiến tạo bàn thắng vẫn không nằm trong danh sách nhiệm vụ của họ khi cầm bóng, mà là trở thành “bệ phóng” cho phần còn lại của đội làm điều đó.
Trừ khi thủ môn đó là Ederson và trên hàng công có sự hiện diện của Erling Haaland.
Theo Nick Miller, The Athletic