Anh không gắn bó với một đội bóng nào đó đủ lâu để trở thành huyền thoại, hoặc chí ít là cái tên khiến người hâm mộ khắc khoải mỗi khi nhớ về. Nhưng như vậy mới là Samir Nasri – gã trai ngổ ngáo, bất cần như vệt sao băng trên bầu trời bóng đá Châu Âu.
Mới đây, Samir Nasri đã chính thức tuyên bố giải nghệ ở tuổi 34. Đó là một quyết định có phần tiếc nuối nhưng không bất ngờ của tiền vệ từng được mệnh danh là “Tiểu Zidane” của bóng đá Pháp. Sự thật là trong vòng 3 năm trở lại đây, số lần Nasri ra sân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trận đấu gần nhất mà anh góp mặt là trong màu áo Anderlecht vào ngày 4/10/2019. Nasri đá chính nhưng chỉ chơi vỏn vẹn 28 phút, trước khi bị rút ra sân vì dính chấn thương. Sau này, dù có cơ hội trở lại thi đấu, tuy vậy niềm đam mê bóng đá trong con người anh đã lụi tàn.
Mọi chuyện bắt đầu từ thời điểm cuối năm 2016, khi Nasri cùng gia đình đi hưởng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh tại Los Angeles. Nhưng bất ngờ anh bị ốm khá nặng, sau cùng phải nhờ sự can thiệp của đội ngũ y tế của một phòng khám địa phương. Tại đây, họ truyền cho anh một loại vitamin giúp hồi phục sức khỏe. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như một người y tá không đề nghị Nasri chụp chung một bức ảnh kèm theo lời quảng cáo về loại vitamin đó. Ngay lập tức tấm ảnh đó đã bị lan truyền trên mạng xã hội, gây ra sự chú ý đến các nhà chức trách.
Ngay lập tức, anh bị triệu tập để lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy Nasri bị dương tính với mẫu thuốc nằm trong danh sách cấm của Cơ quan chống doping quốc tế (WADA). Tháng 2/2018, một án phạt được UEFA ban hành và theo đó Nasri bị cấm thi đấu 6 tháng. Nhưng chỉ ngay sau khi chấp hành xong lệnh cấm đầu tiên, một lệnh cấm mới có điều khoản 18 tháng tiếp tục được công bố. Ở tuổi 31, án phạt đó đã giết chết sự nghiệp vốn đã rất chênh vênh của Nasri, kể từ thời điểm anh rời Manchester City. Sau này, dù có tái xuất trở lại ở West Ham và Anderlect, tuy nhiên về cơ bản đó không còn là một Nasri từng khiến người hâm mộ mê đắm với những pha đảo bóng, những qua qua người kỹ thuật nữa.
Nhưng câu hỏi được đặt ra rằng liệu nếu không có sự cố ở Los Angeles, sự nghiệp của Nasri có thay đổi nhiều? Câu trả lời có lẽ là không!
Nasri đã sống như một gã trai hư trong suốt quãng thời gian gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp quần đùi áo số, kể từ khi còn còn chơi bóng trên những con hẻm ở Septemes-les-Vallons. Ngày ấy, nếu nhìn qua nhiều người sẽ tưởng Nasri là một cậu nhóc thư sinh, thế nhưng đó lại là đứa trẻ “máu chiến” nhất ở lò đào tạo của Marseille. Ngay cả khi được so sánh với huyền thoại Zinedine Zidane, Nasri khi đó mới 12 tuổi đã nói rằng: “Anh ấy là tiền vệ xuất sắc nhất nước Pháp, nhưng cháu không phải là Zidane. Cháu là Samir Nasri!”
Và đấy không phải một lời tuyên bố suông. Ngay từ 17 tuổi, Nasri đã có cơ hội ra mắt đội 1 của Marseille, chơi bóng cùng các bậc đàn anh đã rất nổi tiếng như Djibril Cissc và Franck Ribery. Cũng trong mùa giải năm đó, Nasri giành chức vô địch U17 Châu Âu cùng lứa cầu thủ Pháp đầy triển vọng, bao gồm Hatem Ben Arfa, Jeremy Menez và Karim Benzema. Chỉ hai năm sau, cái tên Nasri được xướng lên trong đêm trao giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất nước Pháp 2007 với 62% phiếu bầu, bỏ xa người đứng thứ hai là Jimmy Briand.
Từ khoảnh khắc đó, Nasri biết mình không còn là một cậu nhóc chơi bóng nghiệp dư trên những con hẻm tại Septemes-les-Vallons, mà đã trở thành sao mai được cả châu Âu săn đón. Cũng từ khoảnh khắc ấy, một Nasri mắc bệnh ngôi sao, sẵn sàng cãi nhau tay đôi với HLV trưởng vì không được thi đấu cũng “ra đời”.
Mùa hè 2008, sau sự ra đi của Alexander Hleb, ban lãnh đạo Arsenal đã chi ra 12 triệu bảng để thuyết phục Marseille bán đi tài năng trẻ sáng giá nhất của họ. Quá ngán ngẩm với tính cách ngang ngược của Nasri, ban lãnh đạo Marseille cũng đồng ý chấp thuận. Và thế là cuộc hành trình của Nasri trên đất Anh chính thức bắt đầu.
Một cầu thủ 21 tuổi, chân ướt chân ráo đến thi đấu tại Premier League, nếu ở thời điểm hiện tại chắc hẳn bất cứ cái tên nào cũng cần thời gian để thích nghi. Nhưng với Arsene Wenger, ông không bỏ ra một số tiền hơn 8 chữ số để đánh bóng băng ghế dự bị. Và nhiều người cũng đánh giá tài năng của Nasri quá thấp.
Có thời điểm Nasri là nhạc trưởng trong lối chơi mà Arsene Wenger xây dựng tại Arsenal. Ảnh: Getty Images
Anh ghi bàn ngay trận đấu đầu tiên trong màu đội bóng mới tại Premier League và Champions League. Nhưng còn đặc biệt hơn chính là cú đúp bàn thắng vào lưới Manchester United trên sân nhà Emirates, qua đó giúp Arsenal giành chiến thắng 2-1 trước đại kình địch. Từ tốc độ, kỹ năng chuyền bóng, khả năng qua người, dứt điểm từ xa, tất cả những phẩm chất đó đều hội tụ đủ ở Nasri.
Thậm chí, có nhiều thời điểm phong độ chói sáng của Nasri đã làm lu mờ vai trò của một tài năng trẻ sáng giá khác là Fabregas. Đỉnh cao là mùa giải 2010/2011, Nasri ghi tổng cộng 15 bàn thắng trên mọi đấu trường cho Arsenal, sắm vai nhạc trưởng trong lối chơi mà Arsene Wenger xây dựng. Cuối năm 2010, Nasri lần đầu được vinh danh với giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất nước Pháp.
Nhưng khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp ở tuổi 24, Nasri lại quyết định rời Arsenal để chuyển đến đầu quân cho Man City ở mùa hè 2011, bất chấp nỗ lực ngăn cản đến từ ông thầy đồng hương. Thậm chí, Nasri còn dọa sẽ ở lại thêm 1 năm và ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do nếu Arsenal không đồng ý để anh cập bến Etihad. Về phần mình, HLV Arsene Wenger từng tỏ thái độ cứng rắn trước truyền thông về trường hợp của cậu học trò đồng hương: “Với một cầu thủ chỉ còn 1 năm và chưa ký mới, bao giờ cũng có lời đồn ra tán vào. Nhưng Nasri đang rất vui vẻ ở Arsenal và cũng quyết tâm ở lại. Cậu ấy có tiếp tục khoác áo Arsenal mùa tới không? Tôi nghĩ là có. Liệu Nasri có ký hợp đồng mới không? Tôi hy vọng là có”.
Đó vốn dĩ không phải là một lời chống chế từ Giáo sư, trên thực tế đã có những thời điểm Nasri tiến gần đến việc gia hạn hợp đồng với Arsenal, trước khi người đại diện của anh thông báo về việc Man City sẵn sàng cung cấp cho anh một mức đãi ngộ gấp 3 lần những gì anh đang được hưởng tại Emirates.
Một mùa hè tồi tệ nhất với Arsenal ở kỷ nguyên Arsene Wenger, khi ông phải chứng kiến những “đứa con” của mình lần lượt đánh tiếng ra đi. Từ Clichy, Fabregas cho đến Nasri. Nếu như Fabregas chấp nhận từ bỏ tấm băng đội trưởng, giảm lương, thậm chí là bỏ tiền túi để trở về Barcelona thì trường hợp của Nasri còn đơn giản hơn rất nhiều. Rời Arsenal sang Man City để hưởng chế độ đãi ngộ ở cấp độ siêu sao, thế nên kết quả như thế nào chẳng ai cũng hiểu rõ.
Đến Man City, Nasri đã có được điều mà anh không có trong quãng thời gian ở Arsenal là danh hiệu. Ảnh: Getty Images
Sau tất cả, cuối cùng Nasri cũng đạt được ước nguyện của mình. Anh cười rạng rỡ trong ngày đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn 4 năm với Man City cùng mức lương 170.000 bảng/tuần và không quên đá đểu đội bóng cũ: “Tôi đến đây không phải vì tiền mà là vì muốn chinh phục danh hiệu, thứ mà Arsenal chẳng thể nào cho tôi được”. Nasri đã trải lòng như vậy. Tuy nhiên chính những lời nói đó đã sát muối vào trái tim các Gooners. Trong mắt họ, tình cảm dành cho cầu thủ khoác áo số 8 đã chết. Thứ duy nhất còn lại chỉ là thù hận.
Ngay trong mùa giải đầu tiên khoác lên mình chiếc áo của Man City, Nasri đã đóng góp 6 bàn thắng và 9 đường kiến tạo thành bàn, qua đó giúp đội bóng mới đăng quang chức vô địch Premier League lần đầu tiên trong lịch sử. Đặc biệt, trong mùa giải 2013/2014, anh tiếp tục thi đấu bùng nổ, ghi tổng cộng 11 bàn thắng và 11 pha kiến tạo thành bàn trên mọi đấu trường, góp công lớn đưa Man City lập cú đúp danh hiệu vô địch Premier League và League Cup. Có thể khẳng định, trong giai đoạn 2011-2014, Nasri vẫn là tiền vệ tấn công hàng đầu tại Premier League.
Thế nhưng cuộc sống ở bên ngoài sân cỏ của Nasri lại là một câu chuyện khác. Theo lời kể của chính Nasri, trong năm thứ 2 tại Man City, anh mua một ngôi nhà tại London và tận hưởng cuộc sống ở đó. Từ những cuộc chơi thâu đêm, cho đến việc phá sức khỏe bên bia rượu, những thứ mà các cầu thủ chuyên nghiệp không bao giờ nên sử dụng. Chỉ khi nào phải tập luyện và thi đấu thì anh mới trở về Manchester.
Điều này khiến Nasri và các cầu thủ khác tại Man City dần trở nên xa cách. Ngoài những chiếc áo cùng màu trên sân, giữa họ ít tồn tại thứ tình cảm được gọi là đồng đội. Ngược lại, chẳng mấy ai ưa thái độ bất cần và trịch thượng của Nasri cả. HLV trưởng của Man City khi ấy, Manuel Pellegrini biết nhưng ông không đủ cứng rắn và quyền lực như Arsene Wenger để đưa cậu học trò về đúng quỹ đạo. Song, với Pep Guardiola thì khác.
Ngay sau khi nắm quyền thay thế Manuel Pellegrini, Pep Guardiola đã thẳng tay loại bỏ Nasri ra khỏi kế hoạch tại đội bóng mới, giống như việc ông từng làm với Ronaldinho và Deco tại Barcelona. Bị đẩy khỏi đội bóng mạnh nhất nước Anh, Nasri có buồn không?
Anderlecht là đội bóng cuối cùng trong sự nghiệp của Nasri. Ảnh: Getty Images
Câu trả lời vẫn là không! Khi được Sevilla đặt vấn đề chuyển nhượng, Nasri ngay lập tức liên hệ với các đồng đội cũ như Jesus Navas và Nolito để hỏi về cuộc sống, về những hộp đêm và những chân dài bốc lửa. Với Nasri như vậy là quá đủ!
Thậm chí, ngay cả HLV trưởng Sevilla, Jorge Sampaoli còn sẵn sàng trao đặc quyền cho Nasri: “Đến với đội của tôi đi, cậu muốn nhậu nhẹt, chơi bời cỡ nào cũng được, tôi sẽ luôn chống lưng cho cậu ở CLB. Chỉ cần cậu tỏa sáng ở trên sân là được”
Và kết quả thì chúng ta đã biết. Nasri thi đấu mờ nhạt trong vòng 1 năm thi đấu tại Tây Ban Nha, sau cùng bị Sevilla từ chối mua đứt. Trở lại Man City, Nasri nhanh chóng bị tống cổ sang đội bóng nhỏ Antalyaspor của Thổ Nhĩ Kỳ, khi mà chẳng còn ai ở Man City muốn làm đồng đội trong phòng thay đồ với một con người bất trị như vậy.
Đó là sự nghiệp của Nasri trong màu áo CLB, còn ở đội tuyển quốc gia mọi thứ còn tồi tệ hơn. ĐT Pháp trong giai đoạn 2008-2014 là một tập thể thiếu gắn kết, thường xuyên xuất hiện những mâu thuẫn giữa các cầu thủ, giữa cầu thủ và HLV trưởng. Và một trong những con người thường gây ra rắc rối nhất chính là Nasri. Từ vụ lùm xùm có thái độ xấc xược với các bậc đàn anh hồi đầu lên tuyển, hành động chửi tục với phóng viên tại Euro 2012, cho đến việc mâu thuẫn với HLV Didier Deschamps trước thềm World Cup 2014, qua đó cũng đóng luôn cánh cửa trở lại ĐTQG khi tuổi đời còn rất trẻ. Người Pháp chỉ nhớ về Nasri như một “cừu đen” trong phòng thay đồ và chẳng ấn tượng với những gì tiền vệ sinh năm 1987 thể hiện trên sân.
Xét cho cùng, Nasri không hẳn là người xấu, chỉ đơn giản anh ta luôn muốn mình trở thành trung tâm của mọi thứ. Tính cách kiêu ngạo đó từng giúp Nasri vươn đến đỉnh cao sự nghiệp khi tuổi đời vừa mới qua đôi mươi. Nasri không sai khi rời Arsenal để tìm kiếm danh vọng, tuy nhiên chỉ ở đây “chú ngựa bất kham” này mới có người cầm cương. Nếu có một người thầy vừa có tâm, vừa có tầm như Arsene Wenger chỉ lối, có lẽ sự nghiệp của Nasri đã khác. Nhưng chỉ là nếu mà thôi…
Khi Xuân Son tỏa sáng trong trận ra mắt ĐT Việt Nam, một bộ phận khán giả bỉ bôi Tiến Linh và bắt đầu đưa ra những sự so sánh để nâng tầm “tân binh” mang áo số 12…
Nguyễn Xuân Son đang tận hưởng thời khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của anh và chúng ta, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đang tận hưởng một trung phong có lẽ chưa từng có của ĐT Việt Nam.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.