Bambali, thị trấn nhỏ nằm ở cực Nam Senegal. Có dân số chưa đầy 25.000 người, tức chỉ bằng cỡ 5% Liverpool – thành phố cảng nổi tiếng của Anh – nơi chứng kiến bước trưởng thành vượt bậc với tư cách ngôi sao bóng đá, của một chú nhóc sinh ra và lớn lên ở Bambali 26 năm về trước. Sadio Mane!
Sadio Mane: Hành trình của đôi giày nát từ Dakar tới Anfield
Như tuyệt đại đa số những cậu bé ở những vùng quê nghèo Phi châu, Mane trải qua một tuổi thơ cơ cực và luôn phải đối mặt với tình trạng đói ăn. “Cha mẹ tôi nghèo lắm, nhà lại có đông anh chị em nữa. Thế nên, họ làm gì có tiền để cho tôi đến trường. Những năm tháng thơ ấu của tôi, chỉ có trái bóng là bạn. Tôi chơi bóng, trên đường phố, với những cậu bé ở hoàn cảnh như tôi. Suốt từ sáng đến tối muộn”.
Thực ra, Mane ngay từ khi lên 5 đã phải sống xa gia đình. Cha mẹ cậu quá nghèo nên buộc phải gửi Mane tới nương nhờ nhà bác của anh. Điều kiện vật chất thiếu thốn, lại chẳng được học hành, Mane cứ lớn lên như vậy, với trái bóng cùng những lần… xem ké các trận đấu ở Premier League qua ti vi của những nhà hàng xóm có điều kiện kinh tế khá hơn.
“Trong những năm tháng ấy, tôi luôn nghĩ về Premier League. Về việc mình, một thằng nhóc đen đúa và nghèo khó, sẽ chơi bóng ở Premier League. Đó là giấc mơ lớn của đời tôi. Dù nói thật nhé, cho tới tận năm 15 tuổi, tôi chẳng hề có kiến thức gì mấy về bóng đá”.
"Cho tới tận năm 15 tuổi, tôi chẳng hề có kiến thức gì mấy về bóng đá."
Mane cũng kể rằng, hành trình của đội tuyển Senegal tại VCK World Cup 2002, giải đấu mà Senegal từng đánh bại đội ĐKVĐ Pháp ở vòng bảng và tiến tới tận tứ kết, chính là động lực lớn để anh quyết tâm theo nghề cầu thủ chuyên nghiệp, quyết tâm trở thành một ngôi sao bóng đá.
Tại đội trẻ của thị trấn, Mane sớm chứng tỏ mình là người xuất sắc nhất. Ai, khi gặp Mane, cũng nói với cậu rằng: “Sadio này, cậu là cầu thủ giỏi nhất mà nơi này từng có. Cậu sẽ là một ngôi sao lớn của bóng đá nước nhà. Đừng bao giờ từ bỏ nhé!”. Nhưng những người thân trong gia đình Mane, đặc biệt là cha mẹ anh lại không nghĩ vậy. Họ muốn hướng Mane theo một con đường khác, không liên quan đến bóng đá.
Đấy là những tháng ngày mà Mane phải thực sự tranh đấu, với chính cha mẹ, để bảo vệ giấc mơ lớn trong đời. Thật may mắn, Mane luôn có một người đồng hành lý tưởng, luôn gắng sức vì cậu. Không chỉ giúp Mane thuyết phục cha mẹ, bác của cậu còn bán tất cả những gì có thể bán ở nông trại của mình để giúp Mane có được một số vốn cho chuyến đi tới Dakar, thủ đô- trung tâm bóng đá số 1 của Senegal, cho một hành trình không khác nào canh-bạc-không-được-phép-thất-bại.
Sadio Mane ở Southampton
Khát khao của Mane và sự tận tâm của bác anh không chỉ khiến cha mẹ cậu hồi tâm chuyển ý mà còn tác động lên cả thị trấn Bambali. Rất nhiều người của thị trấn nghèo ở cực Nam Senegal ấy, những người luôn tin rằng Mane sẽ trở thành một thứ gì đó hết sức đặc biệt trong dòng chảy bóng đá, đã rủ nhau quyên tiền cho chuyến đi của cậu (và bác) tới Dakar.
Bước đầu tiên coi như xong và Mane thẳng tiến tới Dakar, với kỳ vọng của cả thị trận Bambali. Nhưng bước thứ 2, tìm một nơi ở đủ tốt cho Mane, lại gặp chút rắc rối ban đầu. Những tháng ngày đầu tiên tại Dakar, Mane phải ở cùng với một gia đình mà cậu chẳng hề quen biết, với điều kiện vật chất chẳng hề khá hơn vùng quê nghèo Bambali. Quan trọng hơn, gia đình này chẳng buồn bận tâm đến khát khao và mục tiêu trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của Mane.
Nhưng giai đoạn khó khăn ấy cũng sớm qua khi bác của Mane “bắt thông tin” được với một người bạn, có nghề nghiệp ổn định và nhà cửa khá ổn ở ngoại ô Dakar. Mane ngay lập tức “chuyển hộ khẩu” tới gia đình này. Thật may mắn, đấy là những người thực sự trân trọng khát vọng của cậu. Và họ đã thay cha me cũng như bác anh, chăm sóc Mane hết sức, để cậu có thể yên tâm tập trung toàn bộ cho bóng đá.
Nhưng ngay cả khi tới Dakar với tâm thế của kẻ được-ăn-cả-ngã-về-không, Mane cũng bị sốc trong buổi hội tuyển đầu tiên ở 1 Học viện bóng đá tại đây. “Hàng trăm cậu bé như tôi có mặt ở đó, và trong mắt họ cũng rực sáng khát khao hệt như tôi vậy. Một cảm giác rất khó diễn tả thành lời, vừa hứng thú lại chẳng thiếu âu lo. Nhưng ít nhất, nó khiến tôi tin rằng, trên đất nước này, không chỉ có mình tôi mơ một giấc mơ lớn”.
Ngay ở buổi tuyển chọn hôm ấy, Mane đã gặp phải một tay “sát thủ”. “Ông ta nhìn tôi như thể tôi đã tới nhầm chỗ. Và ông ta bắt đầu bằng một câu chất vấn: “Này nhóc, cậu đến đấy để tham gia cuộc tuyển chọn thật đấy hả”. Tôi nói Vâng và ông ta hỏi tiếp với ánh mắt có phần giận dữ: “Thi tuyển hả? Với đôi giầy này sao? Làm sao nhóc có thể đá bóng với đôi giày này, chúng quá cũ và nát rồi”. Rồi ông ta nhìn xuống đôi vớ của tôi và tiếp tục rầy la: “Nhóc không thể mang một đôi vớ tốt hơn thế này sao?”.
Hôm nay Mane bước sang tuổi 26
Với tất cả dũng khí của mình, Mane trả lời: “Thưa ông, đây là tất cả những gì tốt nhất mà tôi có. Và tôi, chỉ có một mong muốn là được chơi bóng, được thể hiện mình”. Nói xong câu này, Mane tiến thẳng vào sân bóng bỏ lại sau lưng gương mặt thảng thốt của người tuyển trạch viên. Nhưng có lẽ, chính sự tự tin của Mane đã khiến ông ta bị thuyết phục. Vài phút sau, chính người này tiến về phía Mane và nói: “Tôi sẽ chọn cậu vào đội của tôi. Tự tin như vậy là rất rốt nhưng phải xem cậu làm được gì trên sân bóng đã”.
Dĩ nhiên, Mane không bỏ lỡ cơ hội này. Chỉ sau vài tiếng thể hiện mình, trong buổi tuyển chọn đầu tiên, Mane khiến tất thảy phải kinh ngạc với tiềm năng bóng đá của mình. Cậu, ngay lập tức, có được một suất vào thẳng Học viện này, ở tuổi 12. Trong 2 năm sau đó, Mane chính là viên ngọc sáng nhất, với thành tích ghi 131 bàn thắng chỉ với 90 trận.
Nhưng việc là một ngôi sao trẻ đầy tiềm năng của một Học viện bóng đá ngoại ô Dakar, mới chỉ là một bước tiến rất nhỏ trong nỗ lực biến giấc mơ lớn thành hiện thực của Mane. Cậu cần Vận May mỉm cười với mình, thêm ít nhất 1 lần nữa. Và may mắn rốt cuộc cũng đã đến, năm Mane 14 tuổi, trong một dự án bóng đá đặc biệt giữa LĐBĐ Pháp và Dakar. Mục đích hàng đầu của dự án này là tìm những cậu bé có tiềm năng bóng đá có xuất phát điểm nghèo khó, để từ đó tài trợ cho sự phát triển của cầu thủ này.
Mane, thời điểm ấy, chính là tài năng số 1 của Học viện, lại là người nghèo khó nhất. Và anh là người được chọn. Các chuyên gia bóng đá Pháp của dự án đặc biệt này đã gửi Mane tới Học viện Generation Foot, trung tâm bóng đá hiện đại và chất lượng nhất của Dakar, nơi có nhiều HLV người Pháp làm công tác giảng dạy và huấn luyện kĩ năng.
Vận may thêm 1 lần nữa mìm cưởi với người giàu ý chí và khát vọng như Mane. Và tất nhiên, Mane đã nắm chặt lấy nó. Năm Mane 15 tuổi, quá ấn tượng trước sự thăng tiến mạnh mẽ của Mane, các HLV ở Generation Foot, đã rút ngắn quãng thời gian ăn tập của anh tại trung tâm này (dự kiến ban đầu là 2 năm) và đưa anh tới Pháp, gia nhập CLB Metz, nơi từng là bệ phóng cho những cầu thủ hàng đầu của bóng đá Thế giới như Rigobert Song, Louis Saha, Pappis Cisse, Emmanuel Adebayor và Robert Pires.
Robertson cùng với Mane liên tục làm khổ hàng thủ Man City
Từ Metz, qua Red Bull Salzburg ở Áo, rồi tới Southamton và giờ là Liverpool, Mane đã đi một hành trình dài trong nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ lớn của đời anh. Từ một chú nhóc nghèo hèn chỉ biết làm bạn với trái bóng trên những góc phố nhỏ ở Bambali, bị xem thường trong ngày đầu tiên dự tuyển tại Dakar, giờ Mane đã là 1 trong những ngôi sao bậc nhất của Premier League – giải đấu mà anh từng mơ sẽ là một phần của nó trong ngững tháng ngày thơ bé.
Mane ấy, sau khi trở lại từ chấn thương đang chơi thứ bóng đá đầy bùng nổ, với 9 bàn thắng và 5 pha kiến tạo trong năm 2018. Mane ấy cũng đang là chân sút số 1 của Liverpool, tại Champions League, giải đấu mà anh đã sở hữu tới 7 pha lập công, mới nhất chính là cú dứt điểm tung lưới Man City ở lượt đi tứ kết. Cùng với ngôi sao đang nổi như cồn Mohamed Salah, Mane đang chở theo những kì vọng lớn lao trong hành trình chinh phục đỉnh cao Champions League của Liverpool mùa này.
Một màn trình diễn tốt tại Etihad đêm nay và Liverpool giành vé vào bán kết, lần đầu tiên sau 11 năm, chính là món quà sinh nhật giá trị hơn tất thảy, dành cho Mane. Trong ngày anh bước sang tuổi 26.
Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.
Luis Diaz sẽ kỷ niệm ba năm khoác áo Liverpool vào tháng tới và màn trình diễn của tiền đạo người Colombia vào cuối tuần qua là lời nhắc nhở kịp thời rằng, anh LUÔN là nhân tố quan trọng đối với The Kop.
Trước khi nhập tịch thành công và khoác áo ĐTQG, Nguyễn Xuân Son nhận phản ứng trái chiều của người hâm mộ; song, anh đang nỗ lực hết mình để giành được cảm tình của những người từng không ủng hộ mình.
Khi Xuân Son tỏa sáng trong trận ra mắt ĐT Việt Nam, một bộ phận khán giả bỉ bôi Tiến Linh và bắt đầu đưa ra những sự so sánh để nâng tầm “tân binh” mang áo số 12…