Luôn tận tâm và hết mình với những cơ hội được trao, mọi nhiệm vụ mà bản thân đảm nhận, không quan trọng bản thân là kép chính hay kép phụ, không quan tâm người đời có những nhận xét sai lầm thế nào về mình, lợi ích của đội bóng là trên hết – một “cầu thủ của tập thể” thượng hạng, chẳng phải đó là hình ảnh mà Giroud đã luôn thể hiện ở mọi đội bóng mà anh khoác áo hay sao?
Trong Hỏa Phụng Liêu Nguyên, một bộ truyện tranh về sự sụp đổ của triều đại nhà Hán và hình thành nên thời đại Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa, tác giả Trần Mỗ khi viết về sự kiện “Mãnh hổ phá củi, đại lợi Giang Đông” – xoay quanh cuộc quật khởi của nhân vật Tôn Sách – đã biến hầu hết những chương truyện của ông trở thành đất diễn cho những người trẻ tài cao gan lớn.
Trong các chương truyện ấy, độc giả đã được chứng kiến những kẻ tự xưng bản thân là “sóng sau” một cách ngạo nghễ liên tục “out trình” các nhân vật thuộc thế hệ đi trước cả về trí lực lẫn võ lực, câu thoại “Trường Giang sóng sau xô sóng trước” đã xuất hiện hết lần này đến lần khác – trong sự cay đắng của những kẻ đi trước khi nếm mùi thất bại trước đám hậu bối, và trong sự tự hào sau chiến thắng của đám trai trẻ.
Nhưng trên thực tế, Trần Mỗ không hề chỉ chăm chăm dìm hàng lứa “sóng trước” trong toàn bộ sự kiện này. Trong lực lượng quân phiệt của Tôn thị, bên cạnh những gã trai trẻ tài cao, thu hút hết sự chú ý của độc giả như Tôn Sách, Tôn Quyền, Chu Du, Lữ Mông, Lăng Thống, Lục Tốn và Thái Sử Từ, vẫn còn đó đất diễn cho những “sóng trước” mang thực tài đứng trên muôn người, trên chiến trường là những Hoàng Cái, Trình Phổ, Hàn Đương, Chu Trị dày dạn kinh nghiệm, tận tụy và mẫn cán, đồng thời chẳng kém phần nhiệt huyết so với đám trẻ, còn có những lời lẽ mang đầy sự kính trọng của Chu Du đối với vị danh sĩ già Trương Chiêu: “Chu Du chỉ có thể đối ngoại, còn an nội đành nhờ đến sức của lão sư.”
Vì lẽ đó, ngòi bút của Trần Mỗ ngoài đề cao những kẻ “tuổi trẻ tài cao gan hùm” còn nói lên một sự thật rằng, chỉ cần có thực lực và bản lĩnh, dù là ở trong thời đại nào, môi trường nào, những con người thuộc thế hệ xưa cũ vẫn có thể tỏa sáng, vẫn tìm được cho mình chỗ đứng thay vì trở thành đá lót đường cho những cơn “sóng sau” mạnh mẽ và điên cuồng.
Đó cũng chính là một trong những câu chuyện ẩn sau Scudetto đầu tiên của AC Milan sau 11 năm dài đằng đẵng chờ đợi với bao thống khổ. Giống như sự kiện “mãnh hổ phá củi, đại lợi Giang Đông” được kể qua ngòi bút của Trần Mỗ trong Hỏa Phụng Liêu Nguyên, câu chuyện ấy mang đậm dấu ấn của những người trẻ, với sự gan góc, nhiệt huyết và nguồn năng lượng tuổi trẻ từ những Mike Maignan, Fikayo Tomori, Pierre Kalulu, Davide Calabria, Theo Hernandez, Sandro Tonali, Ismaël Bennacer, Franck Kessie, và Rafael Leão – theo thống kê từ Opta, Rossoneri của mùa giải 2021-22 chính là nhà vô địch trẻ nhất trong kỷ nguyên 1 trận thắng bằng 3 điểm của lịch sử Serie A, với độ tuổi trung bình là 26.
Nhưng bất kỳ ai theo dõi sát đoàn quân của Stefano Pioli đều hiểu rằng, kỳ tích của họ sẽ chẳng thể nào xuất hiện nếu thiếu đi nguồn cảm hứng, các đóng góp cả về chuyên môn lẫn tinh thần của những lão tướng từng bị xem là hết thời, từng là tâm điểm của sự nghi ngờ khi mới khoác lên mình chiếc áo đỏ đen: Zlatan Ibrahimovic dĩ nhiên là cái tên nổi bật nhất khi nhắc đến khía cạnh này, nhưng ngoài siêu sao người Thụy Điển còn có Simon Kjaer – thủ lĩnh nơi hàng thủ, một tấm gương tuyệt vời và là vị HLV trưởng thứ hai của đội theo lời kể của Sandro Tonali, chỉ cần khỏe mạnh sẽ luôn chắc suất đá chính trước khi phải ngồi ngoài từ đầu tháng 12 vì đứt dây chằng chéo trước – và Olivier Giroud, nhân vật chính của bài viết này.
Giroud vốn dĩ là một ngôi sao lớn đích thực, anh sở hữu một bản thành tích đáng nể và những năm qua đã khiến cả thế giới phải thừa nhận rằng sự cống hiến của anh cho các đội bóng mà mình khoác áo – cả CLB lẫn ĐTQG – đã bị đánh giá quá thấp so với giá trị thực sự. Tuy nhiên, dù cho có tự nhủ những thông tin ấy trong lòng để tự trấn an bản thân, chắc chắn cảm giác ban đầu của tất cả các Milanista về tân binh người Pháp vẫn là sự bất an, lo ngại và điều đó rất dễ hiểu.
Lý do tâm linh “lời nguyền thất bại” đã ám ảnh chiếc áo số 9 kể từ khi Filippo Inzaghi giải nghệ tại Milan là một chuyện, nhưng cũng có những lời giải thích khác hợp tình hợp lý hơn cho tâm lý e ngại đó.
Cặp đôi giám đốc kỹ thuật Paolo Maldini và giám đốc thể thao Frederic Massara đã đưa Giroud về Milan với mục đích “chia lửa” cùng lão tướng 39 tuổi Zlatan Ibrahimovic đang phải chật vật với những trở ngại mà tuổi tác và chấn thương tạo nên, đặc biệt là trong bối cảnh CLB chủ sân San Siro sẽ phải chinh chiến trên 3 mặt trận Serie A, Coppa Italia và Champions League – đấu trường mà họ vừa được tái xuất sau 8 năm vắng bóng – ở mùa giải 2021-22. Cho đến khi kỳ chuyển nhượng mùa hè năm 2021 kết thúc, Rossoneri chỉ đưa về thêm một tân binh tiền đạo nữa theo dạng mượn người là Pietro Pellegri từ AS Monaco – chỉ mới 20 tuổi vào thời điểm đó, từng được ca ngợi là một thần đồng của bóng đá Italy, nhưng đã sớm bị xem là vô vọng vì chưa kịp bùng nổ đã liên tục bị hành hạ bởi những chấn thương nghiêm trọng trong suốt 4 mùa giải trước đó.
Tóm lại, AC Milan đã bước vào mùa bóng 2021-22 với 3 tiền đạo trung tâm thực thụ để HLV trưởng Stefano Pioli lựa chọn cho hệ thống 4-2-3-1 của mình: Ibrahimovic, Giroud và Pellegri – tức hai lão tướng với tổng số tuổi đời là 75, và một cậu trai trẻ vừa non kinh nghiệm vừa mẫn cảm với chấn thương (đã sớm bị trả lại Monaco vào tháng 1).
Với điều kiện thể chất “sáng sủa” hơn cả Ibrahimovic lẫn Pellegri, trọng trách cáng đáng vai trò trung phong và nhiệm vụ săn bàn của đội sẽ chủ yếu được đặt lên vai Giroud – và như đã nói ngay từ đầu, viễn cảnh ấy thật vô vọng.
ÁP LỰC SỐ 9 Ở MILAN
Cái tuổi 34 và tình trạng mài đũng quần trên băng ghế dự bị ở Chelsea trước đó thật dễ gợi lên cảm giác về một lão già hết thời, đó là chưa kể dù cho giới phân tích đã đưa ra bao lý lẽ để chứng minh rằng Giroud là một trong những cầu thủ bị "đánh giá không đúng năng lực" nhất thế giới, nhưng rõ ràng anh chưa bao giờ nằm trong nhóm những cây săn bàn thượng hạng của giới túc cầu, và đặc biệt vào thời điểm đó tiền đạo người Pháp càng không phải là một cầu thủ mà Milan nên trao cho trách nhiệm chân sút chủ lực của đội, nếu họ thực sự đang mang tham vọng tiếp đà động lực mà chiến tích giành vé tham dự Champions League lần đầu tiên sau 8 năm tạo nên vào mùa giải 2020-21 để chinh phục những cái đích lớn hơn.
Những người đứng đầu mảng tuyển dụng của Rossoneri chắc chắn cũng nhận thức được điều đó, nhưng tình cảnh ngân sách eo hẹp bởi chính sách chi tiền của chủ sở hữu Elliott đã khiến họ lực bất tòng tâm.
Quả thật, nếu chỉ đơn thuần xét về mặt thống kê, những con số mà Giroud tạo nên ở mùa giải 2021-22 trong tư cách trung phong số một của Milan là quá xoàng xĩnh.
Tại mặt trận trọng yếu Serie A, trong toàn bộ giai đoạn nửa đầu của mùa giải – tức 19 trận, anh chỉ ghi được vỏn vẹn 4 bàn, bỏ lỡ 8 trận vì chấn thương và COVID 19, và phải đến vòng đấu cuối cùng của mùa giải tiền đạo người Pháp mới có thể nâng thành tích ghi bàn của mình lên hai con số.
Rốt cuộc, 11 là tổng số pha lập công của anh tại giải đấu hạng cao nhất bóng đá Italy – và tính trên mọi đấu trường là 14 bàn, với 3 bàn ở Copa Italia, và 0 bàn ở Champions League.
Nhưng đó chỉ là bề nổi của những thống kê, và câu chuyện của Giroud ở mùa bóng 2021-22 không hề đơn giản như cái bề nổi đó cho thấy.
Trên thực tế, chiến dịch đầu tiên của tiền đạo người Pháp trên đất Italy đã trở thành một câu trả lời khác dành cho câu hỏi tại sao anh luôn có chỗ đứng – dù ít hay nhiều – trong kế hoạch của mọi vị HLV trưởng mà mình phục vụ ngay cả vào những thời điểm bị các CĐV khắp nơi chế giễu, chỉ trích gay gắt nhất vì thành tích săn bàn ảm đạm.
Chẳng cần quá hào nhoáng, chẳng cần những con số khủng – Giroud đã tiếp tục tạo nên những đóng góp đáng nể theo phong cách riêng của mình.
Đúng là thành tích cá nhân của tiền đạo người Pháp ở mùa bóng 2021-22 quá tầm thường đối với một cầu thủ đảm nhận vai trò trung phong số một của một đội bóng khi chúng ta đơn thuần nhìn vào những con số, nhưng khi “mổ xẻ” sâu hơn, bạn sẽ thấy rằng hầu hết trong số chúng là những khoảnh khắc tỏa sáng vào các thời điểm cực kỳ quan trọng, mang ý nghĩa cực kỳ lớn.
Đó là pha lập công tạo động lực cho cuộc lội ngược dòng của Milan trước Hellas Verona trong tình cảnh đang bị dẫn trước 0-2; đó là pha nổ súng trong trận thắng tối thiểu 1-0 trước Torino; đó là cú đúp tạo nên cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trước Inter ở vòng 24, qua đó giúp Milan rút ngắn khoảng cách với đại kình địch cùng thành phố khi ấy đang đứng đầu bảng xuống còn 1 điểm; đó là pha kiến tạo bằng đầu cho Rebic ghi bàn để giúp Milan giữ lại 1 điểm trước Salernitana trong tình cảnh đang bị dẫn trước 2-1; đó là pha lập công trong chiến thắng 1-0 trước Napoli, là tình huống làm tường kiến tạo cho Ismaël Bennacer ghi bàn thắng duy nhất trong trận đấu với Cagliari, là cú dứt điểm cận thành cân bằng tỷ số và mở đầu cho cuộc lội ngược dòng trước Lazio – cả ba đều là vào thời điểm cuộc đua vô địch Serie A đang ở trong giai đoạn căng thẳng nhất; và cuối cùng là cú đúp trực tiếp đưa Milan lên ngôi vô địch ở vòng đấu cuối của mùa giải, trước đối thủ Sassuolo. Chưa kể cú đúp vào lưới Lazio đưa Milan lọt vào vòng bán kết ở đấu trường Coppa Italia.
Có thể khẳng định rằng, mặc dù Giroud không thể tỏa sáng với mật độ liên tục, nhưng gần như mọi khoảnh khắc “lên tiếng” của anh đều mang ý nghĩa rất lớn đối với chiến dịch 2021-22 của Rossoneri, đối với Scudetto đầu tiên sau 11 năm chờ đợi và thứ 19 trong lịch sử CLB. Khi suy ngẫm câu chuyện mùa giải ra mắt của lão tướng người Pháp tại Italy theo góc nhìn này, khoản tiền chuyển nhượng 1 triệu euro mà Milan đã chi ra để đưa anh về đoàn quân của Pioli sẽ bỗng dưng trở thành một món hời đáng kinh ngạc. Có lẽ chính vì vậy mà anh đã được đưa vào “đội hình xuất sắc nhất mùa” do tờ La Gazzetta dello Sport bầu chọn.
Trên thực tế, tuy 11 bàn thắng không phải là một con số lớn, nhưng cũng đủ để đưa Giroud trở thành cầu thủ lớn tuổi nhất ghi từ 10 bàn trở lên ngay trong mùa giải đầu tiên thi đấu ở Serie A (35 tuổi, 234 ngày), vượt qua kỷ lục của Cristiano Ronaldo (33 tuổi, 299 ngày).
LUÔN TỎA SÁNG KHI ĐỘI BÓNG CẦN
Tỏa sáng vào những thời khắc quan trọng, những cuộc đấu trọng đại vốn chính là “thói quen” của Giroud. Rốt cuộc, bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp của anh là pha lập công mang về chiến thắng cho Grenoble trước Le Havre ở những phút bù giờ. Tại Montpellier, chính pha nổ súng của anh vào lưới PSG ở vòng bán kết của Coupe de la Ligue đã đưa CLB này lọt vào trận chung kết đầu tiên kể từ năm 1994, trước khi kết thúc mùa bóng 2011-12 với tư cách Vua Phá Lưới của Ligue 1, còn Montpellier thì giành được chức vô địch quốc gia đầu tiên trong lịch sử CLB.
Tại Arsenal, anh đã có những pha lập công quyết định chiến thắng trong các trận derby với Tottenham, đã giành được giải Puskas Award với một siêu phẩm vào lưới Crystal Palace, và kiến tạo cho Aaron Ramsey ghi những bàn thắng quyết định trong 2 chức vô địch FA Cup của The Gunners vào các năm 2014 và 2017.
Năm 2018, Giroud gia nhập Chelsea, ghi 11 bàn trên cuộc hành trình chinh phục chức vô địch Europa League của The Blues, bao gồm 1 pha lập công vào lưới Arsenal (và 1 kiến tạo) trong trận chung kết.
Chiến dịch 2020-21, chính anh đã chọc thủng lưới Rennes ở phút 90+1 để đưa Chelsea chính thức giành vé lọt vào vòng 16 đội tại Champions League, sau đó có một siêu phẩm “ngã bàn đèn” vào lưới Atletico Madrid để góp công giúp đội chủ sân Stamford Bridge lọt vào vòng tứ kết. Cuối mùa giải năm ấy, Chelsea đã giành chức vô địch của đấu trường danh giá nhất châu Âu, với những pha ghi bàn của Giroud đóng vai trò không hề nhỏ.
“Olivier đã là một phần quan trọng trong rất nhiều khoảnh khắc trọng đại của CLB này. Anh ấy tạo ra những đóng góp trong chức vô địch FA Cup 2018, cho đến 11 pha lập công trên cuộc hành trình giành chức vô địch Europa League năm 2019. Sau đó, anh ấy đã tiếp tục ghi hàng loạt bàn thắng quan trọng, như pha ghi bàn trước Atletico Madrid đã góp phần giúp Chelsea vô địch Champions League,” giám đốc điều hành Marina Granovskaia của The Blues bình luận vào mùa hè năm 2021.
Như đã kể, cái duyên ấy đã tiếp tục tỏa sáng tại Milan ngay trong mùa bóng ra mắt để đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong kỳ tích chinh phục Scudetto của họ. Còn vấn đề chẳng thể ghi bàn liên tục thì sao? Lão tướng 35 tuổi đã có những đóng góp “bù đắp” khác.
Đương nhiên, khi nói về Giroud, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến sự khôn ngoan và tinh tế được tiền đạo người Pháp thể hiện qua những tình huống di chuyển không bóng tạo khoảng trống cho đồng đội, hay trở thành một mắt xích liên kết lối chơi…
…và thậm chí còn có cả những đường chuyền tạo cơ hội đầy chất nghệ (Giroud được Statsbomb ghi nhận đã thực hiện trung bình 1 đường chuyền dẫn tới những cú dứt điểm mỗi 90 phút.)
Nhưng sau đây mới là phần đáng kinh ngạc nhất của Giroud ở mùa giải vừa qua khi nói đến những đóng góp ngoài việc ghi bàn.
Trong một mùa giải mà hệ thống 4-2-3-1 của HLV trưởng Pioli thiếu vắng khả năng sáng tạo của một số 10 thực thụ, bởi ban lãnh đạo chẳng thể mang một phương án thay thế nào về sau sự ra đi của Hakan Çalhanoğlu, phương pháp được nhà cầm quân người Italy và các học trò sử dụng để bù đắp cho nhược điểm đó chính là cố gắng tổ chức pressing tầm cao thật tốt để đoạt bóng càng gần khung thành đối thủ càng tốt, qua đó tạo nên các cơ hội ghi bàn có độ nguy hiểm cao. Theo thống kê từ Statsbomb, Milan chính là đội thực hiện pressing ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ với cường độ cao nhất tại Serie A (trung bình 41,7 lần mỗi 90 phút), còn theo dữ liệu từ Stats Perform, đoàn quân của Pioli chính là đội thu hồi được quyền kiểm soát bóng ở những khu vực trên cao nhiều nhất Serie A 2021-22, cũng như đứng đầu về số lần tạo ra được những cú dứt điểm từ chúng.
Tưởng chừng sự hiện diện của một ông già 35 tuổi trên hàng công sẽ là một gánh nặng khiến đấu pháp này trở nên kém hiệu quả, nhưng hóa ra Giroud lại có thừa nhiệt huyết và sung sức để góp công tăng cường sự hiệu quả cho nó. Theo ghi nhận từ Statsbomb, lão tướng người Pháp đã thực hiện đến 10,23 lần pressing ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ mỗi 90 phút, đứng trên 91% đồng nghiệp chơi cùng vị trí tại giải đấu; ngoài ra anh còn có trung bình 6,66 lần pressing ở khu vực giữa sân mỗi 90 phút – đứng trên 60% trung phong tại Serie A 2021-22.
Thậm chí có cả những tình huống tiền đạo 35 tuổi lao về cuối sân để hỗ trợ phòng ngự - được Statsbomb ghi nhận 1,09 lần pressing ở khu vực 1/3 cuối phần sân đội mình mỗi 90 phút.
Nguồn năng lượng ấy, sự nhiệt huyết ấy, tinh thần tận tâm ấy, được thể hiện qua những bước chạy của một lão tướng 35 tuổi – thật đáng kinh ngạc!
Bản đồ nhiệt thể hiện phạm vi hoạt động của Giroud – một trung phong 35 tuổi - ở Serie A 2021-22
Ví dụ minh họa tiêu biểu nhất cho sự nhiệt huyết và tinh thần tận tâm cao đáng nể của Giroud chính là màn trình diễn của anh trước Napoli ở vòng đấu 28.
Trong 68 phút có mặt trên sân, ngôi sao người Pháp đã liên tục quăng cơ thể mình vào những pha tranh chấp ngay cả sau khi ống chân trái của anh bị đinh trên giày của Kalidou Koulibaly gây nên một vết thương kinh dị. Khi tiếng còi kết thúc hiệp một cất lên, anh đã nằm bẹp trên sân trong khi các cầu thủ khác tiến về đường hầm.
Nhưng trong bối cảnh Milan vừa mới trải qua 2 trận hòa tai hại khiến ngôi đầu bảng bị lung lay dữ dội trước sự bám đuổi quyết liệt của Inter, và Ibrahimovic chỉ vừa mới trở lại băng ghế dự bị sau chuỗi 4 trận liên tiếp không thể góp mặt vì gặp vấn đề với gân Achilles, Giroud không cho phép mình gục ngã dù có đau đớn đến thế nào đi chăng nữa. Anh đã đứng dậy, tiếp tục chiến đấu và trở thành người định đoạt kết cục của trận đấu – chiến thắng thuộc về Milan với tỷ số 1-0, và các CĐV đã hô vang tên anh rất lâu.
Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm 2022, một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Maldini và Massara chính là đưa về Milan một trung phong trẻ khỏe và sở hữu khả năng săn bàn chất lượng cao, bởi vì đặt niềm tin vào Marko Lazetić (mới 18 tuổi) tại thời điểm này vẫn là quá sớm, Ibrahimovic chưa chắc đã gia hạn hợp đồng với Milan, mà nếu có gia hạn thì cái tuổi 40 (sẽ bước sang 41 vào tháng 10) chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều trở ngại – tình trạng chật vật với những chấn thương của tiền đạo người Thụy Điển trong 2 mùa giải qua chính là minh chứng, còn Giroud sẽ bước sang tuổi 36 vào tháng 9.
Nếu mục tiêu tuyển dụng đó của Rossoneri được thực hiện thành công, có lẽ Giroud sẽ một lần nữa trở lại với phận kép phụ, liệu khi ấy anh sẽ phản ứng như thế nào? Câu trả lời vốn đã được anh đưa ra từ sớm.
Sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu tại Stadio Diego Armando Maradona cất lên, một phóng viên từ Dazn đã đặt câu hỏi: “Anh giống với Zlatan: Anh đưa ra những chỉ dẫn cho các đồng đội quanh mình, anh khuyến khích và thúc đẩy họ. Vậy giờ đây, khi anh ấy đã trở lại, ai sẽ là người đá chính?” Giroud phồng má, nhún vai trước khi đáp lại: “Tôi không bận tâm về chuyện ai sẽ được đá chính. Trở thành một người anh lớn của các cầu thủ trẻ cũng là một nhiệm vụ của tôi.”
Luôn tận tâm và hết mình với những cơ hội được trao, mọi nhiệm vụ mà bản thân đảm nhận, không quan trọng bản thân là kép chính hay kép phụ, không quan tâm người đời có những nhận xét sai lầm thế nào về mình, lợi ích của đội bóng là trên hết – một “cầu thủ của tập thể” thượng hạng, chẳng phải đó là hình ảnh mà Giroud đã luôn thể hiện ở mọi đội bóng mà anh khoác áo hay sao?
“Chẳng có ai được tất cả mọi người khen ngợi và luôn được tôn trọng cả. Đó là một phần của bóng đá, một phần của cuộc chơi. Đôi khi mọi người muốn thấy những cầu thủ khác được ra sân thay vì là tôi, đôi khi tôi bị đánh giá thấp hơn giá trị thực, nhưng chẳng sao cả. Miễn là tôi làm việc hiệu quả cho CLB, cho ĐTQG và khiến gia đình tự hào, vậy là đủ,” đó là những lời bộc bạch của anh trước truyền thông trong một cuộc phỏng vấn thời còn chơi cho Chelsea.
Mùa giải tới, với tuổi đời lớn thêm một (36), sự kỳ vọng về Giroud dĩ nhiên sẽ càng xuống thấp, những e ngại sẽ càng tăng cao, nhưng cũng đừng bất ngờ nếu lão tướng người Pháp tiếp tục tạo nên những dấu ấn đáng nể với năng lực, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của… một cầu thủ trẻ, tiếp tục củng cố vị thế của bản thân trong một tập thể đầy tham vọng thay vì trở thành một “sóng trước” bị xô đổ bởi “sóng sau” – bởi sự xuất hiện của một gã trai chơi trung phong trẻ trung, sung sức và hào nhoáng hơn.
Sau những tháng ngày vỡ mộng tại kinh đô thời trang Milan hoa lệ, cuối cùng thì Charles De Ketelaere đã có thể tìm lại chính mình ở Atalanta, một đội bóng dù nhỏ nhưng lại đang mơ những giấc mơ lớn nhất trên hành trình chinh phục bóng đá Ý và châu Âu.
Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.
Luis Diaz sẽ kỷ niệm ba năm khoác áo Liverpool vào tháng tới và màn trình diễn của tiền đạo người Colombia vào cuối tuần qua là lời nhắc nhở kịp thời rằng, anh LUÔN là nhân tố quan trọng đối với The Kop.
Trước khi nhập tịch thành công và khoác áo ĐTQG, Nguyễn Xuân Son nhận phản ứng trái chiều của người hâm mộ; song, anh đang nỗ lực hết mình để giành được cảm tình của những người từng không ủng hộ mình.