Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Guardian, nhà cầm quân huyền thoại Sir Alex Ferguson và con trai Jason đã có những chia sẻ về bệnh xuất huyết não từng khiến ông thập tử nhất sinh; bộ phim tài liệu mà họ vừa thực hiện; sự nghiệp bóng đá – cả trong tư cách cầu thủ và huấn luyện viên – ở Scotland; những thăng trầm ở Manchester United; sự ngưỡng mộ mà ông dành cho Steven Gerrard … cũng như trận chung kết Champions League diễn ra vào năm 1999.
Ảnh: Sean Pollock
“CON KIỂM TRA TRÍ NHỚ CỦA BỐ SAO?”
“Bạn nằm trên giường và chỉ có một mình,” Sir Alex Ferguson nhớ về thời điểm ông phải nhập viện cách đây 3 năm, vì bị xuất huyết não, ông đã rất cận kề cái chết. “Bạn có thể sẽ cảm thấy rất cô đơn và sợ hãi,” vị huấn luyện viên vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Anh tiếp tục kể khi hồi tưởng lại những ký ức đó.
Ferguson và tôi (nhà báo Donald McRae - BTV) vừa bắt đầu một cuộc phỏng vấn được định hình bởi rất nhiều những hồi ức. Những ký ức về các nhà máy đóng tàu ghê sợ ở Glasgow và cuộc sống đầy màu sắc của ông khi còn là một cậu bé ở Govan đã ùa về trong suy nghĩ của danh nhân người Scotland.
Ông hồi tưởng lại nỗi đau và tình trạng chia bè kết phái mà mình đã phải trải qua ở Rangers, ngọn lửa và sự biến đổi mà ông đã tạo ra ở Aberdeen, cũng như khoảng thời gian đầu đầy sóng gió và thành công kéo dài trong 27 năm của ông ở Manchester United. Những ký ức về bố của ông, người mà ông đã có những rạn nứt trầm trọng trong mối quan hệ cho đến khi bóng đá hàn gắn họ, rồi sau đó là tất cả những gì mà người vợ Cathy đã làm cho ông.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi còn có sự tham gia của con trai ông, Jason, người đã thực hiện một bộ phim tài liệu cảm động và hấp dẫn về cuộc đời của Sir Alex Ferguson. Jason sẽ mô tả những chi tiết gây rùng mình của thứ Bảy ngày 5 tháng 5 năm 2018, nhưng trước tiên, chúng tôi đang nghe về nỗi sợ hãi “kinh hoàng” của Ferguson cùng chuyện ông có thể mất trí nhớ và giọng nói.
“Tôi lo lắng kinh khủng,” Ông tâm sự. “Nó xảy ra khi tôi bị mất giọng nói sau ca phẫu thuật. Đây là điều đáng sợ nhất. Tôi biết mình vẫn còn sống, nhưng trong thâm tâm, tôi đã bắt đầu nghĩ: ‘Liệu họ có đang nói thật với mình không?’ Cuộc phẫu thuật đã thành công nhưng bạn đang đắm chìm trong nỗi cô đơn đó. Bạn có thể cảm thấy rất sợ hãi. Khi mất đi giọng nói, tôi đã nghĩ: ‘Họ chưa bao giờ nói với mình chuyện này có thể xảy ra.’”
Ferguson đã không thể nói trong 10 ngày. Đương nhiên ông đã cảm thấy lo sợ rằng mình sẽ bị câm vĩnh viễn, nhưng việc mất trí nhớ thậm chí còn kinh khủng hơn. Bộ phim tài liệu mở đầu với cảnh một ông lão 79 tuổi trông có vẻ sửng sốt khi cậu con trai yêu cầu ông trả lời một câu đố “Một câu đố ư?” Ferguson nói. “Kiểm … kiểm tra trí nhớ của bố sao?”
Sau khi xác nhận tên con phố mà ông được sinh ra và ngày ông kết hôn với vợ mình, Ferguson trông rất tự tin khi được hỏi ai là người đã ghi bàn thắng đầu tiên trong nhiệm kỳ cầm quân của ông ở Manchester United.
“John Sivebæk,” ông trả lời một cách chắc nịch khi nhớ lại pha lập công giúp Quỷ Đỏ giành chiến thắng QPR của hậu vệ cánh người Đan Mạch vào ngày 22 tháng 11 năm 1986. Ông kể về sinh nhật của những cậu con trai của mình và mỉm cười khi được yêu cầu nêu tên công ty lữ hành mà Aberdeen đã sử dụng trong quãng thời gian họ làm rung chuyển bóng đá Scotland và châu Âu từ năm 1978 đến 1986. “Harry Hines,” Ông nói, đi kèm với đó là tiếng cười. “Harry ‘tệ hại’ Hines.”
“Bố có nhớ gì về thứ Bảy ngày 5 tháng 5 năm 2018 không?” Con trai ông hỏi thêm. Đã có một khoảng thời gian im lặng dài. “Chẳng có gì cả,” Ferguson nói.
Một cuộc phỏng vấn với Ferguson là chuyện cực kỳ hiếm và nó đi kèm với một quy tắc. Ông sẽ không trả lời những câu hỏi về Manchester United của hiện tại, về nhà Glazer hay Ed Woodward, hoặc bất cứ điều gì về dự án European Super League đã bị hủy bỏ mà ông từng lên tiếng phản đối vì coi nó là một sai lầm khủng khiếp.
Tôi vẫn cố khai thác những chủ đề trên, nhưng việc không có bất kỳ rào cản nào chống lại những “tội lỗi” trong bóng đá đương đại đã đưa chúng tôi đào sâu hơn về quá khứ. “Trong tư cách một nhà cầm quân, tôi dựa vào trí nhớ của mình,” Ferguson chia sẻ. “Anh thấy đấy, trong các trận đấu ngày nay có nhiều huấn luyện viên trưởng liên tục ghi chép trong suốt cả trận.
Tôi chưa bao giờ làm điều đó cả. Tôi luôn dựa vào trí nhớ của mình và khi tôi bước vào phòng thay đồ, nó lúc nào cũng rất hữu ích đối với tôi. Tôi không thể hiểu nổi tại sao một huấn luyện viên trưởng lại ghi chú trong suốt trận đấu. Cúi đầu xuống để cặm cụi viết lách và bỏ lỡ một bàn thắng ư?”
Sir Alex Ferguson và con trai của mình, Jason Ferguson. Ảnh: Sean Pollock
Ông và Jason đã bắt đầu thực hiện một loạt các cuộc phỏng vấn audio vào năm 2016 và họ đã dành 18 tháng để tái hiện lại cuộc đời của Ferguson. Jason đã nhận được sự hỗ trợ từ Andrew Macdonald, người đã sản xuất “Trainspotting” và nhiều bộ phim truyện khác nhau, ngoài ra còn có cả John Battsek, một nhân vật có thành tích rất đáng nể với nhiều phim tài liệu xuất sắc.
“Thật kỳ lạ,” Jason nói, “John và Andrew đã thực hiện một cuộc gọi để đề nghị rằng tôi nên làm đạo diễn cho nó. Chuyện này khiến tôi rất bất ngờ. Tôi đã cảm thấy lo lắng bởi sự thật rằng đây là một việc lớn và tôi chưa từng làm phim trước đây. Tôi đã trả lời rằng mình cần 24 giờ để suy nghĩ về chuyện này, sau đó gọi lại cho họ vào đêm hôm sau và nói: ‘Tôi sẵn sàng rồi đây.’ Tôi bắt đầu vạch ra bản phát thảo đầu tiên về những gì cần làm và đi ngủ vào lúc 1h30 sáng. Khoảng 6h30, điện thoại reo. Đó là mẹ tôi, mẹ nói rằng bố đã bị ngã.”
Trong phim, chúng ta sẽ được nghe thấy một đoạn ghi âm Jason đang gọi cho 911. “Bệnh nhân có đang thở không?” đầu dây bên kia hỏi. Anh trả lời “có”, nhưng bảo với tổng đài viên: “Ông ấy đang không ổn chút nào.”
Có một sự do dự thể hiện rất rõ ràng khi anh được hỏi về tên của bố mình. Sau đó, với một giọng nói khó nhọc, Jason trả lời: “Alexander Ferguson.”
Phải chăng việc do dự một lúc lâu và hành động đọc tên đầy đủ của bố mình một cách kỳ lạ, đồng nghĩa rằng Jason đang cố bảo vệ quyền riêng tư của họ trong một tình cảnh nguy kịch? “Cách xử lý đó khá khôn ngoan, và đây là lý do duy nhất mà tôi có thể đưa ra cho chuyện này. Tôi chưa bao giờ gọi ông ấy là Alexander Ferguson trước đây cả. Việc đó không nhằm ‘phủ nhận’ Sir Alex Ferguson, nhưng chúng tôi cần phải giữ kín chuyện này lâu hơn một chút.”
Jason nhớ lại “máy móc và dây điện ở khắp mọi nơi tại Salford Royal. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng để phẫu thuật cho ông ấy ở Macclesfield. Sau đó, hai bác sĩ phẫu thuật thần kinh ra hiệu cho tôi đến một căn phòng ở bên cạnh và suy nghĩ của tôi khi đó đại khái là: ‘Thôi xong rồi.’ Họ bảo: ‘Nghe này, ông ấy đã 76 tuổi và đã bị chảy máu nghiêm trọng ở não. Hãy chuẩn bị tinh thần cho trường hợp tệ nhất.”
Anh được thông báo rằng cơ hội sống của bố mình chỉ còn 20%. Nhưng Ferguson, từ thời niên thiếu ở Govan cho đến khi thống trị bóng đá Anh, đã luôn là một chiến binh. Ông đã vượt qua cuộc phẫu thuật thành công, nhưng vẫn ôm đầu và nói: ‘Tôi hy vọng không có gì sai sót trong trí nhớ của mình. Tốt hơn hết là đừng có gì sai sót.”
Ông bắt đầu lẩm nhẩm một từ hết lần này đến lần khác: “Nhớ lại nào … nhớ lại … nhớ lại …”
Ferguson lắc đầu và mỉm cười. “Nhưng nhà trị liệu ngôn ngữ nói đã đến mỗi ngày và cô ấy thật tài giỏi. Cô ấy yêu cầu tôi viết ra tên của tất cả các thành viên trong gia đình và các cầu thủ tôi dẫn dắt. Sau đó, cô ấy bắt đầu đưa tôi đến chủ đề về các loài động vật, cá và chim, để xem liệu tôi có thể nhớ tên chúng không. Dần dần, giọng nói của tôi đã trở lại. Nhưng điều quan trọng hơn là trí nhớ của tôi vẫn ổn. Cô ấy yêu cầu tôi viết những lá thư. Tôi đã viết một bức thư cho Cathy, vào lúc ấy, đó là những nét chữ nguệch ngoạc.”
Jason hồi tưởng: “Ông ấy đã viết thư cho mẹ tôi, cho tôi, các anh em của tôi và tất cả mấy đứa cháu. Về cơ bản, chúng là những lá thư tạm biệt.”
Ferguson đã dần hồi phục, nhưng ông nghiêng người về phía trước khi tôi hỏi đã phải mất bao lâu ông mới cảm thấy bình thường trở lại? “Tôi đã không được phép uống dù chỉ một ly rượu trong 9 tháng,” ông trả lời với một giọng càu nhàu đáng yêu của người già. “Thật khó mà chịu đựng nổi.”
GLASGOW - NƠI KHỞI NGUỒN
Glasgow vẫn là nền tảng của cuộc đời Ferguson, và của bộ phim tài liệu, trong đó có những thước phim về các xưởng tàu mà bố ông từng làm việc. Chúng tôi đã đến với gốc góc Glasgow của ông, cũng như chuyện ông và bố mình đã cạch mặt nhau từ năm 1961 đến 1963. Hồi đó Ferguson chơi cho St Johnstone. Ong chia sẻ: “Bố tôi đã vạch ra một kế hoạch cho sự nghiệp bóng đá của tôi, và tôi đã chống đối nó. Chuyện này đã tạo nên một hố sâu ngăn cách giữa chúng tôi.”
Vào thời điểm ấy, Ferguson “đã chệch hướng một chút” và, bởi vì không phải lúc nào cũng được ra sân cho đội một, ông đã bắt đầu chơi bời vào các buổi tối thứ Sáu. Khi bố yêu cầu ông phải kỷ luật hơn, Alex Ferguson đã cãi lại. Lúc đó ông chỉ đang chơi cho đội dự bị. Bố ông đã nổi giận. “Thích làm gì thì làm, tùy mày!” bố ông nói. Ferguson đã vào thị trấn, say sỉn và cuối cùng phải ngồi tù cả một đêm. “Tôi đã muốn từ bỏ. Chuyện bóng đá của tôi đang chẳng đi đến đâu cả,” ông thừa nhận.
Vào thời điểm gần cuối giai đoạn ảm đạm đó, Ferguson đã cố trốn khỏi một trận đấu khác của đội dự bị. Ông đã xúi bạn gái của anh trai mình gọi điện cho huấn luyện viên trưởng, giả vờ mình là mẹ của ông và nói rằng ông đã bị ốm. Huấn luyện viên trưởng của St Johnstone đã nhìn thấu được chiêu trò này và liên hệ với mẹ của Ferguson khiến bà“nổi khùng”.
Alex Ferguson (trái) trong màu áo Rangers thi đấu ở trận derby với Celtic. Ảnh: Colorsport
Ferguson hồi tưởng với sự thích thú: “Chuyện đó diễn ra vào hôm thứ Sáu trước trận đấu. Chúng tôi không có phòng tắm trong nhà, chỉ có một toilet bên trong, vậy nên tôi đã đi tắm chung với đám bạn và trở về nhà lúc bảy giờ. Tôi có thể thấy rõ mẹ tôi đang bốc khói nghi ngút và bà ấy phát điên lên: ‘Mày gọi cho huấn luyện viên và xin lỗi ông ấy ngay lập tức.’ Tôi luôn nhớ số điện thoại của ông ấy: Stanley 269. Tôi lấy khăn che điện thoại lại để giọng mình nghe giống như đang thực sự bị cúm. Ông ấy đã hoàn toàn nhìn thấu tôi. Ông ấy nói: ‘Cậu sẽ ra sân trong trận đấu với Rangers ở Ibrox vào ngày mai. Vài cầu thủ trong đội đã chấn thương rồi.”
Ferguson dựa hẳn ra ghế và mỉm cười: “Tôi đã lập một cú hattrick, đó là một sự kiện đã thay đổi cuộc đời tôi.”
Nó cũng đã giúp hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ của ông với bố mình. “Tôi về nhà vào tối hôm đó và chỉ phải đi vài trăm yard là về tới nhà từ Ibrox. Mẹ tỏ ra rất hào hứng và bố tôi đang ngồi bên lò sưởi với cuốn sách của mình như thường lệ. Ông ấy lúc nào cũng đọc sách cả. Mẹ bảo: ‘Có gì muốn nói với bố con không.’ Tôi nói: ‘Bố nghĩ thế nào?’ Ông ấy đáp: ‘Ngon lành đấy.’”
Ferguson cười lớn. Thái độ lạnh nhạt rất dễ hiểu ban đầu của người bố đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự nhiệt tình. Hai bố con đã hòa giải. “Chúng tôi đã trở lại với nhau.”
Ferguson đã được ký hợp đồng với Rangers, câu lạc bộ mà ông đã tôn sùng từ khi còn là một cậu bé, và trở thành cầu thủ bóng đá đắt giá nhất ở Scotland. Nhưng hai năm của ông ở Rangers, từ năm 1967-1969, đã trở nên rất tồi tệ bởi tình trạng chia bè kết phái và Jason nhấn mạnh rằng trải nghiệm thảm họa này đã làm tổn thương và thúc đầy bố của anh. “Tôi hiểu ông ấy tự hào đến thế nào khi được khoác áo Rangers, và nỗi buồn mà ông ấy cảm thấy bởi cái cách mối duyên đó kết thúc – sau một thất bại trong một trận chung kết tranh cúp, và ông ấy đã bị biến thành một ‘vật tế thần’. Trải nghiệm này đã trở thành động lực của ông ấy.”
Ferguson đã sớm được một giám đốc của Rangers hỏi rằng liệu cuộc hôn nhân của ông và Cathy có được tổ chức trong một nhà thờ Công giáo hay không. Khi nghe câu trả lời rằng nó được tổ chức tại một phòng hộ tịch, vị giám đốc mù quáng kia đã tỏ ra thông cảm – nhưng Ferguson vẫn cảm thấy tức giận. “Tôi đã khiến vợ mình buồn khi ông ta hỏi tôi câu đó. Lẽ ra tôi phải bảo ông ta không cần quan tâm đến chuyện này. Cathy là một tín đồ Công giáo sùng đạo, còn tôi theo đạo Tin Lành. Kết hôn tại một phòng hộ tịch là một việc rất giản dị và chẳng có gì sai. Nhưng đáng lẽ tôi nên tỏ ra cứng rắn vì bà ấy.”
“Các cầu thủ rất tuyệt vời bởi vì họ không quan tâm đến những chuyện như thế. Vì vậy, đã có một cảm giác rất đau đớn khi Rangers quyết định đẩy tôi ra đi. Trong 4 tháng, tôi đã không hề được ra sân dù chỉ một lần. Tôi thường xuyên phải luyện tập một mình và sau đó được chuyển nhượng đến Falkirk. Nhưng khi khoác áo một câu lạc bộ như Rangers, ở đó có những kỳ vọng và trách nhiệm đối với các tiêu chuẩn mà họ đã đặt ra hàng trăm năm. Tôi đã sử dụng những kinh nghiệm mà mình có được tại đây rất nhiều lần trong sự nghiệp cầm quân. Tôi hiểu rõ ý nghĩa của việc sống theo những kỳ vọng.”
Liệu Ferguson nghĩ gì về năng lực của Steven Gerrard trong tư cách huấn luyện viên trưởng của Rangers khi anh giúp đội bóng giành chức vô địch quốc gia Scotland, nửa thế kỷ sau quãng thời gian Sir Alex còn ở đội bóng? “Ồ, cậu ấy đã thể hiện rất tuyệt vời. Cậu ấy thực sự tài giỏi ở cả trong và ngoài sân cỏ. Một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông cũng có thể khiến anh mất việc khi làm công tác quản lý. Nhưng các cuộc họp báo của Steven thật xuất sắc. Cậu ấy có một cái đầu lạnh, sự điềm tĩnh, và đưa ra những câu trả lời hợp lý. Cậu ấy thực sự quá tuyệt, bởi vì đó là cả một nghệ thuật.”
SÓNG GIÓ Ở MANCHESTER
Ferguson đã trở thành huấn luyện viên trưởng của Manchester United vào tháng 11 năm 1986, và bộ phim tài liệu cũng đề cập đến quãng thời gian đầy sóng gió trong 3 năm đầu tại câu lạc bộ mà giờ đây đang cực kỳ tôn kính ông. Gia đình của Ferguson cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Jason thừa nhận rằng “tất cả mọi thứ đều lớn hơn (so với Aberdeen, CLB mà ông dẫn dắt trước đó). Câu lạc bộ, sân vận động, truyền thông. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một đội bóng do bố dẫn dắt liên tục thua, và ảnh hưởng mà tình trạng đó tạo nên khiến mọi người khó mà chịu đựng nổi.” Anh và người anh em sinh đôi Darren, cùng anh trai của họ, Mark, đã cùng nhau vào bếp để gặp Ferguson. Mark nói với bố mình: ‘Mọi thứ đang không ổn. Bố sẽ không thể nào thành công ở đây. Chuyện này đang khiến chúng ta chết dần chết mòn.”
"Tạm biệt Fergie", tấm biểu ngữ phản đối Ferguson trong quãng thời gian đầu ông dẫn dắt Manchester United. Ảnh: YouTube
Ferguson đã hứa với các con cùa ông, những người đều muốn cả nhà quay trở về Aberdeen, rằng ông sẽ xoay chuyển tình hình. Mark đã cảm thấy bố mình đang “nói dối”. Còn cậu bé Jason 16 tuổi khi ấy đã nghĩ gì? “Thật vô lý khi ông ấy có thể tự tin về một kết thúc có hậu vào thời điểm ấy.”
Hẳn là tình hình đã càng trở nên khó khăn hơn đối với Ferguson khi vợ ông, Cathy, cũng không cảm thấy hạnh phúc ở Manchester. “Tôi nhận thấy điều đó,” ông kể, “Nhưng chúng tôi đã có được những bước tiến tuyệt vời trong hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ. Matt Busby từng xây dựng lại câu lạc bộ (vào những năm 1950 và 1960) với những cầu thủ trẻ kiệt xuất. Tôi cũng muốn làm điều đó.
Mọi người thường có quan niệm rằng Manchester United gắn liền với những cầu thủ thượng hạng như (Cristiano) Ronaldo và (Roy) Keane. Nhưng linh hồn của câu lạc bộ vào thời mà tôi nắm quyền đã được tạo nên bởi các cầu thủ trẻ – Beckham, Giggs, Scholes, anh em nhà Neville. Tôi biết chúng tôi đang đi đúng hướng. Tôi chỉ cần thêm sự ủng hộ từ ban lãnh đạo mà thôi.”
Và cũng cần cả thời gian nữa, phải không? “Chắc chắn rồi. Nhưng có một nhóm cổ động viên đến sân tập hàng ngày khiến tôi cảm thấy thật sảng khoái. Có một người trong số đó là một cựu bưu tá, Norman Williamson. Ông ấy thực sự là một người hâm mộ cuồng nhiệt, và đã liên tục nói với tôi: ‘Cậu sẽ ổn thôi, con trai. Cậu đang làm những điều đúng đắn.’ Thật tuyệt khi có một người bạn đồng hành như ông ấy. Ông ấy và bạn bè của mình đều rất tuyệt vời.”
“Chúng tôi bắt đầu thường xuyên theo dõi đội trẻ và ban đầu chỉ có khoảng 50 khán giả – cha, chú và bạn bè của các cầu thủ. Sau đó, có hàng nghìn người đến xem bọn trẻ thi đấu vào sáng thứ Bảy và đến Old Trafford vào buổi chiều. Tôi đã đi đúng hướng. Tôi chỉ cần thêm một bước đột phá. Nhưng, trong cả tháng 12 năm 1989, chúng tôi đã không thể thắng một trận nào. Chúng tôi đã thua hoặc hòa mọi trận đấu. Sau đó, lễ bốc thăm vòng ba FA Cup diễn ra. Nottingham Forest, sân khách. Ôi lạy chúa! Họ được cho là đội bóng đấu cúp xuất sắc nhất đất nước dưới sự dẫn dắt của Brian Clough.”
“Chúng tôi đã đến đó và sử dụng một đội hình đầy ‘chắp vá’ vì đã có quá nhiều ca chấn thương. Nhưng anh biết ai đã giành chiến thắng không? Đó là các cổ động viên. Bầu không khí mà họ tạo nên thật khó tin. Ngay trong trận đấu, họ đã liên tục hô hào và thúc giục chúng tôi, cuối cùng chúng tôi đã giành chiến thắng. Trận thắng này đã thay đổi mọi thứ.”
Liệu Ferguson có nghi ngờ về chính bản thân mình trong những năm đầu dẫn dắt Man United? “Khi bạn thua một số trận đấu và các cổ động viên giương lên tấm biểu ngữ ‘Ba năm chỉ toàn xin lỗi và bào chữa, rồi rốt cuộc mọi thứ vẫn chẳng sáng sủa hơn. Cút đi Fergie’ vào năm 1989, bạn sẽ phải kiểm tra lại những gì mình đã làm. Tôi chắc chắn rằng các buổi tập đều ổn. Tôi nghĩ rằng sự tương tác của mình với các cầu thủ vẫn ổn. Chủ tịch tiếp tục nói rằng mọi thứ đều ổn. Bobby Charlton thường đến gặp tôi và nói: ‘Đừng lo, cậu sẽ ổn thôi.’
Có cả một hệ thống hỗ trợ nhiệt tình cho tôi nhưng cánh truyền thông thì chỉ muốn nói về những thứ tiêu cực. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ về một tay nhà báo đáng ghét từng làm việc cho tờ Sunday People. Khi chúng tôi giành được chức vô địch FA Cup vào năm 1990, hắn ta đã viết: ‘Ông đã chứng minh mình có thể giành được một chiếc cúp. Giờ thì cút về Scotland đi.’ Bạn không nên quá chú ý đến cánh truyền thông – cũng có một số người gọi tôi là một thiên tài vĩ đại. Phớt lờ họ đi.
Chức vô địch lịch sử của Manchester United. Ảnh: Getty Images
Tôi vẫn nhớ rõ trận đấu sân khách đầu tiên của mình trong tư cách một huấn luyện viên trưởng, vào năm 1974, khi dẫn dắt East Stirlingshire. Chúng tôi đã bị Albion Rovers đánh bại với tỷ số 5-2. Tôi về nhà vào đêm hôm đó và tự nói với bản thân: ‘Nếu mình không rèn luyện được tinh thần cứng rắn ở các cầu thủ, mình sẽ không bao giờ có thể trở thành một nhà cầm quân thực thụ.’ Đó là điều được ưu tiên trong mọi phương pháp quản lý của tôi – đảm bảo các cầu thủ có thể đương đầu với những căng thẳng và thách thức để trở thành một cầu thủ bóng đá hàng đầu. Tôi luôn cố giúp họ có được một tinh thần mạnh mẽ. Tôi đã rất may mắn.
Aberdeen có một số cầu thủ sở hữu tinh thần thép. Tại Man United, tất cả những cầu thủ giỏi nhất đều có tinh thần rất mạnh mẽ. Thành thật mà nói, Ronaldo là một chàng trai cực kỳ ‘cứng’. Cậu ấy luôn là một cầu thủ tuyệt vời bởi vì sở hữu một cái đầu lạnh (Ferguson vỗ vào đầu mình để minh họa). Eric Harrison, huấn luyện viên đội trẻ, cũng luôn cố khiến cho bọn trẻ trở nên thật cứng rắn. Ông ấy từng bảo: ‘Nếu mấy đứa không có tinh thần mạnh mẽ, đừng mơ đến chuyện được lên đội một của Man United.”
BỨC THƯ CẢM ƠN GỬI CATHY
Bộ phim tài liệu về Ferguson lên đến đoạn cao trào khi Man United giành cú ăn ba vào năm 1999, cùng với chiến tích ghi 2 bàn trong 3 phút cuối để đánh bại Bayern Munich với tỷ số 2-1 trong trận chung kết Champions League. Liệu vào cuối trận đấu đó, Ferguson có thực sự tin rằng Man United vẫn có thể giành chiến thắng? “Không có một chút cơ hội nào cả! Khi ấy tôi đang nghĩ về những gì mình sẽ nói với các cầu thủ sau khi trận đấu kết thúc: ‘Các cậu đã có một mùa giải tuyệt vời.’ Nhưng chúng tôi đã bất ngờ giành chiến thắng.”
Ferguson đã nói lại câu bình luận nổi tiếng của ông “Football? Bloody hell!” ngay sau đó và ca ngợi tinh thần phi thường mà đội bóng của ông sở hữu. Họ sẽ “không bao giờ bỏ cuộc” (Never give in). Đó cũng chính là tên của bộ phim tài liệu. Ferguson gật gù khi tôi nói rằng phần cảm động nhất của bộ phim đối với tôi là khi ông đọc bức thư mà mình viết trong bệnh viện cho Cathy, người bạn đời 55 năm của ông. Đó là một bức thư thể hiện lòng biết ơn mà ông dành cho bà và một chút hối tiếc vì đã dành quá nhiều thời gian cho công việc.
Sir Alex Ferguson và vợ mình, bà Cathy Ferguson. Ảnh: Getty Images
“Đó thực sự là một bức thư cảm ơn,” ông nói. “Bởi vì lúc ấy, tôi vẫn không chắc về những gì đang chờ mình ở phía trước (sống hoặc chết).” Jason đã chuyển chủ đề đến cảnh cuối cùng của bộ phim, sau khi Man United vừa đánh bại Bayern: “Trong 30 giây kể từ khi trọng tài thổi tiếng còi mãn cuộc, ông ấy đã nhìn lên. Ông ấy đang tìm mẹ tôi.”
Bố của anh, Ferguson vĩ đại, đã lại nhìn lên. “Tôi chỉ xem bộ phim sau khi nó được hoàn thành,” Ông chia sẻ. “Tôi chưa bao giờ tham gia vào quá trình sản xuất nó. Nhưng khi tôi xem nó lần đầu tiên, tôi đã khóc. Nó thực sự xúc động và tôi nghĩ Jason đã làm việc một cách tuyệt vời. Đó là một bộ phim về tôi.”
Nó có khiến ông cảm thấy tự hào về tất cả những gì mà mình đã làm được trong tư cách một nhà cầm quân? “Chắc chắn rồi. Nó khiến tôi hồi tưởng và nghĩ: ‘Chúa ơi, mình đã có một sự nghiệp thật tuyệt vời.’ Tôi đã rất may mắn.
Tôi đã đến Aberdeen vào đúng thời điểm, khi tôi còn trẻ trung, đầy nhiệt huyết, năng động và hiểu Aberdeen cần làm những gì để trở thành một đội bóng lớn. Họ phải đánh bại Rangers và Celtic. Thử thách thật đơn giản. Có hai đối thủ cần đánh bại, để giành lấy mọi danh hiệu ở Scotland. Khi tôi đến Manchester United, có một đối thủ cần đánh bại, Liverpool. Chỉ là 2 đội bóng và 2 thử thách nhỏ, một ở Scotland, một ở Anh. Một sự nghiệp tuyệt vời đã được tạo ra.”
Nguyễn Xuân Son đang tận hưởng thời khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của anh và chúng ta, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đang tận hưởng một trung phong có lẽ chưa từng có của ĐT Việt Nam.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?