Những người đàn ông đạp xe đến World Cup

Tác giả Fussballgott - Thứ Ba 09/06/2020 13:26(GMT+7)

Zalo

Từ Lille, Rüth đạp xe qua Calais rồi lên phà vượt eo biển Anh. Tại Dover, anh tiếp tục đạp xe đi qua London và Grantham đến Sheffield. Tổng cộng, Rüth đã vượt qua 1.050 km để đến đích. “Hôm đó trời mưa to lắm. Tôi ướt như chuột lột”. Một phóng viên địa phương nhìn thấy anh và xin phỏng vấn. Họ đang làm chuyên mục về những cổ động viên bóng đá kỳ lạ đến Anh xem World Cup.

Với rất nhiều người Argentina, Pedro Gatica là một huyền thoại của World Cup 1986. Mùa xuân năm 1986, người đàn ông 52 tuổi này quyết định thực hiện cuộc hành trình từ Buenos Aires đến Mexico City để ủng hộ đội tuyển Argentina, nhưng ông không chọn xe hơi hay tàu lửa để tiến về Bắc-Trung Mỹ, phương tiện Gatica chọn là xe đạp! Nếu tham khảo một số nguồn, bạn sẽ biết rằng chặng đường dài khoảng 7,390 km nhưng trên thực tế, không thể nào dùng xe đạp để hoàn thành lộ trình như vậy. Khi Gatica đến Mexico, ông tính được quãng đường đã vượt qua lên đến 20,000 km.
 
Điều thú vị nhất ở đây không chỉ ở sự kiên trì hay quyết tâm của Gatica mà còn ở khía cạnh quốc tịch. Rất có thể ông là người Argentina đầu tiên ‘hành hương’ đến sân khấu bóng đá lớn nhất thế giới bằng xe đạp - việc này trước kia thường gợi nhớ tới những cổ động viên người Đức. Hãy bắt đầu từ World Cup 1958 tại Thụy Điển. Hans Bäumer, 38 tuổi từ Hemer thuộc Sauerland, đã đạp xe đến đất nước Scandinavi cổ vũ đội tuyển. Đó vẫn không phải trường hợp duy nhất. Từ Wuppertal-Barmen, Johannes Hoffmann, một bưu tá trẻ hơn Bäumer 2 tuổi, cũng lầm lũi vượt qua hành trình dài 1,400 km để đến Malmo. Anh thực hiện hành trình này trong vòng 7 ngày nhưng do kỳ phép năm chỉ có 3 tuần, Hoffmann xem hết vòng bảng là phải quay xe về Đức, tiếp tục cổ vũ đội tuyển thông qua vô tuyến truyền hình.
 
Những người đàn ông đạp xe đến World Cup hình ảnh
Hans Bäumer nhỏ bé nhưng quả cảm và kiên trì
 
Hoffmann không hề phiền lòng. Trong một bối cảnh ít ngờ tới, ông đã lọt vào buổi họp báo công bố danh sách thi đấu của Die Mannschaft, bất ngờ đứng lên đề nghị ngôi sao đương thời Horst Szymaniak đừng rời bỏ màu áo Wuppertal SV. Càng bất ngờ hơn, Szymaniak thực sự đã hứa với Hoffmann. “Tất nhiên rồi, tôi sẽ ở lại”, ngôi sao của thập niên 1960 giữ lời hứa được một năm trước khi rời đi năm 1959.
 
Hoffmann táo bạo nhưng so về đam mê và ‘sự dại khờ’, Bäumer vẫn còn đứng trên một bậc: “World Cup 1954 tại Thụy Sỹ đã thúc đẩy tôi làm điều đó”. Ông thuộc nhóm những người đầu tiên đạp xe đi xem World Cup, hành trang không có gì ngoài chiếc xe đạp và một ít tiền. Bäumer cũng không có lựa chọn nào khác ngoài đi xe đạp, vì chi phí di chuyển bằng xe hơi hay xe lửa đều quá tầm với ông. 
 
Đến năm 1962, kế hoạch ban đầu của Bäumer là đạp xe từ Sauerland đến Bồ Đào Nha rồi đi tàu sang Nam Mỹ nhưng vừa tới Barcelona thì sự cố xảy ra. Ông bị kẻ gian đánh trộm toàn bộ tiền bạc và hành lý. “Tôi phải bấm bụng quay về Đức trong nỗi bực tức, nhưng rất may bà chị của tôi đã cho mượn 2,000 mark Đức để tôi tiếp tục kế hoạch. Cuối cùng tôi đã đến Santiago de Chile bằng máy bay”. Tất nhiên trong hành lý của ông không thể thiếu một chiếc xe đạp.
 
Người chị gái đáng mến của Bäumer không có con cái. Bản thân ông cũng sống đời đơn chiếc đến khi mất. Nhưng điều đáng buồn hơn là toàn bộ kỷ vật của ông đã không cánh mà bay. Năm 1970, tạp chí Kicker dành 2 trang để ca ngợi Bäumer như một trong những nhân vật đáng nhớ nhất lịch sử bóng đá Đức.
 
Bäumer dù không có nhiều tiền của nhưng được giới bóng đá Đức nể trọng bởi lòng đam mê thuần khiết của mình. Tại thời điểm diễn ra World Cup 1966, ông đã quen biết hầu hết những tuyển thủ Đức. Hầu hết thành viên của đội á quân World Cup đều khâm phục nguồn năng lượng bất tận từ người đàn ông cao chỉ 1,7 mét. Bäumer là một cổ động viên nhiệt thành của Borussia Dortmund, tất nhiên có quan hệ khắng khít với những cầu thủ BVB góp mặt ở đội tuyển 1966 như thủ thành Hans Tilkowski, ‘Sigi’ Held và Lothar Emmerich.
 
Cùng thời điểm đó, một người Đức khác cũng đạp xe đến Anh tham dự World Cup. Không thể làm quen với các tuyển thủ lừng lẫy nhưng bù lại anh tìm thấy người bạn tâm giao cả đời. Đó là chàng trai trẻ 18 tuổi tên Rainer Rüth. Có dư dả thời gian và tiền bạc hơn Hoffman năm 1958, anh mua vé theo gói, được phép xem tất cả những trận đấu của Đức ở vòng bảng và trận knock-out đầu tiên. Rüth đạp xe trong 8 ngày từ Hessen đến Sheffield, nơi tuyển Đức thi đấu trận mở màn gặp Thụy Sỹ vào 12/07.
 
“Tôi đã đạp xe đi qua Luxembourg, rồi Brusssels rồi Lille. Tôi xin ngủ trong chuồng gia súc của một nhà nông, nhưng thường sẽ tự dựng lều ngủ trên đồng cỏ không bóng người. Các trang trại đều cách xa nhau. Nhiều hôm khi tỉnh giấc tôi thấy từng đàn gia súc đang gặm cỏ nhìn mình”.
 
Từ Lille, Rüth đạp xe qua Calais rồi lên phà vượt eo biển Anh. Tại Dover, anh tiếp tục đạp xe đi qua London và Grantham đến Sheffield. Tổng cộng, Rüth đã vượt qua 1.050 km để đến đích. “Hôm đó trời mưa to lắm. Tôi ướt như chuột lột”. Một phóng viên địa phương nhìn thấy anh và xin phỏng vấn. Họ đang làm chuyên mục về những cổ động viên bóng đá kỳ lạ đến Anh xem World Cup. Có một người đã đi từ Thụy Sỹ đến Anh bằng xe hàng. (Tên anh ta là Emil Holliger, một người lau cửa sổ đi trong vòng 4 tuần và mòn hết 2 đôi giày).
 
Người phóng viên đã phỏng vấn Rüth có tên là Richard Redden. Anh ta nói được chút ít tiếng Đức. Khi Rüth hỏi rằng liệu có thể đi đâu để hong khô quần áo, Redden đã mời người khách lạ về nhà. Hành động tử tế đã khởi đầu cho một tình bạn khắng khít kéo dài hằng chục năm. Rüth về sau trở thành cha đỡ đầu của cô con gái của nhà Redden - hiện đã chuyển đến sống ở Frankfurt với 3 đứa con vì cả nhà đều cổ vũ Eintracht Frankfurt. Còn Rüth, ông cũng bổ sung Charlton Athletic, CLB quê nhà Redden, vào danh sách đội bóng ủng hộ trọn đời.
 
Hè 1966, Rüth đến miền bắc nước Anh và được chứng kiến những trận đấu kinh điển. “Bàn thắng mà Lothar Emmerich ghi vào lưới Tây Ban Nha từ góc cực hẹp: tôi phải thú thật mình không thể nhìn rõ quả bóng đã bay đi như thế nào. Nó xảy ra nhanh đến nỗi tôi sửng sốt khi thấy trọng tài chỉ tay vào chấm giữa sân”.
 
2 Nhung nguoi dan ong dap xe den World Cup1
Wembleytor gây tranh cãi cho đến tận ngày nay
 
Đến trận chung kết, Rüth  phải dùng tạm xe lửa vì quỹ thời gian hạn hẹp. “Chúng tôi ở vị trí thuận lợi để chứng kiến ‘Wembleytor’ (bàn thắng tranh cãi của Geoff Hurst vào lưới Tây Đức). Chỗ của chúng tôi là phần tiếp giáp giữa khán đài phía sau cầu môn với khán đài chính diện - ngay sau lưng trọng tài biên. Richard nói với tôi không có bàn thắng  vì quả bóng sau đó đã bật ra ngoài. Tôi cũng không chắc chắn lắm. Thực sự rất khó để xác định. Thứ duy nhất tôi có thể cam đoan là gã trọng tài biên không thể có góc nhìn tốt như chúng tôi được”.
 
Rainer Rüth trẻ trung và sung mãn vào năm 1966 còn bưu tá Jonannes Hoffmann đạp xe đi làm mỗi ngày; ngầu nhất là Hans Bäumer đạp xe tốt đến nỗi từng nuôi giấc mơ thi đấu chuyên nghiệp. Tất cả đều có nền tảng lý tưởng để đạp xe thực hiện ước mơ. Günter Behrend có một câu chuyện khác. Khi nuôi ý định đạp xe theo đội tuyển Đức tham dự World Cup, ông đã 44 tuổi!
 
“Ý tưởng bắt đầu khi tôi theo dõi đội tuyển ở World Cup 1986 ở Mexico. Tôi nói với vợ nếu Tây Đức không thể giành danh hiệu vô địch, tôi sẽ đạp xe đến World Cup lần tới”.
 
Tình trạng tài chính của Behrend không quá dư dả nhưng ông hoàn toàn có thể chi trả cho vé xe lửa hoặc máy bay để đến Italy. Lý do của ông đưa ra rất đơn giản: “Tôi đã 44 tuổi vào năm 1986, thực sự muốn làm được điều gì đó thật điên rồ”.
 
Behrend táo bạo nhưng không mạo hiểm. Ông dành thời gian rèn luyện khả năng đạp xe của mình trong 3 năm. Đến năm 1989, Behrend đã có thể vượt qua chặng đường 600 km để cổ vũ đội bóng ưa thích. Thật ngạc nhiên, một người phương bắc như Behrend đã không ủng hộ Hamburg SV hay St Pauli mà lại yêu Schalke ở tận vùng Ruhr xa xôi. “Tôi ủng hộ họ từ 1958, năm mà họ giành được chức vô địch Đức”. Không biết có phải do chuyến viếng thăm đặc biệt của Behrend hay không mà Schalke đã vượt qua thời điểm khó khăn để trụ hạng an tòan.
 
4 Nhung nguoi dan ong dap xe den World Cup1
Behrend-74 tuổi trước hành trình đạp xe đến Pháp xem Euro 2016
 
Behrend chưa từng nghĩ việc đạp xe sẽ giúp ông gặp được một trong những nhân vật quan trọng của thế giới – cũng hâm mộ Schalke – là Đức Giáo Hoàng John Paul II. Ông bắt đầu hành trình tham dự World Cup 1990 vào ngày 08/04, chưa đầy 4 tuần sau đã vượt qua đèo Brenner tiến vào Italy. Vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 48, 28/05, Behrend đã ở Milan, nơi các trận đấu của tuyển Đức diễn ra. Ông mang theo bên mình một hành lý đặc biệt: “Tôi muốn chuyến đi mang mục đích tốt đẹp (không chỉ là bóng đá) nên đã gây quỹ vì Trẻ em ung thư. Tôi mang theo 3 lá cờ bên mình”.
 
Những lá cờ mang màu đại diện vùng Schleswig-Holstein và in huy hiệu riêng của Behrends . Trên đường đi, ông đã xin chữ ký những cầu thủ nổi tiếng và quan chức bóng đá cấp cao để về sau đem bán đấu giá gây quỹ. “Silvio Berlusconi cũng đã ký tên. Tôi được tặng một quả bóng và những tấm ảnh chân dung của cầu thủ. Tất cả tôi đều đem đi bán đấu giá. Đó là giai đoạn huy hoàng của những người Hà Lan ở Milan”.
 
Chuyến đi còn đưa Behrend đến cuộc hội ngộ với Franz Beckenbauer, và đưa ông lên khán đài ngồi cạnh Uli Stein và Günter Eichberg trong trận đấu thứ hai gặp U.A.E. Nhưng kỷ niệm lớn nhất của chuyến đi thuộc là những khoảnh khắc ở tòa thánh Vatican. Được phóng viên Đức giới thiệu về mục đích tốt đẹp của chuyến đi, Đức Giáo Hoàng đã cho mời Behrend đến. “Tôi đã nói chuyện với Ngài trong 4 phút. Có một điểm chung khiến chúng tôi cùng cảm thấy phấn khích: Schalke!”.
 
Cuộc hành trình lấy đi của Behrend một khoản không nhỏ dù rằng ông đã chọn loại phương tiện rẻ nhất có thể. Là một người thợ thủ công có cửa hàng riêng, Behrend đã phải đóng cửa trong vài tháng để thực hiện kế hoạch. Cho đến World Cup 2018, ông và con ngựa sắt vẫn rong ruổi đi theo Die Mannschaft đến các giải đấu lớn. Dù vạch ra kế hoạch tỉ mỉ bao gồm cả xe hơi mở đường hộ tống đến Nga nhưng các bác sĩ đã khuyên người đàn ông 76 tuổi này nên dừng lại. 
 
Những trải nghiệm quá sức đẹp đẽ nhưng không chỉ có vị ngọt. Nguy hiểm luôn rình rập chung quanh những người đàn ông quả cảm của chúng ta. Năm 1994 ở Chicago, khi Behrend định rời khỏi quán bar để quay về khách sạn, một vị khách đã can ông lại: “Ở đây mỗi ngày đều có người bị bắn. Tốt nhất ông nên gọi taxi sẽ an toàn hơn”. 4 năm sau tại Pháp, suýt chút nữa ông chạm trán bọn hooligan nếu như không có một viên cảnh sát khuyên ông đi đường vòng. Khi nhìn lại, ông nhận ra mình đã thoát một trong sự cố nghiêm trọng nhất mà hooligan gây ra trong bóng đá hiện đại: sự cố Daniel Nivel!
 
Đó là chưa kể những rắc rối về giao thông. Năm 1966, Rüth suýt gặp rắc rối vì quên mất luật lái xe về tay trái của người Anh. Behrend thì gặp tai nạn đầu gối nghiêm trọng ở Mỹ năm 1994 đến nỗi phải hủy bỏ chuyến đi đến Toronto xem đội tuyển Canada. (Ông phải trở về Đức bằng máy bay. Chặng đi của Behrend được thực hiện bởi tàu chở hàng xuyên Đại Tây Dương).
 
Nhung nguoi dan ong dap xe den World Cup1
Cổ động viên của Mohamed Salah đã đạp xe từ Ai Cập đến Nga tham dự World Cup 2018
 
Pedro Gatica, người được nhắc đến đầu bài, biết rằng sự lơ đễnh có thể trả giá đắt ở Mexico. Khi vào sân Aztec mua vé, ông đã bị kẻ gian thuổng mất chiếc xe đạp.
 
Theo Uli Hess | 11Freunde
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

X
top-arrow