Một năm triều đại Joan Laporta: Ngổn ngang trăm bề

Tác giả Nam Khánh - Thứ Năm 07/04/2022 17:19(GMT+7)

Zalo

Phong độ tuyệt vời mà đoàn quân của Xavi đang thể hiện trên mọi đấu trường đã tạo nên cảm giác tình trạng thảm họa mà Joan Laporta phải kế thừa từ người tiền nhiệm Josep Maria Bartomeu đã được xoay chuyển hoàn toàn chỉ sau hơn 12 tháng kể từ khi ông chính thức bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch thứ hai của mình.

Một năm triều đại Joan Laporta: Ngổn ngang trăm bề
 
Nhưng thông điệp “Barca đã hồi sinh” sẽ là một tuyên bố quá sớm. 
 
Tuy đội bóng của Xavi đúng là đang trên đà đi lên, nhưng các vấn đề ngoài sân cỏ của CLB xứ Catalan vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. 
 
“Tất cả mọi người đang hạnh phúc vì toàn đội đang chơi tốt trở lại, vậy nên không có quá nhiều sự quan tâm đối với những gì đang diễn ra đằng sau hậu trường,” một cựu giám đốc của Barcelona bình luận. 
 
“Thật may mắn cho Laporta.”
 

TÙY CƠ ỨNG BIẾN THAY VÌ MỘT KẾ HOẠCH ĐƯỢC LẬP TRÌNH CHI TIẾT
 

Khi trở lại với chiếc ghế chủ tịch Barca, Laporta tuyên bố rằng ông đang phải giải cứu một CLB đã bị những người tiền nhiệm Bartomeu và Sandro Rosell đẩy đến tình trạng gần như một đống đổ nát. Chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử chủ yếu là nhờ vào việc một cộng đồng – hay còn được biết đến là các hội viên của CLB – muốn đưa Blaugrana trở lại với các giá trị truyền thống của nó. 
 
Trên sân cỏ, tình hình đã khởi sắc ngay lập tức, và chiến thắng trước Atletic Bilbao trong trận chung kết Copa del Rey diễn ra 1 tháng sau đó đã được ăn mừng hết sức hân hoan. 
 
Tuy nhiên, thực tại đã sớm quay lại tình trạng ảm đạm, và Barca đã kết thúc La Liga 2020-21 một cách đáng thất vọng.
 
Laporta từng chần chừ vì vẫn phân vân về chuyện nên hay không nên sa thải Ronald Koeman trước khi quyết định hậu thuẫn ông tiếp tục giữ ghế. Tương lai của Lionel Messi thì ngày càng mông lung hơn – ban đầu, Laporta từng khẳng định rằng sẽ làm mọi thứ để giữ chân “thần tài” người Argentina ở lại CLB, nhưng sau đó lại khiến tất cả mọi người (bao gồm chính Messi) sửng sốt khi tuyên bố điều đó là bất khả thi. 
 
Mùa giải 2021-22 cũng đã khởi đầu một cách tệ hại, và cuối cùng Laporta đã phải sa thải Koeman sau trận thua 1-0 trước Rayo Vallecano vào cuối tháng 10, khi Barcelona đứng thứ 9 trên BXH 20 đội của La Liga. 
Xavi – khi ấy đang theo nghiệp cầm quân ở Qatar – đã được chọn để thay thế HLV người Hà Lan, và dù cho người hâm mộ đã rất hưng phấn với sự trở lại của một nhân vật có mối liên kết chặt chẽ với những vị thuyền trưởng huyền thoại Pep Guardiola và Johan Cruyff, Barcelona vẫn không thể vượt qua vòng bảng Champions League, chỉ giành được 2 chiến thắng trong tổng 6 trận.
 
Nhiều thay đổi hơn đã tiếp tục diễn ra sau hậu trường. 
 
Xavi đã ngay lập tức thúc giục việc cải tổ mạnh mẽ bộ phận y tế và trinh sát của CLB. Mối liên hệ cuối cùng với triều đại Bartomeu đã bị cắt bỏ khi giám đốc chuyển nhượng Ramon Planes ra đi, và giám đốc bóng đá quốc tế Jordi Cruyff đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ của ông ta, hợp tác chặt chẽ cùng Xavi và giám đốc thể thao Mateu Alemany trong khâu tuyển dụng. 
 
Mặc dù không phải do Laporta chủ động tạo nên, nhưng bộ ba này đã phối hợp tốt với nhau và hoạt động rất hiệu quả. 
 
Bất chấp những khoản nợ khổng lồ và sự kiểm soát tài chính gắt gao của La Liga, họ đã tìm được cách ký hợp đồng với Ferran Torres, Adama Traore và Pierre-Emerick Aubameyang vào tháng 1. Những sự bổ sung cho sức mạnh tấn công này đã thúc đẩy các màn trình diễn của đội, tạo nên một chuỗi 14 trận bất bại ở La Liga và đưa họ lọt vào vòng tứ kết của Europa League. 

Mối quan hệ được hàn gắn giữa phòng thay đồ và ban lãnh đạo – vốn đã bị phá vỡ hoàn toàn vào cuối nhiệm kỳ của Bartomeu – là một thành tựu khác. 
 
Laporta thường xuyên có mặt quanh sân tập, trò chuyện với mọi người, ôm hôn các cầu thủ sau những chiến thắng. Mối liên kết với các thủ lĩnh của đội là Sergio Busquets và Gerard Pique cũng rất tốt và cực kỳ quan trọng. Tất cả mọi người – hoặc hầu hết mọi người – đều đang bước đi cùng một hướng.
 
Những căng thẳng vẫn còn đó, vì các vấn đề tài chính của CLB đã dẫn tới hệ quả là sự mông lung đối với nhiều bản hợp đồng cầu thủ và tương lai của họ.
 
Tình trạng này hiện lên rõ ràng nhất khi Laporta và Alemany cố buộc Ousmane Dembele ra đi vào tháng 1, nhưng Xavi đã đưa tiền đạo người Pháp trở lại đội hình thi đấu khi ông từ chối cúi đầu trước áp lực của họ. Sau đó, Dembele đã thể hiện phong độ tốt nhất trong 5 mùa giải của mình tại Barca, bao gồm 2 pha kiến tạo trong trận El Clasico mới đây.
 
Pha quay xe với trường hợp của Dembele và sự khởi sắc của anh chính là biểu tượng cho 12 tháng đầu tiên của triều đại Laporta.
 
Một năm triều đại Joan Laporta: Ngổn ngang trăm bề
 
Vị chủ tịch này đã không trở lại Barca với một chương trình chi tiết được định sẵn cho những gì mình sẽ làm. Thay vào đó, ông và ban lãnh đạo của mình đã giải quyết các vấn đề khi chúng phát sinh, và tùy cơ ứng biến với quyết tâm đưa CLB tiến lên phía trước. 
 
Cách hoạt động đó đã phát huy hiệu quả tích cực trên sân cỏ, nhưng liệu nó có thể đưa CLB thoát khỏi những vấn đề khổng lồ về tài chính và bộ máy điều hành đang diễn ra hay không thì vẫn còn phải chờ xem.
 

TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH


Tin tức đáng ngạc nhiên và đáng lo nhất gần đây liên quan đến mảng tài chính của Barcelona là La Liga đã thông báo rằng giới hạn lương được cho phép của họ trong nửa cuối mùa giải này thực sự là một con số âm (-144 triệu Euro). 
 
Ban lãnh đạo CLB và các giám đốc đã biết trước rằng thông báo này sẽ đến. Tuy nhiên, họ vẫn quyết định thực hiện những nước cờ mạo hiểm có tính toán vào tháng 1, khi ký hợp đồng với Torres, Aubameyang và Traore. Cả 3 cầu thủ này đều đồng ý ký vào các bản hợp đồng mà họ sẽ nhận lương / thưởng tương đối thấp, và sẽ được tăng lên trong tương lai. 
 
Các động thái tương tự cũng đã được thực hiện để cải thiện tình hình tài chính tổng thể của CLB. 
 
Một trong những động thái lớn đầu tiên của BLĐ hiện tại chính là tiếp tục đi vay tiền để trả nợ, thế chỗ các khoản nợ ngắn hạn bằng một thỏa thuận dài hạn mới trị giá 600 triệu euro với Goldman Sachs, có lãi suất thấp hơn. 
 
Họ cũng đã cắt giảm hơn 200 triệu euro trong hóa đơn tiền lương hàng năm của CLB, với những quyết định đình đám như để Lionel Messi ra đi khi hết hạn hợp đồng và cho Atletico Madrid mượn Antoine Griezmann. 
Các nguồn tin liên quan đến mảng tài chính được The Athletic dò hỏi khẳng định tất cả những động thái trên đều hợp lý, nhưng CLB vẫn cần phải tăng đáng kể thu nhập của mình để giữ cho “show diễn” của Laporta hoạt động trơn tru.
 
Câu trả lời chính cho thử thách này chính là phát triển Nou Camp, mặc dù điều đó đồng nghĩa với việc Barca phải gánh thêm nợ.
 
Joan Laporta
 
Laporta và Reverter đã tìm được sự đồng thuận từ các hội viên CLB vào tháng 10 để vay thêm 1,5 tỷ euro từ Goldman Sachs nhằm hoàn thành dự án “Espai Barca” đã được lên kế hoạch từ lâu. Trong dự án này, SVĐ và các khu vực xung quanh nó sẽ được đổi mới hoàn toàn, để tạo ra thu nhập cao hơn đáng kể, cả vào những ngày diễn ra các trận đấu lẫn thông qua những hoạt động khác – tiền kiếm được sau đó có thể được sử dụng để trả nợ.
 
Tuy nhiên, sớm nhất cũng phải đến mùa 2025-26 thì tiềm năng kiếm tiền của SVĐ được cải tạo này mới bắt đầu hoạt động. 
 
Trong ngắn hạn, các nguồn doanh thu khác chỉ cần giúp Barca hòa vốn, và đó là trước khi bạn có thể tính đến chuyện đưa về thêm một ngôi sao lớn, chẳng hạn như Erling Haaland. 
 
Vấn đề lớn nhất cần được giải quyết ở mùa giải này là một nhà tài trợ chính mới cho CLB. Cuối cùng cái tên được chọn là Spotify. 
 
Mặc dù không có chi tiết tài chính nào được công bố, nhưng các nguồn tin trong ngành cho biết thương vụ này trị giá 62,5 triệu Euro / năm trong 3 mùa giải tiếp theo. Trong đó bao gồm 57,5 triệu Euro cho việc quảng cáo trên áo đấu lẫn áo tập của các đội nam và nữ. Và 5 triệu Euro cho việc đặt tên SVĐ là Spotify Camp Nou. 
 
Bản hợp đồng này đương nhiên cũng phải được thông qua bởi một cuộc bỏ phiếu của các hội viên, và những nguồn tin từ CLB cho biết các hội viên tham gia bỏ phiếu cũng không biết về con số chính xác, do một thỏa thuận bảo mật với Spotify. 
 
Những nguồn tin trong ngành, bao gồm cả các cựu giám đốc điều hành của Barca, đều nhất trí về chuyện Spotify thực sự là một đối tác tốt với tư cách một thương hiệu trẻ, toàn cầu. Tuy nhiên, một số người cho rằng thật sai lầm khi bán cho họ quá nhiều quyền, bao gồm tên SVĐ và quảng cáo trên đồng phục, trong cùng một gói. Họ chỉ ra rằng Barca đã kiếm được hơn 70 triệu euro từ các nhà tài trợ trước đó là Rakuten, Stanley và Beko.
 
“Con số này thấp hơn nhiều so với những gì Barca có thể kiếm được,” một nguồn tin bình luận. “Họ chỉ ký vào bản hợp đồng đó vì đang cần tiền gấp.”
 
Các nguồn tin theo phe Laporta thì phản bác rằng Barcelona vẫn đang có Messi và nhiều siêu sao khác trong đội khi các bản hợp đồng trước được thống nhất, ngoài ra thì đại dịch cũng đã gây ảnh hưởng tiêu cực với các bản hợp đồng tài trợ ở những CLB khác. 
 
Theo các nguồn tin thân Laporta, một lợi ích khác của việc hợp tác với Spotify là nó sẽ mang lại những cơ hội kinh doanh mới – các buổi hòa nhạc tổ chức ở Nou Camp, quan hệ đối tác với các nghệ sĩ, tiếp cận nhiều người hâm mộ hơn trên khắp thế giới v.v… Trong khi nhiều người khác thì phản bác lập luận này bằng cách khẳng định rằng bất kể có tên của Spotify trên áo đấu hoặc SVĐ hay không thì CLB vẫn có thể tổ chức các buổi hòa nhạc. 

Một nguồn doanh thu lớn hơn có thể chảy vào túi Barcelona là phần ăn chia tiềm năng của họ trong thỏa thuận trị giá 2,7 tỷ euro được La Liga ký kết với công ty đầu tư CVC Partners.
 
Phần mà Barcelona được hưởng sẽ vào khoảng 270 triệu euro. 
 
Tuy nhiên, Laporta đã liên minh với người đồng cấp ở Real Madrid là Florentina Perez và chỉ trích quyết liệt các điều khoản của bản hợp đồng trên, sau đó thực hiện thêm những hành động pháp lý sau khi 37 trên 42 CLB bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch của chủ tịch La Liga Javier Tebas vào tháng 12. 
 
Dẫu vậy, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Barcelona và CVC đã diễn ra trong nhiều tháng và nhiều nguồn tin đã cho biết họ nghĩ rằng một thỏa thuận sẽ được công bố trong những tuần tới. Các nguồn tin trong ngành khẳng định rằng La Liga sẽ rất đắc chí nếu Barcelona thực sự bắt tay với CVC, đặc biệt là nếu điều đó có nghĩa là họ có thể mang một ngôi sao lớn khác đến với La Liga, chẳng hạn như Erling Haaland. 
 
Khi được hỏi liệu thương vụ với CVC có đáng để Barcelona chấp nhận những nhượng bộ mà họ từng một mực từ chối hay không, một hội viên là chuyên gia tài chính phân tích rằng số tiền tiềm năng không được coi là một khoản vay mà là một khoản rót vốn, và đã là ăn mày thì chẳng thể kén cá chọn canh.
 
“Cái giá cho việc kiếm tiền từ CVC rất đắt, nhưng Barca cần những nguồn doanh thu mới đặc biệt lớn ngay bây giờ, để nhờ đó họ không phải bán Ansu Fati hoặc một cầu thủ quan trọng khác,” nguồn tin trên cho biết.
Thời gian cũng đang đếm ngược đến những con số cuối cùng đối với kế hoạch bán một phần lớn cổ phần của Barca Studios.
 
Được thành lập dưới thời Bartomeu, Barca Studios có nhiệm vụ sản xuất nội dung nghe nhìn để sử dụng trên các kênh riêng của CLB hoặc bán cho các đài truyền hình trên toàn cầu. Bộ phận này là một phần quan trọng trong kế hoạch nâng cao doanh thu của CLB trong tương lai, bằng cách bán subscriptions và nội dung được cá nhân hóa cho hàng triệu fan Barca trên thế giới. 
 
Các nguồn tin của The Athletic cho biết 200 triệu euro là mức giá khởi điểm được đặt ra cho 49% cổ phần, và các cuộc đàm phán với một số công ty đầu tư đã diễn ra rất tích cực trên cơ sở đó. 
 
Nhưng tình hình đã thay đổi với việc giám đốc Paco Latorre của Barca Studios đã ra đi – được thông báo vài ngày sau trận El Clasico. “Điều đầu tiên mà một nhà đầu tư tìm kiếm trong những tình huống kiểu này là ai đang đứng đầu dự án. Vì vậy chuyện buôn bán sẽ trở nên khó khăn hơn,” một nguồn tin trong ngành bình luận. 
 
Giờ đây, thời điểm kết thúc kỳ kế toán vào ngày 30 tháng 6 sẽ có tầm quan trọng rất lớn, và nó đang đến rất gần. 
 
Để không bị thua lỗ nặng một lần nữa trong mùa giải này, CLB cần những nguồn thu nhập lớn bất thường từ CVC và Barca Studios. Thậm chí, họ có thể sẽ phải tiếp tục cắt giảm quỹ lương trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm nay.
 
Về lâu dài, họ cần nghiêm túc tăng thu nhập từ các nhà tài trợ, ngày thi đấu, SVĐ, cộng đồng người hâm mộ trên toàn cầu và mọi nguồn doanh thu tiềm năng để giúp CLB phát triển bền vững. 
 
Nhiệm vụ giải quyết các vấn đề tài chính của Barca sẽ là trọng tâm trong nhiệm kỳ chủ tịch này và cả nhiệm kỳ tiếp theo. 
 

KẾ HOẠCH NHÂN SỰ
 

Kế hoạch nhân sự cho mùa giải sau đang tiến triển tốt.
 
Xavi, Cruyff và Alemany đang phối hợp với nhau để xác định các mục tiêu và hoàn tất các thoả thuận, trong khi Laporta và các giám đốc của ông cũng theo dõi sát sao mọi thứ.
 
Nhiều nguồn tin cho biết trung vệ Andreas Christensen và hậu vệ đa năng Cesar Azpilicueta của Chelsea, tiền vệ Franck Kessie của AC Milan và hậu vệ phải Noussair Mazeaoui của Ajax đã đồng ý gia nhập Barca vào mùa hè năm nay theo dạng chuyển nhượng tự do. Ngoài ra trong danh sách bổ sung lực lượng còn có một hậu vệ trái mới và một tiền đạo hàng đầu.
 
Mục tiêu hàng đầu mà Blaugrana đang theo đuổi cho vai trò tay săn bàn là Haaland, và Laporta đã khẳng định trong nhiều tháng rằng mình sẽ “làm mọi thứ có thể” để ký hợp đồng với ngôi sao người Na Uy.
 
Erling Haaland đang chững lại, vì sao?
 
Haaland, bố của anh là Alf Inge và người đại diện Mino Raiola đã bay đến Barcelona và nói chuyện với Laporta vào năm ngoái. Xavi và Cruyff đã cùng đến Đức vào đầu tháng Ba để trình bày một kế hoạch.
 
Tất cả mọi người đều biết rằng nếu ký hợp đồng với Barca thì Haaland sẽ phải chấp nhận một mức lương và tiền thưởng thấp hơn nhiều so với những con số mà Manchester City và Real Madrid có thể đáp ứng ngay cho anh. Và thử thách tạo nên một bản hợp đồng tuân thủ đúng giới hạn lương của La Liga, cũng như thuyết phục được phía Haaland chấp nhận nó, sẽ là một bài test khác đối với khả năng sáng tạo ấn tượng của Alemany.
 
Vẫn còn tồn tại cảm giác rằng, trong khi Xavi, Cruyff và Alemany đang hoạt động rất xuất sắc, Barca vẫn cần một siêu sao có thể "”hô mưa gọi gió”, khuấy động sự phấn khích ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Đặc biệt, một cầu thủ như vậy sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tạo ra doanh thu để chi trả khoản vay dùng cho dự án tái phát triển Nou Camp.
 
Và chính Haaland là cái tên được mong chờ nhất, thay vì sự trở lại của một Lionel Messi sẽ bước sang tuổi 35 vào tháng 6 – theo một nguồn tin rất có tiếng nói trong lực lượng hội viên của Barcelona cho biết.
 
Trong khi đó, nhiều thành viên trong đội đang có tương lai rất mơ hồ, bao gồm những người sẽ hết hạn hợp đồng vào tháng 6 là Ousmane Dembele và Sergi Roberto.
 
Ngoài ra, các cuộc đàm phán với những cầu thủ trẻ chủ chốt như Ronald Araujo và Gavi để chốt hạ hợp đồng mới vẫn đang bế tắt, trong khi đó Laporta đã tuyên bố công khai rằng tình hình tài chính của CLB đang rất eo hẹp để thực hiện các động thái tăng lương. Vẫn có khả năng nhiều cầu thủ kỳ cựu hơn sẽ bị bán đi vào mùa hè này nếu các nguồn thu dự kiến khác không thành hiện thực.
 

KẾT LUẬN
 

Thông điệp “Barca đã hồi sinh” vẫn đang tiếp tục được tuyên truyền, như Laporta đã tuyên bố vào đầu tháng 1 trong buổi họp báo ra mắt của Ferran Torres. Pique cũng đã đăng tải thông điệp tương tự lên Twitter từ phòng thay đồ của Santiago Bernabeu sau chiến thắng trước Real Madrid.
 
Nhưng đằng sau hậu trường vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm, cũng như sự mơ hồ về việc bộ máy vận hành hiện tại có thể đưa CLB đi đúng hướng hay không.
 
Dù tình hình CLB có diễn ra theo hướng nào đi chăng nữa, tất cả mọi người đều sẽ biết ai là người phải chịu trách nhiệm, như một nguồn tin đã chỉ ra: “Chỉ có một người thực sự nắm quyền kiểm soát ở Barcelona, và đó là Joan Laporta.”
 
Theo Dermot Corrigan, The Athletic 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.

X
top-arrow