“Tại sao cậu ấy là một tiền vệ phòng ngự xuất sắc ư? Cậu ấy có thiên phú đặc biệt. Tôi từng dẫn dắt nhiều người ở vị trí đó. Họ có quyết tâm, có sự tập trung, có sự trưởng thành qua từng giai đoạn, nhưng cậu ấy dường như có mọi thứ đó từ lúc lọt lòng”.
Có bao giờ người hâm mộ Chelsea tự hỏi, liệu đâu là bước ngoặt biến đội bóng con cưng của họ trở thành một thực sự tại Premier League? Có lẽ mọi thứ bắt đầu thay đổi khoảnh khắc Jose Mourinho đặt chân xuống Stamford Bridge vào mùa hè 2004 với tuyên bố: “Tôi nghĩ mình là một người đặc biệt”. Và rồi như chúng ta đã biết, người đàn ông với biệt danh “The Special One” cùng với sự hậu thuẫn từ túi tiền không đáy của ông chủ Roman Abramovich, đã thay đổi Chelsea một cách ngoạn mục.
Từ một đội bóng có chất lượng trung bình, Chelsea chuyển mình trở thành đội bóng toàn diện bậc nhất ở mùa giải 2004/2005. Họ biến “binh đoàn bất bại” của Arsenal trở thành cựu vương với khoảng cách 12 điểm. Chelsea không ghi bàn giỏi như Arsenal, tuy nhiên sự khác biệt lại đến từ hàng phòng ngự khi The Blues chỉ để lọt lưới 15 bàn sau 38 vòng đấu.
Sự xuất hiện của Jose Mourinho đã thay đổi vị thế của Chelsea tại Premier League.
Mệnh đề “Chelsea ghi bàn, trận đấu kết thúc” cũng được ra đời từ đó, một phần như sự khen ngợi, một phần có hàm ý châm chọc sự thực dụng quá mức trong tư tưởng huấn luyện của Mourinho. Người ta đã quá quen lối chơi tấn công phóng thoáng của Man Utd và Arsenal, vậy nên không dễ gì người hâm mộ chấp nhận một Chelsea với lối đá phòng ngự phản công cực kỳ khó chịu.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng Mourinho nên thay đổi lối chơi hoặc ít nhất là đưa về Stamford Bridge một chân sút đẳng cấp nữa để chia lửa với Didier Drogba – tiền đạo trị giá 24 triệu bảng nhưng chỉ ghi 10 bàn thắng tại Premier League 2004/2005. Thay đổi lối chơi? Không bao giờ Mourinho làm vậy! Nhưng mệnh đề thứ hai thì có thể, tuy nhiên nó không diễn ra như cái cách mà nhiều người tượng tượng. Không mua thêm tiền đạo, Mourinho tiếp tục tăng cường chất thép cho khối đội hình đã vô cùng vững chắc của mình.
Cuối tháng 7/2005, Premier League nói lời chia tay với Patrick Vieira – tiền vệ trung tâm xuất sắc bậc nhất lịch sử giải đấu, chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi anh thực hiện quả penalty quyết định giúp Arsenal đánh bại đại kình địch Man Utd để lên ngôi tại FA Cup. Chỉ vài ngày sau đó, thành London cũng chào đón một tiền vệ trung tâm “máu chiến” chẳng kém gì Patrick Vieira. Tuy nhiên “bom tấn” này lại cập bến nửa xanh chứ không phải nửa đỏ thành London. Vieira rời Arsenal còn Michael Essien đến Chelsea, hai thương vụ tưởng chừng không liên quan đến nhau nhưng lại trở thành cột mốc cho cuộc đảo chiều sức mạnh tại thành London, khi Chelsea ngày càng thăng tiến vượt bậc còn Arsenal dần bước qua giai đoạn hoàng kim của mình.
Đây rõ ràng là một thương vụ khiến báo chí nước Anh tốn không ít giấy mực; từ điểm đến, yếu tố bất ngờ và đặc biệt là giá trị chuyển nhượng. Chẳng ai nghĩ rằng Mourinho sẽ mua thêm một tiền vệ có xu hướng phòng ngự giữa bối cảnh ông đang sở hữu nhiều cái tên chất lượng. Điển hình phải kể đến Claudio Makelele – “kẻ giết chết số 10” với khả năng đánh chặn siêu hạng và Geremi – tiền vệ dù chỉ mới 25 tuổi nhưng đã sở hữu khối danh hiệu đáng tự hào trước khi đến Chelsea, với 2 lần đăng quang Champions League cùng Real Madrid, 2 lần vô địch CAN cùng ĐT Cameroon.
Và tưởng chừng đã có thời điểm Essien sẽ chuyển đến đầu quân cho Man Utd theo lời khuyên của người đại diện. Nhưng chỉ một cuộc gọi đã thay đổi tất cả, như lời của cầu thủ người Ghana từng chia sẻ: “Trong quãng thời gian gắn bó với Lyon, tôi có một mối quan hệ rất tốt với Florent Malouda, nhưng không biết rằng cậu ấy cũng thân với Drogba chẳng kém. Một hôm, khi hai chúng tôi đang tổ chức ăn tiệc thì Drogba gọi đến. Và thế là Molouda đưa máy để tôi nói chuyện luôn. Drogba kể chuyện về cuộc sống tại London, về Chelsea và cả chuyện Mourinho rất muốn có tôi. Từ khoảnh khắc đó, ước mơ của tôi là được gia nhập Chelsea”.
Có được sự đồng thuận của Essien, không có nghĩa Chelsea sẽ dễ dàng thành công ở thương vụ này. Để thuyết phục Olympique Lyon bán đi Cầu thủ xuất sắc nhất Ligue 1 2004/2005, Chelsea đã phải chi ra 24,4 triệu bảng Anh, số tiền biến Essien trở thành tân binh đắt giá nhất Premier League mùa hè 2005. Thậm chí, đã có một thỏa thuận ngầm giữa hai bên, cho phép Lyon được ưu tiên mua Tiago Mendes từ chính Chelsea.
Essien là nhân tố không thể thay thế tại Lyon ở mùa giải 2004/2005.
Cũng dễ hiểu khi Essien là nhân tố quan trọng bậc nhất của Lyon trên hành trình đăng quang chức vô địch quốc nội, đồng thời lọt tới tứ kết Champions League. Không ai ở Lyon “cày ải” nhiều hơn Essien ở mùa giải năm đó. Các đồng đội gọi anh là “Bison”, tức là “Bò rừng”, để khen ngợi nền tảng thể lực sung mãn của Essien. Tổng cộng 4400 phút sau 50 lần ra sân, tức là trung bình 88 phút/trận! Đó là một thành tích đáng ngưỡng mộ với một cầu thủ mới hơn 20 tuổi. Không chỉ khỏe, giỏi càn lướt, Essien còn đóng góp tới 9 bàn thắng cho Lyon, trong đó có tới 5 bàn tại Champions League.
Ở thời điểm hiện tại, người ta đã quen với những thương vụ trị giá vài chục triệu bảng Anh, nhưng vào năm 2005, lời đề nghị dành cho Essien là một kỷ lục đích thực. Mùa hè năm ấy, bộ tứ huyền thoại Edwin Van der Sar, Nemanja Vidic, Patrice Evra và Park Ji-sung cũng chỉ tiêu tốn của Man Utd số tiền là 20 triệu bảng. Điều này đủ thấy quyết tâm có được Essien của Mourinho lớn như thế nào!
Lối chơi của Chelsea ở mùa giải đầu tiên của Mourinho đã cực kỳ chắc chắn, giờ đây lại được “nâng cấp phiên bản”. Chelsea toàn thắng, đồng thời giữ sạch lưới cả 6 trận đấu đầu tiên của mùa giải với sự hiện diện của tân binh người Ghana. Xa hơn, họ kết thúc năm 2005 với việc chỉ thủng lưới 10 bàn sau 25 trận đấu.
Essien ngay lập tức đóng vai trò cực kỳ quan trọng ngay trong mùa giải đầu tiên tại Chelsea
Những sự lo ngại ban đầu về việc Essien sẽ chơi vị trí nào giữa bối cảnh tuyến giữa Chelsea đã rất chật chội nhanh chóng bị dập tắt với phong độ chói sáng của tiền vệ 22 tuổi. Essien mang đến nguồn năng lượng bất tận cho khu vực trung tuyến bằng lối chơi mạnh mẽ, đầy lăn xả. Anh vừa chia sẻ trách nghiệm phòng ngự với người đàn anh Makelele, vừa tạo tiền đề cho Frank Lampard được thoải mái chơi cao hơn. Đó cũng là mùa giải thăng hoa bậc nhất của “Super Frankie” trong sự nghiệp, khi anh ghi tới 20 bàn thắng trên mọi đấu trường cho Chelsea, hơn cả bộ đôi tiền đạo Drogba và Hernan Crespo. Cuối mùa giải 2005/2006, Chelsea lần thứ hai liên tiếp nâng cao chức vô địch Premier League.
Mùa giải tiếp theo, Chelsea dù chỉ về đích ở vị trí thứ 2 tại Premier League, tuy nhiên họ lại giành cú đúp vô địch League Cup và FA Cup, đồng thời vào đến trận bán kết Champions League. Đây cũng là năm mà Essien được người hâm mộ bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất Chelsea. Không còn “đóng đinh” ở hàng tiền vệ, có nhiều thời điểm người ta chứng kiến Essien được Mourinho bố trí đá trung vệ, đá hậu vệ cánh, khi đội nhà thiếu hụt nhân sự. Dù vậy, anh vẫn ghi dấu ấn đậm nét với 6 bàn thắng.
Mourinho không phải là người đầu tiên đặt nền móng cho Chelsea, nhưng bản thân chiến lược gia người Bồ Đào Nha là người có công lớn nhất để xây dựng lên một tập thể giàu sức chiến đấu. Và rõ ràng, bất kỳ triều đại thịnh trị nào cũng cần phải có công thần. Mourinho luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ nhóm cầu thủ gốc Phi, những người luôn biết ơn ông vì đã trao cho họ cơ hội chơi bóng tại nước Anh.
Nếu Mourinho không sống chết bảo vệ Drogba, huyền thoại người Bờ Biển Ngà đã bật bãi khỏi Stamford Bridge sau 2 năm đầu thi đấu dưới sức. Điều tượng tự từng xảy ra với John Obi Mikel và Solomon Kalou. Còn với Essien, anh luôn coi Mourinho là người cha thứ hai của mình, một người được anh mô tả rằng “có thể chiến đấu vì ông với đôi chân bị gãy”.
Một tập thể giàu sức chiến đấu và được dẫn dắt bởi một HLV trưởng cá tính, dễ hiểu khi Chelsea giai đoạn 2004-2007 là đội bóng bản lĩnh nhất Premier League. Sự tương phản rõ nét đến từ những lần đối đầu với đối thủ cùng thành phố. Arsenal luôn bị lép vế hoàn toàn trước lối chơi giàu sức mạnh của Chelsea. Trên băng ghế chỉ đạo ở nhiệm kỳ đầu tiên tại Chelsea, Mourinho đã bất bại trong cả 8 trận đối đầu với Arsene Wenger (4 chiến thắng, 4 trận hòa). Và rõ ràng Essien và Drogba chính là hung thần của các Gooners. Một người càn quét tuyến giữa, một người là mối nguy thường trực với hàng thủ Arsenal. Còn nhớ bàn thắng kinh điển của Essien trong trận derby thành London vào ngày 10/12/2006. Một pha sút xa kinh điển từ khoảng cách 30m, đưa bóng găm thẳng vào lưới trước sự bất lực của thủ thành Jen Lehmann. Đó cũng chính là lối chơi của Chelsea ngày ấy: trực diện – quyết liệt – hiệu quả.
Essien và Drogba giúp Chelsea thống trị các trận derby London với Arsenal.
Rồi Mourinho ra đi, nhưng di sản mà “Người đặc biệt” để lại Chelsea trong nhiệm kỳ đầu là ký ức không thể xóa nhòa với các True Blues. Drogba trở thành tiền đạo xuất sắc bậc nhất giải đấu với việc nổ súng đều đặn qua từng mùa giải. Còn với Essien, anh đơn giản là hình mẫu toàn diện mà bất cứ tiền vệ phòng ngự nào cũng muốn hướng đến trong giai đoạn từ 2006-2011. Mạnh mẽ như Essien, tranh chấp bóng tốt như Essien, xuất sắc như Essien.
Thế nhưng ít ai biết rằng bóng đá đến với chàng trai sinh năm 1982 lại cực kỳ đơn giản. Không giống như số phận của phần đông các cầu thủ đến từ Châu Phi khác, Essien xuất thân từ một gia định trung lưu ở thủ đô Accra của Ghana. Phải đến năm 17 tuổi, khi bắt đầu theo học ở trường đại học, anh mới bén duyên với nghiệp quần đùi áo số. Sân cỏ giúp anh theo đuổi đam mê chứ không phải là lối thoát cuộc đời.
Nhưng cũng như Mourinho từng nói về cậu học trò cưng: “Tại sao cậu ấy là một tiền vệ phòng ngự xuất sắc ư? Cậu ấy có thiên phú đặc biệt. Tôi từng dẫn dắt nhiều người ở vị trí đó. Họ có quyết tâm, có sự trưởng thành qua từng giai đoạn, nhưng cậu ấy dường như có mọi thứ đó từ lúc lọt lòng”.
Nếu nhìn lại, khoản tiền mà Chelsea phải trả cho Lyon vẫn là quá hời với những đóng góp của Essien xuyên suốt quãng thời gian từ 2005-2014. Tổng cộng 256 trận đấu, giúp đội bóng nửa xanh thành London bất bại 201 trận, đạt tỉ lệ 81%. Con số đó đã nói lên tầm ảnh hưởng của anh. Thậm chí, nếu không bị liên tiếp những chấn thương hành hạ trong giai đoạn cuối, sự nghiệp của Essien tại Chelsea hãy còn rực sáng hơn nữa.
Nhưng số phận cũng không ngoảnh mặt lại với Essien. Dù không được trọng dụng thường xuyên ở mùa giải 2011/2012, tuy nhiên anh vẫn là một phần của tập thể giành chức vô địch Champions League năm đó, như một sự tương thưởng xứng đáng cho những đóng góp không biết mệt mỏi tại Chelsea.
Trong khi Arsenal mất cả thập kỷ để đi tìm kiếm cho riêng mình một “Patrick Vieira mới”, thì Chelsea luôn có cho mình một điểm tựa niềm tin vững chắc mang tên Essien, dù là dưới triều đại của bất cứ HLV nào đi nữa.
Và hôm nay, chàng tiền vệ phòng ngự trứ danh một thời bước sang tuổi 39!
Nguyễn Xuân Son đang tận hưởng thời khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của anh và chúng ta, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đang tận hưởng một trung phong có lẽ chưa từng có của ĐT Việt Nam.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?