John Terry: Rót nước, pha trà và không ngừng học hỏi

Tác giả CG - Chủ Nhật 23/05/2021 08:19(GMT+7)

Zalo

John Terry đang tận hưởng cuộc sống của một trợ lý HLV tại Aston Villa. Nhưng anh cũng có những ước mơ của mình, một trong số đó là dẫn dắt Chelsea.

John Terry
Ảnh: Getty Images

Sáng thứ 6 tại trung tâm huấn luyện Bodymoor Heath của Aston Villa. Trợ lý HLV trưởng John Terry đang ở căng tin, pha trà cho HLV trưởng Dean Smith cùng các HLV khác trước khi chuẩn bị tập luyện cùng các hậu vệ trước thềm cuộc chạm trán Chelsea, đội bóng cũ của anh.
 
Terry muốn dẫn dắt Chelsea một ngày nào đó, nhưng hiện tại anh vẫn đang thích học việc từ Smith cũng như hỗ trợ các trung vệ trẻ tài năng như Tyrone Mings và Ezri Konsa. Terry vẫn đang tiếp tục học hỏi, nâng cao trình độ huấn luyện bên cạnh việc sẽ hoàn thành bằng Pro ở St George’s Park vào tháng tới. Từ các cuộc trò chuyện cá nhân với các cầu thủ, Terry dần nâng cao kỹ năng trong nghệ thuật quản trị nhân sự. Anh thấy các cầu thủ có thể gặp những chấn thương ở nhà hoặc lo lắng về những chấn thương cũ khiến họ không hết mình trong từng pha xoạc bóng trong các buổi tập như xưa kia anh vẫn thể hiện.
 
“Tôi nói chuyện với Dean và anh ấy nói: ‘Không ai như cậu hết, John à’”, John Terry chia sẻ. “Chắc chắn tôi có tài, nhưng tôi cũng phải nỗ lực hết sức mỗi ngày vì quanh tôi luôn có những cầu thủ giỏi hơn. Một điều mà họ chưa bao giờ hơn tôi chính là sự quyết tâm và khát khao”.
 
Nội tâm Terry không đơn giản như những gì chúng ta thường nhận thức về anh. “Tôi là người dễ xúc động, dễ khóc về nhiều thứ: con cái, gia đình. Chúng ta ai cũng vậy thôi”, cựu đội trưởng Chelsea bày tỏ. “Khi tôi thi đấu, mọi người nghĩ vì tôi là đội trưởng nên tôi thuộc dạng sắt đá, không có cảm xúc, không biết buồn. Tôi đi lên từ đôi tay trắng nên tôi luôn cảm thấy phải chứng tỏ bản thân.
 
Tôi luôn đá bóng với những người bạn của anh trai mình, họ lớn và khỏe hơn tôi nên tôi luôn phải cố gắng để gây ấn tượng với mọi người. Thề với anh, khi tôi thi đấu, càng bị va chạm nhiều tôi càng quyết tâm hơn”.
 
Chắc chắn Terry đã chứng minh được bản thân với 15 danh hiệu cùng Chelsea, 76 lần khoác áo đội tuyển Anh và được Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Anh bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất năm 2005. Anh chia sẻ về bản thân mình: “Tôi nghĩ mình không xứng được dựng tượng. Tôi chỉ muốn những gì mình đã làm được trân trọng. Tôi không có gì hối tiếc cả. Tôi đã cống hiến hết mọi thứ trên sân rồi. Có thể có thời điểm nào đó tôi khiến đồng đội, gia đình, cổ động viên thất vọng, nhưng tôi không nghĩ chúng ta có thể đạt được những thời khắc rực rỡ mà không từng đi kèm những giờ phút thất vọng”.

John Terry
John Terry có một sự nghiệp cầu thủ xuất sắc. Và anh muốn sự nghiệp cầm quân cũng vậy. Ảnh: Getty Images
 
Terry là một người lý trí nhưng cũng không kém sự bướng bỉnh. Và dù bạn có nghĩ về anh ra sao thì chắc chắn người đàn ông ấy vẫn là nhân vật cực kỳ quan trọng của bóng đá Anh trên phương diện cầu thủ, và anh hy vọng là cả trên cương vị HLV trong tương lai.
 
Terry gia nhập Aston Villa vào năm 2017 sau hai thập kỷ ở Chelsea. Cựu trung vệ cho biết ban đầu khi mới đến đội bóng thành Birmingham, các cổ động viên Villa rất phản đối. Song, Terry yêu quý CLB này.
 
“Tôi rất biết ơn CLB và các cổ động viên vì đã chấp nhận tôi. Tôi tự hào vì được là một phần của tập thể này, giúp đội trở lại Premier League”, cựu đội trưởng tuyển Anh bày tỏ. “Tôi đã học được nhiều điều từ Dean: cách đối đãi, xử lý từng cầu thủ, cách lên kế hoạch huấn luyện cho cả tuần, những bài tập cụ thể về lối chơi cho từng trận đấu. Những điều đó là vô giá trong sự nghiệp huấn luyện của tôi, nó sẽ có ích với tôi trên hành trình trở thành HLV trưởng ở đâu đó.
 
Tôi yêu những gì chúng tôi đang làm, tôi xúc động khi được là một phần trong đó. Người hâm mộ Aston Villa hiểu tôi yêu Chelsea, tôi và gia đình sẽ luôn yêu Chelsea. Song, họ có thể thấy tình yêu tôi dành cho Villa, họ có thể thấy những gì tôi đang làm”.
 
Terry chịu trách nhiệm phân tích các đội bóng đối thủ, tìm hiểu cách đối phó với họ, ví dụ như khi Manchester City thi đấu với số 9 ảo trong cuộc chạm trán tại sân Etihad chẳng hạn. Villa hôm đó đã thua, nhưng với Terry đó là bài học vì nó dạy anh là các trung vệ phải dâng lên.
 
“Pep là một trong những người giỏi nhất, nếu không muốn nói là số một. Tôi đã trò chuyện với anh ấy sau trận. Quả thực rất khó với một trung vệ khi phải đối phó. Tyrone và Ezri đều nhanh và mạnh mẽ. Tôi bảo họ là: ‘Các cậu phải ở vị trí đó và xông xáo lên’. Nếu Tyrone rời khỏi vị trí thì quan trọng là Ezri phải lấp vào khoảng trống”.
 
Terry cũng dạy các cầu thủ về cách đánh đầu. Anh biết rằng chứng mất trí nhớ ở các cầu thủ sau khi họ giải nghệ phần nào đó đến từ việc phải đánh đầu quá nhiều, song quan điểm của anh là đánh đầu vẫn là phần quan trọng trong bóng đá. Tuy nhiên, cựu trung vệ Anh vẫn có cách tiếp cận khác.

John Terry
Những trung vệ trẻ triển vọng như Tyrone Mings đang hưởng lợi khi được một người như Terry truyền thụ kinh nghiệm hàng ngày. Ảnh: Getty Images
 
Terry cho biết khi anh còn trẻ, trong buổi tập, anh đứng ở vạch giữa sân, thủ môn đấm bóng thật mạnh và anh phải đánh đầu đưa bóng xa nhất có thể. Nhưng hiện tại, Terry nói với các trung vệ Villa là khi thủ môn đấm bóng, các cầu thủ hãy bớt đánh đầu ra xa đi, thay vào đó là khống chế, duy trì quyền kiểm soát bóng.
 
Khi làm việc với các hậu vệ Villa, Terry ghi chép lại thật cẩn thận trong các trận đấu sau đó đưa các cầu thủ những đánh giá của mình trong thời gian giữa hiệp và bản tổng hợp dài hơn cho các cầu thủ và Dean Smith sau trận.
 
“Tôi may mắn vì anh ấy rất tốt với tôi”, Terry nói về HLV trưởng của mình. “Tôi chẳng đe dọa gì công việc của anh ấy cả. Cái tôi của tôi không lớn đến mức nghĩ mình lớn hơn Dean. Tôi biết vị trí của mình trong CLB. Tôi phải pha trà cho anh ấy và các HLV khác mỗi ngày.
 
Là trợ lý thực sự là điều tốt với tôi. Hai nhóc nhà tôi thích tôi huấn luyện đội bóng, chúng bảo thế này ‘Bố ơi, nhìn bố lúc đó thoải mái lắm, không còn càu nhàu nữa’. Khi là cầu thủ, nếu tôi thua thì bữa tối sẽ bị bỏ luôn”.
 
Khi còn khoác áo Villa với tư cách cầu thủ, anh sống xa gia đình. Chính vì thế, anh rất nhớ nhà. Nhưng trải nghiệm ấy cũng giúp Terry có thêm kinh nghiệm về quản trị nhân sự. 
 
“Quãng thời gian đó thực sự kinh khủng. Khi ngồi trong phòng một mình, tôi nhận ra đáng lẽ mình có thể giúp đỡ những cầu thủ nước ngoài nhiều hơn khi họ đến Chelsea. Đã có những người không hòa nhập được như De Bruyne, Lukaku, lúc đó họ còn trẻ. Chúng tôi có một đội bóng tốt nhưng không may, họ đã không vượt qua được áp lực. Khi nghĩ lại, tôi tự hỏi mình ‘Với tư cách đội trưởng, đáng lẽ mình có thể làm tốt hơn phải không?’”
 
Với sự nghiệp thi đấu đồ sộ, Terry đang sử dụng nó để bổ trợ cho sự nghiệp cầm quân của bản thân. 

John Terry
John Terry vẫn thoải mái với việc học hỏi từ Dean Smith. Ảnh: Getty Images
 
“Khi Jose Mourinho mới đến Chelsea, ông ấy ở sân tập từ 8 giờ sáng, xếp nón, bóng xuống sân, đảm bảo là nước nôi đầy đủ, áo bib được xếp ở ngoài. Tôi đã ghi lại những gì ông ấy nói trong các buổi họp đội, những gì ông làm trong các buổi tập. Tôi đã học hỏi được nhiều điều từ ông.
 
Từ những HLV hàng đầu như Mourinho, bạn sẽ thu được những kinh nghiệm quý báu. Khi trận đấu còn 5 phút, ông ấy luôn bảo tôi và Gaz [Gary Cahill] rằng nếu đội đang dẫn 1-0 và đối phương tạt bóng vào, cả hai bọn tôi phải đánh đầu nhưng sau đó đều phải ngồi xuống ngay lập tức. Nếu cả hai cùng ngồi xuống, bạn sẽ không phải rời khỏi sân. Tôi và Gaz không hề biết quy tắc này.
 
Vì thế khi đối thủ tạt vào và chúng tôi đánh đầu, cả hai sau đó ngồi xuống sân. Trọng tài thổi còi và bảo ‘Cậu ổn chứ Gaz?’ ‘Vâng’. Trọng tài đến và nói ‘Cả hai bọn cậu phải rời khỏi sân’ ‘Không, ông không thể, có luật mà’. Trọng tài đáp: ‘Ừ, các cậu đúng’. Mourinho đã đi trước thời đại. Thời gian thì cứ thế trôi và điều đó có thể giúp bạn giành chiến thắng”.
 
Những kinh nghiệm xương máu chắc chắn tạo nên một HLV trưởng trong tương lai, với Terry cũng vậy. Anh có một mục tiêu rất cụ thể cho mình. “Tham vọng của tôi rất rõ ràng. Mục tiêu của tôi là dẫn dắt CLB Chelsea. Đội của tôi sẽ giành chức vô địch, hy vọng như vậy, và sẽ rất thành thật, tổ chức tốt, tập luyện tốt, chuẩn bị tốt và đá với 4 hậu vệ.
 
Tôi nhìn Lamps [Frank Lampard], Stevie [Gerrard] và đều thấy những thành công họ đạt được. Mùa giải đầu tiên của Lamps tại Chelsea và những gì Stevie đã làm ở Rangers thật đáng kinh ngạc. Có lẽ trước đây tôi chưa sẵn sàng bước chân vào nghề huấn luyện, nhưng giờ thì có. Nhưng tôi sẽ không nhảy cóc đâu. Tôi đã từ chối 2 lời mời kể từ khi ở đây”.
 
Đó là những đội nào? “Những đội bóng tầm cỡ. Nhưng để khiến tôi rời khỏi đây sẽ cần một điều gì đó đặc biệt. Tôi còn 1 năm hợp đồng ở Villa nên sẽ không vội. Tôi muốn là số 1, nhưng tôi sẽ ở vị trí đó trong tương lai.
 
Tôi nhớ cảm giác thi đấu, nhưng làm HLV là điều khả dĩ nhất tôi sẽ hướng tới. Khi còn thi đấu, tôi yêu thích cảm giác chống lại thế giới. Tôi thích cảm giác được cổ động viên Chelsea yêu quý nhưng có thể là cổ động viên phần lớn các đội còn lại của Premier League thì ghét tôi. Hiện tại khi đã giải nghệ, tôi thấy ở trên phố hay trên mạng xã hội, mọi người bảo ‘Tôi ghét anh khi còn là cầu thủ, nhưng tôi muốn có anh trong đội chúng tôi’. Đó là những cổ động viên Arsenal, Spurs, West Ham. Họ thực sự đánh giá cao những gì tôi làm với tư cách cầu thủ, và tôi đáp lại: ‘Đó là tất cả những gì tôi mong muốn’.

John Terry
Hai người bạn, đồng đội năm xưa giờ đã trở thành những HLV. Ảnh: Getty Images
 
Đương nhiên tôi sẽ luôn ghét Tottenham. Tôi cũng nghĩ rằng Tottenham sẽ luôn ghét tôi. Trận cuối cùng của tôi cho Chelsea, trong phòng thay đồ, 50% bài nói chuyện của tôi với các đồng đội là về Tottenham, việc không bao giờ được để họ đạt được bất cứ danh hiệu gì cũng như nhắc mọi người biết tầm quan trọng của sự kình địch giữa hai CLB. Tinh thần đó Dennis Wise truyền cho tôi và hy vọng Cesar [Azpilicueta] sẽ vẫn nói những điều đó với các cầu thủ”.
 
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Spurs đưa ra lời đề nghị John Terry ngồi vào vị trí HLV dài hạn còn đang bỏ trống? “Không bao giờ tôi nhận, không bao giờ. Spurs là đội duy nhất tôi sẽ không nhận lời. Tôi dám chắc mình cũng sẽ không được chào đón ở West Ham đâu”, Terry quả quyết.
 
Sắp tới, anh sẽ có mặt ở Bồ Đào Nha cùng thời điểm trận chung kết Champions League sẽ được tổ chức ở Porto vào cuối tuần. Thế nhưng, “Tôi sẽ đi nghỉ nên không đến xem trận đấu đâu”, Terry khẳng định. Anh cũng bày tỏ sự tôn trọng với Frank Lampard, người đã bị sa thải trong quãng thời gian Chelsea sa sút. 
 
“Đây là thời khắc quan trọng với CLB. Quả thực rất thất vọng với những gì đã xảy ra với Frank, song, sự tôn trọng lớn mà anh ấy dành cho Thomas là điều quan trọng nhất. Là một người Chelsea, tất nhiên tôi muốn Chelsea vô địch Champions League. Trong đó, chắc chắn Frank đóng góp phần quan trọng. Tập thể của anh ấy thật đáng kinh ngạc, hãy nhìn Mason, Reece James và những gì họ đang có lúc này, đó là nhờ Frank. Thomas cũng đã cảm ơn Frank về điều đó”.
 
Và cuối cùng là bộ phim tài liệu của Anton Ferdinand - Football, Racism and Me. Chủ đề bộ phim xoay quanh những sự kiện của ngày 23/10/2011, khi đó Terry bị cáo buộc đã gọi hậu vệ QPR là “thằng m*i đen”. Terry bị buộc tội sử dụng từ ngữ phân biệt chủng tộc, sau đó FA đã đưa ra án treo giò 4 trận kèm số tiền phạt 220.000 bảng. Điểm mấu chốt chính trong bộ phim của Ferdinand chính là việc anh yêu cầu Terry đưa ra lời giải thích.
 
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Henry Winter của The Times, cựu đội trưởng Chelsea bộc bạch: “Thật thất vọng khi đọc và nghe thấy cậu ấy nói rằng tôi chưa bao giờ liên hệ. Tôi đã cố gắng gọi điện cho Rio [anh trai của Anton] và Anton nhiều lần, thậm chí là cả vào buổi tối [trận đấu], ngày hôm sau và tuần sau khi xảy ra sự việc. Sau đó, khoảng 3-4 năm trước tôi thấy Rio ở Dubai, tôi liền đến chào anh ấy và bảo ‘Anh có thể dành ra 5 phút không? Em muốn nói chuyện với anh chút’. Anh ấy đáp: ‘Tôi không muốn nói chuyện với cậu, JT’. Tôi đã chuẩn bị tinh thần để giải quyết vấn đề đấy chứ.
 
Tôi đã cố gắng gọi điện cho Anton, Rio và Jamie Moralee, người đại diện của cậu ấy. Trong lúc bộ phim tài liệu được làm, đội ngũ pháp lý của tôi đã liên hệ với nhà sản xuất với mục đích trao đổi, tuy nhiên họ lảng tránh. Tôi đã rất muốn giải quyết vấn đề”.

John Terry
Vụ bê bối với Anton Ferdinand từng khiến Terry mất băng đội trưởng tuyển quốc gia và sau đó phải nói lời chia tay với Tam Sư. Ảnh: PA
 
Vậy John Terry có phân biệt chủng tộc hay không? “Không, tôi không hề làm thế. Phân biệt chủng tộc là điều không thể chấp nhận được”, Terry khẳng định. Anh tiếp tục: “Câu chuyện đã trôi qua 10 năm, thế rồi tôi xem bộ phim và thấy mình bị miêu tả như một thằng khốn. Thôi xong. Đã có một ranh giới vô hình ở đây.
 
Liệu tôi có hối hận với những gì đã xảy ra hay không ư? Anton có quan điểm của cậu ấy. Tôi có quan điểm của tôi và nó rất rõ ràng: Tôi không bị tòa án kết tội, mà đây là hình thức luật lớn nhất ở nước ta.
 
Tôi đã chuẩn bị tham dự Euro 2012 trên cơ sở rằng khi tôi không bị tòa kết tội, FA sẽ theo đó mà làm và câu chuyện chấm dứt. Tôi tham dự Euro, có một giải đấu tuyệt vời trên phương diện cá nhân, trở lại, không bị kết tội và chỉ nhận được một cuộc điện thoại cho biết FA đang tiến hành các thủ tục”.
 
Vì điều đó, Terry đã từ giã đội tuyển Anh. Cựu đội trưởng Tam Sư rất phẫn nộ với cách câu chuyện của anh được xử lý. Nhưng tức giận là một chuyện, sự chia tay này cũng khiến anh hối tiếc. “Khi thấy Lamps bước ra sân cùng các con [kỷ niệm 100 trận cho đội tuyển], tôi tự bảo mình: ‘Mình đã bỏ lỡ cơ hội đứng đó cùng các con’.
 
Và liệu anh có thông cảm với Anton Ferdinand không? “Có, tất nhiên rồi. Cậu ấy trải qua những thời điểm khó khăn. Nhưng tôi cũng có những thời điểm khó khăn của mình”.
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow