Jack Wilshere: Chuyện gì đã xảy ra với một thần đồng?

Tác giả CG - Thứ Hai 21/09/2020 18:00(GMT+7)

Zalo

Kỹ thuật của Jack Wilshere ở đẳng cấp số một, nhưng không chỉ là nhãn quan hay khả năng đọc trận đấu, kỹ năng nhận diện không gian và sử dụng cơ thể cũng rất xuất sắc. Anh biết phải xử lý bóng ra sao, sử dụng những pha xoay người nhanh nhẹn để điều hướng những khu vực chật chội nhất trên sân một cách dễ dàng.

HLV Hodgson đã rất muốn đưa Wilshere tham dự vòng chung kết Euro 2016 dù anh không thi đấu quá nhiều ở Arsenal suốt mùa giải đó. “Jack Wilshere là một cầu thủ đặc biệt. Có những khu vực khác trên sân mà lựa chọn của tôi đã rất tuyệt vời. Với Jack Wilshere thì hơi khác một chút. Sự thật là chúng tôi không có quá nhiều người như Jack Wilshere”.


Jack Wilshere Chuyện gì đã xảy ra với một thần đồng hình ảnh
 
1. Sân Emirates lưu giữ rất nhiều ký ức về Jack Wilshere. 
 
Là một cậu bé có đôi mắt sáng long lanh ở học viện Arsenal, cậu nhìn tòa nhà cao ngất ngưởng và nghĩ một ngày nào đó cậu có thể hoàn thành ước mơ là đặt chân vào đó. Rồi bước vào độ tuổi thiếu niên, cậu ngồi trong đó, được đối xử như VIP, học hỏi Cesc Fabregas và bị lôi cuốn bởi Thierry Henry.
 
16 tuổi, sau trận đấu đầu tiên ở Premier League khi vào sân từ ghế dự bị trong những phút cuối chuyến làm khách đến sân Blackburn Rovers, cậu được chọn đá chính cho đội một ở cuộc chạm trán Sheffield United thuộc khuôn khổ League Cup. Cậu ghi một bàn thắng đẹp từ ngoài vòng cấm địa. Hai ngày sau sinh nhật tuổi 17, sau cuộc đối đầu Plymouth Argyle ở vòng ba FA Cup, cậu được mời đến một văn phòng để ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên dưới sự chứng kiến của Arsene Wenger, Liam Brady và cha mẹ mình.
 
18 tuổi, trong khi đang được cho mượn tại Bolton Wanderers, anh đã bắt chuyến tàu trở lại London vào một buổi chiều thứ 4. Anh có mặt trên sân Emirates để theo dõi Arsenal đối đầu Barcelona ở lượt đi vòng tứ kết Champions League. Arsenal bị dẫn trước 2-0 và sau đõ hỡ hòa 2-2, một trận đấu mà Wenger gọi là “tối Champions League đặc biệt”. Còn với Wilshere, anh bị lôi cuốn bởi sự chói sáng của Xavi Hernandez.
 
Sau đó, khi Barcelona trở lại bắc London vào tháng 2 năm sau để tham dự vòng 16 đội Champions League, Wilshere - lúc này là sáu tuần sau sinh nhật 19 tuổi - dường như làm chủ trận đấu. Trong khi đa số các cầu thủ phải đuổi theo những cái bóng của những tiền vệ xuất sắc bên phía Barca thì Wilshere lại tỏ ra không hề thua kém Sergio Busquets, Andres Iniesta và Xavi. Arsenal giành chiến thắng trong trận lượt đi đó.
 
Và gần năm tháng sau, Arsenal đối đầu New York Red Bulls ở giải giao hữu Emirates Cup. Wilshere đi tập tễnh vì chấn thương mắt cá chỉ sau bảy phút. Có lẽ chẳng ai lại tưởng tượng đây là chấn thương khởi đầu cho phần còn lại của sự nghiệp với rất nhiều những buổi chiều, tối ngồi trên khán đài, dõi theo các đồng đội thi đấu và ước giá như mình có mặt dưới sân.
 
Tất nhiên, anh đã trở lại. Năm 2014, anh giành giải thưởng bàn thắng đẹp nhất mùa giải của BBC nhờ pha dứt điểm khéo léo sau những pha ban bật một chạm trước Norwich City. Trong màn diễu hành ăn mừng chức vô địch FA Cup 2015, anh đứng trên bục bên ngoài sân vận động và kích động cổ động viên bằng một bài hát anti Tottenham. Trong khoảng hai mùa giải sau, có rất nhiều thời điểm anh thực sự đã không còn bị những chấn thương gây cản trở và trở lại là cầu thủ mà mọi người hâm mộ Arsenal lẫn đội tuyển Anh đặt niềm hy vọng.
 
Jack Wilshere Chuyện gì đã xảy ra với một thần đồng hình ảnh
 
Sau đó là một buổi chiều Chủ nhật tháng 5 năm 2018, HLV Arsene Wenger nói lời chia tay xúc động với Arsenal. Và Wilshere hiểu quãng thời gian của mình ở CLB đã sắp sửa kết thúc. Khi lịch thi đấu Premier League mùa giải 2020/2021 được công bố, chuyến làm khách đến sân Emirates của Arsenal là cặp đấu đầu tiên anh chú ý. Những rõ ràng cuộc sống không hề dễ dàng.
 
Khi West Ham khởi đầu mùa giải bằng thất bại 0-2 trên sân nhà trước Newcasttle United tuần trước, Wilshere không có tên trong danh sách 18 cầu thủ tham dự trận đấu. Gần đây anh lại bị chấn thương mắt cá - chấn thương đầu tiên kể từ khi anh trở lại tập luyện đầy đủ sáu tháng trước. Thơi điểm không thể nào tồi tệ hơn.
 
2. Liệu anh có thực sự giỏi như vậy không? Hay anh chỉ là một ví dụ nữa về một cầu thủ trẻ người Anh được tâng bốc lên mây xanh chỉ sau một vài trận thi đấu tốt cho một CLB lớn?
 
Kỹ thuật của Wilshere ở đẳng cấp số một, nhưng không chỉ là nhãn quan hay khả năng đọc trận đấu, kỹ năng nhận diện không gian và sử dụng cơ thể cũng rất xuất sắc. Anh biết phải xử lý bóng ra sao, sử dụng những pha xoay người nhanh nhẹn để điều hướng những khu vực chật chội nhất trên sân một cách dễ dàng.
 
Khi được hỏi về Wilshere trước thềm trận lượt về vòng 16 đội Champions League vào tháng 3 năm 2011, HLV Pep Guardiola ca ngợi anh là “một cầu thủ xuất sắc, một cầu thủ hàng đầu” trước khi bổ sung thêm rằng “Cậu ấy may mắn vì chúng tôi có nhiều cầu thủ như thế ở đội hai. Cậu ấy được thi đấu vì ở CLB của cậu ấy không có áp lực giành danh hiệu”.
 
Qua thời gian, chúng ta có thể xem đó là những lời khen thay vì đào sâu quan điểm như thời điểm ấy. Guardiola rõ ràng đã đúng khi nói có nhiều cầu thủ tương tự như Wilshere ở đội Barcelona B lúc đó mà điển hình nhất là Thiago Alcantara. Tuy nhiên bóng đá Anh không giống La Masia, nơi đào tạo ra những cầu thủ vuốt ve trái bóng một cách khéo léo và được trời phú cho khả năng đưa ra quyết định xử lý tốt nhất.
 
Ngay cả ở thời điểm này, bốn năm kể từ trận đấu cuối cùng cho đội tuyển quốc gia, Wilshere có lẽ vẫn là mắt xích còn thiếu của “Tam sư”. Và đáng buồn thay đó chính là vấn đề của anh. Không được ra sân, bỏ lỡ quá nhiều trận đấu cho đội tuyển quốc gia và CLB.
 
3. Wilshere đã có 182 lần ra sân ở Premier League. Con số này nghe thì có vẻ hợp lý nhưng bạn nên biết thêm rằng 50 trận trong số đó là ở quãng thời gian từ tháng 2 năm 2010 đến tháng 5 năm 2011. Anh bỏ lỡ toàn bộ mùa giải 2011/2012 vì chấn thương; bỏ lỡ 729 phút trong tổng số 3420 phút có thể ra sân tại Premier League trong mùa giải 2014/2015; bỏ lỡ 142 phút ở mùa giải 2015/2016; 392 phút ở mùa giải 2018/2019 và mùa trước thì tốt hơn một chút (215 phút).
 
Jack Wilshere Chuyện gì đã xảy ra với một thần đồng hình ảnh
 
Giữa những giai đoạn tăm tối đó, có những thời điểm không bị chấn thương, cầu thủ sinh năm 1992 đã lấy lại thể lực, phong độ và sự tự tin để đạt tới đẳng cấp mà Wenger và nhất là Roy Hodgson - khi ấy là HLV trưởng đội tuyển Anh - sẵn sàng nói chuyện về việc anh đang trở lại với phong độ tốt nhất.
 
Vấn đề ở đây là tính liên tục, nhịp điệu và thời điểm diễn ra những chấn thương. Mùa giải 2016/2017, Wilshere ra sân 29 trận tại Premier League (22 lần đá chính) khi được cho mượn tại Bournemouth. Song sau đó anh bị nứt xương mác trái sau một pha va chạm với Harry Kane. Trở lại Arsenal ở mùa bóng tiếp theo, dù chỉ đá 20 trận (12 lần đá chính), nhưng anh có hơn 18 lần ra sân ở các giải đấu cúp.

Đội bóng thành London đề nghị Wilshere một bản hợp đồng mới (tất nhiên là có cắt giảm một số điều khoản) nhưng Wilshere từ chối vì anh cảm thấy mình cần một khởi đầu mới như Wenger đã nói với anh vào mùa hè trước đó. West Ham - đội bóng mà Wilshere cổ vũ khi còn nhỏ - là bến đỗ tiếp theo. Khi chuyển tới đây với bản hợp đồng ba năm vào mùa hè năm 2018, anh biết chắc mình cần thi đấu thật nhiều để trở lại phong độ cao nhất.
 
Tuy nhiên quãng thời gian ở West Ham quả thực không như ý muốn với tiền vệ người Anh. Những chấn thương vẫn là thứ cản bước. Mùa giải trước, anh đá chính trong hai vòng đầu tiên trước khi bị mất vị trí và gặp vấn đề ở háng khiến anh ngồi ngoài trong vài tháng. Khi bóng đá trở lại sau quãng thời gian phỏng tỏa xã hội, Wilshere chỉ có thêm 22 phút thi đấu khi vào sân từ ghế dự bị trong cuộc chạm trán Chelsea và 13 phút nữa trong cuộc đối đầu Norwich City.
 
Trong cuộc phỏng vấn trên Stadium Astro vào tháng 4 vừa rồi, cựu cầu thủ Arsenal bộc bạch: “Phải thành thật rằng việc chuyển đến West Ham đã không hiệu quả với tôi. Mọi thứ đã không diễn ra như cách tôi muốn. Tôi quá nhớ bóng đá. Tôi chưa được thi đấu đủ. Tôi muốn trở lại, đưa sự nghiệp của mình trở lại, thi đấu hết tuần này sang tuần khác và lại bắt đầu có cảm giác của một cầu thủ bóng đá”.
 
Dù HLV David Moyes nói rằng Wilshere “tuyệt vời trong tập luyện” nhưng ông sử dụng anh khá dè dặt và ngồi ngoài ở vòng một Premier League mùa giải mới trước Newcastle. Khi có cơ hội hiếm hoi để ra sân tại Carabao Cup thì chấn thương một lần nữa xuất hiện. Đó là lần đầu tiên kể từ khi hết phong tỏa xã hội Wilshere dính chấn thương. Như mọi khi, thời điểm nó xảy đến thật kinh khủng. Có cảm giác như anh bị dính lời nguyền vậy.
 
4. Hãy tưởng tượng bạn đang ở trên cao và bị rơi dần xuống đất. Và hãy tưởng tượng cơn ác mộng chấn thương lặp đi lặp lại, một tương lai rực rỡ đang dần trở nên xa vời.
 
Dù vậy, vấn đề không chỉ như thế. Năm ngoái, anh tham gia một phim tài liệu với Athlete’s Stance, ở đó anh mô tả mình đã phải vật lộn để tập trung vào bóng đá trong bối cảnh phải lo lắng cho sức khỏe cậu con trai Archie.
 
Tiền vệ người Anh bộc bạch: “Đó thời điểm năm 2015 hay 2016, tôi dính chấn thương trong lúc tập luyện và việc này thật khó khăn vì tôi đang cố gắng trở lại với những gì mình muốn. Và đột nhiên, con trai bốn tuổi của tôi lên cơn co giật trên sàn. Chuyện đó lặp đi lặp lại mỗi ngày trong suốt ba đến bốn tháng. Có những lúc khi đang giữa đêm, chúng tôi phải vội đến bệnh viện. Có những lúc vợ chồng tôi thức trắng đêm vì khi đó cơn động kinh vẫn đang xảy ra. Chúng tôi cố để thằng bé đi ngủ còn chúng tôi không thể nào ngủ được vì vợ chồng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra.
 
Tôi quên mất bóng đá. Tôi nhớ đã nói với vợ mình là ‘anh không chắc anh có thể làm việc này thêm nữa hay không’. Điều đó khiến bạn nhận ra bóng đá không phải tất cả. Bạn biết tất cả chúng ta đều là con người; chúng ta không thích thể hiện điểm yếu của mình và không thích nói về những chuyện đó. Chỉ một vài người biết về điều này và đó là lý do tôi sẽ luôn kính trọng Arsene Wenger. Ông ấy quá tuyệt vời. Ông nói ‘Cậu hãy giải quyết chuyện của con trai đi. Có thể cậu sẽ mất nhiều thời gian đấy’.
 
Mọi người bảo ‘Anh ta dính chấn thương. Anh ta luôn dính chấn thương. Anh ta dễ bị chấn thương. Anh ta sẽ không bao giờ sung sức’. Nhưng họ không nhận ra chuyện gì diễn ra phía sau cánh cửa đóng kín. Trong suốt bốn tháng của năm tháng hồi phục chấn thương, tôi thường xuyên đi đi về về từ bệnh viện. Thành thật mà nói tôi không ngủ được và không thực sự quan tâm chuyện gì vì tôi chỉ tập trung vào thằng bé. Tôi muốn tách ra một chút khỏi thế giới bên ngoài”.
 
Đó chính là vấn đề. Quan sát từ xa, chúng ta thấy một cầu thủ liên tục vật lộn với chấn thương dài hạn nhưng chúng tôi không thể tưởng tượng những vấn đề tâm lý đã diễn ra nhiều năm với một con người. Thậm chí có lẽ đó là những thứ mà chúng ta không thể nào tưởng tượng với một cầu thủ triệu phú sẽ phải trải qua.
 
Jack Wilshere Chuyện gì đã xảy ra với một thần đồng hình ảnh
 
5. Khi chúng ta nói về những tài năng không thể phát triển hết tiềm năng của bóng đá Anh, bạn sẽ thường nghe đến những mệnh đề quen thuộc: kiếm quá nhiều tiền, được ca tụng quá nhiều, được tâng bốc quá nhiều. Với Wilshere và Owen hơn một thập kỷ trước, vấn đề là: thi đấu quá nhiều.
 
Cuối mùa giải 2010/2011, Wenger cảnh báo rằng Wilshere ở “vùng đỏ” và khuyên Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) không nên điền tên anh vào danh sách đội tuyển U21 Anh tham dự vòng chung kết U21 châu Âu mùa hè đó. Việc phải thi đấu quá nhiều trong năm ấy khiến tương lai dài hạn của anh bị đe dọa.
 
Một cuộc tranh cãi ầm ĩ giữa CLB và đội tuyển kéo dài trong vài tuần. Wilshere cuối cùng quyết định làm theo tư vấn của đội ngũ y tế Arsenal. 
 
“Trong suốt vài tuần qua, tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Tôi nói chuyện HLV trưởng Arsenal và đội ngũ thể lực. Cường độ cao của tôi đã giảm xuống. Tôi đã thi đấu 55 trận trong năm nay và tập luyện mỗi ngày, và điều đó sẽ xảy ra. Cơ thể tôi phải gánh tải trọng quá lớn khiến tôi nặng nề hơn khi chạy. Việc này khiến tôi có nhiều nguy cơ dính chấn thương hơn”, Wilshere chia sẻ với các phóng viên vào tháng 5 năm 2011.
 
Có lẽ khối lượng công việc trong mùa giải trọn vẹn đầu tiên ở đội một là quá nhiều với tiền vệ người Anh ngay cả khi anh không tham dự vòng chung kết U21 châu Âu tại Đan Mạch. Thống kê chỉ ra chỉ Andrey Arshavin là ra sân nhiều hơn Wilshere tại Arsenal mùa đó.
 
Có lẽ vấn đề bắt đầu từ chấn thương anh gặp phải trong cuộc chạm trán Thụy Sĩ trên sân Wembley thuộc vòng loại Euro. Hoặc có thể như chính tiền vệ người Anh thừa nhận, tai nạn đã chờ đợi anh sau một mùa giải đã thi đấu nhiều. Những người đã làm việc lâu năm với Wilshere cho rằng vấn đề có lẽ xuất phát từ những cú tắc bóng mạnh bạo của đối thủ trước lối chơi của anh.
 
Một HLV chỉ ra phong cách rê dắt của anh như thể mời gọi đối thủ lao vào tắc bóng. Vị HLV này nói: “Và trên hết, cậu ấy lao mình vào những cú tắc đó. Cách cậu ấy thi đấu có lẽ khiến cơ thể có nguy cơ dính chấn thương cao hơn. Cậu ấy không sợ hãi bất cứ điều gì, ngay cả sau những gì đã xảy ra với những chấn thương của cậu ấy trong quá khứ. Cậu ấy bền bỉ nhưng có lẽ điều đó chẳng giúp được”.
 
Mỗi năm trôi qua, việc hồi sinh Wilshere ngày càng khó khăn hơn. Đã có thời điểm HLV Roy Hodgson muốn biến anh thành một tiền vệ kiến thiết lùi sâu như Andrea Pirlo. Wenger muốn anh thi đấu trong vai trò tiền vệ con thoi trong hàng tiền vệ hai hoặc ba người. Eddie Howe ban đầu đặt anh trong hệ thống tiền vệ hai người trước khi rút ra kết luận rằng Wilshere sẽ chơi tốt hơn ở vị trí phí sau tiền đạo. Trong khi đó tại West Ham, anh đá trong vai trò số 10 ở trận ra mắt trước Liverpool và sau đó lùi xuống vị trí tiền vệ truyền thống hơn trong những trận tiếp theo trước khi bị mất vị trí.
 
Jack Wilshere Chuyện gì đã xảy ra với một thần đồng hình ảnh
 
HLV Hodgson đã rất muốn đưa Wilshere tham dự vòng chung kết Euro 2016 dù anh không thi đấu quá nhiều ở Arsenal suốt mùa giải đó. “Jack Wilshere là một cầu thủ đặc biệt. Có những khu vực khác trên sân mà lựa chọn của tôi đã rất tuyệt vời. Với Jack Wilshere thì hơi khác một chút. Sự thật là chúng tôi không có quá nhiều người như Jack Wilshere”.
 
Đó có lẽ là vấn đề đến thời điểm hiện tại. HLV Gareth Southgate nhiều lần phàn nàn rằng nước Anh không có một cầu thủ vừa điều hướng vừa có thể kiến tạo cơ hội trong một hàng tiền vệ bế tắc. Phil Foden có khả năng là một cầu thủ như thế nhưng ở tuổi 20 anh vẫn đang được HLV Pep Guardiola lựa chọn có chọn lọc tại Manchester City.
 
Có lẽ, thật khó để tìm một người như Wilshere.

Lược dịch từ bài viết “Jack Wilshere – what happened?” của tác giả Oliver Kay trên The Athletic.

CG

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.

X
top-arrow