Formiga vẫn đang chơi bóng cho đội tuyển Brazil ở tuổi 43, tham dự 7 kỳ Thế vận hội và 7 kỳ World Cup. Một nữ chiến binh bền bỉ chiến đấu vì sự phát triển của bóng đá nữ tại Brazil.
Năm 2019, sau khi bị Pháp loại ở vòng 16 đội FIFA World Cup, tiền đạo đội trưởng Marta đã có những dòng chia sẻ đầy cảm xúc và nó lập tức “viral” trên mạng xã hội. Cô nhìn thẳng vào máy quay, đôi mắt ngấn lệ và gửi một lời đề nghị tới tất cả những cô gái yêu bóng đá ở Brazil.
“Hãy khát khao nhiều hơn, hãy tập luyện nhiều hơn, chăm sóc bản thân mình nhiều hơn. Hãy sẵn sàng để thi đấu 93 phút. Đây là những gì tôi đề nghị các em gái. Formiga sẽ không có mãi. Marta sẽ không có mãi. Cristiane sẽ không có mãi. Bóng đá nữ phụ thuộc vào các bạn để tồn tại”, tiền đạo người Brazil nói.
Người mà Marta nhắc đến đầu tiên vẫn đang chơi bóng ở tuổi 43, và cô vừa thiết lập thêm một kỷ lục nữa: trở thành cầu thủ đầu tiên tham dự 7 kỳ Thế vận hội mùa hè sạu khi ra sân trong trận đấu gặp Trung Quốc cách đây vài ngày. Formiga đã bắt đầu góp mặt ở Olympic từ năm 1996 ở Atlanta, khi đó cô mới 18 tuổi.
Kể từ năm 1896 đến nay, kỳ Olympic đầu tiên được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), chỉ có 31 vận động viên tham dự 7 kỳ trở lên. Trong lịch sử, chỉ có 3 vận động viên nữ tham dự nhiều kỳ Thế vận hội hơn Formiga và là vận động viên đầu tiên tính cả nam lẫn nữ tham dự 7 kỳ ở một môn thể thao đồng đội. Ngoài ra, cô cũng đã tham dự 7 kỳ World Cup, là cầu thủ khoác áo đội tuyển nữ Brazil nhiều nhất (202 trận).
Formiga vẫn ra sân chơi bóng cho đội tuyển Brazil ở tuổi 43. Ảnh: Getty Images
Nhưng Formiga không muốn được mọi người nhắc đến chỉ vì những kỷ lục như thế. Là một người có tầm ảnh hưởng, cô muốn được tất cả nhắc tới vì một điều lớn lao hơn: cải thiện nền bóng đá nữ ở Brazil.
“Tôi không muốn được nhớ tới là cầu thủ đã đá bóng rất nhiều năm, tham dự tất cả những kỳ Olympic và World Cup,… Tôi muốn mọi người nhắc đến tôi là người đã chiến đấu để cải thiện bóng đá nữ ở đất nước tôi”, Formiga chia sẻ trước khi chính thức thiết lập kỷ lục ở trận đấu với Trung Quốc.
Những Formiga hay Marta chỉ là cánh én nhỏ nhoi trong một nền bóng đá vẫn còn quá chênh lệch giữa nam và nữ. Dẫu biết rằng sự khác biệt đó là điều xuất hiện ở khắp mọi nền bóng đá trên thế giới, song ở Brazil là một hành trình chiến đấu đầy vất vả. Năm 1941, Hội đồng Thể thao Quốc gia Brazil tuyên bố phụ nữ “không được phép tập các môn thể thao không phù hợp với điều kiện thể chất của họ”.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Getulio Vargas ban hành Đạo luật 3199, trong đó có việc cấm phụ nữ tham gia các môn bóng đá, quyền anh, rugby, polo, bóng nước, các nội dung điền kinh khác nhau khi họ mô tả những môn thể thao này là “bạo lực” và “không phù hợp cơ thể phụ nữ”. Để bảo vệ tính hợp lý của đạo luật, một bài viết trên tờ tạp chí Revista Brasileira de Educação vào năm 1944 đã cảnh báo rằng việc các cầu thủ nữ có quá nhiều cơ bắp và sức mạnh sẽ hủy hoại sự hấp dẫn của họ, dẫn đến những nghi ngờ về giới tính.
Chúng ta thường nói Brazil là đất nước của bóng đá với 5 lần vô địch thế giới và 9 lần vô địch Nam Mỹ. Tuy nhiên đó chỉ là bóng đá nam. Còn bóng đá nữ ở đất nước này đã sống trong một thời kỳ dài tăm tối khi nó bất hợp pháp suốt từ năm 1941 cho tới tận 1981. Formiga quá hiểu về sự bất bình đẳng giới tính. Sinh ra trong một gia đình có 5 người con vào thời kỳ bóng đá nữ vẫn bất hợp pháp, kể cả vài năm sau khi cô ra đời, bóng đá nữ đã được cho phép ở Brazil thì cô bé Miraildes Maciel Mota ngày ấy không hề được khuyến khích đá bóng.
Formiga đã có 27 năm chơi bóng chuyên nghiệp, một con số đáng nể. Ảnh: Getty Images
“Các anh tôi không thích tôi đá bóng với những cậu bé khác. Họ ghen tị vì tôi chơi bóng giỏi hơn họ và bạn học của họ thường trêu họ vì điều đó. Các anh tôi thường bảo tôi là ‘bóng đá không dành cho con gái đâu’”, Formiga - biệt danh Miraildes Maciel Mota sử dụng, từ này có nghĩa là con kiến - chia sẻ. (Biệt danh này do một cổ động viên đặt cho cô vì có ngoại hình thấp bé nhất nhưng luôn chạy khắp sân, cần mẫn giống một con kiến).
Vì sao Formiga phải chơi bóng với những cậu bé khác? Đơn giản vì cô không thể rủ được một bạn nữ nào đá bóng với mình. Bọn họ sợ, vì những định kiến là một rào cản quá khó để phá vỡ, như một tấm lá chắn ngăn những cô bé bước chân ra cửa, cầm lấy trái bóng và đi tới sân. Và có lẽ đã có biết bao cô bé phải từ bỏ ước mơ chỉ vì định kiến và sự cấm đoán như thế.
“Đôi khi tôi muốn đến nhà các bạn gái mình để rủ họ đá bóng, nhưng họ đáp lại là ‘Không, tớ không đi được, bố mẹ giết tớ mất’, ‘Cậu biết đấy, mẹ tớ rất…’ đại loại thế. Và vấn đề là họ đều rất tài năng”, Formiga chia sẻ với Goal.
Thật may, Formiga vẫn nhận được sự ủng hộ của mẹ mình. Và để theo đuổi ước mơ, Formiga hiểu cô phải đi. Rời xa gia đình, sống một mình ở phương trời mới, sự cô đơn đôi khi khiến Formiga bật khóc, nhưng ước mơ là động lực để cô phấn đấu. Formiga bắt đầu chơi bóng cho Sao Paulo vào năm 15 tuổi, 2 năm sau cô được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, là thành viên tham dự World Cup 1995. Năm 1996, cô tham dự kỳ Thế vận hội đầu tiên có bộ môn bóng đá nữ.
Từ đó tới nay, Formiga đã đi một hành trình vĩ đại và truyền cảm hứng cho rất nhiều cô gái. Chơi bóng ở vị trí tiền vệ trung tâm, Formiga cần mẫn như một chú kiến, chạy khắp nơi trên sân. Cô cùng với Marta, Cristiane là hạt nhân của bóng đá nữ Brazil giành 2 huy chương bạc Olympic 2004 và 2008 cũng như nhiều lần vô địch Nam Mỹ.
Formiga là nguồn cảm hứng để bóng đá nữ Brazil tiếp tục chiến đấu tìm sự thừa nhận. Ảnh: Getty Images
Nhưng hơn cả là sự bền bỉ và quyết tâm thay đổi nền bóng đá nữ của đất nước mình. Formiga, Marta hay Cristiane là quá ít ỏi. Sự đầu tư của chính phủ Brazil dành cho bóng đá nữ vẫn không thấm tháp là gì so với bóng đá nam và những người như Formiga giống Don Quixote chiến đấu với cối xay gió.
“Sau huy chương bạc Olympic 2004, chúng tôi thực sự tin mọi thứ cuối cùng đã tốt hơn. Nhưng rồi nó lại trở về như cũ, bóng đá nữ như thể chưa từng tồn tại ở Brazil. Chẳng có hành động cụ thể nào để đảm bảo chúng tôi sẽ tạo ra một thế hệ mới ở Brazil. Chúng tôi có thể thấy điều đó diễn ra ở nước ngoài, trong khi ở đây chúng tôi vẫn phải đối mặt với những thử thách cũ”, Formiga bày tỏ.
Năm 2016, Formiga từ giã đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, vì thế hệ kế cận chưa thể lấp đầy khoảng trống mà cô để lại, HLV Vadao (người đã qua đời vào năm 2020) đã thuyết phục Formiga trở lại tham dự Copa America, giải đấu vòng loại của World Cup.
Trước thềm World Cup 2019, Formiga nói: “Thành thực thì hiện tại tôi muốn ở nhà, chơi bóng cho CLB, xem một Selecao trẻ trung và tươi mới đã có bất cứ sự thay đổi nào hay chưa. Nhưng những người như tôi vẫn ở đây”.
Ở tuổi 43, Formiga vẫn đang chiến đấu. Cô chiến đấu không chỉ vì tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên cho bóng đá nữ Brazil, mà còn vì một sự thừa nhận cho rất nhiều những cô gái đam mê trái bóng như cô, ở đất nước vẫn luôn được xem có tôn giáo là bóng đá.
Khi Xuân Son tỏa sáng trong trận ra mắt ĐT Việt Nam, một bộ phận khán giả bỉ bôi Tiến Linh và bắt đầu đưa ra những sự so sánh để nâng tầm “tân binh” mang áo số 12…
Nguyễn Xuân Son đang tận hưởng thời khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của anh và chúng ta, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đang tận hưởng một trung phong có lẽ chưa từng có của ĐT Việt Nam.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.