Câu trả lời được đưa ra ngay lập tức, gói ghém trong đó là những trải nghiệm tương phản và được tô điểm bởi chút gam màu buồn. Fernando Torres – trong bộ suit bảnh bao – hít thở sâu trước khi để sự tổn thương của mình tuôn trào ra khi anh được hỏi về bài học cuối cùng rút ra được từ sự nghiệp cầu thủ kéo dài 18 năm.
“Khi chúng tôi bắt đầu chơi bóng, chúng tôi luôn nghĩ về danh hiệu và xem nó là điều quan trọng nhất”, cựu tiền đạo người Tây Ban Nha chia sẻ với The Independent.
“Bạn muốn là một ngôi sao, bạn muốn đạt mọi thứ, bạn ám ảnh về việc trở thành số một thế giới. Nhưng khi kết thúc sự nghiệp, những thứ bạn có là kỷ niệm và những cảm xúc đặc biệt. Bạn nhớ mình đã có bao nhiêu người bạn, những mối quan hệ được xây dựng qua nhiều năm, chia sẻ với nhau niềm vui khi ghi bàn, tình yêu từ người hâm mộ,… Đây là những điều quan trọng nhất chứ không phải danh hiệu. Sự tôn trọng của tất cả mọi người, đặc biệt là của những cổ động viên của các đội bóng tôi từng khoác áo, hiện tại với tôi có ý nghĩa hơn nhiều”.
Torres đã giành danh hiệu danh giá nhất cấp CLB (Champions League) và lên đỉnh vinh quang cùng đội tuyển Tây Ban Nha. Anh cũng có hai tấm huy chương vàng Europa League, đồng thời đoạt được nhiều cúp bạc ở cả cấp độ trẻ ở đội tuyển và một loạt những danh hiệu cá nhân khác.
Nhưng trong số đó, không danh hiệu nào mang lại cảm giác tự hào bằng một chiếc đĩa có tên ông nội anh (Eulalio) và logo Atletico Madrid. Để hiểu rõ về El Nino bạn cần giải mã cuộc chiến nội tâm bên trong với mong muốn phát huy tối đa tài năng, nhưng đồng thời cũng phải quan sát bằng một lăng kính nhạy cảm.
Ông Eulalio là người khiến Torres cam kết gắn bó với Atleti. Năm 9 tuổi, lần đầu tiên anh tới Vicente Calderon và 1 năm sau, đã được thử việc ở CLB sau khi ghi 55 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên với Rayo 13.
Tại Carabanchel’s Parque de las Cruce – vùng lân cận Madrid – Torres là 1 trong 200 đứa trẻ đang cố gắng gây ấn tượng trên sân đất sỏi trong trận đấu 11 người, mỗi hiệp kéo dài 20 phút. HLV Manuel Briñas ở đội trẻ Atleti đã hỏi người đồng nghiệp Manolo Rangel rằng “chúng ta nên xếp cậu bé tóc vàng mặt tàn nhang này ở lứa nào?” và câu trả lời ông nhận được là “cho cậu bé ở nhóm 11 tuổi”.
Torres nói quãng thời gian anh “vui nhất” là ở học viện CLB, nhưng đồng thời quãng thời gian ấy cũng biến anh thành niềm hy vọng lớn của Rojiblancos. Atletico trải qua “2 năm trong địa ngục” ở hạng 2, thời điểm đó anh có trận đấu đầu tiên trong sự nghiệp chuyên nghiệp khi mới 17 tuổi. Năm 19 tuổi, anh trở thành đội trưởng. Và trước khi bước sang tuổi trưởng thành, anh đã thực sự là Atleti – biểu tượng của CLB.
“Tôi thực sự rất thích sự khởi đầu đó. Tôi không biết mình đang gánh vác mọi trách nhiệm mà tôi chỉ tập trung chơi bóng mà thôi. Tôi đang sống với giấc mơ của mình, thi đấu cho đội bóng tôi hâm mộ và đứng trước các cổ động viên của đội bóng đó. Tôi rất hạnh phúc.
Sau đó tôi nhận ra mình thực sự đang gánh vác rất nhiều trách nhiệm, tất cả đổ dồn lên tôi. Có rất nhiều vấn đề cần giải quyết và không chỉ là trên sân cỏ. Có nhiều điều tôi làm cho CLB tôi yêu nhưng chẳng có điều gì cho tôi cả. Tôi cũng phải bắt đầu nghĩ về bản thân nữa.
Khi ấy tôi thấy mọi thứ không đi đúng hướng và tôi phải rời đi. Điều đó cũng tốt cho cả Atleti, họ có thể xây dựng nhiều thứ hơn thay vì chỉ tập trung vào một cầu thủ. Chắc chắn đó là một trong những giai đoạn khó khăn nhất sự nghiệp của tôi, một quyết định khó khăn và đáng sợ, nhưng nó đã đúng”.
Torres quá chất lượng với Atleti, nếu không vì sự trung thành anh đã rời đi sớm hơn: anh thừa nhận đã suy nghĩ giống một người hâm mộ. Đó là chủ đề chính xuyên suốt sự nghiệp của anh: tình cảm xen lẫn thực tế và khát khao khám phá hết tiềm năng bản thân.
Ngày 4 tháng 7 năm 2007, Torres trở thành bản hợp đồng kỷ lục ở CLB thời điểm đó với giá trị 20 triệu bảng và thời hạn 6 năm. Anh trở thành số 9 hay nhất thế giới trong quãng thời gian ở đội bóng chủ sân Anfield, đóng góp trực tiếp vào 97 bàn thắng trong 142 lần ra sân.
“Liverpool là phép màu, là tất cả mọi thứ”, anh chia sẻ. “Tôi cảm thấy mình được chào đón từ ngày đầu tiên. Tôi cảm thấy mình đang ở trong một gia đình mới, tất cả mọi người – từ ban huấn luyện, các cầu thủ và cổ động viên – đều chào đón tôi và mối quan hệ giữa chúng tôi rất tuyệt.
Tôi từng nghĩ mình có thể vút bay ở Liverpool. Tôi có thể làm mọi thứ tôi muốn trên sân, thật không thể tin được. Tôi cảm thấy mình được giải phóng vì tôi có mọi thứ mình cần để hạnh phúc: ở đó có Steven Gerrard, tôi được khoác áo một CLB lớn, thứ bóng đá chúng tôi chơi thật tuyệt, tôi cũng không gặp vấn đề với chấn thương. Khi ấy tôi ở trên đỉnh thế giới.
Torres chiếm được trái tim của các khán giả tại Merseyside, một người tới từ Fuenlabrada đã ngay lập tức kết nối và gắn kết với những người cũng xuất thân từ tầng lớp lao động. Anh tiết lộ trong cuốn sách “El Nino: My Story” như sau: “Tôi xác định các giá trị định hình nên CLB: sự chăm chỉ, vượt khó, khiêm tốn, hy sinh, nỗ lực, sự bền bỉ, đồng lòng, đoàn kết, khát khao tiến bộ, vượt qua những trở ngại”.
Thế nhưng, điều trớ trêu là… anh lại không có danh hiệu ở đây. Và tệ hơn, anh đã có thể thấy trước một khoảng thời gian sa sút của Liverpool. Và một lần nữa, anh phải cân nhắc giữa mối quan hệ của mình với CLB và vòng cung sự nghiệp. “Quá khó khăn vì chúng tôi có một đội hình giỏi”, Torres chia sẻ về việc anh cân nhắc ra đi khi chứng kiến dàn sao của Rafael Benitez chia năm xẻ bảy.
“Tôi thực sự tự hào khi ở Liverpool, song khi đó chúng tôi bắt đầu bán những cầu thủ lớn nhất – Mascherano, Xabi Alonso và thậm chí Rafa Benitez cũng bị sa thải. Và sau đó các chủ sở hữu bán CLB. Nhiều người chỉ chăm chăm vì lợi ích của họ chứ không phải CLB. Quá nhiều lần chúng tôi nói về điều đó và tôi khẳng định chúng tôi có mọi thứ ở đây. Chúng tôi cần giữ đoàn kết và bổ sung một vài cầu thủ. Chúng tôi đã rất gần vị trí số một nước Anh và châu Âu. Nhưng tôi quyết định ra đi vì mọi thứ tôi biết về Liverpool đã mất.
Không còn tham vọng, không còn Xabi, không Mascherano, không Benitez, không có dự án nào… Chẳng có gì hết! Vì thế tôi cần nghĩ về bản thân vì tôi rời Atletico – nơi tôi coi là nhà – để giành các danh hiệu. Vì ở thời điểm đó, tôi vẫn nghĩ rằng giành các danh hiệu là điều quan trọng nhất. Và Chelsea tạo ra cơ hội cho tôi đoạt danh hiệu hàng năm. Đó là điều tôi muốn ở độ tuổi lúc ấy”.
Ngày 31 tháng 1 năm 2011, Torres rời Anfield tới Stamford Bridge với giá 50 triệu bảng. Và điều đó khiến mối quan hệ giữa anh với người hâm mộ Liverpool bị hủy hoại. CLB đã vẽ ra câu chuyện một chiều về cuộc chuyển nhượng này: tiền đạo người Tây Ban Nha mong muốn và gây áp lực để rời khỏi CLB mà không nhắc đến những lời hứa đã bị phá vỡ. Và thực tế là ngoài Gerrard, không ai trong bộ sậu quyền lực đội bóng nói một cách nghiêm túc rằng họ muốn anh ở lại.
Điều này khiến Torres mệt mỏi. Ở khía cạnh công việc, nó dẫn đến việc anh sẽ mãi mãi phải cố gắng tái hiện lại phiên bản Fernando Torres ở Liverpool.
Anh chia sẻ: “Tôi hoàn toàn mệt mỏi. Tôi chắc chắn mình vẫn có thể là cầu thủ hàng đầu, song tôi không thể tìm lại sự ổn định trong lối chơi. Tất cả mọi người, hoặc tôi nghĩ điều mà truyền thông thể hiện ra là tôi luôn thất bại ở Chelsea. Tôi nghĩ điều đó không đúng, vẫn có một vài khoảnh khắc sáng chói. Mối quan hệ giữa tôi với người hâm mộ Chelsea rất gắn bó và có lẽ đó là một trong những lý do chính khiến tôi vẫn giữ động lực bởi họ luôn chờ đợi ở tôi, còn tôi thì muốn cho họ thây những điều tuyệt vời nhất.
Họ cho tôi thấy sự trân trọng khi giành các danh hiệu. Có lẽ có những giai đoạn tôi đá tốt nhưng không phải tuần nào cũng thế như ở Liverpool. Và trong giai đoạn đó, tôi bắt đầu đối đầu với chính mình: Fernando Torres ở Liverpool. Rất khó để thắng được bởi tinh thần đã không còn như xưa, tình cảnh hoàn toàn khác và bóng đá cũng khác.
Tôi tin mình vẫn có thể thi đấu ở đẳng cấp cao nhất, điều tôi đã chứng minh khi trở về Atleti. Tôi nghĩ quãng thời gian của mình ở Chelsea nhiều thăng trầm chứ không chỉ có nốt trầm đâu”.
Khi ấy, Torres đã tự hỏi liệu cổ động viên Liverpool có sẵn sàng giang tay ôm lấy mình nữa hay không. Anh ray rứt khi một mối quan hệ vốn rất quan trọng với anh đã bị hủy hoại. Tháng 3 năm 2015, anh trở lại Anfield trong một trận đấu gây quỹ từ thiện cho tổ chức Liverpool FC Foundation.
Vào đầu hiệp 2, một bài hát người ta đã không được nghe ở Anfield trong suốt hơn 4 năm đã vang lên.
“Tấm băng cho thấy anh là một màu Đỏ, Torres, Torres.
Anh sẽ không bao giờ bước đi một mình, Torres, Torres.
Chúng ta đã mua một chàng trai tới từ Tây Ban Nha đầy nắng, anh ấy có bóng và lại ghi bàn.
Fernando Torres, số 9 của Liverpool!”
“Đúng, tuy chỉ là một trận đấu từ thiện nhưng nó là một trong những trận đấu quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi bởi người hâm mộ Liverpool đã tha thứ cho tôi”, anh thừa nhận. “Vài tháng trước khi trận đấu diễn ra tôi đã rất sợ vì tôi không biết phản ứng của họ ra sao. Tôi không dám chắc 100%.
Trước đó 1 tuần tôi đã có cơ hội giải thích vì sao tôi ra đi và kể ra sự thật. Và khi bước ra sân ngày hôm ấy, mọi người đứng dậy và dành tràng pháo tay cho tôi. Với tôi, sự chào đón ấy thật sự gây xúc động bởi tôi đã từng rất đau lòng vì tất cả mọi thứ liên quan đến cuộc chia tay, sau đó trở lại Anfield với tư cách cầu thủ đối phương và bị la ó.
Rất đau lòng. Tôi vẫn yêu họ và thật khó để vượt qua cảm giác đó. Nhưng ngày hôm ấy, tôi lại thấy lòng mình nhẹ nhõm trở lại. Tôi lại có thể gần người hâm mộ và cảm nhận sự nồng ấm họ trao. Điều đó khiến tôi hạnh phúc. Trước đó, bạn hỏi tôi về những trải nghiệm với các danh hiệu và ngày hôm nay là cơ hội để tôi cho thấy tầm quan trọng của sự kết nối. Tôi muốn trở lại Anfield khi có thể để xem một trận đấu vì tôi yêu CLB này.
Tôi vẫn theo dõi các trận đấu của họ trên TV. Tôi hạnh phúc vì cuối cùng họ đã vô địch quốc gia sau 30 năm. Ngày họ đoạt chức vô địch Champions League, tôi cũng ăn mừng, song tôi biết Premier League rất có ý nghĩa với người hâm mộ. Và họ xứng đáng được tận hưởng niềm vui ấy”.
Lược dịch từ bài phỏng vấn của tác giả Melissa Reddy với Fernando Torres trên The Independent.
Luis Diaz sẽ kỷ niệm ba năm khoác áo Liverpool vào tháng tới và màn trình diễn của tiền đạo người Colombia vào cuối tuần qua là lời nhắc nhở kịp thời rằng, anh LUÔN là nhân tố quan trọng đối với The Kop.
Trước khi nhập tịch thành công và khoác áo ĐTQG, Nguyễn Xuân Son nhận phản ứng trái chiều của người hâm mộ; song, anh đang nỗ lực hết mình để giành được cảm tình của những người từng không ủng hộ mình.
Khi Xuân Son tỏa sáng trong trận ra mắt ĐT Việt Nam, một bộ phận khán giả bỉ bôi Tiến Linh và bắt đầu đưa ra những sự so sánh để nâng tầm “tân binh” mang áo số 12…
Nguyễn Xuân Son đang tận hưởng thời khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của anh và chúng ta, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đang tận hưởng một trung phong có lẽ chưa từng có của ĐT Việt Nam.