Đã 5 năm kể từ khi Nguyễn Minh Châu - tượng đài CLB Hải Phòng, tiền vệ trụ nổi tiếng một thời của Việt Nam - chia tay bóng đá và ra nước ngoài định cư. Trong khoảng thời gian ít ỏi cựu danh thủ về nước, Diemsovi.com đã có dịp ngồi lại và trò chuyện với Minh Châu về cuộc đời và sự nghiệp bóng đá của anh.
- Xin chào Minh Châu. Hành trình bóng đá của anh bắt đầu từ khi nào?
Tôi bắt đầu xem bóng đá từ 1994, nhưng giải đấu đầu tiên mà tôi nhớ chính là Euro 1996 tại Anh. Rồi sau đó tôi tập chơi bóng ở Quảng Ninh, đến năm 18 tuổi thì tới Hải Phòng rồi sau đó lên đội một. Hành trình bóng đá của tôi đã diễn ra như vậy.
- Trong quá trình xem và chơi bóng từ thuở nhó hẳn anh phải có một thần tượng cho mình?
Tôi rất hâm mộ Ronaldo của Brazil bởi anh ấy có lối chơi đầy kỹ thuật. Ngày xưa tôi cũng đá tiền đạo và cố gắng học hỏi cách chơi bóng của Ronaldo rất nhiều. Anh ấy thực sự là một nguồn cảm hứng.
- Vậy đến thời điểm nào anh nhận ra mình sẽ không phải là một cầu thủ kiểu như Ronaldo?
Đến năm 15 tuổi thì các thầy nhận ra tôi có tố chất để chơi tiền vệ trung tâm bởi tôi chạy rất nhiều, gần như luôn chạy bao sân. Có lẽ đó là cái duyên và cũng là định mệnh trong sự nghiệp của tôi.
- Không ít cầu thủ theo đuổi bóng đá để thoát nghèo. Với anh câu chuyện có phải như vậy?
Với trường hợp của tôi thì không phải thế. Tôi là con út trong nhà, trên tôi còn 6 chị gái nữa, nên cũng khá được chiều. Lý do chỉ là tôi thích đá bóng mà thôi. Thực ra mẹ tôi không muốn tôi đi theo con đường bóng đá và vẫn hướng tôi ở nhà để gần bố gần mẹ. Dù vậy mẹ tôi cũng không ngăn cản tôi đi theo đam mê của mình. Còn bố thì ủng hộ tôi hơn.
- Quãng thời gian tập chơi bóng của anh ở Quảng Ninh diễn ra như thế nào?
Thực sự đến năm 18 tuổi khi tới Hải Phòng tôi mới tập bóng đá chuyên nghiệp. Từ năm 11 đến 18 tuổi tôi chỉ đá chơi ở Quảng Ninh thôi. Ở Quảng Ninh khi đó có đội, nhưng từ nhà tôi đến trung tâm huấn luyện trẻ ở Hạ Long là 40km. Tôi vẫn phải học ở thị xã Quảng Yên và chỉ chơi 3 tháng hè ngoài Hạ Long thôi. Đến lúc có giải diễn ra vào mùa hè thì tôi tham gia. Rồi ở đó tôi được chọn đi đá toàn quốc. Sau đó tôi lại về đi học.
Bình thường tôi vẫn đá cùng đội bóng ở Quảng Yên. Phải nói rằng lứa trên tôi vài tuổi họ chơi bóng rất hay. Khi đó phong trào bóng đá rất cao, ai cũng thích đá bóng hết chỉ có điều họ không may mắn để lên chơi chuyên nghiệp mà thôi. Tôi là người nhỏ tuổi nhất nhưng may mắn lại được đá cùng với họ, những người hơn tôi 4-5 tuổi. Điều đó cũng giống như luyện tập hàng ngày, ngày nào cũng đá và ngày nào cũng tập.
- Tôi nghĩ hẳn anh phải có một tố chất đặc biệt nào đó thì mới được chơi cùng những đồng đội lớn tuổi hơn như vậy.
Tôi nghĩ lúc đó mình khỏe. Nhà tôi ngay cạnh một con sông, từ bé tôi đã rèn luyện bơi lội, ngay cả mùa đông tôi cũng bơi. Tôi có thể bơi suốt mấy tiếng đồng hồ liền. Tôi nghĩ điều đó rèn luyện cho tôi sức khỏe để có thể đá bóng được.
- Anh bắt đầu từ bóng đá Quảng Ninh, thành danh ở CLB Hải Phòng nhưng cũng có một giai đoạn tập luyện ở Thể Công. Cơ duyên nào đã đưa anh tới đó?
Đúng vậy, đó là quãng thời gian trước khi tôi đến Hải Phòng. Sau khi học xong trung học phổ thông, tôi cũng đi thi đại học như bạn bè. Bạn bè tôi vẫn trêu nhau là hết đời học sinh thì phải biết lên Hà Nội một tí, ngày đó mới 17-18 tuổi nên nhắc đến lên Hà Nội là thích lắm bởi đó là thủ đô mà, trước đó gần như có bao giờ được lên đâu. Mọi người rủ nhau là dù không biết có thi đỗ được hay không thì cứ đi thi, lên thủ đô ở 1-2 tuần cho vui.
Tất nhiên là tôi đã thi trượt bởi tôi không chú tâm học hành nhiều cho lắm. Thế rồi ngày ấy tôi có một người bạn thân tên là Trần Xuân Thành, nhà của anh ấy cũng gần nhà tôi. Anh ấy tập ở Thể Công từ bé khi mới 13 tuổi. Anh ấy tập cùng với lứa cầu thủ được đi Bulgaria. Chính anh ấy đã giới thiệu tôi lên Thể Công.
Tôi tập được gần 2 tháng ở đó nhưng cảm thấy mình không có tương lai mà mình lại quá tuổi nữa, họ là lứa 1987 còn tôi lại sinh năm 1985. Tôi cảm thấy mình khó có cơ hội lên đội một nên quyết định về Hải Phòng.
- Tại sao điểm đến lại là Hải Phòng mà không phải quay về Quảng Ninh?
Vì Quảng Ninh lúc đó chưa có đội chuyên nghiệp. Tôi nhớ ngày tôi đến Hải Phòng là khoảng tháng 10/2003 và xin tập ở đội U21. Đến tháng 9/2004 thì tôi lên đội một.
- Quá trình hòa nhập ban đầu của anh ở Hải Phòng gặp nhiều khó khăn hay không?
Tôi khá may mắn. Như người ta vẫn nói là gặp thầy gặp thợ thì tôi may mắn khi gặp được những người thầy và đồng đội tốt. Những người bạn cùng lứa biết tôi ở Quảng Ninh sang nên họ giúp đỡ rất nhiều từ tập luyện, cho đi nhờ xe, các thầy cũng hướng dẫn tập luyện và rất thương tôi. Tinh thần tôi thoải mái nên việc tập luyện thuận lợi. Có thể nói con đường lên đội một của tôi trải đầy hoa hồng, không có quá nhiều khó khăn.
Hơn nữa lứa đàn anh của tôi như các anh Trường Giang, anh Hồng Trường, anh Mạnh Hà, anh Tuấn Điệp, anh Thế Phong, anh Đức Cường,… đều rất tốt. Tuy tôi là cầu thủ trẻ mới lên nhưng các anh đều rất tận tình giúp đỡ, không có chút phân biệt nào giữa cầu thủ trẻ và cầu thủ đàn anh. Ví dụ như anh Cường dạy tôi nhiều về kỹ thuật, cách lấy bóng, chèn bóng. Nói chung, khi tôi mới sang Hải Phòng, lứa cầu thủ đàn anh của tôi rất tốt.
- Vậy còn những người thầy của anh thì sao?
Hải Phòng thời điểm ấy do HLV Luis Alberto dẫn dắt, trợ lý là chú Đinh Thế Nam. Họ đều là những người tốt, đã giúp đỡ để tôi phát triển ở Hải Phòng. Có thể nói chú Nam là người đã dạy tôi về kỹ thuật và tư duy chơi bóng nhiều nhất. Tôi vốn không phải người được tập bài bản từ bé mà chỉ có sức khỏe và biết chạy thôi. Chính vì thế, HLV Đinh Thế Nam là người đã uốn nắn, chỉ bảo cho tôi rất nhiều về tư duy chơi bóng.
Khi chơi bóng ở nhà tôi quen cầm bóng rê dắt qua 4-5 người một lúc. Phải nói rằng tuy đá tiền vệ trụ nhưng tôi cũng rất khéo. Nhưng chơi bóng chuyên nghiệp đâu có được như vậy mà phải biết chuyền. Chú Nam là người hướng dẫn tôi biết khi nào thì cần chuyền, hay nói nôm na là tư duy chơi bóng. Có thể nói chú Nam là một người nghiêm khắc trong công việc nhưng ngoài cuộc sống thì rất vui vẻ, dễ gần và coi mọi người như anh em.
Bên cạnh đó còn có chú Hùng A Chấn và cũng không thể quên người thầy đến từ nước Pháp là ông Dominique Fernandez, người đã dẫn dắt U23 Lào ở SEA Games 22. Chính ông Fernandez là người đã phát hiện ra tôi. Khi đó ông Fernandez dẫn dắt Hải Phòng và nhìn ra tôi ở đội U21. Khi nói chuyện với báo chí thời điểm đó, ông ấy còn nói rằng “1-2 năm nữa sẽ có một Issawa của Hải Phòng”.
Ông Fernandez rất hiểu về tôi. Phải nói rằng tại SEA Games năm 2003, tiền vệ trung tâm Issawa của Thái Lan chơi rất hay. Và trong quá trình xuống làm việc với đội U21 Hải Phòng, ông Fernandez rất quý và thích tôi. Nhìn thấy sự nhiệt tình trong lối đá của tôi, ông đã so sánh tôi với Issawa.
- Hành trình bóng đá của anh diễn ra đến năm 2008 thì anh được gọi lên đội tuyển quốc gia. Trước thời điểm đó anh không hề đá cho một lứa trẻ nào của đội tuyển giống như nhiều đồng đội cùng thời. Anh có bao giờ suy nghĩ về việc đó không?
Tôi không suy nghĩ gì về việc đó cả bởi với tôi được lên đội tuyển đã là rất vui và hạnh phúc rồi. Phải nói rằng đó là một niềm mơ ước. Khi mới lên đội tuyển tôi còn tưởng mình đang mơ bởi tôi không nghĩ mình đang có mặt ở đó. Được khoác áo đội tuyển quốc gia là một niềm vinh dự và vô cùng danh giá, một điều vô cùng thiêng liêng.
- Anh còn nhớ khoảnh khắc mình nhận được thông báo lên đội tuyển chứ?
Tôi vẫn còn nhớ như in. Lúc đó tôi đang tập ở trung tâm Thành Long tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi ấy có một anh nhà báo gọi điện thông báo rằng tôi có tên trong danh sách triệu tập lên đội tuyển. Lúc đó tôi rất mừng, cảm giác sung sướng đến mức nổi hết cả gai ốc và cũng không biết diễn tả thế nào cho hết được niềm vui ấy.
Và phải nói rằng khi lên đội tuyển tôi vẫn may mắn khi tiếp tục gặp được những người đồng đội tốt. Anh Tài Em là người có thâm niên ở đội tuyển và rất chào đón tôi, rồi đến em út Thành Lương, bên cạnh đó có anh Ngọc Thanh cũng ở Hải Phòng lên cùng. Rồi anh Như Thành, anh Việt Thắng cũng quý mến. Anh Quang Thanh, Quang Hải, Tấn Tài, Văn Phong cũng rất vui. Nói chung là mọi người chơi với nhau hết và toàn người tốt thôi.
Phải thừa nhận rằng lứa năm ấy cả đội chơi với nhau hết, ai cũng quý nhau. Nếu bạn để ý sẽ thấy năm nào vô địch thì cả đội đều đoàn kết, cả tập thể đoàn kết với nhau. Sự đoàn kết đóng vai trò quyết định.
- Quả thực AFF Cup 2008 vẫn là một dấu mốc quá quan trọng với bóng đá Việt Nam.
Tôi nhớ mình được gọi lên hồi tháng 5, đến tháng 6 đi đá giao hữu ở Indonesia, đến tháng 9 đi đá giải giao hữu ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó đá vài trận ở Singapore rồi tháng 11 thì đá AFF Cup ở Thái Lan. Lúc đầu chúng tôi thua liểng xiểng mười mấy trận không thắng. Vào giải chúng tôi cũng thua trận đầu, trận sau thắng Malaysia, trận cuối vòng bảng thắng Lào thì mới đi tiếp.
- Thời điểm đó HLV Henrique Calisto bị chỉ trích rất dữ dội.
Đúng vậy. Tóc của HLV Calisto ban đầu vẫn còn nửa đen, về sau thì bạc hết.
- Trong nội bộ đội bóng, ông Calisto đã làm gì để khích lệ, động viên toàn đội trong giai đoạn khó khăn ấy?
Từ trước đến nay, trong tất cả các HLV tôi đã làm việc cùng thì phải nói rằng HLV Calisto là một bậc thầy về tâm lý. Thầy kích thích cho cầu thủ đá hết mình, quên mình, có bao nhiêu sức đá hết. Đó chính là điều tôi học hỏi được từ người thầy Calisto. Tôi nghĩ tâm lý cho cầu thủ là rất quan trọng. Theo cá nhân tôi chiến thuật là một phần nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề tâm lý. Khi mà đội có tâm lý thoải mái, làm tâm lý cầu thủ tốt rồi thì lúc đó mỗi cá nhân sẽ đá hay lên.
Trở lại với câu hỏi về thầy Calisto thì thầy hay kích thích lòng kiêu hãnh về Tổ quốc. Thầy làm cho chúng tôi nhận ra rằng mình là người Việt Nam, các bậc cha chú đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở thời chiến thì ở thời bình chúng ta cũng cần chiến đấu để bảo vệ tinh thần Việt Nam. Thầy bảo toàn đội hãy chiến đấu vì màu cờ Tổ quốc, vì cờ đỏ sao vàng. Thầy kích thích tinh thần chúng tôi như một người lính ra trận.
- Có lẽ mọi người sẽ nhớ về anh nhiều nhất ở AFF Cup 2008 chính là trận chung kết với Thái Lan khi đối đầu một hàng tiền vệ rất mạnh của đối thủ. Anh có nhớ họ đã gây ra khó khăn gì cho anh và các đồng đội ở khu trung tuyến hay không?
Lúc đó tôi lại không nghĩ đến việc họ gây ra khó khăn gì cho mình mà ngược lại là mình sẽ gây khó khăn cho họ như thế nào. Tôi chủ động gây khó khăn, tạo sức ép cho họ. Phải nói rằng nhân tố chủ chốt của Thái Lan lúc đó là Thonglao, một cầu thủ rất hay. Bạn biết rồi đấy, Thonglao chuyền bóng rất hay, có thể đứng ở sân nhà phất bóng đến đúng địa chỉ.
Vì thế trước khi vào sân, HLV Calisto dặn tôi là một phần, bên cạnh đó tôi cũng có chiến thuật của riêng mình đó là không cho Thonglao chuyền bóng, anh ấy cứ có bóng là tôi áp sát. Tôi không đi theo anh ấy như hình với bóng, nhưng anh ấy cứ đến gần vị trí của tôi là tôi áp sát, Thonglao cứ xuất hiện ở gần tôi là tôi đuổi theo.
Cần nói thêm là hàng tiền vệ của chúng ta khi đó cũng rất hay. Anh Tài Em đá dưới, tôi đá trụ lệch phải, anh Tấn Tài đá trụ lệch trái. Cả ba chúng tôi tranh chấp rất tốt. Lúc đó đá với Thái Lan chúng tôi không hề thấy sợ hãi gì cả. Vừa vào trận là thấy tâm lý rất thoải mái và cứ thế mà đá thôi. Như tôi đã nói, tâm lý thoải mái rồi thì không sợ, cứ đá thôi. Bây giờ các đội bóng lớn đều có chuyên gia tâm lý là vì thế.
- Anh nói rất nhiều đến vấn đề tâm lý, tinh thần. Phải chăng đó là điều anh luôn muốn truyền cho các đồng đội khi làm đội trưởng CLB Hải Phòng?
Đúng vậy. Suy nghĩ của tôi mỗi khi ra sân là chiến đấu. Tôi luôn muốn truyền đạt đến các đồng đội sự mạnh mẽ, tinh thần không sợ sệt. Tôi luôn động viên đồng đội như vậy.
- Anh là biểu tượng của Hải Phòng, là đội trưởng và gắn bó cả sự nghiệp cầu thủ ở đó. Lý do gì khiến anh nặng tình với đội bóng và mảnh đất ấy?
Thứ nhất nguyên quán của tôi ở Hải Phòng bởi đó là là quê bố tôi. Bố tôi đến Quảng Ninh lập nghiệp, gặp mẹ tôi rồi sinh ra chị em chúng tôi. Vì thế Hải Phòng cũng là quê hương của tôi. Hơn nữa cổ động viên Hải Phòng thực sự tuyệt vời. Với tôi, cổ động viên địa phương nào cũng có nét riêng, nhưng nếu xét về sự cuồng nhiệt, yêu ra yêu, ghét ra ghét thì chỉ có cổ động viên Hải Phòng.
Hơn nữa, ở đó tôi cũng được mọi người quý mến. Tôi đi đâu, mọi người cũng gọi “Minh Châu, Minh Châu” rồi chào hỏi, mời vào ăn cái này cái kia. Họ khiến tôi cảm thấy tôi giống như người nhà của họ. Với lại tính tôi là không muốn di chuyển nhiều, từ Hải Phòng về nhà tôi cũng chỉ khoảng 30 phút, chính vì vậy tôi cũng không muốn đi đâu và quyết định chỉ ở Hải Phòng.
- Tuy vậy đã có thời điểm nào anh suýt chút nữa hoặc rất gần với việc rời CLB Hải Phòng để đến một CLB khác hay chưa?
Cũng có lúc tôi suy nghĩ, phải thành thực là như vậy. Nhưng đến quyết định cuối cùng thì tôi lại thôi. Có những lúc tôi cảm thấy không vui vì một số vấn đề thì cũng có ý định đó nhưng khi suy nghĩ kĩ càng thì tôi vẫn quyết định gắn bó với Hải Phòng. Ở lại Hải Phòng tôi được nhiều thứ hơn. Nếu ra đi có thể tôi sẽ nhận được nhiều tiền bạc, nhưng ở lại thì tôi nhận được tình cảm từ khán giả.
Hiện tại, sau 5 năm chia tay bóng đá và rời Hải Phòng, khi trở về tôi vẫn được các bác các chú quý mến. Hội cổ động viên vẫn yêu quý, họ biết tôi tới sân Lạch Tray thì cũng đến tặng hoa rồi hỏi thăm. Mọi người vẫn yêu mến tôi như thuở ban đầu. Đó chính là cái được nhất khi quyết định gắn bỏ với Hải Phòng, là món quà vô giá, là điều tôi rất tự hào.
- Vậy có thời điểm nào Than Quảng Ninh, đội bóng nơi anh sinh ra, muốn chiêu mộ anh trở về với quê nhà?
Có. Giai đoạn năm 2015, chú Hùng (ông Phạm Thanh Hùng, cựu chủ tịch CLB Than Quảng Ninh – BTV) nói “cháu đá cho Hải Phòng rồi, giờ cháu về cống hiến cho quê hương đi. Cháu cống hiến quê hương Hải Phòng cả đời rồi thì giờ hãy về cống hiến cho quê hương Quảng Ninh”. Thực ra đó cũng là một ý kiến hợp lý và tôi cũng đã cân nhắc. Tuy nhiên lại có một vấn đề là khi ấy tôi vừa dính chấn thương nên cũng có ý định giải nghệ để sang Australia định cư. Chính vì thế tôi cũng trả lời chú Hùng là không thể về Quảng Ninh được.
- Nhìn lại cả hành trình sự nghiệp cấp CLB, mùa giải nào với anh là đáng nhớ nhất?
Có lẽ là mùa giải 2008. Khi ấy đội Hải Phòng vừa lên hạng và đoạt hạng ba. Thời điểm đó Xi măng Hải Phòng cầm đội bóng và tạo ra không khí cuồng nhiệt cho cổ động viên Hải Phòng. Đó cũng là những năm tháng đáng nhớ nhất của bóng đá Hải Phòng đến giờ.
- Vậy còn hai mùa giải Hải Phòng giành ngôi á quân là 2010 và 2016 thì sao, thưa anh?
Hai mùa bóng đó thực sự mang đến nhiều tiếc nuối cho mọi người bởi chúng tôi có khả năng cạnh tranh ngôi vô địch.
- Ở tuổi 32 anh quyết định giải nghệ. Chấn thương có lẽ là nguyên nhân chính?
Nó vừa là nguyên nhân chính lẫn nguyên nhân phụ. Con tôi cũng lớn ở Australia và tôi cũng muốn sang đó. Vì thế tôi quyết định giải nghệ.
- Vậy chắc hẳn là vợ anh đã tới Australia từ trước đó lâu?
Vợ tôi đến Australia từ năm 2011, lúc đó hai vợ chồng tôi mới quen nhau một năm. Cứ đến quãng thời gian nghỉ hè tôi lại sang Australia chơi hoặc vợ tôi về Việt Nam vài tháng. Cả hai sống xa nhau một khoảng thời gian nhưng vẫn giữ được tình yêu cho đến bây giờ.
- Anh sống xa vợ con một khoảng thời gian dài và vừa phải duy trì cả sự nghiệp nữa bởi vào thời điểm 2011 sự nghiệp của anh vẫn đang phát triển. Anh có cảm thấy khó khăn để cân bằng mọi thứ không?
Tôi không thấy khó khăn, trước hết là bởi hai vợ chồng rất tin tưởng và yêu thương nhau. Thời điểm đó công nghệ cũng phát triển, ngày nào hai vợ chồng cũng gọi điện nói chuyện động viên nhau. Điều đó lại càng tiếp thêm động lực hơn.
- Vậy còn con anh thì sao? Tôi nghĩ một đứa trẻ phải sống xa bố hoặc mẹ sẽ có những thiệt thòi nhất định.
Tôi cũng may mắn khi bố mẹ vợ cũng ở Australia nên ông bà cũng trông cháu. Và như đã nói là ngày nào tôi cũng gọi điện nên giữa hai bố con cũng có sợi dây kết nối. Hai bố con không gặp nhau trong suốt mấy tháng nhưng con vẫn nhớ tôi bởi tôi ngày nào cũng gọi điện 1-2 tiếng liền, vì thế không có quá nhiều vấn đề.
- Anh có nghĩ mình giải nghệ ở tuổi 32 là quá sớm?
Tôi nghĩ nếu không có chấn thương đầu gối ấy thì lúc đó là quá sớm bởi quả thực giai đoạn ấy tôi vẫn còn sung sức lắm. Khi chưa dính chấn thương đó, tôi nghĩ rằng chắc mình phải đá bóng đến năm 35 tuổi. Thế rồi tôi dính chấn thương, cảm thấy đôi chân mình không còn mạnh mẽ như xưa, tôi cũng cảm thấy nản một phần.
Hiện tại Minh Châu vẫn chơi bóng hàng tuần ở Australia |
- Anh có phải suy nghĩ lâu không để đưa ra quyết định giải nghệ đó?
Thực sự đó cũng là một quá trình kéo dài từ lâu và có sự chuẩn bị, đến lúc chấn thương thì tôi đã nghĩ đến. Vì thế đó không phải quyết định bất ngờ.
- Vậy còn quyết định tới Australia định cư có khiến anh phải suy nghĩ nhiều không bởi anh sẽ bỏ lại nhiều thứ ở Việt Nam để đến một nơi xa lạ như vậy?
Tôi không suy nghĩ quá lâu bởi hành trình sang Australia cũng nằm trong dự tính của tôi từ trước. Trong những lần sang du lịch, tôi thấy Australia là một đất nước rất đáng sống, chất lượng cuộc sống cũng tốt và mình có thể dễ dàng làm ăn. Cộng đồng người Việt Nam ở Australia cũng rất lớn nên không khó để hòa nhập.
- Hiện tại cuộc sống ở Australia của anh ra sao?
Hiện tại tôi đang làm nail ở Australia. Trước đấy vợ tôi đã mở một tiệm ở đó từ gần chục năm. Sau khi sang tôi tham gia quản lý cùng vợ. Sau đó tôi cảm nhận và hiểu được cách làm nên tôi mở một tiệm nhỏ nữa để làm cho vui. Bản tính của mình ngày xưa, đặc biệt trong lúc đá bóng như thế nào thì làm công việc này cũng thế. Mình thật thà, chân thành nên mọi người cũng quý mến. Hai vợ chồng tôi hiện tại cũng ổn định.
- Cuộc sống ở đó có khác nhiều so với anh tưởng tượng trước khi định cư hay không?
Không, bởi khi còn chơi cho đội tuyển tôi cũng đi nước ngoài nhiều, tiếp xúc với các văn hóa khác nhau. Chính vì thế tôi thấy không có gì quá khác biệt. Những cầu thủ bóng đá như tôi hòa nhập khá nhanh.
- Lúc này ở Australia anh có còn chơi bóng đều không?
Tôi vẫn sinh hoạt bóng đá với người Australia mỗi tuần một trận. Không có khó khăn gì mấy dù thể chất có thể chênh lệch bởi họ cũng chỉ đá phủi cho vui, còn mình đá để cho đỡ nhớ nghề.
- Anh có nghĩ đến việc mình sẽ huấn luyện một đội bóng cộng đồng hay mở một trung tâm bóng đá hay không?
Mở trung tâm bóng đá thì không. Còn về huấn luyện thì cũng có lúc tôi nghĩ giá như khi còn ở Việt Nam tôi đi học một lớp huấn luyện viên. Nhiều lúc nghĩ như vậy, nhưng rồi lại thôi.
- Việc các cầu thủ như anh bắt đầu đi học bằng huấn luyện, đặc biệt trong giai đoạn cuối sự nghiệp là điều không lạ. Có lý do gì khiến anh không làm như vậy?
Tôi thấy mình đá mười mấy năm rồi cũng mệt, hơn nữa đi xa gia đình cũng nhiều. Bây giờ mà làm HLV nữa thì lại xa gia đình tiếp. Đó là một nguyên nhân khiến tôi không đi học bằng huấn luyện.
- Ở Australia anh có thường xuyên đến sân vận động để xem bóng đá?
Tôi rất ít khi đi xem. Chỉ có một lần ĐT nữ Việt Nam sang đúng thành phố tôi đang ở là Newcastle, nơi đó cách nhà tôi 20 phút. Tôi đến đó chơi và xem. Còn lần gần nhất khi ĐT Việt Nam tới Australia tham dự vòng loại World Cup lại diễn ra ở Melbourne, khá xa nhà tôi và phải đi máy bay. Khi đó tôi vẫn đang bận rộn với công việc nên không thể sắp xếp để tới sân.
- Cảm giác của một người đã xa Việt Nam 5 năm được chứng kiến lá quốc kỳ xuất hiện và nghe quốc ca của Việt Nam vang lên ở sân vận động như thế nào?
Lúc đó rất vui và xúc động. Tôi khá tiếc nuối khi không thể đi cổ vũ ĐT Việt Nam ở vòng loại World Cup. Xung quanh tôi rất nhiều người đi và mọi người cũng hỏi tôi nhưng tôi lại không thể đi được. Quả thực tôi rất muốn gặp mọi người, trong đội tuyển có Tấn Trường rồi các anh bác sĩ từ ngày tôi vẫn ở trong đội.
- Quay trở lại với sự nghiệp của anh. Ngày anh chia tay CLB Hải Phòng ở trận đấu với CLB SHB Đà Nẵng vào năm 2017, trên khán đài có băng rôn tri ân anh. Sau đó, trong một màn ăn mừng bàn thắng, trung vệ Vũ Ngọc Thịnh có cầm chiếc áo số 6 của anh. Cảm xúc lúc đó của anh như thế nào?
Tôi rất xúc động. Ngọc Thịnh cũng là một người em tôi chứng kiến khi cậu ấy còn từ đội trẻ đi lên chuyên nghiệp. Hai anh em rất quý mến nhau. Khi chứng kiến hành động đó tôi rất cảm kích. Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn tới cổ động viên và các đồng đội bởi mọi người đã yêu quý mình. Mặc dù tôi không có trận đấu chia tay nhưng điều đó không quan trọng. Tình cảm, việc mọi người vẫn còn nhớ đến tôi mới là điều quan trọng hơn cả.
- Anh chia tay CLB Hải Phòng vì chấn thương. Ngày anh chia tay ĐT Việt Nam cũng là trận đấu mà anh nhận thẻ đỏ (gặp Thái Lan năm 2015 – BTV). Đó đều là những kết thúc khá buồn. Có bao giờ anh nghĩ rằng đáng nhẽ ra mình sẽ có một kết thúc nào đó vui hơn với CLB và đội tuyển?
Quả thực cuộc sống có những điều mà mình không thể ngờ được. Tuy nhiên tôi không có điều gì phải hối tiếc vì ngoài bóng đá tôi vẫn còn nhiều niềm vui nữa rồi được vợ con động viên dù chỉ là qua điện thoại. Đúng là tôi rất buồn bởi những sự chia tay như thế, nhưng nhận được những sự động viên kịp thời khiến tôi quên nỗi buồn đi rất nhanh. Còn nếu cứ một mình thui thủi, nghĩ đến những điều như thế buồn lắm.
Minh Châu hội ngộ HLV Mai Đức Chung ở Australia |
- Vậy là anh không có gì phải hối tiếc về sự nghiệp của mình?
Đúng vậy. Tôi phải cảm ơn sự nghiệp của mình. Tôi thấy mình rất may mắn khi hành trình sự nghiệp trải khá nhiều hoa hồng từ lúc ở đội trẻ đi lên đội một rồi đội tuyển quốc gia. Hành trình đó cứ đi lên từng bước không có gì quá khó khăn. Có thể cách sống của tôi được mọi người quý mến nên tôi gặp khá nhiều người tốt, từ đó mọi thứ diễn ra rất êm đềm.
- Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp, điều lớn nhất anh học được từ bóng đá là gì?
Từ bóng đá ra cuộc sống, điều lớn nhất tôi học được chính là tính kiên nhẫn và sự điềm tĩnh. Tất cả mọi thứ phải xem xét hết mọi khía cạnh, sự việc rồi mới đi ra quyết định.
- Và có lẽ sự điềm tĩnh và kiên nhẫn cũng là hai thứ rất quan trọng với công việc của anh hiện tại.
Đúng vậy, làm nail là công việc dễ gây bực mình hơn cả bóng đá mà.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
- Anh nghĩ sao về sự thay đổi của CLB Hải Phòng mùa giải này ở ban huấn luyện, sân bãi, ban lãnh đạo? Tôi thấy có nhiều điều tích cực, đặc biệt là ban huấn luyện. Tôi rất kỳ vọng khi ban huấn luyện Hải Phòng có nhiều cựu cầu thủ Hải Phòng và đều là những người tôi quý mến, điều đó khiến tôi rất mừng. Khi nghe thấy những cái tên như anh Hồng Trường, Đặng Văn Thành, Ngô Tuấn, chú Quang (HLV thủ môn Bùi Vinh Quang – BTV). Đó là những người tôi rất quý mến. |
(Ảnh: Hồng Phú, Getty Images, nhân vật cung cấp)