Cesc Fabregas: “Tôi chơi thứ bóng đá hay nhất khi được tự do trên sân”

Tác giả CG - Thứ Ba 06/09/2022 15:46(GMT+7)

Zalo

11 tháng sau ngày dính chấn thương đầu gối trái và phải nghỉ thi đấu suốt quãng thời gian ấy, Cesc Fabregas lại được tận hưởng niềm vui như con trẻ khi lại được làm cầu thủ bóng đá. Fabregas chia sẻ với tờ Mirror rằng vào năm ngoái có những thời điểm anh cảm thấy “buồn chán” khi quãng thời gian ở Monaco trở nên thật tồi tệ bởi những chấn thương khiến anh chỉ có 2 lần ra sân tại Ligue 1.

Cesc Fabregas
 

Lúc ấy, lão tướng 35 tuổi đã tự hỏi liệu đó có phải điểm kết thúc và liệu anh có bao giờ còn cảm thấy phấn khích khi trái tim đập theo nhịp điệu của trái bóng tròn nữa hay không. Nhưng lúc này ở Como, đội bóng đang chơi ở Serie B mà anh cũng là một cổ đông, Cesc Fabregas sẽ có 2 mùa giải phía trước để lại được tận hưởng niềm vui chơi bóng.

“Cảm giác giống như đá trận chuyên nghiệp đầu tiên năm 16 tuổi vậy. Một năm không thi đấu là điều tôi chưa từng trải qua trước kia, vì thế khi được tận hưởng niềm vui chơi bóng dù đội chúng tôi thua cuộc thì với tôi thực sự giống như một chiến thắng. Tôi đã từng chịu nhiều đau đớn. Tôi đã tập luyện chăm chỉ để ngày này xuất hiện. Tôi nhớ năm ngoái có ngày tôi trở về nhà và vợ bảo rằng nhìn tôi không thấy sự hạnh phúc vui vẻ nào. Quả thực tôi đã rất buồn chán"

, tiền vệ người Tây Ban Nha chia sẻ với Mirror.

Trở lại với trạng thái vui vẻ, Fabregas lại có tâm trạng để nói về những sự phức tạp trong bóng đá. Không còn gì tốt hơn khi nghe một nhà vô địch World Cup, một trong những cầu thủ sáng tạo nhất lịch sử Premier League, phân tích những gì anh đã trải qua trên sân. Từ những pha di chuyển của đồng đội, cách anh cảm nhận đối thủ khi nhận bóng cho đến ngôn ngữ cơ thể đôi khi quan trọng hơn cả lời nói.

“Chúng ta có thể nói hàng tiếng đồng hồ về điều này”, Fabregas trả lời khi được đề nghị miêu tả những gì anh quan sát khi trái bóng đến. “Thật khó để giải thích. Tôi dựa vào đồng đội rất nhiều bởi tôi không phải một cầu thủ quá nhanh, mạnh mẽ hay giàu tốc độ. Tôi dựa vào khả năng chuyền bóng, kỹ thuật và nhãn quan. Đó là 3 thứ tôi cần phải làm tốt, nếu không thì tôi sẽ thi đấu tệ. Tôi luôn cố gắng phán đoán hành động, vị trí trái bóng sẽ tới”.

Liệu khả năng phán đoán này là thứ có thể được huấn luyện hay là năng khiếm bẩn sinh? “Cả hai”, đó là câu trả lời của Fabreges. Tuy nhiên các đồng đội của anh thì chủ yếu cho rằng đó là năng khiếu. Thierry Henry, một cổ đông khác của CLB Como, đồng đội cũ của Fabregas tại Arsenal, bày tỏ quan điểm: “Bằng mắt thường, bạn sẽ thấy nhiều thứ, nhưng đôi khi chúng lại đánh lừa bạn. Dù bạn có mắt đi chăng nữa thì chúng cũng chẳng có ích gì nếu não của bạn đầy điểm mù. Cesc, Kevin De Bruyne, Dennis (Bergkamp) là những cầu thủ mà bộ não của họ không hề có điểm mù”.

Cesc Fabregas “Tôi chơi thứ bóng đá hay nhất khi được tự do trên sân” 1
Cesc Fabregas gia nhập Como sau 1 năm nghỉ thi đấu ở Monaco. Ảnh: Como

Fabregas bật cười khi nghe câu trả lời đó, và anh cũng chia sẻ thêm về quan điểm của mình: “Khi bạn làm một việc tuần này qua tuần khác, đó chính là tài năng. Đó là dấu hiệu cho thấy não bạn đang hoạt động nhanh hơn người khác. Có những người có nó, có những người lại không. Có những cầu thủ không có yếu tố đó, họ sẽ sử dụng thể chất và đây là điều chúng tôi không có. Đó là lý do bóng đá là sự cân bằng giữa các cầu thủ ở mọi vị trí”.

Gần đây, Fabregas đã có trận đấu đầu tiên cho Como khi vào sân ở phút 72 trong cuộc đối đầu Brescia. Ngay từ lần chạm bóng thứ 3, anh đã nhận ra Brescia quyết định cắt cử cầu thủ Dimitri Bisoli đi theo chăm sóc mình trong mọi hành động và tình huống. Anh chia sẻ: “Trong một giây, bạn phải phân tích mọi thứ xung quanh mình để thực hiện đường chuyền tạo ra một điều gì đó. Đó là điều mà tôi luôn nói rằng khó để hiểu nhất – bạn và đồng đội đứng đâu trong mọi khoảnh khắc của trận đấu.

Vấn đề nằm ở ngôn ngữ cơ thể bạn ra sao để hiểu rằng nếu một hậu vệ ở gần [Fabregas chỉ vào phía sau vai trái] thì khoảng trống sẽ ở đây [ở phía trước vai phải]. Nếu anh ta kèm bạn ở đây, bạn cần chơi một chạm ở đây. Cầu thủ chuyền bóng cho bạn cần đủ thông minh để chuyền bóng lại cho bạn đến đây [bên phải] nếu người kèm bạn [ở bên trái] để bạn có thể kiểm soát bóng và thoát khỏi đối phương.

Thông qua cách mở cơ thể, bạn cần giúp đồng đội hiểu vị trí chuyền bóng. Có rất nhiều thứ trong bóng đá để điều đó có thể xảy ra. Với tôi, cú chạm bước một là điều quan trọng nhất trong chơi bóng. Nếu cú chạm đầu tiên của tôi không tốt, tôi sẽ đánh mất thời cơ và để đối phương áp sát. Nhưng nếu cú chạm bóng bước một của tôi mà tốt, tôi có thể tiếp tục chơi bóng ngay. Nếu tôi cần ba hay bốn nhịp để khống chế thì tức là có vấn đề rồi”.

Dù gia nhập Arsenal từ năm 16 tuổi, thế nhưng Fabregas luôn được nhìn nhận là một sản phẩm mang đậm dấu ấn của La Masia, một cầu thủ có khả năng xử lý trong không gian hẹp và không lúng túng khi bị áp sát. Fabregas không ngần ngại nói ra hành động cụ thể khiến anh hài lòng nhất.

“Đối với tôi, đường chuyền tốt nhất là khi tôi bị áp sát và không gia rất hẹp nhưng tôi có thể nhận bóng nhanh, chuyền bóng phá vỡ các tuyến đối thủ bằng một cú phất khi không ai chờ đợi nó. Thực hiện những đường chuyền kiểu như thế, những đường chuyền qua đầu hậu vệ để đến trước mặt tiền đạo và giúp anh ta một mình đối mặt thủ môn – mang lại cảm xúc tôi rất yêu thích. Đơn giản là nó phải thật chính xác. Vì thế, tiền đạo cần kiểm soát nó trong khi di chuyển và sẽ có không gian cho anh ta di chuyển đến đúng thời điểm. Đó thực sự là cảm giác tuyệt vời”.

Cesc Fabregas “Tôi chơi thứ bóng đá hay nhất khi được tự do trên sân” 2
Cesc Fabregas bắt đầu gây dựng danh tiếng ở Arsenal. Ảnh: Zimbio

Đó là lý do Fabregas chơi tốt khi hoạt động phía sau Diego Costa ở Chelsea hay Henry ở Arsenal. Anh tiếp tục: “Mấu chốt nằm ở sự kết nối với tiền đạo. Tôi có thể phất bóng và nếu tiền đạo đứng ì một chỗ thì nó sẽ là một đường chuyền tồi nhưng có ý tưởng tốt. Hoặc đôi khi tôi thực hiện một đường chuyền không tốt nhưng các tiền đạo lại xử lý và biến nó thành một đường chuyền chất lượng. Câu chuyện khá phức tạp”.

Và đúng như Fabregas đã nói, sự kết nối chính là mấu chốt để đôi khi lời nói không cần được cất lên. “Với Diego Costa đôi khi tôi không cần phải nói mà chỉ là cảm giác mọi thứ sẽ xảy ra và thành công. Các tiền đạo có rất nhiều điều để nói từ ngôn ngữ cơ thể của họ. Họ luôn cần sẵn sàng chạy – chạy quãng ngắn, đổi hướng hay bắt đầu tăng tốc. Nếu bạn là một tiền đạo nhanh nhẹn, bạn sẽ có lợi thế. Vấn đề là chọn vị trí. Các hậu vệ đôi khi tập trung khoảng 90% nhưng sẽ luôn có thời điểm hậu vệ không phán đoán được đường chuyền của bạn và họ sẽ đứng yên. Sẽ luôn có những khoảnh khắc như thế”.

Trong cuộc phỏng vấn với Mirror, Fabregas còn cho rằng bóng đá hiện nay đang dần mất đi sự tự do và tính sáng tạo khi các HLV muốn kiểm soát mọi khía cạnh của trận đấu. Ví dụ như quãng thời gian tiền vệ người Tây Ban Nha thi đấu cho Chelsea dưới thời Antonio Conte. Khi chiến lược gia người Italy đến đội bóng chủ sân Stamford Bridge vào năm 2016, ông thông báo với Fabregas rằng anh được phép tự do đến bất cứ đâu bởi anh không nằm trong kế hoạch của Conte.

Fabregas đã có các cuộc nói chuyện với CEO Ivan Gazidis của AC Milan. Tuy nhiên sau cùng Fabregas quyết tâm ở lại Stamford Bridge và thuyết phục Conte rằng giá trị của anh phù hợp với kế hoạch mà nhà cầm quân người Italy vạch ra. Anh chia sẻ: “Trong sự nghiệp của mình, tôi chơi thứ bóng đá hay nhất là khi tôi được tự do di chuyển, tự do sáng tạo và làm những điều tôi cảm thấy mình có thể tạo ra nguy hiểm. Đó là khi tôi chơi hay nhất.

Conte bảo tôi chính xác vị trí tôi cần di chuyển và công việc tôi phải làm. Dần dần tôi cũng hiểu và bắt đầu chơi hay trong môi trường này. Tôi dần thoải mái hơn nhưng đó không phải phong cách yêu thích của tôi. Đúng là một khi các HLV bảo tôi phải ở một nơi không di chuyển nhiều, đá tĩnh lại thì tôi sẽ gặp khó khăn. Nhưng có những cầu thủ không có ý thức chiến thuật, tư duy chiến thuật và họ cần được chỉ dạy. Luôn có sự cân bằng như vậy.

Giờ đây mọi thứ đã được chuẩn bị hết. Phân tích, chiến thuật, tất cả mọi cầu thủ đều biết họ phải chơi bóng như thế nào. Lúc này bóng đá đang ở mức độ cao nhất, chúng ta biết hết mọi thứ nên mọi người cần rất chú ý đến thông điệp truyền đến các cầu thủ. Hiện tại đôi khi các cầu thủ có rất nhiều người đại diện xung quanh và mọi người nói đủ thứ với họ. Trước đó điều này không xảy ra.

Hiện tại nhiều HLV đã trở nên nghiêm khắc hơn, kiểu như ‘Tôi là sếp và các cậu hãy làm theo những gì tôi nói’ trong khi trước đó mối quan hệ giữa cầu thủ và HLV dựa trên niềm tin nhiều hơn, từ đó bạn có thể cởi mở hơn trong các cuộc nói chuyện. Ngày nay tôi nghe và thấy nhiều HLV khác nhau không quá tự tin nữa. Họ quá bất an vì họ có thể mất việc trong 2 giây và họ muốn bảo vệ bản thân mình”.

Cesc Fabregas “Tôi chơi thứ bóng đá hay nhất khi được tự do trên sân” 3
Cesc Fabregas là một trong những tiền vệ sáng tạo nhất lịch sử Premier League. Ảnh: Zimbio

Phải chăng quá nhiều sự chi tiết sẽ cản trở tính sáng tạo và sự phấn khích? Có những khoảnh khắc ngẫu hứng, những đường chuyền bất ngờ nào mang đến niềm vui cho Fabregas như vậy hay không?

“Tôi đã thấy một video về Guardiola mà video đó giải thích vì sao ông ấy không cho phép các cầu thủ được tự do trên sân. Ông ấy nói rằng khi trao cho các cầu thủ quá nhiều sự tự do thì mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn và có thể mất kiểm soát. Đó là lý do ông ấy cần các cầu thủ thấm nhuần sâu sắc chiến thuật để biết phải hành động thế nào trong mọi tình huống. Hiện nay mọi HLV đều nói về các khuôn mẫu lối chơi. Tôi không hề phản đối chúng, một số cầu thủ sẽ hiểu ngay, có những người sẽ mất vài tháng.

Nhưng những tài năng đặc biệt thì đang dần biến mất cũng vì điều đó. Ngay từ khi còn nhỏ, các cậu bé đã được chỉ dạy phải làm gì và họ được dạy các kế hoạch trong trận đấu. Trước đó vẫn có việc chỉ dạy về vị trí nhưng bạn có thể di chuyển nhiều hơn. Nếu tôi là một ‘số 6’ và di chuyển lên, ‘số 8’ sẽ đủ thông minh để bọc lót cho tôi. Những điều này đang biến mất vì các HLV thích một chiến lược của riêng họ thay vì để các cầu thủ sự dụng trực giác của mình”.

Theo Alan Smith | Mirror

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.

X
top-arrow