Arsene Wenger: Người nghiện việc và cuộc sống chưa từng tách rời trái bóng

Tác giả CG - Thứ Hai 05/04/2021 15:59(GMT+7)

Zalo

Suốt 22 năm, Arsene Wenger đã sống và thở cùng bầu không khí ở Arsenal, CLB mà ông dẫn dắt. “Tôi từng hoàn hoàn không bình thường”, ông tâm sự với ký giả Simon Kuper của Financial Times.

Arsene Wenger
 
1. Arsene Wenger có thể cân bằng giữa việc là một HLV bóng đá và một người bình thường không? “Tôi đã thực hiện hoàn toàn sai cách”, ông cười. “Tôi sẽ không khuyên bất cứ ai sống như thế đâu. Đôi khi tôi nghĩ về con người mình có thể trở thành bởi tôi bị ám ảnh với bóng đá và hy sinh mọi thứ. Tôi từng hoàn toàn không bình thường. Đó là một cuộc sống hoàn toàn thiếu cân bằng”.
 
Wenger, năm nay 70 tuổi (thời điểm thực hiện phỏng vấn), hơi lúng túng khi đặt chiếc laptop lên chồng sách. Và rồi gương mặt quen thuộc của ông hiện lên trên Zoom. Wenger đã giữ im lặng kể từ khi rời khỏi ghế HLV trưởng Arsenal vào năm 2018 sau 22 năm đảm nhiệm công việc ấy. Hiện tại ông đã được xả hơi nhiều hơn. Cuốn sách “My Life in Red and White” (xuất bản vào năm ngoái) của ông đưa chúng ta trở về tuổi thơ ông tại ngôi làng Alsace ở Duttlenheim cho đến những ngày tháng cuối cùng ở Arsenal - một quãng thời gian chỉ nghĩ về bóng đá, huấn luyện và những thứ mà nó đã lấy đi.
 
Duttlenheim đã tạo nên con người Wenger. Ông được nuôi dưỡng ở đó vài năm sau khi ngôi làng trở về với nước Pháp. Năm 1940, Adolf Hitler đã xáp nhập Alsace vào Đức và những thanh niên của Duttlenheim buộc bị gọi vào quân đội của ông ta. Cuốn sách của Wenger nói về điều này trong chưa đầy một đoạn, song khi tôi (nhà báo Simon Kuper) hỏi thì ông vẫn sẵn lòng trả lời.
 
“Bố tôi chiến đấu trong quân đội Đức ở chiến trường Nga. Mẹ tôi bảo rằng khi bố trở lại, ông ấy chỉ nặng có 42kg… Lúc đó bố như dở sống dở chết và phải nằm viện suốt nhiều tháng”. Hệ lụy của chiến tranh đã tác động lên Wenger, cậu con út trong gia đình có ba người con như thế nào? “Trong gia đình, chúng tôi không nói quá nhiều về chiến tranh. Chủ đề đó bị cấm. Tôi được giáo dục trong môi trường như thế”.
 
Cha mẹ ông quản lý một quán rượu trong làng có tên La Croix d’Or, bên cạnh đó người cha cần mẫn của ông cũng kinh doanh phụ tùng ô tô. Họ đã làm việc không ngừng nghỉ từ năm 14 tuổi. “Chúng tôi là một gia đình không hiểu từ ‘gia đình’ có nghĩa là gì. Chúng tôi chẳng bao giờ dùng bữa cùng nhau và trò chuyện rất ít”.
 
Wenger lớn lên từ quán rượu giữa thanh âm ồn ã của những người lớn, xem những nông phu ở địa phương cãi nhau, cười nói, dối lừa, say xỉn và đôi khi còn đánh nhau. Những người ở Duttlenheim thời điểm đó vẫn nói tiếng Đức theo phương ngữ của Alsace. Wenger học tiếng Pháp ở trường. Chủ đề chính trong các cuộc nói chuyện ở quán rượu là bóng đá, đặc biệt là trong các buổi tối thứ Tư, khi đội bóng làng tổ chức các cuộc họp tuyển chọn. 
 
Wenger trầm ngâm suy nghĩ về lựa chọn cuộc đời mình: “Liệu có đúng là tôi lớn lên trong môi trường chỉ có bóng đá? Khi còn nhỏ, tôi thường lắng nghe và nghĩ ‘Về cơ bản thì đó là điều duy nhất quan trọng vì mọi người chỉ nói về nó’”.
 
Duttlenheim cũng có kết nối với nước Đức và Wenger không bị ảnh hưởng bất cứ lòng thù hận nào. “Tôi tò mò muốn biết tại sao những người ở bên kia sông Rhine lại khác thế. Trên hết, ở phương diện bóng đá, thời điểm đó họ khá giỏi, người Đức giỏi hơn người Pháp”.
 
Và Wenger trở thành một cầu thủ ở CLB lớn nhất Alsace, Racing Strasbourg. Ông, một cầu thủ không có kỹ thuật tốt, đã chơi bóng trên cái sân đầy gập ghềnh sỏi đá của Duttlenheim mà không có HLV. Có lẽ điều đó đã tác động lên lựa chọn nghề nghiệp của ông. Năm 1974, Wenger tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế ở Đại học Strasbourg, song ông luôn muốn trở thành HLV. Ông lái xe đến Đức để xem các trận đấu từ lúc quá trình khởi động diễn ra và đôi khi về nhà lúc 5 giờ sáng.
 
Với một người tới từ nơi chưa phát triển, sự kết nối với quốc gia bóng đá mạnh nhất châu Âu khiến ông luôn có suy nghĩ phải học hỏi suốt đời. Năm 2008, tôi tổ chức một cuộc mạn đàm giữa Wenger và Ottmar Hitzfeld (lúc đó là HLV trưởng Bayern Munich) tại buổi tối dành cho các nhà tài trợ ở Thụy Sĩ. Trong mỗi quãng thời gian nghỉ, Wenger lại hỏi Hitzfeld bằng thứ tiếng Đức gần như hoàn hảo của mình. Các tiền vệ trung tâm Bayern chạy bao nhiêu km mỗi trận? Thể chất của tiền vệ cánh Franck Ribery của Bayern tốt ra sao? (Cậu ấy từng đặt một bác sĩ nặng 100kg của CLB vào chậu rửa mặt, Hitzfeld trả lời).
 
Tại các cuộc họp báo, Wenger có thể tỏ ra căng thẳng và khó tính, nhưng khi ông ở cạnh những đồng nghiệp, những con người của thế giới bóng đá, tại môi trường tự nhiên của họ - quán bar của các khách sạn 5 sao - thì ông lập tức thể hiện sự hài hước, thú vị và khiếu kể chuyện của mình.

Arsene Wenger: Cuộc sống, bóng đá và Arsenal
 
Với công việc huấn luyện, Wenger đã lao động cật lực. Tại CLB Nancy, sau khi thua một trận ngay trước kỳ Giáng sinh, ông đã trở về nhà đón Giáng sinh cùng cha mẹ và sau đó dành 3 tuần nghỉ lễ một mình trong nhà. Wenger làm nên tên tuổi sau 7 năm dẫn dắt Monaco. Trong một ngày đầu năm mới (khi vẫn còn ở Monaco), ông đột ngột bay từ Thổ Nhĩ Kỳ (nơi ông đang xem bóng đá) để tới London theo dõi trận Arsenal gặp Norwich. Trên khán đài, ông châm thuốc cho một người phụ nữ mà hóa ra đó là bạn của vợ David Dein, phó chủ tịch Arsenal.
 
Tối hôm đó, Wenger được mời tới nhà của Dein, tại đó ông gây ấn tượng khi diễn một đoạn trong vở “Giấc mộng đêm hè” trong một trò chơi đố chữ. Wenger và Dein trở thành bạn bè, họ trò chuyện với nhau về bóng đá. Sau đó Wenger rời Monaco và tới Nhật Bản làm việc. Một ngày nào đó của năm 1996, một phái đoàn Arsenal đã bay tới Nhật, mời ông trở thành HLV nước ngoài thứ tư của “Pháo thủ” trong lịch sử tại giải đấu cao nhất bóng đá Anh.
 
Wenger đến xem một trận đấu bóng đá ở Anh và ông giống như một vị khách tới từ tương lai. Ông trở thành một trong những nhà truyền bá ý tưởng vĩ đại định hình bóng đá châu Âu, trong một dòng chảy từ Bela Guttmann, Johan Cruyff, Arrigo Sacchi và tới sau này có Pep Guardiola, Jurgen Klopp. Wenger hiểu biết về dinh dưỡng, áp dụng số liệu để đánh giá các cầu thủ, và trên hết là ông biết về thị trường chuyển nhượng nước ngoài. Ông giải cứu các cầu thủ trẻ người Pháp như Patrick Vieira và Thierry Henry khỏi băng ghế dự bị các đội bóng Italy và phát hiện ra các tài năng thiếu niên như Nicolas Anelka và Cesc Fabregas.
 
Wenger có tài năng phát triển các cầu thủ đã trưởng thành, giúp họ tốt hơn. Ông lý giải: “Bạn phải phát triển phẩm chất cơ bản của từng cầu thủ. Không ai có đầy đủ khả năng hết, nhưng mỗi người có một năng lực chính nổi trội và điều đó có thể giúp chúng ta kiếm sống, tồn tại”. Mỗi khi ông xác định ra năng lực trong một cầu thủ, ông lại đầu tư nhiều năm để giúp cầu thủ đó phát triển (dù không phải lúc nào cũng thành công).
 
Ví dụ về thành công của ông chính là Henry, khi đó từng là một cầu thủ chạy cánh thiếu hiệu quả. Wenger đã bảo cậu học trò rằng anh phải là một tiền đạo. “Thưa thầy, em không ghi được nhiều bàn thắng”, Henry phân trần. Và sau đó, anh trở thành chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử Arsenal. Wenger đã biến hậu vệ Emmanuel Petit thành một tiền vệ trong đội hình giành chức vô địch World Cup. Ông thuyết phục những hậu vệ Anh vốn nghiện rượu nặng hãy thay đổi chế độ ăn uống, sau đó họ đã kéo dài sự nghiệp đến nhiều năm sau tuổi 30 và thi đấu với những phong cách mà họ chưa bao giờ nghĩ mình có thể.
 
Wenger chia sẻ: “Khi bạn lên tới đẳng cấp cao nhất của bóng đá thì chính cá nhân các cầu thủ sẽ tạo ra khác biệt, họ là những người giúp bạn giành chiến thắng. Những HLV chúng tôi nhận được nhiều lời ca ngợi mà có lẽ không phải lúc nào cũng xứng đáng”.
 
Ông tin rằng những cầu thủ xuất sắc thường chỉ bộc lộ bản thân ở tuổi 23. Thời điểm ấy “những cầu thủ xuất sắc và thuộc nhóm đầu sẽ tách ra khỏi phần còn lại. Đây là những cầu thủ có thể giữ động lực một cách ổn định tốt hơn. Và tiền bạc không ảnh hưởng quá nhiều lên họ. Động lực nội tại thúc đẩy họ đi xa nhất có thể. Nhưng không có nhiều người như thế”. Như Wenger quan sát, những cầu thủ ấy luôn không hài lòng với bản thân và sống “một cuộc sống đơn điệu, nghiêm khắc… theo những thói quen lặp đi lặp lại hàng ngày”.
 
Nếu những cầu thủ giỏi nhất là những người biết cách tự thúc đẩy bản thân, vậy còn những HLV thì sao, họ đóng bao nhiêu phần trăm trong việc thúc đẩy cầu thủ? 
 
“Nó bị đánh giá hơi quá mức”, ông trả lời. “Nếu bạn nghĩ hàng tuần bạn thôi thúc các cầu thủ thi đấu tốt vào ngày thứ Bảy thì hãy quên đi. Nếu họ không muốn thì hãy để họ ở nhà vì bạn sẽ chỉ tốn thời gian mà thôi. Bạn không ở đó để thôi thúc những người không muốn. Trên thế giới, những cầu thủ ở đẳng cao nhất đều có động lực”. Wenger tin rằng nhiệm vụ của HLV trưởng là tạo ra “văn hóa trình diễn” thúc đẩy các cầu thủ tự hỏi bản thân họ “những câu hỏi cơ bản: mình có thể giỏi hơn bằng cách nào? Mình đã thể hiện toàn bộ tiềm năng chưa? Có thể làm gì để được như thế?”.
 
Vậy các cầu thủ có quan tâm HLV trưởng là ai không? “Mọi người đều tìm thấy ở HLV trưởng một phẩm chất mà họ muốn. Đôi khi phẩm chất đó là khả năng giao tiếp, đôi khi là ở khía cạnh kỹ thuật, đôi khi ở khía cạnh chiến thuật”.

Arsene Wenger
 
Wenger đã sống 22 năm ở London, nhưng thực ra ông cảm thấy như thể “sống ở Arsenal”. Ông viết trong sách của mình như sau: “Suy nghĩ đi nghỉ dưỡng, thư giãn gần như chưa bao giờ tồn tại trong đầu tôi”. Ông thức dậy lúc 5 rưỡi sáng, dành cả ngày ở khu tập luyện và đến tối thì bật TV xem các trận đấu trên khắp thế giới. Khi cô con gái duy nhất của ông, Léa, chào đời năm 1997, ông thừa nhận: “Có lẽ tôi quá bận rộn với công việc tới mức không nhận ra là mình may mắn thế nào”. Lúc này, ông cho biết là cảm thấy hối tiếc, song ông chưa bao giờ coi bóng đá là chuyện thứ yếu.
 
Arsenal của ông giành 3 chức vô địch quốc gia trong 8 năm đầu ông dẫn dắt, trong đó bao gồm 2 lần đoạt cú đúp vô địch quốc gia và cúp quốc gia. Năm 2004, đội hình “Invicibles” của trở thành nhà vô địch bất bại, thi đấu thứ bóng đá tấn công xuất sắc nhất nước Anh thời điểm đó. Mùa giải ấy, ông là HLV hay nhất. Nhưng rồi nó lại là mùa giải cuối cùng ông giành chức vô địch quốc gia.
 
Trong cuốn sách “My Life in Red and White”, ông phản đối thái độ “giành chiến thắng bằng mọi giá”. Tôi bảo Wenger rằng thực ra ông lại thường giống như một người muốn chiến thắng bằng mọi giá, một người hay chỉ trích trọng tài và từng tranh cãi ngay trong đường hầm với địch thủ và cũng là người bạn thân của mình, Sir Alex Ferguson. “Đúng, đó là nét mâu thuẫn trong con người tôi, tôi là kẻ thất bại rất nhiều”.
 
Thất bại nặng nề nhất với ông chính là chung kết Champions League trước Barcelona năm 2006. Thủ thành Jens Lehmann của Arsenal bị đuổi khỏi sân sớm nhưng Arsenal dẫn trước 1-0. Sau đó, Henry bỏ lỡ cơ hội trong một tình huống một đội một với thủ môn Barca. Và cuối cùng, Barca ghi hai bàn.
 
Wenger nhớ lại: “Khi còn 13 phút nữa, chúng tôi vẫn dẫn trước. Tôi đã có thể cho đội đá ba trung vệ trong khoảng thời gian còn lại và hy vọng giữ tỷ số. Tôi nghĩ kết quả rất thiếu công bằng và gây thất vọng. Bạn biết đấy, khi chúng tôi thắng 5-0 hay 7-0, tôi sẽ trở về nhà và nghĩ ‘Mình đã phạm sai lầm gì?’. Nhưng khi tôi thua 1-2 trong một trận chung kết Champions League, tất nhiên tôi sẽ về nhà và nghĩ ‘Mình đã có thể làm điều gì khác?’”. Và đến nay Wenger vẫn không thể xem lại trận đấu ấy.
 
Năm 2007, tôi ngồi ở hàng ghế phía trước ông trên khán đài sân Olympic (Athens) để theo dõi trận chung kết Champions League Milan với Liverpool. Trong lúc các cầu thủ Milan nhận huy chương vàng, Wenger đập hai tay vào nhau một cách dứt khoát và khẳng định: “Bạn thấy đấy, chỉ cần một đội bình thường cũng có thể vô địch Champions League”. Là một nhà toán học sắc sảo, ông hiểu thành công ở vòng đấu loại trực tiếp của một giải đấu phần lớn là ngẫu nhiên. Ông chưa bao giờ gặp may.
 
Lúc này triều đại của ông ở Arsenal đã kết thúc. Liệu có phải ông đã bị bỏ lại phía sau khi các CLB khác cũng đã chú trọng vào dữ liệu, dinh dưỡng và thị trường chuyển nhượng quốc tế? Ông cười: “Chúng tôi sống trong một nghề mà bạn luôn bị đánh giá là người chiến thắng hoặc không. Nhưng tôi nghĩ những gì đã xảy ra thuộc về vấn đề tài chính, chúng tôi xây một sân vận động và sau đó nguồn lực của chúng tôi ít đi”.
 
2. Sân vận động Emirates là di sản hữu hình lớn nhất của Wenger, không chỉ của Arsenal mà còn cả London. Ông đã vẽ lại bản đồ của thành phố. Sức chứa của Emirates là 60.000 khán giả, nhiều hơn 22.000 so với sân Highbury. Sân vận động đã liên tục được lấp đầy, đạt số lượng khán giả trung bình cao nhất London, song Arsenal đã phải vay phần lớn số tiền trong chi phí 430 triệu bảng để di chuyển sân bóng. Một thập kỷ cuối cùng của Wenger ở đây gắn với việc trả nợ.
 
Trong khi đó, những tỷ phú dầu mỏ giàu có như Roman Abramovich hay hoàng tộc ở Abu Dhabi đã bơm tiền đầu tư cho những đối thủ của Arsenal. Điều này khiến Wenger khó chịu. Ông thấy không công bằng khi tiền bạc (mà theo cách gọi của ông là “doping tài chính”) có thể giúp giành chiến thắng các trận đấu. Arsenal không còn có thể mua những cầu thủ giỏi nhất.

Arsene Wenger
 
Khi nhìn lại, có lẽ kế hoạch lớn của ông đã không thành công. Dù Arsenal đã gần trả hết nợ để xây sân Emirates nhưng Arsenal vẫn chưa thể trở lại vị thế cao nhất.
 
Wenger đã bị chỉ trích rất nhiều trong những năm cuối cùng ở đội, người hâm mộ hát “Tiêu tiền đi!” (Spend some f*cking money) trên khán đài. Tuy nhiên ông luôn cảm thấy mình đã có công việc tốt nhất trong bóng đá. Dù nhiều đồng nghiệp như Jose Mourinho gặt hái nhiều thành công hơn, song họ chỉ là những HLV làm việc với mục tiêu ngắn hạn và chỉ chịu trách nhiệm với kết quả của đội một. Trong khi đó, nhà cầm quân tới từ Alsace là HLV trưởng cuối cùng ở châu Âu một tay điều hành một CLB lớn. Ông tự mình đưa ra mọi quyết định quan trọng, điều đó đòi hỏi một trí tuệ mẫn tiệp. Ngay cả khi đã là một HLV gần 70 tuổi, nhìn ông vẫn như mới 40 với nguồn năng lượng của một người 30 tuổi. 
 
Lúc này ông nhớ lại: “Công việc mà tôi hay Ferguson từng làm đã không còn nữa bởi cấu trúc của các CLB đã thay đổi. Hiện nay, công tác chuyển nhượng đang lớn đến mức các cuộc đàm phán không còn nằm trong quyền quyết định của các HLV nữa mà ở trong tay của những người chuyên về việc đó. Cấu trúc đã phình to ra. Về khía cạnh con người thì còn khó hơn vì bạn phải quản lý nhiều người hơn. Khoa học đã phát triển, đội ngũ xung quanh HLV trưởng đã phát triển rất nhiều. Nhiệm vụ của HLV trưởng là quản lý những cái tôi, không chỉ ở trong mà còn cả ngoài đội nữa”.
 
Wenger nhớ trong những năm đầu ông ở Arsenal, các cuộc họp ban lãnh đạo “khá dân chủ”, các cuộc tranh luận diễn ra giữa những người sở hữu 15% hoặc 20% cổ phần. Năm 2011, tỷ phú Stan Kroenke trở thành cổ đông chính của Arsenal. Sau đó vị tỷ phú Mỹ đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn CLB. Wenger quan sát rằng hiện nay hầu hết các đội bóng lớn của Anh đều thuộc sở hữu của người nước ngoài. “Trong cuộc bỏ phiếu Brexit của Anh, tôi từng đọc được một trong những mong muốn là mọi người giành lại chủ quyền. Nhưng buồn cười là không ai nói về bóng đá cả, thứ mà họ đã mất hoàn toàn quyền quyết định”.
 
Cuối cùng Arsenal đề nghị ông ra đi vào tháng 5 năm 2018. “Tôi không sẵn sàng rời đi”, ông thừa nhận trong cuốn sách của mình. “Với tôi, Arsenal là cuộc sống và không có nó thì chỉ còn lại những khoảnh khắc đau đớn và cô đơn”. Kể từ đó, Wenger chưa từng trở lại Emirates để xem một trận đấu nào. Ông chia sẻ: “Hiện nay tôi không có bất cứ liên hộ nào với những người có quyền lực ở CLB và tôi cảm thấy cứ tiếp tục như thế thì tốt hơn”.

Arsene Wenger
 
3. Arsene Wenger có bị tổn thương không khi Arsenal không còn muốn ông ở lại nữa? “Nghe này, để tôi nói về từ ‘đau đớn’ ấy. Tôi đã xây trung tâm huấn luyện, tôi đóng góp rất nhiều vào việc xây sân vận động và khi bạn làm điều đó, hãy tưởng tượng bạn ở lại và sống mãi tại CLB. Nhưng cuộc sống không như thế. Đây đang là kỷ nguyên mới rồi và có lẽ họ cảm thấy thoải mái khi tôi không ở đó nữa”.
 
Ngay cả Mikel Arteta, học trò cũ của Wenger và hiện là HLV trưởng Arsenal, cũng không tìm kiếm lời khuyên từ ông. Song, Wenger cho rằng dưới thời Arteta “những giá trị, tinh thần, phong cách đã từng là đặc trưng của CLB có thể trở lại”. Đây chẳng khác nào “cú đấm” vào người kế nhiệm ông, HLV Unai Emery.
 
Hiện tại, Wenger di chuyển giữa London, Paris và Zurich, nơi ông đang là Giám đốc Phát triển Bóng đá Toàn cầu của FIFA, chịu trách nhiệm phát triển công tác huấn luyện trên khắp thế giới. Rời bỏ một công việc đã gắn bó nhiều năm, có khó để sống một cuộc đời bình thường hơn sau những thập kỷ adrenaline trong người chạy rần rật mỗi khi bước vào những trận đấu lớn? “Có, khá khó. Sự nhàm chán của cuộc sống thường nhật chắc chắn không khiến ai thấy thú vị cả. Tôi vẫn nhớ cường độ và sự căng thẳng mỗi cuối tuần. Cuộc sống của tôi từng ở trên thảm cỏ. Mặt khác, tôi nghĩ là ‘Này, có lẽ đủ rồi’”.
 
Hiện tại, ông vẫn thức dậy lúc 5 rưỡi sáng, xem lịch thi đấu buổi tối trước khi tập gym khoảng 90 phút. Nhưng bây giờ ông đang dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè và cô con gái, người đang hoàn thành quá trình học lấy bằng tiến sĩ khoa học thần kinh ở Cambridge. Ông dành thời gian xem phim và đọc sách. “Hiện tại tôi đang đọc nốt cuốn ‘Sapiens’. Tôi đọc báo nhiều hơn đọc sách, đặc biệt các bài báo chuyên ngành về quản trị nhân sự, động lực, tinh thần đồng đội”. Ngoài ra, ông còn nói chuyện về công việc quản lý tại các hội thảo kinh doanh. Trên hết, ông tiếp tục nghiên cứu bóng đá.

Arsene Wenger
 
“Trong 10 năm qua, sự tiến hóa chủ chốt chính là về thể chất”, ông khẳng định. “Chúng ta cố gắng thành những vận động viên đích thực, và kể từ ngày mọi người có thể đo lường hiệu suất thể chất, tất cả những cầu thủ không đáp ứng đủ về mặt thể chất đều bị loại ra khỏi trận đấu”.
 
Điều đó có đáng buồn không? “Có, nó đã giết chết những nghệ sĩ”, ông đồng ý với câu hỏi này. “Ngày nay, bóng đá lăn 200 dặm mỗi giờ, nên bạn phải cho thấy mình có thể đáp ứng được yêu cầu thể chất. Khi đáp ứng được, bạn có thể thể hiện tài năng của mình còn nếu không, bạn sẽ không được thi đấu.
 
Tôi nghĩ nó đã làm thay đổi lối chơi quá nhiều. Hiện nay bạn có hai cách thi đấu. Các đội bóng phòng ngự từ rất cao (gần khung thành đối thủ), hoặc rất sâu (gần khung thành đội mình). Về cơ bản các HLV luôn nói giống nhau: ‘Hãy đoạt lại bóng nhanh nhất có thể và cố gắng kết liễu khi đối thủ chưa thể chuyển đổi trạng thái’. Tất cả mọi người đều cố gắng gây áp lực từ chính thủ môn đối phương. Giờ đây lối chơi nhấn mạnh tới phòng ngự dây chuyền để đoạt bóng. Và nó đã giết chết phần nào đó sự sáng tạo”.
 
Wenger đã từ chối rất nhiều lời đề nghị quay lại nghiệp huấn luyện. Song ông không loại trừ khả năng sẽ trở lại với cabin huấn luyện. Vậy một người nghiện việc sẽ đối phó với tuổi tác thế nào khi ông đã hơn 70?
 
“Bạn quên mất mình bao nhiêu tuổi. Chỉ có một giải pháp duy nhất thôi mà sau này bạn sẽ thấy: cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, hãy chiến đấu và quên đi phần còn lại, chỉ làm công việc của mình. Đừng nghĩ quá nhiều vì nó chẳng có ích gì. Chừng nào còn sống thì bạn phải làm điều gì đó. Yêu, sáng tạo và làm việc, và đừng nghĩ quá nhiều đến việc có bao nhiêu thời gian trước mắt. Chẳng ai biết được cả”.
 
Lúc này, Arsene Wenger vẫn chơi bóng và hoàn toàn không nghĩ đến tuổi tác của mình. Cuộc sống của ông đã bớt căng thẳng hơn, nhưng chưa bao giờ rời xa khỏi trái bóng tròn.
 
Dịch từ bài viết “Arsène Wenger on leadership and life after Arsenal” của tác giả Simon Kuper trên Financial Times.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

X
top-arrow