Andrea Barzagli là người có sở thích và niềm đam mê về rượu. Cũng vì sở thích này, năm 2008 anh đầu tư vào một nhà máy rượu vang ở Sicilia có tên Le Casematte. Tại đây có những vườn nho nằm ở độ cao cách 500m so với mực nước biển nhìn ra eo biển Messina.
Ảnh: Getty Images
“Khát khao nâng cao trải nghiệm nghề nghiệp lâu dài này, thứ theo thời gian đã trở thành niêm đam mê trong tôi, cuối cùng đã thành hiện thực vào năm 2008. Sau những nghiên cứu kỹ lưỡng tôi đã tìm thấy ở Le Casematte một lý do xác đáng để giải thích cho thứ mà tôi coi là lựa chọn dứt khoát của cuộc đời”, Barzagli nói về lựa chọn gắn bó với rượu vang và Le Casematte của anh. Là một người con của Tuscany, vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng của Italy, ở Barzagli có đủ lý do hợp lý để chúng ta tin việc Barzagli thích rượu là điều không khó hiểu.
Cũng giống như rượu vang, Barzagli phát tiết dần theo thời gian. 22 tuổi, anh mới bắt đầu hít thở bầu không khí của Serie A. Trước đó, anh thi đấu cho một vài đội bóng ở các hạng đấu thấp, trong đó có Pistoiese. Tại đây anh là đồng đội của Max Allegri, người sau này là HLV của anh. Lúc đó, Allegri chuẩn bị kết thúc sự nghiệp còn Barzagli thì mới bắt đầu. Thời điểm ấy, Barzagli vẫn còn đá ở hàng tiền vệ và chính Allegri đã khuyên đàn em của mình nên lùi 15m xuống vòng cấm địa, trở thành một trung vệ vì “tôi bảo cậu ấy nếu cậu ấy muốn có một sự nghiệp khác ở những hạng đấu cao hơn hạng ba, cậu ấy cần thay đổi”.
Allegri đã đúng. Một năm sau ngày có trận đấu đầu tiên ở đấu trường bóng đá cấp cao nhất Italy, từ Chievo Verona anh gia nhập Palermo. Dưới sự dẫn dắt của HLV Francesco Guidolin, anh trở thành nhân tố quan trọng ở hàng phòng ngự Rosanero, qua đó giúp đội bóng cán đích chung cuộc mùa giải Serie A ở vị trí thứ 6. Vị trí này cũng đồng nghĩa Palermo có lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền tham dự UEFA Cup.
Mùa giải tiếp theo (2005/2006), Barzagli tiếp tục là trụ cột nơi hàng phòng ngự. Cả mùa giải, anh chỉ ghi 2 bàn, trong đó bàn thứ 2 là pha lập công ở phút bù giờ hiệp 2 mang về chiến thắng 1-0. Kết thúc mùa giải, Palermo cán đích thứ 5 và tiếp tục giành quyền tham dự UEFA Cup mùa bóng tiếp theo. Trong khi đó, Barzagli cùng 2 đồng đội ở CLB là Fabio Grosso và Cristian Zaccardo khăn gói lên đội tuyển chuẩn bị tới Đức tham dự vòng chung kết World Cup.
Ảnh: Getty Images
Tất nhiên, khi đó Barzagli vẫn chỉ là một trung vệ dạng khá và khó lòng chen chân vào đội hình xuất phát. Song, chấn thương của Alessandro Nesta và việc Marco Materazzi đã giúp anh có cơ hội. Trải nghiệm kỳ World Cup đầu tiên trong đời của Barzagli là hơn 120 phút thi đấu trong 2 trận, trong đó có chiến thắng 3-0 trước Ukraine ở vòng tứ kết. Sau đó, anh không ra sân một phút nào. Kỳ World Cup thành công của Azurri khép lại với hình ảnh không mấy nổi bật của Bazargli, đơn giản vì khán giả nhớ Grosso, nhớ Materazzi, nhớ Gianluigi Buffon, nhớ Fabio Cannavaro và một vài người khác chứ không phải anh.
Về cơ bản, đó cũng là một điều dễ hiểu. Barzagli không phải trung vệ số một, màn trình diễn không phải đặc biệt xuất sắc, anh không có một khoảnh khắc xuất thần và anh chỉ là cầu thủ từ một đội bóng như Palermo.
2 mùa giải không quá nổi bật ở xứ đảo Sicily sau đó cũng đủ giúp anh lên đội tuyển quốc gia tham dự vòng chung kết Euro 2008. Trong trận mở màn gặp Hà Lan, chấn thương của Cannavaro giúp Barzagli được chọn đá cặp cùng Materazzi và cuối cùng nó trở thành một màn trình diễn đáng thất vọng khi Italy thua 0-3. Barzagli ngồi ngoài suốt phần còn lại của hành trình cúp châu Âu. Sau Euro, trung vệ tới từ Tuscany chỉ có thêm 2 lần khoác áo Azurri nữa trước khi vắng mặt trong suốt 3 năm trời.
Điều đó nói lên khá nhiều thứ. Mùa giải 2008/2009, anh gia nhập Wolfsburg, đá mọi trận đấu mùa đó và cuối cùng lên ngôi vô địch Bundesliga. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Wolfsburg đoạt chiếc đĩa bạc, nhưng anh lại bị bỏ qua ở đội tuyển quốc gia. Và trong một mùa giải đại thành công như vậy mà Barzagli còn không được gọi thì hai mùa giải tiếp theo khi Wolfsburg thi đấu sa sút (hay nói cách khác là trở lại với đúng đẳng cấp thật sự), sự vắng mặt của trung vệ người Italy trên đội tuyển cũng là điều không quá khó hiểu.
Ảnh: AP
Tháng 1 năm 2011, Barzagli trở lại Italy, gia nhập Juventus với mức giá vỏn vẹn… 300.000 euro. “Thật lạ lùng vì tôi được chiêu mộ với giá 11 triệu euro rồi bị bán đi với mức giá 300.000 euro, nhưng ở Đức chuyện này xảy ra rất nhiều”, trung vệ người Tuscany chia sẻ. 6 tháng đầu ở Turin diễn ra khó khăn với Barzagli khi Bianconeri có mùa giải thứ hai xếp liên tiếp cán đích vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng. Nhưng vạn sự khởi đầu nan, và nếu không theo dõi sự nghiệp của Barzagli mà chỉ cần nghe chủ tịch Andrea Agnelli nhận xét anh là “bản hợp đồng tốt nhất chúng tôi từng thực hiện trong lịch sử”, ta cũng biết Barzagli đã làm tốt đến thế nào.
Trong một bài viết trên Gentleman Ultra, cây bút Chris Weir so sánh Barzagli với Andrew Ridgeley, thành viên của Wham! Nhắc tới nhóm nhạc lừng danh này, đa số chúng ta thường chỉ nhớ tới George Michael mà quên mất người còn lại là Ridgeley. Barzagli cũng vậy. Anh là thành viên của bộ ba trung vệ trứ danh mà HLV Antonio Conte tạo ra, thành viên của bộ tứ chàng lính ngự lâm của Juventus và đội tuyển Italy, nhưng hình ảnh của anh lại kém nổi bật nhất trong số đó.
Barzagli không làm điều gì ngoạn mục. Barzagli không tạo ra hình ảnh một chiến binh máu lửa như Giorgio Chiellini, không có khả năng triển khai tấn công tốt như Leonardo Bonucci, nhưng anh làm tốt nhiệm vụ của mình. Sự ổn định làm nên con người anh. Từ một trung vệ khá, anh được hưởng lợi khi đá cạnh hai người đồng đội với những sở trường riêng, song họ cũng được hưởng lợi lại từ sự đáng tin cậy của Barzagli. Anh là hòn đá tảng, là bức tường thành vững chãi như biệt danh mà mọi người đặt.
Ảnh: AFP
Hãy nghe hai người đồng đội nhận xét về Barzagli để thấy cống hiến của anh lớn thế nào. “Tôi đã thi đấu cùng nhiều nhà vô địch và từ mỗi người tôi lại cố gắng thu lượm một chút bí quyết của họ. Nhưng cầu thủ tôi theo dõi nhiều nhất trên sân là Barzagli. Anh ấy không thể bị đánh bại trong những tình huống một đối một, anh ấy luôn cống hiến hết sức trên sân. Andrea là tấm gương cho tất cả mọi người”, đây là chia sẻ của Bonnuci. Còn Chiellini thì nói: “Andrea là giáo sư của chúng tôi. Anh ấy luôn có mặt đúng chỗ đúng thời điểm”.
Cả sự nghiệp hơn 8 năm khoác áo Juventus, Barzagli chỉ ghi 2 bàn thắng. Bàn đầu tiên là ở vòng đấu cuối cùng mùa giải 2011/2012. Bianconeri sẽ lên ngôi sau trận đấu này với thành tích 38 trận bất bại. Phút 90, họ được hưởng phạt đền khi Stefano Lucchini của Atalanta để bóng chạm tay trong vòng cấm. Suốt cả mùa giải, chỉ còn Barzagli là cầu thủ Juventus duy nhất (ngoại trừ thủ môn) chưa ghi bàn, vậy là các đồng đội để anh thực hiện quả phạt đền.
Bàn thắng thứ 2, tình cờ thay cũng vào lưới Atalanta, diễn ra sau đó 4 năm. Từ quả phạt góc bên cánh trái theo hướng tấn công, Mario Mandzukic đánh đầu chuyền cho Barzagli dứt điểm cận thành. Sau trận, khi được hỏi cảm xúc về bàn thắng này, anh trả lời: “Tất nhiên tôi rất hạnh phúc. Nhưng tôi không vui vì cách mình phòng ngự ngày hôm nay, đáng lẽ tôi có thể làm tốt hơn”. Khi đó, Juventus đang trải qua chuỗi 9 trận liên tiếp giữ sạch lưới ở Serie A. Barzagli luôn cầu toàn như thế.
Ngày đá trận đấu cuối cùng cho Juventus, Barzagli đeo tấm băng đội trưởng của đội. Phút 61 khi anh được rút ra khỏi sân, toàn bộ khán giả trong sân đã đứng dậy vỗ tay tri ân anh, trên khán đài họ giương tấm biểu ngữ “Andrea Barzagli, cảm ơn nhà vô địch”. Năm xưa, Allegri đã khuyên anh nên chuyển xuống đá trung vệ để thay đổi sự nghiệp thì trong khoảnh khắc xúc động khi sự nghiệp chuẩn bị khép lại, Barzagli đã khóc trên vai người anh, người thầy của mình. Người hùng thầm lặng của “Bà đầm già” đã kết thúc một sự nghiệp thầm lặng nhưng đầy vinh quang như vậy.
Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.
Luis Diaz sẽ kỷ niệm ba năm khoác áo Liverpool vào tháng tới và màn trình diễn của tiền đạo người Colombia vào cuối tuần qua là lời nhắc nhở kịp thời rằng, anh LUÔN là nhân tố quan trọng đối với The Kop.
Trước khi nhập tịch thành công và khoác áo ĐTQG, Nguyễn Xuân Son nhận phản ứng trái chiều của người hâm mộ; song, anh đang nỗ lực hết mình để giành được cảm tình của những người từng không ủng hộ mình.
Khi Xuân Son tỏa sáng trong trận ra mắt ĐT Việt Nam, một bộ phận khán giả bỉ bôi Tiến Linh và bắt đầu đưa ra những sự so sánh để nâng tầm “tân binh” mang áo số 12…