Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

World Cup không chỉ có sự rực rỡ

Thứ Tư 28/05/2014 21:46(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Hôm qua, chiếc xe buýt chở đội tuyển Brazil đến trung tâm Granja Comary đã bị một nhóm khoảng 30 người biểu tình phản đối World Cup vây chặt. Ngày 20/5, chiếc cúp vàng thế giới bị ném đá và gỗ tại tòa nhà trưng bày Belem.

Trên một con đường nhựa Rio de Janeiro, một bức graffiti được vẽ với dòng chữ: "Ít vũ khí, ít nhà tù, thêm nhiều trường học, hòa bình, chăm sóc sức khỏe và phi quân sự hóa".

 

Khayelitsha hiện hữu đâu đây

Bốn năm trước, tại một tiệm cắt tóc nhỏ trong khu cùng đinh được mệnh danh “địa ngục của những địa ngục” ở Nam Phi, một phóng viên châu Á ngồi nghe những lời tâm sự của ông trưởng xóm già: “Tôi mong cái World Cup chết tiệt này sớm kết thúc để chúng tôi trở lại cuộc sống bình thường. Chúng tôi chẳng sung sướng gì khi có nó. Tiền được đổ vào đâu đó, tôi không biết, nhưng không đến đây.”

Với chi phí 14 tỷ USD, World Cup 2014 đã trở thành kỳ World Cup tốn kém nhất trong lịch sử. 8.2 tỉ, tức 58.6 % sẽ được đầu tư vào giao thông và các sân bay, 3 tỉ cho việc xây mới và tu bổ các sân vận động, số còn lại dành cho an ninh, viễn thông, du lịch và các bến cảng. Người dân Brazil không cần biết những con số trên giấy tờ, họ chứng kiến thực tế cuộc sống hằng ngày và những đổi thay chưa nhìn thấy. Họ phải chắt chiu chi tiêu sinh hoạt để đáp ứng giá thuế ngày càng tăng cao nhằm dồn tiền xây dựng những sân vận động mà chi phí đã tăng gấp đôi so với dự toán ban đầu. Những giáo viên sống bằng đồng lương chết đói đang kêu gào, bao nhiêu người công nhân đã chết và bao nhiêu Soweto hay Khayelitsha nữa hiện hữu trong những Paricatuba và 3 triệu người nghèo sống trong những khu ổ chuột? Từ việc phản đối việc tăng giá xe bus, họ chuyển sang thể hiện sự giận dữ trước tình trạng bất công trong xã hội, nạn tham nhũng và yêu cầu chính phủ phải tăng đầu tư công vào giáo dục và y tế.

Bên cạnh những banner đầy màu sắc, những pha bóng mê hoặc cả thế giới trong điệu nhạc La La La đến nhạc nhẽo của Shakira, sẽ có thêm bao nhiêu chiếc xe hơi nữa bốc cháy? Bao nhiêu đạn cao su và hơi cay nữa được sử dụng? Và biết đâu, cả máu và nước mắt.

Có một Brazil khác

Người Brazil lên tiếng về những vấn đề xã hội. Họ biểu tình trước xe buýt của Neymar và Luiz nhưng không công kích đội tuyển. Họ chỉ trích World Cup trên sân nhà nhưng họ không ghét nó.

Bao nhiêu mệt mỏi và những vấn đề đang gánh chịu, khi tiếng còi trên sân Corinthians cất lên sẽ lại được quẳng đi để tất cả hòa cùng một nhịp. 64 năm và World Cup sẽ trở lại kể từ thảm họa Maracana, chảo lửa 200.000 người ngày nào sẽ lại được lấp đầy, bóng đá sẽ một lần nữa mang lại niềm vui. Nhưng Selecao không như thế.

Đội tuyển Brazil không được bông đùa. Trong tay họ là sứ mệnh dân tộc, mối hận trên sân nhà và trách nhiệm xoa dịu cả một xã hội đang bất đồng. Các cầu thủ sẽ phải chiến đấu hơn sức mình và ông giáo già Scolari cần phải kiên định. Những gì ông đã xây dựng từ ba năm trước, lối chơi được định hình với hơi thở châu Âu, một tập thể không nhiều kinh nghiệm nhưng tài năng ở từng vị trí. Họ chỉ được phép thành công, một nước đi quyết định không thể để mất trong ván bài mà những người cầm quyền đang chơi, sau World Cup là Rio 2016, là số phận một xã hội vài mươi năm sau.

Những sân vận động tiền tỉ được xây có thể sẽ không được dùng lại, không sao cả! Vì nếu đội tuyển vô địch thế giới, cái mà họ sẽ có được sẽ lớn hơn rất nhiều: tinh thần cả đất nước được vực dậy.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Chuyện lạ World Cup: "Tôn giáo Argentina" tại Bangladesh

Chuyện lạ World Cup: Tôn giáo Argentina tại Bangladesh

Chuyện lạ World Cup: "Tôn giáo Argentina" tại Bangladesh

Trong tất cả những điều kỳ lạ mà bạn đã nghe về World Cup, tất cả những câu chuyện kỳ quặc và tuyệt vời về cách môn thể thao cổ lỗ sĩ này có thể ảnh hưởng đến hành vi của con người, hãy nghĩ xem liệu có bao nhiêu câu chuyện khiến bạn kinh ngạc như những gì đang diễn ra ở Bangladesh mà bạn sắp được nghe.  

Xem thêm
top-arrow
X