Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

Chuyện cổ tích Costa Rica

Thứ Ba 01/07/2014 15:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Trước mũi xe buýt của đội tuyển Costa Rica ở Brazil, các CĐV đã hò hét đòi đưa HLV Jorge Luis Pinto lên ghế tổng thống đất nước. Chỉ chi tiết ấy là đủ để nói đến sự phấn khích của người dân đất nước nhỏ bé này trước “chuyện cổ tích” mà các cầu thủ đang “viết” tại World Cup 2014.

Một vài cuộc khảo sát chỉ ra rằng Costa Rica là “Đất nước hạnh phúc nhất thế giới”. Như những bảng xếp hạng khác, đánh giá ấy bị phản bác khá nhiều. Nhưng có lẽ bây giờ, thì ít người dám phủ nhận cái danh hiệu ấy nữa: Đội tuyển của đất nước 4,7 triệu dân này đã lần đầu tiên lọt vào tứ kết World Cup - điều thần kỳ mà không ai dám nghĩ họ sẽ làm được trước khi giải đấu bắt đầu.

CĐV Costa Rica phấn khích sau khi đội nhà vào tứ kết.
CĐV Costa Rica phấn khích sau khi đội nhà vào tứ kết.

Không cần nói cũng biết rằng đó là một nền bóng đá nghèo. Phải tới tận năm 2011, sau rất nhiều đấu tranh của nghiệp đoàn cầu thủ, thì mức lương tối thiểu của các cầu thủ hạng cao nhất tại Costa Rica mới được quy định là 590 USD/tháng. Đó thậm chí là mức lương thấp, nếu so sánh ngay cả với giải VĐQG Việt Nam. Ở Costa Rica, trừ khi một cầu thủ có thể ra nước ngoài thi đấu, thì bóng đá không phải là một nghề có thể khiến người ta trở nên giàu có. Giá vé của các trận đấu hạng nhất tại giải vô địch nước này chỉ khoảng 6 USD/vé.

Và cũng phải đến năm 2011 đó, thì chính phủ Costa Rica mới thừa nhận rằng bóng đá là một nghề chuyên nghiệp như mọi nghề khác, chứ không phải là một môn chơi nghiệp dư. Những cầu thủ trẻ của đất nước này, với mức thù lao khoảng 100 USD/tháng, cần rất nhiều nghị lực để có thể theo đuổi nghề nghiệp, bởi số tiền đó thậm chí không đủ để họ đi xe buýt đến sân tập và mua nước giải khát. Rất nhiều tài năng triển vọng của nền bóng đá Costa Rica đã bỏ nghiệp để đi lao động kiếm ăn từ rất sớm.

Bryan Ruiz - ngôi sao sáng nhất của nền bóng đá này, người đã từng chơi bóng tại Fulham và PSV - không hề được đào tạo bài bản tại một lò đào tạo quy củ nào như những đồng nghiệp của anh tại Anh hay Hà Lan. Cho đến tận tuổi thiếu niên, “trái bóng” của Ruiz vẫn là một cái vỏ lon hay vỏ chai trên đường phố. Quả bóng da là một thứ gì đó rất xa xỉ.

Jorge Luis Pinto - người đang được CĐV Costa Rica đòi đưa lên ghế tổng thống, kiếm được hơn 400.000 USD/năm, bằng khoảng 1/25 so với lương của HLV Capello (đội tuyển Nga), 1/10 của HLV Prandelli (đội tuyển Italia) và thậm chí chưa bằng nửa lương HLV đội tuyển Bờ Biển Ngà.

Nhưng bất chấp những khoảng cách tưởng như không thể san lấp về tài chính, về tên tuổi, họ vẫn ngạo nghễ tiến qua vòng bảng với tư cách đội đứng đầu, trong một bảng đấu được gọi là “Tử thần” với sự góp mặt của Anh, Italia và Uruguay. Cần biết rằng, giá trị chuyển nhượng của chỉ một cầu thủ như Jack Wilshere hoặc Wayne Rooney của đội tuyển Anh đã lớn hơn toàn bộ đội tuyển Costa Rica cộng lại. Thậm chí có vẻ như chính FIFA cũng không tin rằng thầy trò HLV Pinto làm được điều ấy: Đã có tới 7 cầu thủ Costa Rica bị kiểm tra doping đột xuất, thay vì 2-3 người như thông thường.

Nhắc lại những sự chênh lệch về giàu - nghèo ấy không phải để than thân trách phận, mà để thấy rằng, những người Costa Rica đã yêu bóng đá đến thế nào để tạo ra được một đội tuyển như ngày hôm nay. Có thể nhiều người sẽ không đánh giá cao màn trình diễn của Costa Rica trước Hy Lạp. Nhưng họ hiểu rằng cái mình hướng tới không phải là sự lãng mạn, mà là một kết thúc có hậu: HLV Pinto thừa nhận rằng ông đã cho các học trò tập sút penalty rất kỹ, tức là đã xác định rằng Costa Rica sẽ “tử thủ” để đưa đối phương vào những loạt đấu súng sinh tử.

Chuyện cổ tích của Costa Rica được pha trộn giữa mộng mơ và thực tế, giữa sự vượt khó của những cầu thủ không có tiền mua bóng da để chơi, với sự tính toán chính xác của những người biết được mình đang đứng ở đâu. Cho dù ở vòng sau, đối thủ của Costa Rica có là ai và kết quả của họ có như thế nào, thì Bryan Ruiz và đồng đội cũng đã viết nên một truyền thuyết sẽ còn được lưu danh lâu dài trong lịch sử bóng đá.

Theo Lao Động
  

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Chuyện lạ World Cup: "Tôn giáo Argentina" tại Bangladesh

Chuyện lạ World Cup: Tôn giáo Argentina tại Bangladesh

Chuyện lạ World Cup: "Tôn giáo Argentina" tại Bangladesh

Trong tất cả những điều kỳ lạ mà bạn đã nghe về World Cup, tất cả những câu chuyện kỳ quặc và tuyệt vời về cách môn thể thao cổ lỗ sĩ này có thể ảnh hưởng đến hành vi của con người, hãy nghĩ xem liệu có bao nhiêu câu chuyện khiến bạn kinh ngạc như những gì đang diễn ra ở Bangladesh mà bạn sắp được nghe.  

Xem thêm
top-arrow
X