FIFA đối đầu giới cò: Kịch hay đáng xem

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 15/03/2022 15:45(GMT+7)

Zalo

Dĩ nhiên, có nhiều cuộc chiến quan trọng hơn đang diễn ra trên thế giới vào lúc này, nhưng nếu bạn quan tâm đến bóng đá, sau đây sẽ là một cuộc chiến mà bạn không nên bỏ qua! FIFA vs Những người đại diện (hay còn gọi là “cò”).

 
FIFA đối đầu giới cò: Kịch hay đáng xem
 

CĂN NGUYÊN 
 

Các tay cò có thể định đoạt CLB nào sẽ có được sự phục vụ của một cầu thủ, với chi phí bao nhiêu và anh ta sẽ ở lại đó trong bao lâu. Nắm được trong tay thứ quyền lực đó là điều tối quan trọng trong một môn thể thao chuyên nghiệp có nền tảng là sự cạnh tranh công bằng. Rất nhiều người tin rằng giới cò đang bòn rút tiền khỏi môn thể thao vua – số tiền có thể được chi cho việc cải thiện các cơ sở vật chất, các dự án cấp cơ sở, bóng đá nữ, v.v.
 
FIFA cũng nghĩ vậy. Theo nhiều cách, tổ chức này muốn sửa chữa một sai lầm đã mắc phải vào năm 2015, khi nó không còn đủ sức để kiểm soát tốt giới cò. Một năm sau, tay cò người Ý gốc Hà Lan, Mino Raiola, bị lộ ra thông tin đã nhận được số tiền lót tay lên đến 41 triệu bảng từ thương vụ chuyển nhượng đưa Paul Pogba chuyển từ Juventus sang Manchester United.
 
Sáu năm đã trôi qua kể từ pha “châm ngòi” đó và chưa đầy 1 tháng nữa chúng ta sẽ được chứng kiến FIFA chính thức thông qua một loạt cải cách sẽ giới hạn số tiền mà giới cò có thể kiếm được, thành lập một cơ quan thanh toán bù trừ mà thông qua đó, tất cả các khoản chi phí trong một cuộc chuyển nhượng phải được kiểm tra chặt chẽ trước khi phê duyệt và buộc các tay cò phải vượt qua một kỳ thi. 

FIFA đối đầu giới cò: Kịch hay đáng xem
 
Do đó, chúng ta cũng sẽ còn 1 tháng nữa để được chứng kiến giới cò hợp lực khởi kiện FIFA ở mọi thị trường lớn trên toàn cầu. Và, bất chấp những “phốt” đã xuất hiện trong ngành công nghiệp này, đây không thể nào là một chuyện tốt. Những tay cò hàng đầu đóng một vai trò có giá trị cực lớn trong thế giới bóng đá qua việc hướng dẫn các cầu thủ xuyên suốt sự nghiệp của họ, bảo vệ họ khỏi sự bóc lột và đảm bảo các ngôi sao của cuộc chơi có được phần thưởng xứng đáng cho khoảng thời gian tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu tương đối ngắn ngủi của họ. 
 
“Thật đáng thất vọng,” Jonathan Barnett, chủ tịch của ICM Stellar Sports, một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực thể thao, bình luận. “Chúng tôi sẽ không có vấn đề gì với các quy tắc và điều lệ nếu chúng thực sự hợp tình hợp lý – còn đống rác này thì không. Chính vì thế, chúng tôi sẽ sớm lôi FIFA ra tòa, ở nhiều quốc gia khác nhau.” 
 

NHỮNG NỖ LỰC KIỂM SOÁT GIỚI CÒ TỪ XƯA TỚI NAY
 

Những nỗ lực đầu tiên của FIFA nhằm mang lại trật tự được thực hiện vào năm 1994, khi “Players’ Agents Regulations” (PAR) – bộ luật dành cho giới đại diện cầu thủ - được ban hành. Những khoảng tiền khổng lồ bị rò rỉ khỏi cuộc chơi trong các  vụ chuyển nhượng đã trở nên quá lớn để có thể tiếp tục phớt lờ. Nếu tự thân bóng đá không hành động, các cơ quan thuế quốc gia sẽ vào cuộc. 
 
Các quy định mới buộc giới cò phải trải qua một cuộc phỏng vấn mà trong đó họ sẽ được hỏi về kiến thức của bản thân về bóng đá và luật. Họ cũng phải có một lý lịch sạch sẽ tiền án tiền sự và ký quỹ bảo lãnh ngân hàng với một số tiền lớn để được cấp giấy phép hoạt động. Những thỏa thuận với các cầu thủ chỉ được có thời hạn 2 năm, mặc dù họ được phép gia hạn hợp đồng, và có các hình phạt dành cho những tay cò, CLB cũng như những cầu thủ vi phạm các quy định. Mọi tranh chấp sẽ được giải quyết bởi một ủy ban của FIFA.
 
Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để FIFA phải ra hầu tòa. Các khiếu nại riêng biệt từ một công ty môi giới ở Đan Mạch và một tay cò người Pháp tên là Laurent Piau đã buộc Ủy Ban Châu Âu phải điều tra xem liệu các quy định này có vi phạm luật cạnh tranh của Liên Minh Châu Âu hay không. Kết quả: Có. 
 
Vì vậy, vào năm 2001, FIFA đã điều chỉnh chúng, thay thế cuộc phỏng vấn bằng một bài kiểm tra, thay vì ký quỹ ngân hàng thì chuyển sang đăng ký bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và trao cho các hiệp hội quốc gia nhiều trách nhiệm hơn trong việc giám sát mối quan hệ người đại diện / cầu thủ. Chúng cũng quy định rằng những khoản phí trả cho người đại diện – được tính trên cơ sở tổng lương cơ bản của cầu thủ - phải được nêu rõ trong các bản hợp đồng và, nếu các bên không thể thống nhất một thỏa thuận, được giới hạn ở mức 5% của số lương. 
 
Các điều chỉnh này dường như đã làm hài lòng những người Đan Mạch, nhưng Piau đã tiếp tục đưa cuộc chiến lên tới tận Tòa Án Công Lý Châu Âu, tuyên bố rằng giới hạn về mức phí, kỳ thi, bắt buộc đăng ký bảo hiểm và quyền tài phán của FIFA áp đặt lên công việc của ông đều là những hành động mang tính ngăn trở kinh doanh. 
 
Lần này, cuối cùng Piau đã thua cuộc, nhưng những điều chỉnh của FIFA không dừng lại tại đó. Vào năm 2008, các quy định đã được cập nhật để làm rõ hơn về những đối tượng có thể trở thành một người đại diện và các quy trình liên quan. Phiên bản cập nhật này cũng bao gồm 2 hành vi “lôi kéo” bị cấm. Các tay cò bị nghiêm cấm “săn trộm” khách hàng của nhau hay cố gắng thuyết phục các cầu thủ phá vỡ hợp đồng với CLB. Nhưng vẫn còn đó sự mơ hồ về chuyện khi nào thì các tay cò đang làm việc cho CLB và khi nào thì họ đang đại diện cho cầu thủ, họ sẽ được quyền hưởng những khoản thù lao nào khi thực hiện các vai trò khác nhau đó và việc sử dụng các tay cò không có giấy phép. 
 
Chính vì vậy, FIFA đã một lần nữa cải cách. Đến năm 2015, các tay cò đã chính thức trở thành “người trung gian”, chuyện thi cử và giấy phép được loại bỏ, trần thù lao trở thành “khuyến nghị” và FIFA đã chuyển giao gần như tất cả các trách nhiệm trong việc quản lý các tay cò – hay “những người trung gian” – cho các hiệp hội quốc gia. 
 
Thậm chí, một số tay cò đã cảnh báo FIFA rằng bộ luật mới là một sai lầm, bởi vì công việc này sẽ trở thành một ngành “miễn phí cho tất cả” – ai cũng có thể tham gia vào – và họ nói đúng. Đến năm 2017, khi những thông tin mật bị rò rỉ của Raiola được công bố trên Football Leaks, chủ tịch mới của FIFA là Gianni Infantino đã hứa sẽ hành động ráo riết và chặt chẽ để tăng cường tính minh bạch và quản lý thị trường chuyển nhượng cũng như giới cò tốt hơn
Mino Raiola: Giới đại diện đang cố gắng thay đổi thế giới bóng đáMino Raiola: Giới đại diện đang cố gắng thay đổi thế giới bóng đá
Mino Raiola hiện đang ở trong một cuộc chiến. Gã đàn ông đang nắm trong tay rất nhiều những ngôi sao lớn của thế giới bóng đá – bao gồm Paul Pogba, Zlatan...

LÝ LẼ CỦA GIỚI CÒ
 

“FIFA quá độc tài,” tiến sĩ Erkut Sogut chia sẻ với The Athletic. 
 
“Họ đã tổ chức rất nhiều cuộc họp và bảo rằng mình đã lắng nghe chúng tôi, nhưng thực chất đó chỉ là một hành động PR. Họ thực hiện một vài thay đổi nhỏ để tạo ấn tượng rằng mình đã chịu khó tham khảo, tiếp thu nhiều ý kiến, nhưng chẳng có gì thực sự quan trọng cả.”
 
Sogut nổi danh nhất với tư cách người đại diện của Mesut Ozil, nhưng ông cũng là phó chủ tịch của Professional Football Agents Association (ProFAA) – hiệp hội những người đại diện bóng đá chuyên nghiệp – có trụ sở tại Zurich. Ông cũng đã có mặt tại những cuộc họp đầu tiên giữa giới cò và FIFA kể từ năm 2018 để thảo luận về bộ luật mới. 
 
Buổi họp gần đây nhất đã diễn ra qua Zoom ở Zurich vào tuần cuối cùng của tháng 2, nhưng Sogut quyết định không tham gia vì “cảm thấy cả bọn đang bị lợi dụng”, cụ thể hơn là “FIFA sẽ sử dụng những cuộc họp đó để ngụy tạo rằng họ đã lắng nghe và tham khảo các ý kiến của chúng tôi.”
 
Vào ngày 1 tháng 2, ba ngày sau khi các cuộc bàn luận ở Uruguay kết thúc, FIFA đã công bố một thông cáo báo chí mang tiêu đề “FIFA tổ chức những cuộc họp mang tính xây dựng với các hiệp hội người đại diện từ khắp thế giới”. Sau đó, câu đầu tiên mô tả rằng quá trình tham vấn đã diễn ra “tích cực”, trước khi chỉ ra rằng các tổ chức đại diện cho giới cò “từ châu Mỹ, châu Á, châu Phi và châu Âu” đã tham gia.  

FIFA đối đầu giới cò: Kịch hay đáng xem
Sogut nổi danh nhất với tư cách người đại diện của Mesut Ozil
“Nói láo cả đấy!” Sogut phàn nàn. “Chẳng thèm quan tâm đến ý kiến của chúng tôi, họ chỉ tự biên tự diễn mà thôi. Và, thành thật mà nói, ProFAA là hiệp hội người đại diện nhỏ nhất thế giới. Nó hầu như không có bất kỳ thành viên nào, hết một nửa là sinh viên và chỉ kiếm được rất ít tiền. Rốt cuộc, mọi nỗ lực thảo luận với FIFA của chúng tôi là hoàn toàn vô nghĩa và giờ đây hóa ra chính chúng tôi đang làm tổn hại đến quyền lợi của những người đại diện.”
 
Barnett thậm chí còn “gắt” hơn. 
 
“FIFA đã tìm đến hai hiệp hội người đại diện nhưng, sự thật mất lòng, đó chỉ là hai tổ chức lôm côm mà thôi,” tay cò kỳ cựu khẳng định với The Athletic. “Hai ngày trước khi kỳ chuyển nhượng tháng 1 kết thúc, một cuộc họp đã được tổ chức ở Montevideo. Nghĩ mà xem, loại người đại diện nào mà lại có thời gian tham dự một cuộc họp vào thời điểm đó chứ? Bớt đùa đi.” 
 
Barnett đã không thèm nói chuyện với FIFA trước cả Sogut từ rất lâu. Vào năm 2019, ông, Raiola và tay cò người Đức Roger Wittmann đã thành lập The Football Forum, một “diễn đàn quốc tế dành cho các cầu thủ và người đại diện của thế giới bóng đá” tự phong – ngay sau khi nhận ra FIFA muốn giới hạn các khoản hoa hồng của giới đại diện,  
 
Đề xuất ban đầu dựa trên cách tiếp cận 10-3-3: 10% trong phí chuyển nhượng khi làm việc cho bên CLB bán người và 3% trong lương cơ bản của một cầu thủ khi làm việc cho bên CLB mua người hoặc đại diện cho cầu thủ. Nếu một tay cò làm việc cho cả CLB mua người lẫn cầu thủ, họ sẽ có một “cú đúp” tiền hoa hồng – nghĩa là 6% trong lương của cầu thủ.
 
Tuy khẳng định bản thân “sẵn sàng làm những gì cần thiết để tạo nên một môi trường đúng đắn, lành mạnh cho ngành này”, nhưng Sogut kịch liệt phản đối ý tưởng trên: “Ít nhất phải ngược lại mới đúng!” 
 
Theo ông, việc chiêu mộ các trinh sát viên, trưởng bộ phận tuyển dụng và giám đốc thể thao có nghĩa lý gì nếu còn phải trả những khoản tiền này cho phía đại diện CLB, những người về cơ bản chỉ tư vấn cho các cuộc chuyển nhượng. 
 
“Nhưng đống đề xuất kia chả quan tâm đến điều đó, trong khi đám đại diện CLB sẽ luôn tìm cách để được ngồi mát ăn bát vàng. Chúng sẽ khiến những người thực sự cật lực làm việc cho các cầu thủ không thể trang trải những chi phí của mình. Nhiều người đại diện sẽ kết luận rằng tốn thời gian giúp đỡ các cầu thủ trong những cuộc đàm phán hợp đồng, tư vấn cho họ, chăm sóc cho họ là chuyện quá cực thân mà chẳng được lợi lộc gì. Do đó, họ sẽ chỉ tập trung làm việc cho các CLB trong những cuộc chuyển nhượng.” 
 
Trong khi đó, Barnett đã khẳng định ông đồng ý về chuyện nên có một kỳ thi và tăng cường tính minh bạch, nhưng giống như Sogut, ông cũng phàn nàn rằng FIFA chẳng thèm thực hiện những động thái tham vấn đúng đắn – “cả theo định nghĩa của từ điển lẫn định nghĩa pháp lý”. 
 
“Bộ luật này được viết bởi những kẻ chẳng biết gì về giới đại diện. Đám đó chưa bao giờ ở trong ngành này. Như thế thì khác gì một kẻ như tôi viết ra cả mớ quy tắc cho các bác sĩ phẫu thuật não đâu. Sự kiêu ngạo của FIFA chính là vấn đề ở đây.”  

FIFA đối đầu giới cò: Kịch hay đáng xem
 

NHƯNG KHÔNG CÓ LỬA SAO CÓ KHÓI?
 

Theo FIFA, giới cò đã kiếm được gần 375 triệu bảng tiền thù lao từ các cuộc chuyển nhượng xuyên biên giới vào năm 2021, nhiều hơn một chút so với con số được ghi nhận vào năm 2020, dù cho giá trị tổng thể của thị trường quốc tế đã giảm hơn 10%. 
 
FIFA tin rằng đây chỉ là một ví dụ khác về điều mà họ mô tả là “ngày càng có nhiều hành vi lạm dụng quyền lực, tình trạng xung đột lợi ích lan rộng và một thị trường được thúc đẩy bởi mưu tính đầu cơ thay vì đoàn kết và phân chia lại trật tự của kim tự tháp bóng đá”. 
 
Hai tháng trước, cơ quan này đã lưu hành phiên bản dự thảo “thứ ba và cuối cùng” của bộ luật mới dành cho giới cò. Phiên bản này có vài thay đổi so với bản dự thảo thứ hai, nhưng quan trọng nhất trong số này là một bổ sung xuất phát từ các bản đệ trình của Hiệp hội các CLB châu Âu, Hiệp hội cầu thủ toàn cầu FIFPro, Premier League và World Leagues Forum (Diễn đàn toàn cầu của các liên đoàn bóng đá). 
 
Các CLB và liên đoàn hàng đầu thế giới muốn FIFA mở rộng phần giới hạn thù lao sang cả các khoản thanh toán dịch vụ với phí cố định – theo giờ hoặc theo ngày, do các tay cò tính toán và yêu cầu – chứ không chỉ tiền hoa hồng, vì họ bảo rằng phần lớn các khoản thanh toán cho giới cò là phí dịch vụ cố định và, nếu chúng không được đặt giới hạn, thì cũng đồng nghĩa rằng các quy định đang không thực hiện được những mục tiêu đã nêu, đó là bảo vệ sự toàn vẹn của bóng đá, hạn chế các hành vi lạm dụng quyền lực và quá đà, tăng cường tính minh bạch và nâng cao tính ổn định của hợp đồng.   
 
Sau khi phân tích 1000 tài liệu đại diện được tải lên Hệ Thống Quản Lý Thị Trường Chuyển Nhượng (Transfer Matching System), FIFA đã đồng ý. Họ đã tìm thấy 573 thỏa thuận có các khoản phí dịch vụ cố định, mang giá trị lên tới 140 triệu bảng, và chỉ 85 thỏa thuận với hoa hồng chỉ dựa trên phí chuyển nhượng hoặc tiền lương của cầu thủ.
 
Ngoài ra, với những đệ trình từ các CLB và liên đoàn, cũng như bộ dữ liệu của riêng mình, còn dẫn đến việc FIFA xác định điều mà tài liệu tóm tắt của dự thảo tháng 12 mô tả là “ba lỗ hổng trong khía cạnh kinh tế”. 

Siêu cò Mino Raiola: Chỗ dựa đáng tin của các cầu thủ và cơn ác mộng của các huấn luyện viên
Siêu cò Mino Raiola: Chỗ dựa đáng tin của các cầu thủ và cơn ác mộng của các huấn luyện viên
Đầu tiên là cái mà cơ quan này gọi là “vấn đề thông tin ẩn”, nghĩa là khi một tay cò có thể tận dụng kiến thức sâu rộng hơn của mình về thị trường chuyển nhượng, và số tiền mà bên CLB mua người sẵn sàng chi, để thuyết phục một cầu thủ lấy ít đãi ngộ hơn giá trị của anh ta để tay cò đó có thể “bỏ túi phần chênh lệch” dưới dạng một khoản phí dịch vụ lớn. FIFA cho biết tình trạng các tay cò có khuynh hướng được “hưởng lộc” nhiều hơn từ tiền lương của các cầu thủ trẻ so với những cầu thủ lớn tuổi là bằng chứng cho thực tế này. 
 
Vấn đề thứ hai là khi các tay cò đóng vai trò như “người gác cổng” đối với những cầu thủ ngôi sao “độc nhất vô nhị và đơn giản là không thể tìm ra phương án thay thế”. Những tay cò làm việc cho các cầu thủ này có thể yêu cầu các CLB trả cho mình “phí tiếp cận để được bắt đầu đàm phán” hoặc chỉ đơn giản là yêu cầu những khoản phí dịch vụ khủng cho chữ ký của cầu thủ đó. 
 
Và vấn đề thứ ba là khi các tay cò “câu giờ” những cuộc đàm phán cho đến khi kỳ chuyển nhượng gần kết thúc, để qua đó được hưởng lợi từ việc tăng phí đặt cọc và các khoản phí dịch vụ của mình.
 
Sau đó, bộ tài liệu này đã đi sâu vào vấn đề “rủi ro gian lận” nếu không có giới hạn cho các khoản phí cố định. Trên thực tế, nhờ vào “kiến thức chuyên môn” về Premier League, nhiều lỗ hổng khác đã được xác định, chẳng hạn như khả năng tay cò và cầu thủ ngầm đồng thuận rằng tay cò sẽ được hưởng tới 20% mức lương mới của cầu thủ, khoản tiền này sẽ được “ngụy trang” là phí dịch vụ cố định một khi bản hợp đồng mới sẵn sàng để ký kết. 
 
FIFA rõ ràng đã nhận định đúng về việc nếu họ đưa ra giới hạn cho thù lao mà các tay cò có thể nhận, thì cả tiền hoa hồng lẫn các khoản phí dịch vụ cố định đều phải nằm trong diện này.
 
Nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa rằng những giới hạn mà cơ quan này đề xuất là hoàn toàn hợp tình hợp lý?
 
FIFA đối đầu giới cò: Kịch hay đáng xem
 

NHỮNG KHÚC MẮC TRONG CHUYỆN GIỚI HẠN THÙ LAO
 

Jonathan Booker là cựu tổng thư ký của Association of Football Agents, một tổ chức thương mại của các tay cò làm việc ở Anh, thị trường chuyển nhượng đơn lẻ lớn nhất thế giới bóng đá. Giờ thì ông đang là một người đại diện độc lập và không chính thức liên kết với bất kỳ hội nhóm nào đã tham gia quy trình tham vấn của FIFA hoặc phớt lờ nó. 
 
Giống như Sogut và Barnett, Booker cũng đồng ý với việc phải nâng cao những tiêu chuẩn vào nghề trong ngành này, cũng như cải thiện khía cạnh đạo đức và tăng cường tính minh bạch. 
 
Tuy nhiên, ông cho rằng phần giới hạn thù lao của bộ luật mới đang đi sai hướng và sẽ chẳng thể hiện thực hóa những mục tiêu mà FIFA đã nêu. Theo ông, qua việc khiến cho giới cò hình thành khuynh hướng dồn công sức vào thị trường chuyển nhượng, chứ không phải công việc người đại diện / khách hàng hàng ngày, FIFA sẽ làm hỏng đi sự ổn định của các bản hợp đồng và khiến chất lượng dịch vụ mà giới cò cung cấp cho khách hàng giảm đi. 
 
Booker cũng tin rằng cái suy nghĩ thông qua việc giới hạn thù lao của giới cò sẽ làm tăng dòng tiền chảy vào các cơ sở vật chất hoặc cải thiện cán cân cạnh tranh chỉ là mơ tưởng. Đâu phải sẽ không có chuyện các tay cò tìm kiếm một cách khác để thu về những khoản tiền béo bở - có thể là với những chiêu trò tinh vi hơn nữa – đồng thời không làm giảm đi giá trị của khách hàng (cầu thủ)?
 
Nhưng nỗi lo chính của ông là những con người cứng rắn tại FIFA – được hậu thuẫn bởi các CLB lớn và những liên đoàn quyền lực nhất – trở nên quá ám ảnh với việc “cắt đi đôi cánh” của giới “siêu cò” để qua đó kiềm hãm phần lớn hội cò làm việc cho các cầu thủ, đến mức mù quáng. 
 
“3%, rồi đến 6%, nếu bạn ham hố ‘cú đúp’ này và làm việc cho cả cầu thủ lẫn CLB bên mua cùng lúc, rõ ràng tình trạng xung đột lợi ích sẽ xuất hiện, nói chung là quá bất hợp lý từ góc nhìn kinh doanh,” Booker nêu một ví dụ khác. “Do đó, cuối cùng bạn sẽ khiến chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng bị hạ thấp hoặc để hàng trăm cầu thủ cấp độ League One trở xuống lâm vào cảnh không có người đại diện.”
 
Theo Booker, nhiều năm xung đột pháp lý là điều không thể tránh được và thậm chí còn lo lắng rằng các tay cò có thể bắt đầu kiện tụng lẫn nhau vì đã hành động theo quy trình của FIFA.  
 
Về phần mình, FIFA đã quyết tâm đưa bản dự thảo cuối cùng tới Đại hội FIFA vào tháng tới ở Qatar để chính thức phê duyệt.
 
Trên thực tế, cơ quan này đã đưa ra một sự nhượng bộ cuối cùng dành cho giới cò, khi thay đổi mô hình 10-3-3 thành 10-5-5, nhưng chỉ áp dụng trong một trường hợp nhất định, đó là các tay cò làm việc cho 1 cầu thủ hoặc CLB bên mua có thể được hưởng tới 5% mức lương cơ bản của cầu thủ nếu nó dưới 149.000 bảng, và có thể lập “cú đúp” – tức 10% - nếu làm việc cho cả hai cùng lúc. Nhưng nếu cao hơn con số 149.000 bảng, thì giới hạn 3% sẽ được áp dụng.
 
Chắc chắn động thái này sẽ chẳng thể ngăn cản cuộc chiến pháp lý sắp nổ ra, đặc biệt là khi nhiều người đã xác nhận rằng FIFA đã không giữ lời hứa về việc cho phép các tay cò đại diện trực tiếp cho các CLB, các liên đoàn và các cầu thủ trong những cuộc họp hồi cuối tháng 2.
 
“FIFA đã tiến hành một quá trình tham vấn rất chặt chẽ để hoàn thiện ‘bộ luật dành cho giới đại diện’ với một số lượng lớn các nhân tố liên quan đến bóng đá, bao gồm các tổ chức chủ chốt của giới đại diện cầu thủ,” một phát ngôn viên của FIFA khẳng định. 
 
“Như chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã nhấn mạnh, vẫn còn một sự mất cân bằng đáng kể trong thế giới bóng đá: Chi tiêu toàn cầu cho chuyển nhượng cầu thủ - tổng cộng 7 tỷ đô vào năm 2019 – đã không được phản ánh qua việc trả phí đào tạo cho các CLB, chỉ 7 triệu đô vào năm 2019, thấp hơn nhiều so với những khoản phí trả cho giới đại diện – tận 700 triệu đô vào năm 2019.” 
 
FIFA tin rằng, bộ luật mới của họ, bao gồm việc tạo ra một cơ quan thanh toán bù trừ riêng biệt và độc lập, có thể tăng gấp 4 lần số tiền đổ vào những CLB phát triển được nhiều tài năng nhất. 
 
Còn về cuộc chiến pháp lý thì sao? 
 
“FIFA có thể xác nhận có 2 vụ kiện đang diễn ra ở Đức,” người phát ngôn cho biết. “Hai nỗ lực trước đó nhằm xin lệnh từ các tòa án Đức để ngăn FIFA thông qua bộ luật mới đã bị bác bỏ.”
 
Kịch hay vẫn còn ở phía trước. 
 
Theo The Athletic
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Giá vé tăng cao, doanh thu ngày thi đấu và thực trạng chung của các đội bóng tại Premier league

Đối với mô hình hoạt động của các đội bóng tại Châu Âu, hầu hết doanh thu đến từ 5 nguồn tài chính. Đó chính là doanh thu ngày thi đấu, phát sóng, thương mại, tiền thưởng và chuyển nhượng cầu thủ. Trong số này, doanh thu ngày thi đấu là kiểu kiếm tiền truyền thống nhất, nhưng ngày càng có xu hướng thay đổi theo thời gian.

X
top-arrow