Sự cạnh tranh của các nền bóng đá trên khắp thế giới khiến việc đánh giá một cầu thủ hay một đội bóng trở nên vô cùng khó khăn. Chúng ta liên tục tranh cãi rằng một cầu thủ tệ thực ra lại giỏi, hay một đội bóng mạnh thực ra lại không xứng đáng. Cứ như vậy.
![]() |
Nhưng thay vì chỉ tranh luận chung chung, hãy cụ thể hơn một chút. Thay vì chỉ ra ai là cầu thủ xuất sắc nhất Premier League – với bộ dữ liệu chuyên sâu từ PFF FC, chúng ta sẽ xác định những cầu thủ giỏi nhất (và tệ nhất) ở Premier League theo từng kỹ năng cụ thể.
Số liệu không biết nói dối, vì vậy đây là danh sách những cầu thủ giỏi nhất và tệ nhất Premier League trong nhiều hạng mục kỹ năng khác nhau.
Cầu thủ nhanh nhất: Erling Haaland (Manchester City)
PFF FC có thể ước tính tốc độ tối đa của một cầu thủ. Để làm như vậy, họ tính tốc độ trung bình nhanh nhất mà một cầu thủ đạt được trong 5 trận anh ta chạy nhanh nhất. Tốc độ tối đa của Haaland mùa này là 35,59 km/h – nhanh nhất tại Premier League.
![]() |
Tại NFL Combine, họ cũng đo tốc độ của cầu thủ theo chỉ số “speed score” – tức là thời gian chạy 36,5m được điều chỉnh theo cân nặng của anh ta. Kết luận: Thà vừa to vừa nhanh còn hơn nhỏ con mà chậm. Haaland nặng khoảng 88kg và anh là cầu thủ nhanh nhất giải đấu.
Cầu thủ chậm nhất: Casemiro (Manchester United)
Tốc độ tối đa của Casemiro mùa này chỉ là 27,85 km/h – chậm nhất trong tất cả các cầu thủ có ít nhất 900 phút thi đấu.
![]() |
Trên thực tế, một số thủ môn như Bart Verbruggen, Robert Sánchez, David Raya và Jordan Pickford đều đạt tốc độ tối đa hơn Casemiro mùa này. Raya và Pickford thậm chí còn nhanh hơn cả Ilkay Gündogan – tiền vệ đang khoác áo đối thủ cùng thành phố của Casemiro.
Cầu thủ dứt điểm tốt nhất: Cole Palmer (Chelsea)
PFF FC có một đội ngũ chuyên gia chấm điểm từng hành động của cầu thủ trong suốt trận đấu. Các điểm số sau đó được chuẩn hóa trên thang điểm 1-100 và cho đến thời điểm này của mùa giải, họ chấm Palmer 99,5 điểm về khả năng dứt điểm.
![]() |
Trong hai mùa giải tại Chelsea, anh đã ghi nhiều hơn 5,5 bàn so với bàn thắng kỳ vọng (xG) và thực hiện thành công cả 12 quả phạt đền.
Cầu thủ dứt điểm bằng chân phải tốt nhất: Alexander Isak (Newcastle United)
Palmer cũng được chấm điểm cao nhất trong các hạng mục:
- Dứt điểm dưới áp lực
- Dứt điểm khi không bị áp lực
- Dứt điểm từ tình huống bóng sống
- Dứt điểm bằng chân trái
-
Tuy nhiên, anh chưa ghi bàn nào bằng chân phải trong mùa này. PFF FC đánh giá Isak (93,9 điểm) là cầu thủ dứt điểm bằng chân phải tốt nhất Premier League. Anh đang dẫn đầu giải đấu với 12 bàn bằng chân phải từ xG 9,4.
Cầu thủ đánh đầu ghi bàn tốt nhất: Chris Wood (Nottingham Forest)
Với 6 bàn thắng bằng đầu từ xG… 2,9 và được chấm 97,8 điểm, Wood dễ dàng trở thành cầu thủ đánh đầu ghi bàn tốt nhất mùa này.
![]() |
Cầu thủ chơi đầu toàn diện nhất: Virgil van Dijk (Liverpool)
Mặc dù vậy, Wood thậm chí không nằm trong top 50 cầu thủ có tỷ lệ chiến thắng cao nhất trong các pha không chiến. Đứng đầu danh sách này là Virgil van Dijk với 93,2 điểm. Trong suốt những năm tháng tại Liverpool, trung vệ người Hà Lan trung bình giành chiến thắng hơn 4 pha không chiến mỗi trận, với tỷ lệ thành công lên đến 76%.
![]() |
Cầu thủ chơi đầu toàn diện kém nhất: Rasmus Hojlund (Manchester United)
Trong số những cầu thủ đã tham gia ít nhất 90 pha tranh chấp bóng bổng mùa này, Hojlund có điểm số thấp nhất với 49,7. Tiền đạo cao 1m91 này chỉ giành chiến thắng 24,2% số pha không chiến.
![]() |
Cầu thủ kéo bóng xuất sắc nhất: Ryan Gravenberch (Liverpool)
Nếu để chỉ ra một điểm nổi bật của Liverpool dưới thời HLV Arne Slot – điều không tồn tại dưới thời Jurgen Klopp – thì đó là việc các hậu vệ thực hiện những đường chuyền xuyên tuyến đến chân Gravenberch. Sau đó, thậm chí đôi khi không cần chạm bóng, Gravenberch sẽ thoát pressing từ đối phương và kéo bóng lên 1/3 cuối sân.
Trên thực tế, Gravenberch nhận số đường chuyền xuyên tuyến nhiều thứ 6 tại Premier League mùa này và được PFF FC chấm 90,1 điểm – cao nhất về khả năng kéo bóng.
![]() |
Cầu thủ kéo bóng chậm nhất: Jérémy Doku (Manchester City)
Dựa vào hầu hết các chỉ số nâng cao về rê bóng, Doku có thể là cầu thủ rê bóng xuất sắc nhất thế giới. Các thông số về số lần kéo bóng lên phía trước, số lần dẫn bóng vào vòng cấm và thậm chí cả giá trị từ những pha dẫn bóng đều thuộc nhóm cao nhất, nếu không muốn nói là tốt nhất.
Tuy nhiên, bất chấp những thông số ấn tượng, Doku chưa bao giờ có một vị trí cố định trong đội hình xuất phát của Man City. Là bởi khi nhận bóng, anh giữ bóng trung bình trong 2,9 giây – lâu hơn bất kỳ cầu thủ nào khác, thậm chí lâu hơn một số thủ môn.
Cầu thủ hay sử dụng chân thuận nhất: Rico Lewis (Manchester City)
Điều này không hẳn là một nhược điểm. Những cầu thủ chơi “một kèo” nhất lại đang khoác áo… Manchester City. Phil Foden dùng chân trái 96% thời gian, còn Mateo Kovacic dùng chân phải với tỷ lệ tương tự.
Nhưng cầu thủ hay sử dụng chân thuận nhất mùa này là Rico Lewis, người sử dụng chân phải 97% thời gian (trong số những cầu thủ thi đấu ít nhất 1.000 phút).
![]() |
Cầu thủ sử dụng cả hai chân nhiều nhất: Georginio Rutter (Brighton)
Rutter sử dụng chân không thuận 41% thời gian, nhỉnh hơn một chút so với Antoine Semenyo (Bournemouth), người dùng chân không thuận 39% thời gian. Điều này giúp Rutter trở thành cầu thủ cân bằng nhất trong việc sử dụng hai chân tại Premier League mùa này.
Tuy nhiên, trong hơn 300 phút thi đấu cho Manchester United, Jonny Evans lại có tỷ lệ hoàn toàn cân bằng 50-50 giữa hai chân.
Cầu thủ chuyền bóng dưới áp lực tốt nhất: Youri Tielemans (Aston Villa)
Không chỉ thực hiện nhiều đường chuyền dưới áp lực nhất mùa này (575 đường chuyền), Tielemans còn là cầu thủ hiệu quả nhất trong hạng mục này.
Mặc dù Curtis Jones (Liverpool) mới là người có tỷ lệ chuyền chính xác dưới áp lực cao nhất (94%), con số này không phản ánh mức độ khó của các đường chuyền. PFF FC đánh giá Tielemans (với 95,8 điểm) – là cầu thủ chuyền bóng dưới áp lực tốt nhất mùa này.
Cầu thủ chuyền bóng dưới áp lực tệ nhất: Victor Kristiansen (Leicester City)
Hậu vệ cánh của Leicester được chấm 48,5 điểm khi chuyền bóng dưới áp lực – thấp nhất giải. Nhưng chỉ trích một cầu thủ đang trong cuộc chiến trụ hạng là điều có phần khắc nghiệt. Ngoài ra, theo đánh giá của PFF FC, Murillo (Nottingham Forest – 49,9 điểm) và Jurriën Timber (Arsenal – 51,1 điểm) là hai cầu thủ chuyền dưới áp lực kém thứ hai và thứ ba.
Đối đầu với Leicester, Nottingham Forest hay Arsenal ư? Có lẽ bạn nên tập trung pressing vào những cầu thủ này.
Cầu thủ chuyền bóng táo bạo nhất: Trent Alexander-Arnold (Liverpool)
Bạn không cần dữ liệu để chứng minh điều này, chỉ cần xem TAA thi đấu. Nhưng nếu bạn vẫn cần số liệu thì PFF FC đã theo dõi những đường chuyền bổng vượt qua hàng phòng ngự để đồng đội băng xuống. TAA đã thực hiện trung bình 5 đường chuyền như vậy mỗi trận, trong khi không ai khác ở Premier League thực hiện quá 4 lần mỗi trận.
![]() |
Cầu thủ tạt bóng tốt nhất: Lucas Digne (Aston Villa)
Do phong cách chơi táo bạo, Alexander-Arnold có nhiều tình huống tạt bóng không chính xác, dẫn đến điểm số trung bình. Thay vào đó, Lucas Digne là cầu thủ tạt bóng tốt nhất mùa này với 90,9 điểm.
Digne xếp hạng cao ở tất cả các hạng mục liên quan đến tạt bóng:
- Thứ 3 về tạt bóng khi bị áp lực
- Thứ 2 về tạt bóng không bị áp lực
- Thứ 1 về tạt bóng trong tình huống bóng sống
- Thứ 5 về tạt bóng từ tình huống cố định
Cầu thủ tạt bóng tệ nhất: James Justin (Leicester City)
Quy trình đánh giá đã cho thấy một điểm yếu của Leicester: Chất lượng của các hậu vệ cánh khi kiểm soát bóng. Trong số những cầu thủ có ít nhất 20 quả tạt được chấm điểm, Justin đứng cuối với 55,0 điểm. Ngay sau anh là Jurriën Timber (Arsenal – 55,6 điểm).
Cầu thủ tắc bóng tốt nhất: Tyrick Mitchell (Crystal Palace)
Jurriën Timber không phải là một cầu thủ tệ, nhưng rõ ràng anh không phải người chuyền bóng tốt nhất dưới áp lực hay có những quả tạt chất lượng. Tuy vậy, xét về khả năng tắc bóng, Timber lại nằm trong top 15 cầu thủ xuất sắc nhất Premier League mùa này (với ít nhất 80 tình huống tắc bóng được chấm điểm).
Đứng đầu bảng xếp hạng này chính là Tyrick Mitchell với điểm số 90,2.
Cầu thủ chạy tốt nhất: Sandro Tonali (Newcastle United)
Trong số những cầu thủ thi đấu ít nhất 900 phút, Tonali duy trì tốc độ trung bình cao nhất (7,19 km/h) và di chuyển nhiều nhất mỗi trận (10,74 km/90 phút).
Thật thú vị khi Tonali từng được so sánh với Andrea Pirlo – một chuyên gia điều phối bóng điềm tĩnh. Cả hai đều là người Ý, đều có mái tóc dài, đều chơi ở hàng tiền vệ… nhưng điểm tương đồng có lẽ chỉ dừng lại ở đó.
Cầu thủ chạy nước rút tốt nhất: Anthony Elanga (Nottingham Forest)
Dù Erling Haaland là người đạt vận tốc tối đa nhanh nhất, Elanga lại là cầu thủ chạy nước rút nhiều nhất.
PFF FC định nghĩa một pha nước rút là khi cầu thủ đạt tốc độ ít nhất 25 km/h. Elanga là cầu thủ duy nhất tại Premier League duy trì trạng thái nước rút trong 1 phút mỗi trận. Anh cũng thực hiện trung bình 29,72 pha nước rút/90 phút – nhiều hơn bất kỳ ai khác.
![]() |
Cầu thủ pressing quyết liệt nhất: Omari Hutchinson (Ipswich Town)
PFF FC đã theo dõi nhiều cách pressing khác nhau: Pressing người có bóng, pressing chặn đường chuyền hay pressing kết hợp tắc bóng. Kết hợp tất cả, Hutchinson đã gây áp lực tổng cộng 1.120 lần mùa này – không cầu thủ nào khác trong giải đấu đạt mốc 1.000 lần.
Tất nhiên, nhận xét “tốt nhất” có lẽ chưa hoàn toàn chính xác – dù Hutchinson chắc chắn là một cầu thủ pressing tuyệt vời. Thế nhưng Liverpool và Arsenal – hai đội mạnh nhất giải đấu – lại không có cầu thủ nào trong top 25 về pressing. Cầu thủ pressing nhiều nhất của Arsenal là Kai Havertz (755 lần), còn cái tên pressing nhiều nhất của Liverpool là Dominik Szoboszlai (678 lần).
Cầu thủ chuyền bóng trong quá trình lên bóng tốt nhất: Jan Paul van Hecke (Brighton)
Là cầu thủ có điểm số chuyền bóng cao thứ ba toàn giải, Van Hecke đã hoàn thành 219 đường chuyền xuyên tuyến – ngang bằng với Youri Tielemans và dẫn đầu giải đấu. Nếu chỉ tính các đường chuyền xuyên tuyến qua hàng công và hàng tiền vệ đối phương, Van Hecke đứng đầu toàn giải. Không những vậy, anh còn có tỷ lệ thành công 89% với những đường chuyền này.
Trong số những cầu thủ đã hoàn thành ít nhất 100 đường chuyền xuyên tuyến, chỉ có Virgil van Dijk (Liverpool), William Saliba (Arsenal), Manuel Akanji (Man City) và Jan Bednarek (Southampton) đạt tỷ lệ chính xác cao hơn.
Cầu thủ chuyền một chạm tốt nhất: Kevin De Bruyne (Manchester City)
Mỗi cầu thủ dưới đây đều thực hiện ít nhất 100 pha chuyền một chạm:
1) Kevin De Bruyne (Manchester City): 91,2
2) Dejan Kulusevski (Tottenham): 89,8
3) Mohamed Salah (Liverpool): 88,0
4) Ilkay Gundogan (Manchester City): 86,9
5) Mathias Jensen (Brentford): 86,5
6) Trent Alexander-Arnold (Liverpool): 86,3
7) Alexis Mac Allister (Liverpool): 85,8
8) John McGinn (Aston Villa) và Bruno Fernandes (Manchester United): 85,1
10) David Raya (Arsenal): 84,4
Điểm thú vị là không có trung vệ nào trong top 10. Trung vệ chuyền một chạm tốt nhất là Virgil van Dijk (80,1 điểm, xếp thứ 22 toàn giải).
![]() |
Cầu thủ chuyền bóng vào 1/3 cuối sân tốt nhất: Bruno Guimaraes (Newcastle United)
Nếu chỉ xét những đường chuyền xuyên tuyến phá vỡ hàng thủ, khoảng cách giữa cầu thủ số một và số hai lớn hơn khoảng cách từ cầu thủ số hai đến cầu thủ số 15: Bruno Guimaraes đã thực hiện 38 đường chuyền phá vỡ hàng thủ; không ai khác trong giải đấu có hơn 26 đường chuyền như vậy
PFF FC chấm điểm khả năng chuyền bóng xé toang hàng phòng ngự của Guimaraes lên tới 97,9 – cũng là cao nhất giải đấu.
Thủ môn cản phá xuất sắc nhất: Matz Sels (Nottingham Forest)
Đầu năm nay, thủ môn là vị trí của Nottingham Forest cần được cải thiện ngay lập tức, dựa trên thống kê cho thấy Matz Sels có lịch sử cản phá rất tệ. Các mô hình phân tích dựa trên dữ liệu về khả năng cứu thua đều đánh giá Sels dưới mức trung bình trong hầu hết các mùa giải, từ khi anh chuyển từ Bỉ sang 1 trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu vào năm 2018.
Tuy nhiên, mô hình phân tích chỉ là một công cụ mô phỏng thực tế chứ không chính xác 100%. Có thể những đội bóng mà Sels từng khoác áo, hoặc những kiểu dứt điểm mà anh cản phá tốt nhất không được phản ánh đầy đủ trong mô hình thống kê tổng hợp. Trên thực tế, Sels đang thi đấu bùng nổ. Màn trình diễn của anh trong trận hòa 1-1 trước Liverpool là một trong những màn thể hiện của thủ môn xuất sắc nhất tại Premier League mùa này.
Công bằng mà nói, hệ thống chấm điểm của PFF FC vẫn luôn đánh giá cao Sels xuyên suốt mùa giải. Anh đạt 90,1 điểm (cao nhất Premier League) và chưa từng có một pha cứu thua nào bị chấm điểm tiêu cực từ đầu mùa đến giờ.
Để so sánh, Emiliano Martínez (Aston Villa) là thủ môn có nhiều pha cứu thua bị chấm điểm tiêu cực nhất giải (8 lần). Ngoài ra, anh cũng đứng đầu giải về số bàn thua đáng ra có thể cứu được (20 lần – tức là những bàn thua mà thủ môn có khả năng cản phá dựa trên vị trí sút bóng).
Cầu thủ di chuyển hiệu quả nhất: Mohamed Salah (Liverpool)
Bạn có thể nhận thấy rằng trong suốt bài viết này, cái tên Mohamed Salah gần như không xuất hiện. Anh là cầu thủ xuất sắc nhất Premier League, nhưng lại gần như vô hình khi chúng ta thảo luận về những kỹ năng đơn lẻ.
Lý do rất đơn giản: Bài viết này tập trung vào các kỹ năng cụ thể. Trong bóng đá, không kỹ năng đơn lẻ nào có thể biến bạn thành cầu thủ vĩ đại.
Vậy điều gì khiến Salah vĩ đại? Đó là vì anh xuất sắc trong nhiều khía cạnh khác nhau. Anh dẫn đầu giải về số cú sút không thể cản phá. Anh dẫn đầu về những pha kiến tạo mà cầu thủ ghi bàn chỉ cần chạm bóng dưới 4 lần trước khi dứt điểm. Ngoài ra, anh nằm trong top 10 cầu thủ có điểm số cao nhất của PFF FC ở cả 3 hạng mục: Chuyền bóng, dứt điểm và tạt bóng.
![]() |
Mohamed Salah đang chơi rất tốt ở mùa giải năm nay.
|
Và điều đáng kinh ngạc hơn cả là anh làm điều này khi đã 32 tuổi. Vậy làm sao Salah vẫn có thể duy trì phong độ đỉnh cao? Trong thời gian Liverpool kiểm soát bóng, Salah là một trong những cầu thủ… đi bộ nhiều nhất giải đấu. Chỉ có 15 cầu thủ dành nhiều thời gian đi bộ hơn anh, và họ đều là thủ môn, trung vệ hoặc Erling Haaland. Salah đã đi bộ hơn 400 phút khi Liverpool có bóng.
Tuy nhiên, đồng thời, Salah cũng tăng tốc cực kỳ nhiều: Anh đã tăng tốc ít nhất 3m/s tổng cộng 478 lần trong thời gian Liverpool kiểm soát bóng – cao thứ hai trong toàn giải. Trong số 20 cầu thủ đi bộ ít nhất 400 phút, Salah có số lần tăng tốc nhiều hơn ít nhất 100 lần so với bất kỳ ai khác.
Và đây chính là triết lý của Liverpool mùa này: Muốn đi nhanh, trước tiên phải đi chậm.
Theo ESPN