Thứ Năm, 09/01/2025 Mới nhất
Zalo

Cầu thủ Việt sau thất nghiệp là tệ nạn

Thứ Ba 18/12/2012 12:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không vơ đũa cả nắm, nhưng khi cầu thủ không còn cơ hội chơi bóng, họ rất dễ bị dính vào tệ nạn xã hội.

Trung bình mỗi một đội bóng ở V-League hay hạng nhất có khoảng 30 cầu thủ. Như vậy, với 3 CLB V-League, 6 CLB hạng nhất, sau khi trừ đi những cầu thủ may mắn tìm được đội bóng mới, có không dưới 200 cầu thủ rơi vào cảnh thất nghiệp. Không như các nền bóng đá chuyên nghiệp, cầu thủ Việt Nam thường không biết làm gì sau khi giải nghệ. Chính vì thế, họ càng gặp khó khăn khi bị “đứt gánh giữa đường”.

Cầu thủ dễ dính vào tệ nạn xã hội
Cầu thủ dễ dính vào tệ nạn xã hội

Một số cầu thủ đã có sự chuẩn bị rất tốt cho “sân sau” của mình. Chẳng hạn như Thành Lương mở quán café, Tấn Trường có sân cỏ nhân tạo, một số cầu thủ khác biết kinh doanh, mở nhà hàng... Tuy nhiên, đây chỉ là số ít những cầu thủ biết lo cho tương lai của mình. Hầu hết cầu thủ Việt Nam đã sống theo nếp cũ, tức là cứ ăn tiêu bạt mạng, mua sắm vô tội vạ, nên giờ rơi vào cảnh thất nghiệp, chẳng còn gì trong tay.

Chẳng nói đâu xa, như tiền đạo Quang Hải nhiều năm lên tuyển và là trụ cột ở CLB, nhưng vì thú chơi... gà nên cầu thủ này đã tốn không ít tiền của. Chính vì thế, dù nhận mức lót tay gần 10 tỷ đồng, mức lương 55 triệu đồng mỗi tháng, sau 3 tháng không lương, Quang Hải rơi vào cảnh khó khăn đến thảm hại. Mới đây, thậm chí tiền đạo này còn bán cả xe để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Trưởng BTC giải Trần Duy Ly thừa nhận, đa số cầu thủ đều không được học văn hóa đầy đủ như các nền bóng đá phát triển. Cầu thủ Việt Nam đa số đi lên từ các vùng quê hay bóng đá đường phố, nên ít ai có học thức cao. Thường thì sau khi có chút tiếng tăm và thành tích quốc tế, mới tính chuyện xin đi học Đại học như trường hợp của Công Vinh mới đây.

Cũng vì không được giáo dục chưa đến nơi, đến chốn mà các cầu thủ ngay từ đầu đã không có những định hướng cho tương lai của mình. Ai cũng biết là đời cầu thủ cùng lắm chỉ có chục năm thi đấu đỉnh cao, nhưng tất cả đã không biết tận dụng để kiếm chút vốn sau khi giải nghệ. Quen ăn chơi, mua sắm hàng hiệu, đốt tiền vào những trò tiêu khiển vốn dành cho các bậc thượng lưu, nên tiền kiếm vô số nhưng cũng chẳng còn là bao sau khi giải nghệ. Buồn hơn là khi không còn đủ sức chạy trên sân, cầu thủ cũng chẳng biết làm gì kiếm sống. Người nào đá hay, chịu khó học hỏi và có chí tiến thủ thì may ra chuyển hướng sang làm HLV đội trẻ, rồi dần dần lên lão làng. Song với đa phần còn lại, đều không có hoạch định nào cho cuộc sống của mình.

Đáng lo ngại hơn là với lối sống buông thả, sau khi giải nghệ hay thất nghiệp, cầu thủ chính là những người dễ bị dính vào tệ nạn xã hội nhất. Những thông tin kiểu cựu cầu thủ đội A bị phát hiện sử dụng ma túy, cựu cầu thủ đội B bị chém... không hiếm nhiều năm qua. Dù không nhiều những vụ việc đáng tiếc, nhưng cũng đủ để cảnh báo về các cạm bẫy xã hội luôn rình rập cầu thủ.

Trở lại câu chuyện thất nghiệp của khoảng 200 cầu thủ ở hai giải đấu bóng đá cao nhất Việt Nam hiện tại, đang thực sự để lại nỗi lo với VFF và VPF. Các CLB vốn không trang bị kỹ năng sống đầy đủ cho các cầu thủ, VFF cũng chưa thành lập được Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp, còn bản thân các cầu thủ cũng dễ sa ngã, nên chẳng ai có thể quản lý được số cầu thủ này khi họ ra ngoài xã hội. Những cầu thủ nếu may mắn được thanh lý hợp đồng, người ít cũng phải vài chục triệu, người nhiều vài trăm, thậm chí cả tỷ đồng, rất dễ bị lôi cuốn vào các trò tệ nạn xã hội.

Sau khi hàng loạt đội bóng giải thể, người ta chỉ lo giải đấu bị vỡ, bị ảnh hưởng uy tín... chứ ít ai nghĩ tới những số phận cầu thủ sẽ đi đâu, về đầu sau khi bị đẩy ra ngoài đường. Với ngần ấy cầu thủ thất nghiệp, xã hội sẽ có thêm những gánh nặng, hoặc chí ít là những lo lắng về sự sa ngã của những cầu thủ không được giáo dục tốt khi còn chơi bóng.

(Theo Ngôi Sao)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X