Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Những "tiêu chuẩn vàng" của "Vua phá lưới World Cup" và điềm báo dành cho Messi

Thứ Sáu 06/06/2014 16:29(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Có thể danh hiệu "Cầu thủ ghi nhiều bàn nhất tại một kỳ World Cup" chẳng quá danh giá so với những giải thưởng tương tự (như Vua phá lưới giải VĐQG hay Champions League) tuy nhiên rõ ràng đó vẫn là mục tiêu phấn đấu với nhiều danh thủ bóng đá được tham dự giải đấu lớn nhất hành tinh. Vậy hãy thử nhìn lại lịch sử các VCK World Cup để xem các đặc điểm nhận dạng của một "Vua phá lưới", từ đó lựa ra ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu này ở World Cup 2014 sắp tới.

Không thuộc đội hình nước chủ nhà

Ai bảo được chơi bóng dưới sự cổ vũ của hàng chục nghìn CĐV đồng hương là sung sướng bởi hiển nhiên đi kèm với sự hứng thú là áp lực, sức ép không hề nhỏ. Chẳng thể mà qua 19 VCK trước đó, trong 25 cầu thủ được vinh danh là "Vua phá lưới" (bao gồm cả đồng Vua phá lưới. Mấy kỳ WC gần đây, FIFA đã tính thêm chỉ số phụ: Số pha kiến tạo và số phút thi đấu trên sân hòng xác định ra một "Vua phá lưới" duy nhất trong trường hợp có hơn một cầu thủ cùng sở hữu số bàn thắng nhiều nhất. Khi đó, ai kiến tạo nhiều hơn và tiếp đó là ai có số phút thi đấu ít hơn sẽ được nhận giải. Tại kỳ World Cup 2010, lần đầu tiên FIFA đã phải áp dụng chỉ số phụ khi có 4 cầu thủ: Muller, D.Villa, Sneijder và Forlan có cùng 5 bàn thắng. Kết quả, danh hiệu đã thuộc về Muller bởi hơn David Villa về số pha kiến tạo. Sneijder đứng thứ 3 vì hơn Villa về số phút thi đấu) thì chỉ có 4 người may mắn được chơi trên sân nhà. Đó là  Ademir (Brazil – 1950), Leonel Sánchez (Chile – 1962), Mario Kempes (Argentina – 1978) và Miroslav Klose (Đức – 2006).

oleg salenko
Oleg Salenko: "Vua phá lưới" đặc biệt nhất của các VCK World Cup

Thi đấu ở hàng tiền đạo

Đây là tiêu chuẩn gần như hiển nhiên bởi đơn giản, tiền đạo bao giờ chẳng là người chịu trách nhiệm chính ghi bàn cho ĐT nên chắc chắn, họ được trao nhiều cơ hội chọc thủng lưới đối phương hơn hẳn các vị trí khác trên sân. VCK World Cup cùng lắm chỉ kéo dài trong khoảng 1 tháng và hiện giờ, một đội tuyển tối đa chỉ được chơi 7 trận nên các tiền đạo gần như chiếm ưu thế tuyệt đối trong cuộc đua giành "Vua phá lưới". Theo thống kê, 23/25 "Vua phá lưới" trong quá khứ là tiền đạo xịn. Chỉ có 2 người mang danh tiền vệ đã chen chân được vào nhóm này. Đó là Thomas Muller của Đức (World Cup 2010) và Garrincha của Brazil (World Cup 1962). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Garrincha chơi trên tuyến đầu trong sơ đồ 4-2-4 huyền thoại từng giúp Brazil 3 lần VĐQG World Cup (1958, 1962, 1970). Dẫu không đảm nhận vị trí trung phong (thuộc về "Vua bóng đá" Pele) nhưng Garrincha chơi như một tiền đạo cánh. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Thomas Muller. Anh luôn chơi rất cao trên hàng công của Mannschaft, hoặc là một tiền đạo cánh hoặc hộ công (tiền đạo lùi).

Chạm trán các đối thủ yếu ở vòng bảng

Ở một VCK World Cup, khái niệm mạnh - yếu chỉ mang tính tương đối bởi đơn giản, HLV nào, cầu thủ nào tham gia giải đấu thường có câu cửa miệng "Vào đến đây, làm gì có đội yếu". Nhưng nếu xét một cách khách quan dựa trên mặt bằng phát triển chung trong môn thể thao Vua, các đội tuyển đến từ châu Âu và Nam Mỹ chắc chắn có trình độ, đẳng cấp cao hơn hẳn các đội tuyển đến từ những khu vực khác. Thậm chí, trong phạm vi nội bộ khu vực, cũng có sự phân cấp rõ rệt (ví dụ ở châu Âu ở kỳ World Cup sắp tới, những Hy Lạp, Thuỵ Sĩ hay Bosnia làm sao sánh nổi nhóm ông lớn như Đức, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha). Mà phàm được gặp đội yếu, đặc biệt tại vòng bảng thì những ứng cử viên sáng giá hiển nhiên tha hồ có cơ hội giành lợi thế trong cuộc đua tranh "Vua phá lưới". Lịch sử đã chứng minh, đa phần số bàn thắng của 25 "Vua phá lưới" đều được thực hiện tại vòng bảng. Thậm chí như anh chàng Oleg Salenko của Nga đã đứng đầu danh sách ghi bàn tại VCK World Cup 1994 nhờ cả 6 bàn thắng đều được ghi ở vòng bảng (trong đó 5 bàn vào lưới Cameroon ở trận đại thắng 6-1). Salenko cũng là "Vua phá lưới" duy nhất thuộc một đội tuyển phải về nước ngay sau vòng bảng. Chỉ có 3 ngoại lệ (tức là không ghi nổi bàn nào ở vòng bảng nhưng vẫn đoạt Vua phá lưới): Vava, Garrincha (Brazil -1962) và Mario Kempes (Argentina – 1978).

Phong độ cao

Khái niệm phong độ ở đây chỉ nên được hiểu là thành tích ghi bàn ở mùa giải ngay trước thời điểm khởi tranh World Cup. Theo ước tính, chỉ chưa đến 20% số "Vua phá lưới World Cup" mang theo hành trang nghèo nàn khi đến tham dự giải đấu (tức là hiệu suất trong mùa giải trước đó từ 3 trận/1 bàn trở lên). Càng về sau, khi hệ thống cơ sở dữ liệu và thống kê càng trở nên hiện đại, theo sát đời sống bóng đá thì giới chuyên môn có thêm cơ sở chắc chắn, đánh tin cậy để đưa ra kết luận này. Đơn cử như bắt đầu lấy mốc từ World Cup 1990, khi công nghệ bắt đầu phát triển mạnh trên thế giới thì duy nhất Thomas Muller tại World Cup 2010 có hiệu suất kém (19 bàn/52 trận trong cả mùa 2009-2010) mà cuối cùng vẫn có được danh hiệu "Vua phá lưới". Tất cả những người khác, kể cả không quá nổi tiếng như Salenko hay Schillaci của Italia (WC 1994) đều phải trung bình 2 trận ghi 1 bàn, nói gì đến những tiền đạo lừng danh như Klose, Ronaldo "béo".

Messi tỏ ra đầy tự tin vào sức mạnh của ĐT Argentina
Messi đang có nhiều "tiềm năng" của một "Vua phá lưới World Cup 2014"

Không cần giỏi sút phạt đền

Xét trong phạm trù ghi bàn thì nói gì thì nói, lập công từ chấm 11m vẫn là đơn giản nhất bởi ít ra, các cầu thủ chỉ phải đối mặt với một địch thủ duy nhất và khung thành rộng mở. Dẫu vậy, nó vẫn đòi hỏi tâm lý vô cùng vững vàng và bản lĩnh thép mà đây chắc gì đã là những phẩm chất mà một tiền đạo giỏi cần phải sở hữu. Chẳng thế mà, thiếu gì hậu vệ hoặc tiền vệ sút 11m tốt hơn hẳn tiền đạo. Điểm khá lý thú ở các VCK World Cup là hơn 70% số "Vua phá lưới" có thành tích ghi bàn không bao gồm bất cứ một quả phạt đền thành công nào. 3 "Vua phá lưới" gần đây nhất (Muller, Klose, Ronaldo) không hề được ĐTQG "chọn mặt gửi vàng" trên chấm 11m. Thêm vào đó, tỷ lệ xuất hiện phạt đền ở World Cup thường không cao. Ví dụ như cách đây 4 năm, giới trọng tài chỉ 9 lần chỉ tay vào chấm trắng ở giữa vòng cấm sau 64 trận nên ít như thế thì dĩ nhiên, chẳng đóng góp nhiều tiếng nói quyết định trong cuộc đua tranh "Vua phá lưới". Trong quá khứ, chỉ có 2 Vua phá lưới khá xuất sắc trong khoản đá penalty: Eusebio (4/9 bàn tại World Cup 1966) và Hristo Stoichkov (3/6 bàn tại World Cup 1994).

Đội tuyển phải vào bán kết

Từ xưa đến nay, "Vua phá lưới" bao giờ cũng chỉ căn cứ vào duy nhất số bàn thắng ghi được chứ đâu có quan tâm đến số trận thi đấu hay mức độ hiệu quả (mất bao nhiêu cú dứt điểm để có được 1 bàn). Nên ai càng được thi đấu nhiều thì chắc chắn cơ hội đua tranh càng cao. Như đã đề cập, hiện giờ, một cầu thủ sẽ được chơi tối đa đến 7 trận trong trường hợp đội tuyển họ khoác áo có mặt ở bán kết (thắng đá chung kết, thua tranh 3-4) mà trong bóng đá hiện đại, chuyện một cầu thủ lập được cú đúp hay hattrick trong một trận đấu riêng lẻ tại VCK World Cup ngày một hiếm hoi nên nếu muốn mơ danh hiệu "Vua phá lưới" thì họ cần phải được thi đấu nhiều. Trong lịch sử World Cup, ngoại trừ một mình Salenko đã nhắc đến ở trên thì 24 "Vua phá lưới" còn lại tối thiểu đều không phải về nước sau vòng bảng, trong đó hơn 80% đã được thi đấu ở bán kết.

Kết luận: Dựa theo những "tiêu chuẩn vàng" này thì có thể tạm đưa ra một gương mặt hội tụ nhiều yếu tố cần thiết của một "Vua phá lưới World Cup 2014". Đó là Lionel Messi, cánh chim đầu đàn của ĐTQG Argentina. Thứ nhất, tất nhiên M10 không mang quốc tịch Brazil. Thứ hai, Messi chính là hạt nhân trong lối chơi của Albiceleste, bắt các "vệ tinh đồng đội" phải bay xung quanh. Thực tế, tại vòng loại khu vực Nam Mỹ, Messi đã có được 10 bàn chỉ kém Luis Suarez của Uruguay đúng 1 bàn. Thứ ba, Argentina rơi vào bảng đấu quá nhẹ ký, gồm toàn đối thủ dưới cơ (Iran, Nigeria, Bosnia). Không những vậy, nếu vượt qua vòng bảng thì tại vòng 1/8, cùng lắm Argentina chỉ phải chạm trán ĐT Pháp là "rắn mặt" nhất nên cơ hội vào sân của Argentina là khá sáng sủa. Thứ tư, mùa vừa rồi, dù gặp không ít rắc rối liên quan đến sức khoẻ và phong độ không còn quá ấn tượng như mấy mùa trước đó song Messi vẫn kịp sưu tập tổng cộng 41 bàn thắng cho Barcelona. Thứ 5, World Cup được tổ chức ở quốc gia láng giềng Brazil thì khác gì diễn ra tại quê nhà Argentina bởi Messi và đồng đội sẽ không gặp khó khăn trong việc thích nghi với điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt vốn là kẻ thù của các cầu thủ châu Âu. Cuối cùng, Messi gần như chắc chắn sẽ được giao trọng trách sút 11m nên anh càng có thêm cơ hội gia tăng thành tích ghi bàn. Hãy cùng chờ xem Messi sẽ làm được gì, có được như kỳ vọng của tất cả, nhất là khi trong 2 VCK World Cup trước đó anh tham dự, Messi chỉ ghi nổi đúng 1 bàn. 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X