Tản mạn: Người Đức, người Anh và chân giá trị của bóng đá

(Bongda24h) - Những gì mà người ta làm vào ngày hôm nay thì người Đức đã thực hiện nó từ hôm qua.

(Bongda24h) - Những gì mà người ta làm vào ngày hôm nay thì người Đức đã thực hiện nó từ hôm qua.

► Tổng hợp thông tin mới nhất về VCK Euro 2016 và kết quả VCK Euro 2016.

Nước Đức, nơi nổi tiếng với đúng giờ và sự kỷ luật. Bóng đá Đức chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nền văn hóa ấy. Vào thế kỷ trước, đội tuyển Đức vẫn chuộng mẫu cầu thủ to lớn, mạnh mẽ và có ý thức kỷ luật cao. Lối chơi của đội tuyển Đức khi ấy đơn giản mà đầy hiệu quả dựa trên sự tuân thủ đấu pháp một cách tuyệt đối của các cầu thủ với huấn luyện viên. Bóng đá Đức khi ấy không cần những nghệ sỹ, chỉ những người có lối đá cần cù như một công nhân mới được phép tồn tại.
Nhờ lồi đá ấy, người Đức đã vô địch Euro 1996. Nhưng bước sang thiên niên kỷ mới, người Đức đã một lần nữa phải nhìn nhận lại cách phát triển của bóng đá hiện đại khi trải qua kỳ Euro 2000 đầy tủi nhục. Bắt đầu với vị thế của một "nhà vua", người Đức tràn đầy tự tin bảo vệ thành công ngôi vô địch dù cùng bảng đấu với Anh, Bồ Đào Nha và Romani. Nhưng hóa ra mọi dự đoán đều sai lầm, người Đức lầm lũi về nước trong ngổn ngang những câu hỏi về sự thất bại khi đứng bét bảng với chỉ một điểm giành được. Tại sao những con người với thứ triết lý bóng đá từng lên đỉnh châu Âu vào cuối thiên niên kỷ trước lại phải hứng chịu thất bại nặng nề đến thế ở thiên niên kỷ này?
Xấu hổ, xấu hổ và thật đau đớn! Đó là những dòng tít liên tục chạy ngày ngày qua ngày khác trên báo chí Đức hàng tháng trời sau thất bại tủi nhục của kẻ giờ đã là cựu vương. Thất bại vào năm 2000 làm dấy lên làn sóng chỉ trích dữ dội, những người có trách nhiệm cần phải hành động ngay để tìm hiểu nguyên nhân về thất bại này. Người Đức cử ra đội ngũ trinh sát viên đông đảo tỏa đi khắp thế giới để tìm ra những triết lý bóng đá tốt nhất, những xu hướng phát triển của bóng đá hiện đại. 
Tan man Nguoi Duc, nguoi Anh va chan gia tri cua bong da hinh anh
Chức vô địch World Cup 2014 là minh chứng rõ nét nhất cho thành công về sự thay đổi triết lý của nền bóng đá Đức sau thất bại ở Euro 2000.

Bắt đầu từ văn hóa

Sau những ngày dài nghiên cứu, người Đức nhận ra họ cần phải thay đổi cả một nền triết lý và văn hóa bóng đá. Những cầu thủ to cao, mạnh mẽ về thể chất không còn đáp ứng được xu thế phát triển của bóng đá hiện đại nữa. Nếu cứ nghĩ theo lối mòn thì mọi sự thay đổi cũng chỉ ở lớp vỏ. Người Đức muốn triệt để thay đổi văn hóa đá bóng. Họ khuyến khích nhiều hơn những cầu thủ có kỹ thuật và khả năng sáng tạo, thay vì mẫu cầu thủ có sức mạnh và chỉ răm rắp nghe lệnh.
Người Đức cũng nhận ra tầm quan trọng của giáo dục. Họ cần phổ cập tri thức về bóng đá hiện đại nhiều hơn nữa để tạo ra nhiều chiến lược gia, những người không chỉ đảm trách vai trò huấn luyện viên trưởng mà còn là cố vấn kỹ thuật, trợ lý. Người Đức tin rằng trong bóng đá hiện đại, huấn luyện viên trưởng càng ngày càng cần nhiều trợ lý chuyên trách về các vấn đề kỹ thuật, chuyên môn, dinh dưỡng,.... Vì vậy, những khóa học dành cho các huấn luyện viên trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.
Nước Đức có thể tự hào khi là nơi cung cấp các khóa học đào tạo huấn luyện viên với mức phí thuộc dạng rẻ nhất tại châu Âu hiện nay. Lấy ví dụ, một khóa học lấy chứng chỉ UEFA B tại Đức chỉ có giá 340 bảng để đăng ký. Nhưng tại Anh với trình độ tương đương, các học viên phải trả từ 750 đến 2.450 bảng chỉ để ghi danh. 
Việc người Đức tạo ra nhiều huấn luyện viên hơn nữa giúp họ có được nhiều nghiên cứu sâu sắc hơn về xu hướng chiến thuật hiện đại, qua đó cải biến lối đá cổ điển phát triển bóng theo chiều dọc và dựa nhiều vào sức mạnh cơ bắp. Giờ đây, bóng đá Đức đã mang bộ mặt hoàn toàn mới khi thi đấu dựa trên những cầu thủ có kỹ thuật và đầu óc, phát triển bóng theo nhiều hướng dựa trên những đường chuyền ngắn và trung bình. Còn người Anh bởi chi phí học tập quá đắt đỏ nên rất ít chiến lược gia được tạo ra. Chẳng có gì ngạc nhiên khi rất ít huấn luyện viên người Anh thành công và bóng đá Anh mãi vẫn chỉ mang thương hiệu "kick and rush" mà chưa có bước đột phá về chiến thuật.
Tại Đức hiện nay, số huấn luyện viên đạt chứng chỉ UEFA hạng B là 28.400 người, hạng A là 5.500 người và hạng Pro (cao nhất của UEFA) là 1.070 người. Để thấy sự phát triển mạnh mẽ nhờ cơ chế tiếp cận giáo dục đại trà của bóng đá Đức, hãy so sánh họ với Anh, nơi vẫn tự hào khi sở hữu Premier League - giải đấu hấp dẫn bậc nhất hành tinh. Tại đảo quốc sương mù, số chiến lược gia đạt hạng B của UEFA "chỉ" là 1.759, hạng A là 895 và hạng Pro vỏn vẹn có 115. Và bạn tự so sánh với người Đức nhé!
DT Duc hinh anh 2
Người Đức đang thành công với việc đào tạo trẻ khi sản sinh ra những Ozil, Goetze, Muller,...

Hãy trao cơ hội cho những người trẻ

Sự thay đổi của cả một hệ thống triết lý không hề đơn giản. Khi sự thay đổi đó đang diễn ra dở dang thì những nhà hoạch định bóng đá Đức nhận ra rằng, những cầu thủ hiện tại không đáp ứng được yêu cầu của triết lý bóng đá mới. Thế là từ 12 năm trước, người Đức bắt đầu tạo ra một thế hệ thấm đẫm hệ tư tưởng mới. Hơn 52 trung tâm đào tạo liên hợp xuất sắc, 366 trung tâm đào tạo huấn luyện viên và hơn 1.300 trung tâm đào tạo trẻ chuyên nghiệp mọc lên tại Đức chỉ trong vòng 12 năm qua.
Miroslav Klose là ví dụ để người Đức nhắc nhở mình đừng bỏ sót những tài năng trẻ. Chân sút gốc Ba Lan hiện đang là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất tại các kỳ World Cup của đội tuyển Đức. Nhưng khi mới 21 tuổi, Klose còn chưa là cầu thủ chuyên nghiệp và chơi ở giải hạng 5 nước Đức. Năm 2002, mạng lưới trinh sát thuộc "Dự án xúc tiến việc nâng cấp những tài năng" được trình làng tại Đức. Khi ấy, Jorg Daniel - giám đốc của dự án tuyên bố: "Kể cả khi những tài năng của thế kỷ này sinh ra ở một ngôi làng nhỏ sau quả núi, từ nay chúng ta vẫn có thể tìm thấy anh ta".
Hiện nay, có đến 69% cầu thủ thi đấu tại Bundesliga là người Đức và 14% trong số đó vẫn gắn bó với câu lạc bộ đã đào tạo họ từ nhỏ. Việc coi trọng công tác đào tạo trẻ giúp những câu lạc bộ tại Đức không phải bỏ quá nhiều tiền vào những vụ chuyển nhượng bom tấn. Hơn nữa, những cầu thủ đó sẽ thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của câu lạc bộ đã gắn bó với họ suốt từ thuở ấu thơ. Điều đó cũng tốt cho đội tuyển Đức khi họ có rất nhiều cầu thủ bản địa có được thi đấu thường xuyên, nhất là những cầu thủ trẻ giành cho mình cơ hội trau dồi kỹ năng trước khi trở thành một ngôi sao.
Đừng thương mại hóa bóng đá
Với tính cách chuyên nghiệp và nguyên tắc của người Đức, mọi thứ đều được trả về đúng giá trị tồn tại của nó. Nếu anh là công nhân, anh hãy làm tốt việc của công nhân. Nếu anh là bác sĩ, anh chỉ cần làm tốt việc của một bác sĩ. Họ không yêu cầu anh công nhân phải biết giảng giải về lý thuyết và không yêu cầu bác sĩ phải giỏi làm kinh tế. Họ chỉ cần những thứ thuộc về chuyên môn thuần túy. Bóng đá cũng thế, người Đức làm tất cả để trả bóng đá về đúng những giá trị của bóng đá.
Tại Đức, các cầu lạc bộ luôn tuân thủ nguyên tắc "50+1". Đó là 51% quyền sở hữu các câu lạc bộ bao giờ cũng nằm trong tay những tổ chức đại diện cho quyền lợi của cổ động viên. Người Đức luôn tự hào rằng họ là một trong những nơi có nền bóng đá "thánh khiết" nhất tại châu Âu. Các câu lạc bộ không bao giờ được phép bán cho chủ sở hữu nước ngoài. Họ cũng đẩy lùi được tham nhũng, một trong những vấn nạn đáng sợ nhất mà bóng đá hiện nay vẫn phải đối mặt.
DT Duc hinh anh 3
Bayern Munich không bao giờ "hút máu" người hâm mộ nhưng vẫn duy trì nền tảng tài chính vững mạnh.

Vào năm 1971, hai câu lạc bộ Offenbach và Bielefeld đều dính vào việc dàn xếp tỉ số. Thế là cả hai đều bị cấm thi đấu tại Bundesliga vô thời hạn. Mãi đến năm 1999, Offenbach mới được trở lại Bundesliga. Sự mạnh tay của những nhà làm luật cùng đội ngũ giám sát khiến nạn tham nhũng trong bóng đá Đức giảm xuống mức tối thiểu.
Nếu đến Đức thưởng thức bóng đá, bạn hẳn sẽ giật mình. Giá vé của một số câu lạc bộ thậm chí còn rẻ hơn nửa lít bia tại một quán rượu ở Luân Đôn. Nhờ thế, các khán đài tại Đức thực sự là thiên đường của các cổ động viên với sự cuồng nhiệt tuyệt vời. Các sân vận động tại Đức chẳng bao giờ lo thiếu khán giả khi họ không cần lo lắng về vấn đề tài chính để đến sân cả. Đó là tinh thần của các cổ động viên bóng đá những năm 60 của thế kỷ trước. 
Darmstadt là đội có giá vé cả mùa cao nhất tại Đức hiện nay khi đạt con số 193 bảng. Nhưng nó thậm chí còn thấp hơn con số 294 bảng của Stoke, đội có giá vé cả mùa rẻ nhất tại Premier League. Người Anh từng xấu hổ khi Bayern Munich làm khách trên sân Emirates của Arsenal. Trong năm phút đầu trận, nhiều cổ động viên của "hùm xám" thậm chí còn không thèm vào sân để phản đối giá vé "cắt cổ" của đội chủ sân Emirates. 
Giá vé cả mùa của Bayern Munich hạng phổ thông chỉ ở mức 104 bảng. Người Anh từng thắc mắc tại sao không tăng thêm lên cho xứng với giá trị thương hiệu của Bayern Munich. Một đại diện của đội bóng nước Đức đã nói sổ toẹt vào mặt những vị khách đến từ xứ sở sương mù:"Tất nhiên là chúng tôi có thể đẩy giá lên cao hơn con số 104, khoảng 300 bảng chẳng hạn. Chúng tôi sẽ có thêm 2 triệu bảng nữa nhưng từng ấy tiền có thể giải quyết chuyện gì cho chúng tôi? Nhưng sự khác biệt giữa 104 bảng và 300 bảng là rất lớn đối với người hâm mộ. Nên nhớ người hâm mộ chẳng phải lũ bò để cho bạn vắt sữa. Bóng đá phải dành cho tất cả mọi người thưởng thức. Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa nền bóng đá của chúng tôi với nền bóng đá Anh".
Mùa 2015-16, Bayern Munich là đội đạt doanh thu bản quyền truyền hình cao nhất tại Bundesliga nhưng thật điên rồ khi con số đó vẫn kém Bournemouth tại Premier League. Người Anh ngày càng thương mại hóa bóng đá còn người Đức thì ngược lại, trả bóng đá về đúng giá trị của nó.
Thế nên khi người Anh vẫn đang loay hoay với bài toán tìm lại thời kỳ hoàng kim cho đội tuyển, người Đức đã vô địch World Cup 2014 và hướng tới chức vô địch Euro 2016. 
Hãy trả bóng đá về đúng giá trị của bóng đá!
Như Đạt

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Trong một tập san học thuật vào năm 1986 của trường đại học British Columbia, Canada, Ian Franks và Gary Miller đã kiểm tra các huấn luyện viên mới vào nghề về khả năng nhớ lại những khoảnh khắc quan trọng trong một hiệp đấu của một trận bóng đá quốc tế. Trung bình, chỉ có 42% đối tượng được test ghi nhớ chính xác chúng. Các nghiên cứu tiếp theo đã càng củng cố cho phát hiện này.

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho Làn gió đổi thay Tây Ban Nha - De La Fuente

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho "Làn gió đổi thay" Tây Ban Nha - De La Fuente

Tây Ban Nha đã vô địch Euro 2024, trở thành đội đầu tiên 4 lần đăng quang châu Âu. Tiền vệ Rodri nhận giải Quả bóng Vàng VCK - một sự thừa nhận quan trọng đối với 1 trong những tiền vệ trung tâm giỏi nhất của thời đại này. Sao mai 17 tuổi Lamine Yamal tất nhiên cũng hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất.

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Euro 2024 là sân khấu trình diễn tài năng của Lamine Yamal và Nico Williams – những màn trình diễn rực sáng của hai chàng trai có tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ này tại đây sẽ thay đổi cuộc đời họ mãi mãi. Là lời tái khẳng định đẳng cấp của Rodri, một ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua Quả Bóng Vàng. Nhưng trên hết, đây là thành tựu của đội bóng toàn diện nhất cuộc chơi.