Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Euro 2000: Les Bleus hoàn thành cú đúp

Thứ Hai 04/06/2012 15:44(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
(Bongda24h) - Euro 2000 được diễn ra tại hai nước đồng chủ nhà, Bỉ và Hà Lan. ĐT Pháp đã đăng quang và trở thành đội đương kim vô địch thế giới đầu tiên giành ngôi quán quân châu Âu. Họ xứng đáng được vinh danh vì lối đá tấn công cống hiến, cộng với một tinh thần chiến đấu đến cùng.

Mặc đù đội đồng chủ nhà Bỉ bị loại ngay từ vòng đấu bảng nhưng nước chủ nhà còn lại là Hà lan đã lọt tới tận vòng bán kết và chỉ chịu dừng chân trước người Ý. Trước khi VCK Euro 2000 diễn ra, Hà Lan được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vô địch vì lợi thế sân nhà và họ có trong đội hình những hảo thủ như Dennis Bergkamp, Marc Overmars, Patrick Kluivert, hai anh em nhà De Boer cùng Clarence Seedorf. Ngoài ra, ĐKVĐ thế giới Pháp, Italia, Đức cũng là những đội đủ sức tranh chấp chức vô địch.

Pháp giương cao chức vô địch sau khi đánh bại Italia với tỷ số 2-1 ở trận chung kết nhờ bàn thắng vàng của David Trezeguet
Pháp giương cao chức vô địch sau khi đánh bại Italia với tỷ số 2-1 ở trận chung kết nhờ bàn thắng vàng của David Trezeguet

Sau vòng đấu bảng, Bồ Đào Nha và Romania là hai đội dẫn đầu bảng A, vượt lên trên 2 “ông kẹ” của bảng là Anh và Đức. Trong khi Rumani tiễn đội tuyển Anh (gồm hàng loạt danh thủ nổi tiếng như G.Neville, Beckham, Scholes, Owen, Shearer, Seaman hay McManaman,…) về nước bằng chiến thắng 3-2 với bàn quyết định từ chấm phạt đền của Ganea đúng phút 89, thì Bồ Đào Nha cũng đặt vé “hồi hương” cho người Đức sau khi đè bẹp ĐT giàu truyền thống nhất châu Âu bằng cú hat-trick của Conceicao. Đây có lẽ là giải đấu tồi tệ nhất của Đức trong các kỳ Euro và những Matthaus, Hassler, Bierhoff, Kirsten đã chia tay ĐT trong cay đắng.


Ở bảng B, Italia dễ dàng toàn thắng trong cả 3 trận để đứng đầu bảng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải 2 ĐT được đánh giá cao hơn (Bỉ và Thuỵ Điển) giành tấm vé còn lại của bảng. Tây Ban Nha và Nam Tư là hai đội của bảng C có mặt ở tứ kết, còn Hà Lan và Pháp đã "tiễn biệt" Séc và Đan Mạch để vào vòng knock-out với tư cách hai đội đứng đầu bảng D.
 

Không giống như Euro 1996, giải đấu diễn ra tại Hà Lan và Bỉ đã chứng kiến các trận đấu đầy ắp bàn thắng tại vòng tứ kết. Trong khi Bồ Đào Nha với bộ đôi tiền vệ xuất sắc lúc bấy giờ Rui Costa và Figo đã đánh bại Thổ Nhĩ Kỳ 2-0, thì Italia sửa soạn hành lý về nước cho Romania sau chiến thắng 2-0 bằng các bàn thắng của “Pippo” Inzaghi và “Hoàng tử thành Rome” Francesco Totti.  

 

Tiếp bước Bồ Đào Nha và Italia, Pháp giành thắng lợi 2-1 trước Tây Ban Nha để ghi tên mình vào vòng bán kết. Trận đấu này được định đoạt chỉ sau 12 phút cuối hiệp một. Mendieta là cầu thủ gỡ hòa cho Tây Ban Nha ở phút 38 sau khi nhạc trưởng thiên tài Zidane mở tỉ số phút 32, nhưng Djorkaeff (một cái tên khác thuộc Thế hệ vàng của Pháp trong những năm đó) đã giúp “Những chú Gà trống Gôloa” cất cao tiếng gáy bằng pha ghi bàn ngay phút 44. Nhưng ấn tượng nhất là chủ nhà Hà Lan với trận thắng hủy diệt trước Nam Tư tới 6-1. Trong trận đấu khó tin này, Patrick Kluivert (cầu thủ nổi lên từ năm 1995 khi cùng Ajax đăng quang ở Champions League và sau này đã từng khoác áo AC Milan, Barcelona) lập được một hat-trick.

Hai trận bán kết là sự đụng độ của cặp đấu Pháp - Bồ Đào Nha và Italia - Hà Lan. Trong trận Pháp - Bồ Đào Nha, Nuno Gomes một lần nữa ghi tên mình trên bảng điện tử với bàn thắng ngay phút 19,  Thierry Henry sau đó gỡ hòa cho Pháp khi hiệp hai vừa trôi qua được 6 phút. Kết thúc 90 phút thi đấu chính thức, hai đội hòa nhau với tỉ số 1-1 và phải bước vào thi đấu hiệp phụ. Phút 117, Pháp được hưởng quả penalty từ lỗi để bóng chạm tay của một cầu thủ áo bã trầu. Mặc cho các cầu thủ Bồ Đào Nha phản đối gay gắt quyết định này, thậm chí họ đã có những hành vi xô đẩy trọng tài và bị cấm thi đấu quốc tế một thời gian dài sau đó, Zidane vẫn điềm tĩnh bước lên và đã không mắc phải một sai lầm nào để đưa Pháp vào chung kết bằng luật bàn thắng vàng.

Cái tên cuối cùng hiện diện tại trận đấu cuối cùng là đội tuyển Italia. Sau khi trải qua 120 phút thi đấu không có bàn thắng nào được ghi, Hà Lan và Italia bước vào loạt sút luân lưu 11 mét may rủi. Hà Lan là kẻ bại trận với tổng tỉ số 1-3. Trong 4 quả penalty đã thực hiện, các cầu thủ của xứ sở hoa Tulip chỉ tìm được mảnh lưới Italia có một lần. Trung vệ có bộ mặt “dữ dằn” Jaap Stam (cầu thủ đã giành Champions League 1998-1999 cùng Manchester United) đá ra ngoài trong khi Francesco Toldo đã xuất sắc đẩy được hai pha sút bóng của Frank de Boer và Paul Bosvelt.

Ngày 2/7/2000, tại sân vận động Feyenoord (Hà Lan), trận thư hùng giữa Pháp-Italia đã diễn ra. Italy là đội mở tỷ số trước nhờ công của Marco Delvecchio ở phút thứ 55. Sau bàn thắng này, các học trò của HLV Dino Zoff (thủ môn huyền thoại của Azzurri với chức VĐ Euro 1968 và WC 1982) đã chơi phòng ngự chắc chắn trước sức tấn công dồn dập từ phía đối phương. Nhưng đến phút bù giờ thứ tư của trận đấu, Toldo, người hùng của Italia, bỗng chốc trở thành tội đồ khi thủ thành của CLB Fiorentina khi đó đã đổ người quá chậm trước cú sút chéo góc của Sylvain Wiltord. Nhưng cũng phải kể đến pha phá bóng thiếu quyết liệt của Cannavaro sau cú chuyền bóng nối bằng đầu của David Trezeguet từ quả phát lên của Barthez.


Thực chất, pha gỡ hoà 1-1 của Wiltord đã sớm quyết định số phận của trận đấu. Bàn thắng vàng mà Trezeguet ghi được chỉ là hệ quả tất yếu từ sự suy sụp cả về thể xác lẫn tinh thần của các cầu thủ Italy. Khó có thể trách Cannavaro khi anh đánh đầu đưa bóng cho Pires vượt qua bên cánh phải rồi chuyền vào cho Trezeguet sút tung lưới Toldo. Các cầu thủ của xứ mỳ ống đã bị vắt kiệt sức sau khi trải qua hơn 120 phút đầy nhọc nhằn trước Hà Lan ở bán kết và xuống tinh thần thấy rõ sau khi Wiltord ghi bàn còn người Pháp lại tràn đầy hưng phấn.

Một tội đồ khác của Italia vẫn được nhắc đến rất lâu sau cú trượt chân đáng tiếc là Alessandro Del Piero. Tiền đạo của Juve đã có ít nhất hai cơ hội ghi bàn mười mươi nhưng anh lại sút ra ngoài trong cơ hội đầu tiên và không thể gây khó dễ cho Barthez ở cơ hội đối mặt lần thứ hai. Euro 2000 chỉ là một ví dụ tiêu biểu cho một thực tế phũ phàng với biểu tượng sống của CLB Juventus hiện nay: Đó là Del Piero chưa bao giờ toả sáng ở cấp độ ĐTQG.

 

Thông tin xung quanh Euro 2000

- Số trận đấu: 31
- Số bàn thắng: 85 (Trung bình: 2, 74 bàn/1 trận)
- Vua phá lưới (cùng 5 bàn): Patrick Kluivert (Hà Lan) và Savo Milosevic (Nam Tư)
- Cầu thủ xuất sắc nhất:  Zinedine Zidane (Pháp)
- Đội hình tiêu biểu:

Francesco Toldo (Italia) - Laurent Blanc, Lilian Thuram (Pháp); Fabio Cannavaro, Paolo Maldini (Italia) - Patrick Vieira, Zinédine Zidane (Pháp); Luis Figo (BĐN); Edgar Davids (Hà Lan) - Patrick Kluivert (Hà Lan); Francesco Totti (Italia)

 

  • Hải Phong
     
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Tương lai nào cho các ngôi sao Real Madrid sau Euro 2012?

Tương lai nào cho các ngôi sao Real Madrid sau Euro 2012?

Tương lai nào cho các ngôi sao Real Madrid sau Euro 2012?

Real Madrid chính là đội bóng ấn tượng nhất ở Euro 2012 khi họ sở hữu đến 10 cầu thủ tại vòng bán kết Euro 2012. Tuy nhiên, không ngôi sao nào đạt được danh hiệu cá nhân tại Ba Lan-Ukraine và đó là điều mà những người yêu mến “Kền kền trắng” chạnh lòng...

Chiến thuật ở EURO 2012: Sự lên ngôi của trường phái Nam Âu

Chiến thuật ở EURO 2012: Sự lên ngôi của trường phái Nam Âu

Chiến thuật ở EURO 2012: Sự lên ngôi của trường phái Nam Âu

Việc 3 trong 4 đội bóng có mặt ở vòng bán kết đều là các đội thuộc Nam Âu và Tây Ban Nha bảo vệ thành công vương miện EURO tiếp tục cho thấy sự thống trị của trường phái kỹ thuật và đề cao quyền sở hữu bóng trước lối chơi kiểu khoa học và đề cao sức mạnh kiểu Bắc Âu, hay bài miếng cổ điển kiểu Đông Âu.

Xem thêm
top-arrow
X