Thứ Tư, 08/01/2025 Mới nhất
Zalo

Ông Ngô Lê Bằng làm Tổng thư ký VFF

Thứ Ba 28/02/2012 18:48(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tại Hội nghị BCH Liên đoàn bóng đá Việt Nam chiều 28/2, ông Ngô Lê Bằng được bầu làm Tổng thư ký, nhưng điều giới hâm mộ mong chờ hơn là danh tính HLV tuyển quốc gia thì vẫn chưa được quyết định. Với kết quả này, ngay hôm nay ông Bằng chính thức ngồi vào chiếc ghế bỏ trống từ khi ông Trần Quốc Tuấn từ chức hồi cuối năm ngoái.

Ông Bằng thắng cử vào chức vụ Tổng thư ký khi các ứng cử viên khác đều xin rút lui: Ông Phạm Ngọc Viễn rút vì lý do vừa phải đảm trách Tổng Giám đốc VPF, vừa làm Phó Chủ tịch VFF nên quá bận. Cũng với lý do không đủ thời gian, ông Phan Anh Tú xin rút để làm tốt công việc Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Hà Nội, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ Hà Nội. Ông Dương Nghiệp Khôi - đang là Phó tổng thư ký VFF - từ chối ngồi ghế Tổng vì "muốn nhường cơ hội cho bạn".

Ông Dương Nghiệp Khôi (phải) rút lui, ông Ngô Lê Bằng (trái) trở thành ứng cử viên duy nhất cho ghế Tổng thư ký hình ảnh
Ông Dương Nghiệp Khôi (phải) rút lui, ông Ngô Lê Bằng (trái) trở thành ứng cử viên duy nhất cho ghế Tổng thư ký

Theo danh sách giới thiệu của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ trước đó, chỉ có 4 ứng cử viên cho ghế Tổng thư ký. Sau khi các ứng cử viên khác từ chối, ông Bằng là người duy nhất còn lại. Ban chấp hành VFF với 17 thành viên dự họp, có 15 người nhất trí đề cử ông Bằng. Đề nghị này được chủ tịch VFF chấp thuận và từ ngày 28/2/2012, ông Ngô Lê Bằng giữ ghế Tổng thư ký VFF.

Ông Ngô Lê Bằng từng được đào tạo ở nước ngoài cả về chuyên môn cầu thủ và huấn luyện. Ông có thâm niên làm HLV, trợ lý HLV từ cấp CLB đến đội tuyển. “Áp lực rất nhiều. Khối lượng công việc khổng lồ nhưng với kinh nghiệm hơn 40 năm gắn bó với bóng đá, bằng tâm huyết và sự hết mình tôi tin mình có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ với sự giúp đỡ của đồng nghiệp” - ông Bằng tự tin phát biểu sau khi nhận chức.

AFF Cup 2012, làm ấm mối quan hệ với VPF là hai vấn đề mà ông Ngô Lê Bằng có thể ghi dấu ấn. Vị tân Tổng thư ký của VFF tỏ ra khá dè dặt, không nhắc đến mục tiêu của tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2012, đồng thời khẳng định giải quyết mối quan hệ với VPF trên cơ sở những nguyên tắc của VFF. Trong mối quan hệ với truyền thông, ông Bằng khẳng định sẵn sàng hợp tác, đưa ra chính kiến riêng, theo cơ chế làm việc của VFF.

Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hy vọng trong khoảng hai đến bốn tuần, tân Tổng thư ký “sẽ thạo việc”. Tổng thư ký cũ Trần Quốc Tuấn hưởng lương 13 triệu một tháng. Ông Bằng cũng khởi đầu với mức lương này nhưng từ tháng Ba, ông sẽ nhận 25 triệu đồng mỗi tháng nhờ VFF mới có cơ chế tăng lương. Theo cơ chế mới, lương của Chủ tịch VFF được đề nghị mức 30 triệu đồng/tháng.

Cũng liên quan đến tiền lương, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết có thể trả cho HLV nội nắm Tuyển quốc gia 200 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên đến nay chưa biết ai sẽ được nhận khoản lương này.

Theo kế hoạch, Hội nghị BCH VFF chiều nay lẽ ra đã có thể công bố danh tính tân HLV tuyển Việt Nam. Phút chót, Hội đồng HLV Quốc gia không tiến cử nhân vật nào. Chưa tìm được HLV mới cho đội tuyển, nhưng BCH VFF đạt được một nhất trí là sẽ chọn HLV nội. Theo tiết lộ của ông Lê Hùng Dũng, trước khi chọn Falko Goetz, VFF từng tính đến việc dùng HLV nội, nhưng không ứng viên nào nhận lời bởi sợ mất việc ở CLB nếu thất bại khi dẫn dắt đội tuyển. Lần này, VFF có cơ chế “đủ hấp dẫn” để các HLV nội cảm thấy hào hứng và khó chối từ khi được mời. VFF sẽ đợi Hội đồng HLV Quốc gia tới đầu tháng Ba, thời điểm mà tổ chức này hứa chọn được tân HLV tuyển Việt Nam.

Chuyển giao hợp đồng thương quyền các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam cho Công ty VPF cũng là nội dung mà Hội nghị BCH VFF khoá VI đề cập tới. Những diễn biến từ việc tranh chấp bản quyền truyền hình với VPF khiến VFF chưa thể tiến hành công việc này.

Vài nét về tân Tổng thư kí VFF Ngô Lê Bằng
- Sinh năm: 1955, tại Hà Nội
- Từ năm 1972-1977: khoác áo Bộ tư lệnh Thủ Đô (sau này là Quân khu thủ đô)
- Từ 1977-1982: học ĐH TDTT Liên Xô cũ, chuyên ngành HLV thể lực
- Từ 1982-1985: trở lại khoác áo Quân khu thủ đô. Sau đó làm HLV phó, rồi HLV trưởng.
- Từ năm 1986-1990: giảng viên trường Cao đẳng sỹ quan Vynhempich (TP.HCM)
- Từ năm 1991-2000: phiên dịch cho Tổng lãnh sự quán Nga tại TP.HCM
- Mùa giải 2000-2001: trợ lý ngôn ngữ tại CLB Đà Nẵng
- Từ 2002-2005: giảng viên Trường ĐH TDTT TW II, phụ trách các lớp trẻ phía Nam của LĐBĐVN, HLV phó các đội tuyển U-18 và U-20 quốc gia
- Năm 2005: HLV phó CLB Bình Dương,
- Năm 2006: Trợ lý ngôn ngữ ĐTQG Việt Nam
- Năm 2007: Quyền HLV trưởng tuyển bóng đá nữ Việt Nam

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X