Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Bệnh thành tích của bóng đá Việt Nam: CĐV vô tội?

Thứ Tư 07/06/2017 15:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Sea Games 29 - mục tiêu lớn nhất của bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại. Từ lãnh đạo VFF đến HLV Nguyễn Hữu Thắng đều không dưới một lần nhắc đến giải đấu hàng đầu bóng đá Đông Nam Á như mục tiêu tối thượng.

 
Từng có không ít quan điểm cho rằng việc mãi chăm chăm vào mục tiêu Sea Games khiến bóng đá Việt Nam không thể vươn mình. Người viết đồng tình với quan điểm đó. Đã đến lúc người Việt Nam cần loại bỏ căn bệnh thành tích từ những người chịu trách nhiệm về cả một nền bóng đá. Vấn đề là tại sao bóng đá Việt Nam lại coi trọng bệnh thành tích đến thế?
 
Benh thanh tich bong da Viet Nam CDV vo toi hinh anh
Việc gọi 7 cầu thủ của U20 Việt Nam tập trung lên ĐTQG gặp Jordan tại vòng loại Asian Cup 2019 cho thấy HLV Hữu Thắng rất coi trọng Sea Games 29.

Một câu chuyện khác không liên quan đến bóng đá nhưng lại phản ánh vì sao căn bệnh thành tích bám rễ lâu đến thế trong xã hội ở mọi lĩnh vực. Đó là việc bỏ chấm điểm học sinh tiểu học. Khi ý kiến này được đưa ra, một bộ phận không nhỏ các vị phụ huynh e ngại sẽ chẳng biết đánh giá sự tiến bộ trong học tập của các em ra sao.
 
Thậm chí, chẳng ít phụ huynh mong... để lại như cũ. Bởi ít nhất họ có thể biết con em mình học hành ra sao qua bảng điểm, qua giấy khen. Hay nói một cách khác, người Việt Nam đánh giá thành công của sự việc qua những gì nhìn thấy được, đo đếm được mà không quan tâm đến những giá trị không đo đếm được.
 
Ở Phần Lan, quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới hiện nay, trẻ em không bao giờ phải lo lắng về những bài thi. Người Phần Lan thay vì đánh giá con trẻ qua những giá trị thấy được là điểm kiểm tra, là giấy khen thì họ đánh giá qua những điều không thấy được: Trẻ em có thích đến trường hay không? Có thích khám phá khoa học hay không?... Hay nói cách khác, chính các vị phụ huynh khiến căn bệnh thành tích trở nên trầm trọng.
Bệnh thành tích - CĐV vô tội?
 
Sẽ ra sao nếu Hoàng Đức đệm bóng thành bàn giúp U20 Việt Nam đánh bại U20 New Zealand ở trận mở màn? Sẽ ra sao nếu cú sút xa của Quang Hải đi vào lưới thay vì đập trúng cột dọc, giúp U20 Việt Nam có được một kết quả hòa ở trận cuối gặp Honduras? Nếu 2 tình huống đó xảy ra và U20 Việt Nam vượt qua vòng bảng, HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ được đối xử rất khác.
 
Benh thanh tich cua bong da Viet Nam CDV vo toi hinh anh 2
HLV Hoàng Anh Tuấn phải chịu rất nhiều sức ép dù vừa làm nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam.

Khi U20 Việt Nam về nước, HLV Hoàng Anh Tuấn phải chịu rất nhiều áp lực dù ông cùng các học trò làm nên lịch sử không chỉ cho bóng đá Việt Nam, mà cho cả Đông Nam Á. Không ít cổ động viên chê bai cách làm việc của HLV Hoàng Anh Tuấn, chê lối đá của ông, chê thua Pháp đậm quá,...
 
Liệu bao nhiêu trong số những người chê HLV Hoàng Anh Tuấn thực sự hiểu về chiến thuật, thực sự biết về bóng đá một cách thực thụ? Hay cứ thấy U20 Việt Nam về nước là... chê, mà chẳng biết đấu trường đó là gì. Một quốc gia có đội tuyển chỉ đứng thứ 136 trong bảng xếp hạng FIFA tháng 5 rời đấu trường World Cup chẳng có gì đáng xấu hổ.
 
Vấn đề là giống các vị phụ huynh tiểu học, người ta thích nhìn thấy một thành tích gì đó để đo đếm hơn. Ai cũng thấy rất nhiều CĐV Việt Nam háo hức ra sao về đấu trường Sea Games. Tâm lý chung của những CĐV đó là Việt Nam chẳng làm gì ở đấu trường châu Á, đấu trường thế giới nên chẳng cần phải nghiêm túc tham gia. Có chăng, họ vẫn mong các lứa tuyển của Việt Nam có thể tung hoành ở Đông Nam Á, ở Sea Games hay AFF Cup như những gì người Thái đã và đang làm.
 
Nhìn những gì xảy ra với HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ thấy rõ điều đó. Ông giúp U20 Việt Nam trở thành đội tuyển đầu tiên của bóng đá nước nhà ra mắt tại đấu trường World Cup sân 11 người. Ông làm nên lịch sử với 1 điểm có được. Nhưng rốt cuộc, vị chiến lược gia người Khánh Hòa trở về rồi bị người ta đem ra "đấu tố" chỉ vì cái tội không thể giúp U20 Việt Nam đi tiếp, không thể thắng các đối thủ được đánh giá cao hơn như New Zealand hay Honduras.
 
Cựu danh thủ Trần Minh Chiến - một thành viên trong ban huấn luyện U20 Việt Nam tham dự World Cup - trải lòng rằng HLV Hoàng Anh Tuấn đã phải chịu rất nhiều sức ép từ giới truyền thông và người hâm mộ. Sau giải đấu, vị chiến lược gia họ Hoàng quyết định nghỉ ngơi một phần vì mệt mỏi thể xác, nhưng phần nhiều là gánh nặng về mặt tinh thần.
 
Benh thanh tich cua bong da Viet Nam CDV vo toi hinh anh 3
CĐV Việt Nam rất cuồng nhiệt nhưng lại góp một phần vào bệnh thành tích của bóng đá nước nhà.

Khi làm nên lịch sử tại đấu trường World Cup, HLV Hoàng Anh Tuấn còn phải chịu nhiều áp lực đến thế thì dễ hiểu tại sao những người làm bóng đá Việt Nam không mặn mà tại đấu trường châu Á, hay xa hơn là thế giới. Việt Nam khó làm nên bất ngờ và khi về nước, VFF hay chiến lược gia dẫn dắt sẽ phải "giơ đầu chịu báng" như cái cách HLV Hoàng Anh Tuấn phải chịu.
 
Thế nên Sea Games vẫn là lựa chọn "an toàn" hơn để vuốt ve căn bệnh thành tích vẫn âm ỉ cháy trong lòng người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Vấn đề là kể cả thắng những đối thủ yếu hơn tại Đông Nam Á thật đậm đi chăng nữa, các cầu thủ sẽ học được gì?
 
Thà thua Nhật, thua Pháp, thua Argentina thật đậm nhưng tìm ra những bài học quý báu, còn hơn quanh quẩn tìm ngôi vô địch ở ao làng Đông Nam Á. Vấn đề là người hâm mộ hay các "vị phụ huynh" cần cái gì: Một tấm giấy khen đẹp hay các cầu thủ "con cưng" có được những bài học bổ ích?
 
Như Đạt (TTVN)
 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X