Man United lại phải đón nhận một thất bại vào cuối tuần vừa rồi và hiện tại, họ đã tụt xuống vị trí thứ 15 trên bảng xếp hạng Premier League. Nhìn tổng thể về mớ vấn đề Man United đang gặp phải vào lúc này, huấn luyện viên Ruben Amorim có lẽ không phải là nguyên nhân chính dẫn tới sự tệ hại này.
![]() |
Sau thất bại 0-1 trước Tottenham vào chiều Chủ nhật, Man United hiện nằm trong nhóm 6 đội cuối bảng và đối mặt với mùa giải tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ. Nhưng điều khó tin hơn là một đội bóng như Man United đang phải đứng trước khả năng xuống hạng dù mới chỉ qua 25 trận của mùa giải 2024-25. Họ chưa bao giờ xếp dưới vị trí thứ 8 trong kỷ nguyên Premier League. Và ở thời điểm hiện tại, siêu máy tính của Opta cũng chỉ đưa ra 9,0% cơ hội cho Man United kết thúc ở nửa trên bảng xếp hạng.
Đây là một thời điểm đen tối trong lịch sử của câu lạc bộ Man United. Họ đã thua 12 trận tại giải mùa này, thành tích tệ nhất sau 25 trận kể từ mùa giải 1973-74 – mùa giải cuối cùng họ bị xuống hạng.
Và phong độ của họ cũng không xứng đáng nhận được kết quả tốt hơn. Theo mô hình điểm kỳ vọng (xPts) của Opta, dựa trên dữ liệu bàn thắng kỳ vọng (xG) để đo lường chất lượng thi đấu của các đội dựa trên các cơ hội họ tạo ra, Man United cũng chỉ xứng đáng đứng thứ 14 - vị trí chỉ cao hơn một bậc so với vị trí hiện tại của đội chủ sân Old Trafford.
![]() |
Màu đỏ: số điểm thực tế | Màu tím: số điểm kỳ vòng |
Điều này không phải là một nghiên cứu khoa học chính xác và không thể được coi là bằng chứng cụ thể về việc một đội chơi tốt hay tệ. Nhưng trong suốt mùa giải, mô hình điểm kỳ vòng (xPts) vẫn là một thước đo đủ tốt để đánh giá một đội đang nhận được thành quả đúng với màn trình diễn của họ trên sân hay không. Việc Man United đang đứng thứ 15 nhưng chỉ xứng đáng đứng thứ 14 theo mô hình xPts cho thấy bảng xếp hạng hiện tại không phải là sự phản ánh không công bằng với cách họ thi đấu xuyên suốt từ đầu mùa giải tới giờ.
Như thường lệ khi một câu lạc bộ gặp khủng hoảng, cuộc thi đổ lỗi sẽ bắt đầu diễn ra. Với tình hình hiện tại, huấn luyện viên Ruben Amorim cũng không phải là nhân vật bị chỉ trích quá nhiều vì ông phải tiếp quản một câu lạc bộ đã có vấn đề trên sân cỏ trong suốt một thời gian dài.
Man United vốn đã sa sút trong thập kỷ qua, họ đã có 6/10 mùa giải nằm ngoài nhóm tham dự Champions League và liên tục thay HLV - những sự thay đổi và thành tích khiến uy danh của CLB bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng thực tế, ngay cả khi chúng ta so sánh với "tiêu chuẩn tệ hại" đó thì mùa giải này vẫn bị coi là đỉnh điểm của sự tệ hại. Ngay cả ở thời kỳ đen tối của Ralf Rangnick, khi bầu không khí tại câu lạc bộ tồi tệ chẳng khác gì bây giờ, Man United vẫn loạng choạng để cố gắng cán đích ở vị trí thứ 6 – điều mà họ hiện tại chỉ có thể chạm tới trong...mơ.
Dù vậy, Amorim cũng không hoàn toàn vô tội về chuỗi thành tích lên lên, xuống xuống này của Man United. Ông đã có một vài quyết định đáng nghi ngờ kể từ khi chuyển đến Anh. Phát biểu trong cuộc họp báo sau một trận thua nặng nề rằng “chúng tôi có thể là đội bóng tệ nhất trong lịch sử Man United” chắc chắn đã thu hút sự chú ý không cần thiết từ giới truyền thông. Và mặc dù có thể hiểu được khi ông đẩy Marcus Rashford sang Aston Villa theo dạng cho mượn, nhưng nhiều người hâm mộ của Man United vẫn sẽ tự hỏi liệu đó có phải là quyết định khôn ngoan nhất hay không, đặc biệt khi Man United vẫn đang gặp khó khăn kéo dài trên hàng công.
![]() |
Không một ai trong bộ ba tấn công của Man United đá chính trước Tottenham (Rasmus Højlund, Joshua Zirkzee và Alejandro Garnacho) ghi bàn ở Premier League kể từ trận thua Nottingham Forest vào ngày 7 tháng 12. Garnacho - người đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất của United trước Tottenham có tỷ lệ chuyển hóa cơ hội ngon ăn kém nhất trong số những cầu thủ có ít nhất 10 cơ hội ăn bàn ở Premier League mùa này. Cầu thủ người Argentina chỉ ghi được 2 bàn từ 14 cú dứt điểm (14,3%). Trong khi đó, Marcus Rashford (4 bàn) – người đã chơi trận cuối cùng cho Man United trong thất bại trước Nottingham Forest lại có nhiều bàn thắng ở Premier League cho Man United mùa này hơn bất kỳ ai trong ba cầu thủ đá chính vào hôm Chủ nhật vừa rồi.
Rashford có lẽ đã có quá nhiều cơ hội tại Old Trafford và nhưng xét về góc độ của Amorim, ông cũng có đủ lý do để đưa ra quyết định dứt khoát như vậy. Nhưng chắc chắn các CĐV Man United cũng cảm thấy đôi chút hụt hẫng khi thấy cầu thủ sinh năm 1997 thi đấu sắc bén và đầy quyết đoán trong màu áo Aston Villa.
Dẫu vậy, Ruben Amorim cũng chưa ở câu lạc bộ Man United đủ lâu để có thể bị đánh giá quá khắt khe. Trước hết, vấn đề trên hàng công của Man United đã xuất hiện từ trước khi ông đến. Đội bóng mới chỉ ghi được 28 bàn sau 25 trận Premier League mùa này (trung bình 1,12 bàn/trận), nhưng trước khi ông tiếp quản, con số này là 12 bàn sau 11 trận (1,09 bàn/trận - thông số gần như tương đương).
Tính từ đầu mùa, họ có thành tích ghi bàn kém hơn chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) nhiều hơn bất kỳ đội nào khác ở Premier League, Họ bị âm 8.8 bàn thắng (không tính phản lưới nhà) dù có tổng giá trị bàn thắng kỳ vọng đạng mức 35.8 xG. Rõ ràng, vấn đề của Man United có phần sâu xa hơn bất kỳ ảnh hưởng ngắn hạn nào từ chiến thuật hay cách quản lý nhân sự của Ruben Amorim.
![]() |
Bản đồ các cú sút và thông số bàn thắng của Man United tại Premier League mùa 24/25 |
Vào Chủ nhật trước Tottenham, Ruben Amorim cũng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chấn thương cực lớn khiến chỉ có 12 cầu thủ đội một sẵn sàng thi đấu. Và tất nhiên, Ruben Amorim có rất ít thời gian để chuẩn bị với một đội hình xuất phát gần như không có lựa chọn thay thế.
Băng ghế dự bị của Man United ngày hôm đó có đến 8 cầu thủ tuổi teen – một kỷ lục tại Premier League. Dù đây đều là những tài năng trẻ đầy triển vọng, nhưng không có ai thuộc dạng "ngôi sao dự bị" như Kobbie Mainoo hay Lenny Yoro. Không ai trong số 8 cầu thủ này từng ra sân cho đội một Man United trước đó. Người duy nhất có kinh nghiệm chơi bóng chuyên nghiệp – Ayden Heaven, cũng mới chỉ có 10 phút thi đấu ở League Cup cho Arsenal.
Độ tuổi trung bình của băng ghế dự bị Man United ngày hôm đó chỉ là 19 tuổi 336 ngày. Con số này đã khiến đây trở thành băng ghế trẻ thứ 9 trong lịch sử Premier League (kể từ 2006-07) và trẻ thứ 2 kể từ khi giải đấu tăng số cầu thủ dự bị lên 9 người. Độ tuổi trung bình này còn bị kéo lên đáng kể nhờ sự có mặt của Victor Lindelöf (30 tuổi).
Man United vốn nổi tiếng với truyền thống sử dụng cầu thủ trẻ, đặc biệt là cầu thủ trẻ được đào tạo tại học viện của CLB. Họ luôn tự hào về điều đó bởi Man United luôn có ít nhất một cầu thủ từ học viện trong đội hình thi đấu kể từ năm 1937 - một chuỗi kéo dài 4.298 trận. Vì vậy, người hâm mộ luôn háo hức chứng kiến các cầu thủ trẻ được trao cơ hội tại Man United. Nếu không có Louis van Gaal, Marcus Rashford có thể đã không có bước ngoặt sự nghiệp như hiện tại.
Nhưng băng ghế dự bị hôm Chủ nhật của Man United lại quá non nớt. Nó khiến quyết định giữ nguyên đội hình đá chính đến tận phút bù giờ của Amorim là hoàn toàn hợp lý. Trong suốt 90 phút thi đấu chính thức, ông không thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào. Phải đến vài phút bù giờ cuối trận, Chido Obi-Martin – tài năng trẻ rất được kỳ vọng mới được tung vào sân. Chido Obi-Martin trở thành cầu thủ trẻ thứ ba trong lịch sử Man United ra sân từ băng ghế dự bị ở Premier League (17 tuổi 79 ngày), số tuổi chỉ xếp sau Angel Gomes (16 tuổi 263 ngày, tháng 5/2017) và Shola Shoretire (17 tuổi 19 ngày, tháng 2/2021).
![]() |
Dàn dự bị của Man United trong trận gặp Tottenham
|
Sau khi để James Maddison ghi bàn sớm, Man United đã có cơ hội gỡ hòa, nhưng cả Garnacho và Zirkzee đều đã bỏ lỡ những cơ hội tốt nhất cho đội khác. Trong khi đó, thủ môn Guglielmo Vicario của Tottenham lại tỏ ra xuất sắc trong ngày trở lại sau chấn thương. Amorim quyết định rằng những cầu thủ kinh nghiệm trên sân vẫn là hy vọng lớn nhất để tìm kiếm bàn gỡ hòa, chính vì thế ông không muốn đưa bất kỳ cầu thủ trẻ nào để hy vọng vào sự bùng nổ bất chợt.
“Đây là giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới,” Amorim nói với BBC. “Tôi đang cố gắng bảo vệ những cầu thủ trẻ này. Tôi cảm thấy đội bóng đang nỗ lực ghi bàn và tôi không muốn thay đổi các vị trí trên sân. Bạn phải đọc trận đấu, hiểu những gì bạn thấy trên sân tập. Đội bóng đang tạo áp lực để tìm bàn thắng và tôi không cảm thấy cần thiết phải thay đổi gì trong đội hình của mình vào thời gian đó.”
Man United thực tế không chơi tệ chút nào. Tottenham là đội tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn hơn 2.23 xG, nhưng Man United cũng có đến 1.52 xG ở trận này. Dường như phong độ kém cỏi gần đây đã làm mất đi sự tự tin của các cầu thủ tấn công của Man United. Việc đối đầu với một đối thủ mạnh (với một số trụ cột vừa trở lại sau khủng hoảng chấn thương) mà không có nhiều lựa chọn dự bị là một nhiệm vụ rất khó khăn. Giống như Tottenham, việc phải chơi ở đấu trường châu Âu cũng đang thử thách điểm giới hạn của đội hình Man United vào lúc này.
![]() |
Thông số bàn thắng kỳ vọng theo từng thời điểm trận đấu giữa Tottenham và Man United |
Một số người có thể cho rằng Amorim nên linh hoạt hơn thay vì quá kiên định với sơ đồ 3-4-3 (dù thực tế ông không có đủ nhân sự để triển khai cách tiếp cận khác trước Tottenham). Một số người có thể chỉ trích việc để Casemiro bị lộ quá nhiều khoảng trống ở tuyến giữa là một sai lầm không thể bào chữa của Amorim.
Nhưng thực tế là Amorim đang phải đối mặt với hết thử thách này đến thử thách khác kể từ khi đến Man United. Ngay từ đầu, ông đã ở vào thế bất lợi khi xác định chuyển đến đây làm HLV. Ông không muốn chuyển đến giữa mùa giải, nhưng Man United đã nói với ông rằng đây là cơ hội “phải nhận bây giờ hoặc không bao giờ”. Và tất nhiên, với một lời đề nghị như thế, Amorim thật khó để từ chối sức hút từ đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh.
Vậy, quyết định bổ nhiệm Amorim có gây hại nhiều hơn lợi không? Xét về vị trí trên bảng xếp hạng, họ đang tệ hơn rất nhiều so với thời Erik ten Hag. Có khả năng một số cầu thủ đã mất niềm tin vào HLV Ruben Amorim ngay cả khi triều đại của ông vẫn chưa thực sự bắt đầu. Bây giờ, khi nhìn lại mọi thứ, chúng ta có thể dễ dàng đưa ra nhận định Man United đã mắc sai lầm khi cố gắng bổ nhiệm Ruben Amorim ở giai đoạn giữa mùa. Họ đáng ra nên kiên nhẫn hơn để lắng nghe mong muốn từ Amorim và ra quyết định bổ nhiệm ông vào mùa hè cũng chưa muộn.
Ruben Amorim đang phải tiếp quản một CLB đang cắt giảm cả chi tiêu ngoài sân cỏ và rơi vào giai đoạn tồi tệ nhất trên sân cỏ trong nhiều năm trở lại đây. Ít nhất, Ruben Amorim vẫn xứng đáng nhận được một chút sự thông cảm cho hoàn cảnh mà ông đang phải đối mặt.
Theo Ali Tweedale (The Analyst)